.jpg)
GIÁ NĂNG LƯỢNG CAO KHIẾN NỀN CÔNG NGHIỆP GẶP KHÓ
Chính phủ mới của Đức sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ đầy thách thức nhằm đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi hai năm suy thoái liên tiếp.
Việc giảm chi phí năng lượng sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi kinh tế của Đức sau ba năm giá điện và khí đốt tự nhiên tăng vọt và biến động mạnh kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022.
Chi phí năng lượng cao ảnh hưởng nhiều ngành công nghiệp
Giá điện trong nước đã rất biến động trong những tháng gần đây do tốc độ gió thấp. Đức đã trải qua bốn tháng có gió yếu hơn bình thường, làm giảm sản lượng điện gió, đẩy giá điện lên cao và khiến nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch. Giá điện tăng trong năm nay do giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cao hơn giữa mùa đông lạnh giá, sản lượng điện gió thấp và tốc độ tiêu thụ khí đốt nhanh hơn mức bổ sung dự trữ.
Trong vài năm qua, chi phí năng lượng cao đã ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp chủ chốt của Đức, bao gồm sản xuất ô tô, luyện thép và hóa chất. Các ngành công nghiệp từng được tôn vinh của Đức đang dần mất khả năng cạnh tranh do lợi nhuận bị thu hẹp, dẫn đến nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Thậm chí, các hãng xe hơi Đức đã đề xuất cắt giảm việc làm ngay tại Đức, điều mà vài năm trước họ còn khó nghĩ đến.
Người dân Đức đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử nhanh ngày 23/2 khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu vừa ghi nhận năm suy thoái thứ hai liên tiếp.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức giảm 0,2% vào năm 2024 so với năm trước, đánh dấu năm suy giảm thứ hai liên tiếp.
Bà Ruth Brand, Chủ tịch Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, nhận định: “Áp lực chu kỳ và cấu trúc đã cản trở sự phát triển của kinh tế Đức trong năm 2024”.
“Những yếu tố này bao gồm sự cạnh tranh gia tăng đối với ngành xuất khẩu Đức trên các thị trường quan trọng, chi phí năng lượng cao, lãi suất vẫn ở mức cao và triển vọng kinh tế không chắc chắn. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Đức một lần nữa suy giảm vào năm 2024”, bà Brand nói thêm.
Áp lực đối với chính phủ mới
Trong cuộc bầu cử ngày 23/2, cử tri Đức đã trao quyền cho đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) để bắt đầu đàm phán thành lập chính phủ mới. Ông Friedrich Merz, lãnh đạo CDU, có khả năng cao sẽ trở thành thủ tướng Đức.
Ngoài việc phải điều hướng bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp, chính phủ mới của Đức sẽ phải đối mặt với những vấn đề cấp bách nhất trong nước: khôi phục nền kinh tế và ngành công nghiệp cũng như giảm hóa đơn năng lượng cho doanh nghiệp và hộ gia đình.
Các doanh nghiệp đang thúc giục chính phủ mới hành động nhanh chóng và quyết liệt để giảm chi phí năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng, giúp Đức lấy lại khả năng cạnh tranh.
Ông Markus Krebber, Giám đốc điều hành tập đoàn điện lực Đức RWE, nói: “Bước quan trọng đầu tiên bây giờ là nhanh chóng biến kết quả bầu cử thành một chính phủ mạnh mẽ, có năng lực hành động và sẵn sàng cải cách”.
Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định với giá cả cạnh tranh là điều kiện tiên quyết để Đức hồi sinh nền kinh tế và củng cố ngành công nghiệp, ông Krebber nhấn mạnh trong một bài đăng trên LinkedIn sau cuộc bầu cử.
Ông Christian Bruch, Giám đốc điều hành Siemens Energy, kêu gọi các biện pháp chính sách năng lượng, bao gồm hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp, đấu thầu ít nhất 12 gigawatt (GW) nhà máy điện khí mới để hỗ trợ quá trình loại bỏ than, mở rộng điện gió và lưới điện, cũng như một chính sách chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô.
“Trong tình hình toàn cầu và kinh tế vô cùng khó khăn, Đức cần một chính phủ ổn định càng sớm càng tốt”, bà Hildegard Müller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA), bình luận về kết quả bầu cử.
“Các doanh nghiệp nói chung, và đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ - trụ cột của sự thịnh vượng - không thể tiếp tục gánh chịu giá năng lượng cao và các mức thuế, phí như hiện nay”, bà Müller nhấn mạnh.
“Một cam kết với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đi kèm với các biện pháp cụ thể hứa hẹn mang lại sự hỗ trợ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”, bà nói.
Các ngành công nghiệp chủ chốt và các nhà sản xuất điện của Đức hy vọng chính phủ mới sẽ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ và quyết đoán để đối phó với sự suy giảm công nghiệp, bao gồm cải cách chính sách năng lượng.
THỦ TƯỚNG MỚI LIỆU CÓ THỂ ĐOÀN KẾT CHÂU ÂU?
Cho đến nay, sự thống nhất của châu Âu vẫn chưa rõ ràng
Ông Friedrich Merz – người có nhiều khả năng trở thành thủ tướng Đức tiếp theo – cho biết ông hướng đến mục tiêu đoàn kết châu Âu và thúc đẩy khu vực này giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng có một câu nói nổi tiếng: “Tôi sẽ gọi cho ai nếu muốn nói chuyện với châu Âu?”. Theo trang tin The Conversation, câu nói này ám chỉ những bất cập của châu Âu trong việc phối hợp trên một mặt trận thống nhất trên trường quốc tế.
