Đức: Tâm điểm mới vụ điều tra Nord Stream; Thủ tướng kêu gọi Ukraine sớm dừng xung đột; Thăng trầm quan hệ kinh tế với Hy Lạp

CÁO BUỘC BA LAN PHÁ HOẠI CUỘC ĐIỀU TRA VỤ NORD STREAM

Tâm điểm mới của cuộc điều tra

Theo tin mới nhất vụ Nord Stream, các nhà điều tra Đức hiện cáo buộc Ba Lan không thực hiện lệnh bắt giữ và truy nã toàn châu Âu với nghi phạm chính vụ Nord Stream.

Huấn luyện viên lặn người Ukraina Volodymyr Z sống ở Warsaw, Ba Lan đã bị Tòa án Công lý Liên bang Đức phát lệnh bắt giữ tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, nghi phạm chính vụ Nord Stream đã rời Ba Lan về Ukraina.

Một quan chức Đức cáo buộc Ba Lan đang phá hoại cuộc điều tra. Một nguồn thạo tin khác gọi vụ việc là "cản trở công lý". Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức cho biết, rõ ràng chính phủ Ba Lan đã để nghi phạm tẩu thoát để che đậy sự liên quan của chính họ trong vụ tấn công đường ống dẫn khí. Ông tin rằng, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky biết về kế hoạch tấn công đường ống Nord Stream và Nord Stream 2. Những hoạt động có quy mô như vậy là không thể hình dung được nếu không có sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo chính trị của các quốc gia liên quan.

Cáo buộc

Các nhà điều tra Nord Stream ở Đức cáo buộc, 6 người trên du thuyền Andromeda bị cáo buộc cài chất nổ vào đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 đã được đào tạo tại Ba Lan. Warsaw có thể đã cung cấp hỗ trợ hậu cần cho hoạt động phá hoại dưới nước.

Các thành viên bị nghi mang lên du thuyền Andromeda các thiết bị cần thiết cho vụ tấn công Nord Stream tại khu nghỉ mát ven biển Kołobrzeg - nơi du thuyền dừng chân 7 ngày trước vụ nổ đường ống dẫn khí.

Các nhà điều tra Đức cũng cáo buộc chính quyền Ba Lan cố tình che giấu các đoạn video ghi hình du thuyền ở Kołobrzeg. Sự từ chối của Ba Lan là điều làm dấy lên nghi ngờ của Đức.

Chính phủ Đức

Trong diễn biến khác, tin mới nhất vụ Nord Stream của TASS dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn biết thủ phạm đứng sau vụ nổ Nord Stream. Theo người phát ngôn, vụ phá hoại Nord Stream vẫn nằm trong chương trình nghị sự của Berlin khi tiếp xúc với Kiev. Chúng tôi đang đàm phán với phía Ukraina và tôi nghĩ rằng Tổng thống Ukraina cũng đã công khai tuyên bố rằng chính phủ của ông không liên quan đến vụ việc này.

Phản ứng từ phía Ba Lan

Ba Lan vô cùng tức giận với những cáo buộc từ Đức. Jacek Siewiera, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Ba Lan, chia sẻ, lời cáo buộc rằng Ukraina đã thực hiện vụ việc này với sự cho phép của Ba Lan là hoàn toàn vô căn cứ.

Ông cho biết, những cáo buộc đến từ nhóm các cựu quan chức thân Nga hiện không còn nắm quyền. Tôi hy vọng rằng chúng ta không phải đối phó với một chiến dịch thông tin sai lệch có tổ chức, trong đó mọi người đã để mình bị lợi dụng để đổ lỗi cho Ba Lan. Quan chức này khẳng định, Ba Lan đang điều tra mọi manh mối.

Phản ứng từ phía Ukraina

Một sĩ quan cấp cao sống tại một thành phố lớn của Ukraina và bị cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công đường ống Nord Stream cho biết: Thật nực cười khi tin rằng chúng tôi đã làm điều đó, nhưng nếu Ukraina đứng sau vụ tấn công, Đức nên dừng cuộc điều tra, vì đối với Kiev, đó là mục tiêu quân sự hợp pháp.

 

THỦ TƯỚNG ĐỨC KÊU GỌI UKRAINE NHNH CHÓNG KẾT THÚC XUNG ĐỘT

Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên kênh ZDF, hôm 07/09/2024, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã kêu gọi tăng cường nỗ lực ngoại giao để sớm chấm dứt xung đột và đạt được hòa bình ở Ukraina. Đồng thời, lãnh đạo chính phủ Đức cũng cho biết chi tiết cuộc trao đổi với tổng thống Volodymyr Zelensky một ngày trước đó tại Frankfurt.

Vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraine

Đức sẽ giao cho Ukraina các hệ thống phòng không mới cùng với 12 xe tăng trong những tháng tới. Với thông báo được đưa ra hôm 06/06, Berlin khẳng định tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev và thủ tướng Scholz nhấn mạnh “sẽ làm điều đó cho đến khi Ukraina hết cần được hỗ trợ”.

Nguyên nhân kêu gọi kết thúc chiến tranh

Tuy nhiên, ngân sách năm 2025, nếu được Nghị