Những rạn nứt nội bộ về vấn đề nhập cư, chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, xung đột Nga-Ukraine và sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến sự thống nhất và đoàn kết của châu Âu gặp thêm nhiều rào cản.
Tuy nhiên, hiện tại, châu Âu đang đứng trước cơ hội mới để thiết lập sự thống nhất của khu vực. Ngay sau khi Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của ông Friedrich Merz giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Đức, ông đã khẳng định: “Ưu tiên tuyệt đối của tôi sẽ là củng cố châu Âu càng nhanh càng tốt để từng bước chúng ta thực sự có thể giành được thế độc lập với Mỹ”.
The Conversation đánh giá phát ngôn của ông Merz – người được cho có nhiều khả năng trở thành thủ tướng Đức tiếp theo – cho thấy quyết tâm của ông trong việc thể hiện rõ vai trò của Đức trong Liên minh Châu Âu (EU), đưa khối này thống nhất cả trong quan điểm và hành động.
Ông Merz sẽ tiếp nối các chính sách của bà Merkel?
Trước ông Merz, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo được nhiều người biết đến dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà giữ vai trò thủ tướng Đức từ năm 2005 đến năm 2021.
Trong thời gian này, bà đẩy mạnh các cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng sạch, chào đón hàng trăm ngàn người tị nạn trong cuộc khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015 và ủng hộ vai trò lãnh đạo của Đức tại EU. Bà Merkel cũng có quan hệ tốt với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phối hợp truyền đạt tầm nhìn về một châu Âu thống nhất và các giá trị cốt lõi của châu Âu đến thế giới.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thường mô tả bà Merkel là đồng minh thân cận nhất của ông, ca ngợi tầm nhìn nhân đạo của bà về tị nạn. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, bà đã gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác với chính quyền Mỹ.
Vào năm 2017, bà Merkel cũng cảnh báo rằng cả Đức và EU đều không thể trông cậy vào Mỹ như trước đây, đồng thời thúc giục các quốc gia châu Âu tự quyết định vận mệnh và lợi ích của họ.
Mặc dù bà Merkel và ông Merz cùng đại diện cho cùng một đảng chính trị nhưng tầm nhìn của họ đối với nước Đức và EU lại khác nhau. Theo các chuyên gia, chương trình nghị sự của ông Merz ưu tiên giảm sự can thiệp của chính phủ, giảm bớt bộ máy quan liêu, giảm thuế và cải cách theo hướng có lợi cho thị trường. Ông Merz cũng muốn củng cố biên giới Đức bằng chính sách hạn chế nhập cư.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tìm thấy điểm tương đồng trong chương trình nghị sự của ông Merz so với bà Merkel. Ông Merz cũng ủng hộ cả châu Âu,Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và muốn xây dựng nước Đức thành cường quốc.
Ông Merz sẽ đoàn kết châu Âu thành công?
Trong ngày diễn ra bầu cử, ông Merz phát biểu rằng: "Người Mỹ – ít nhất là một bộ phận người Mỹ hiện nay, chính quyền hiện nay, phần lớn thờ ơ với số phận của châu Âu".
"Chúng ta không còn chắc chắn liệu người Mỹ có còn đứng về phía chúng ta như sau năm 1945 hay không. Liệu chúng ta có thể vẫn dựa vào người Mỹ hay không" – ông nói.
Ông Merz cũng chỉ trích gay gắt Phó Tổng thống Mỹ JD Vance vì đã có những phát biểu chỉ trích mạnh Đức và châu Âu vào giữa tháng 2. Ông Merz cáo buộc ông Vance "can thiệp khá công khai vào một cuộc bầu cử Đức". Ông cũng chỉ trích các chính sách thương mại của ông Trump, bao gồm các mối đe dọa về thuế quan mới đối với hàng hóa và dịch vụ của châu Âu.
Tuy nhiên, ông Merz cũng muốn "làm mọi thứ có thể" để duy trì mối quan hệ Mỹ-EU tốt đẹp. "Nếu mối quan hệ này bị phá hủy, điều đó không chỉ gây bất lợi cho châu Âu mà còn gây bất lợi cho nước Mỹ" – ông Merz nói.
Hướng đi rõ ràng để đoàn kết châu Âu.
"Đức phải một lần nữa đảm nhận vai trò lãnh đạo ở châu Âu, không phải từ trên xuống, mà là với Pháp, với Ba Lan, với một EU vững mạnh" – ông Carsten Linnemann, tổng thư ký CDU, khẳng định trong chiến dịch tranh cử.
Theo đài DW, CDU/CSU cũng chỉ trích cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào giữa tháng 11-2024. Phía CDU tin rằng các sáng kiến được phối hợp với các đối tác như Pháp, Anh và Ba Lan sẽ hiệu quả hơn việc đối thoại đơn lẻ.
"Thông điệp phải rất rõ ràng: Châu Âu đoàn kết và thống nhất" – ông Merz nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cũng lưu ý: “Nếu chúng ta muốn được coi trọng như những người bình đẳng, chúng ta với tư cách là người châu Âu phải tự đặt mình vào vị trí chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình".
Đến thời điểm hiện tại, liên minh CDU/CSU cũng thể hiện rõ quan điểm về vấn đề Ukraine. Họ nhất trí rằng các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine không thể được tiến hành nếu không có sự tham gia của Ukraine và châu Âu. Điều này phù hợp với chính sách của EU từ trước đến giờ về vấn đề Ukraine. Do đó, chính phủ mới của ông Merz có thể nhận được sự được sự ủng hộ từ nhiều thành viên EU.
Nguồn: Việt Báo; Pháp Luật
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá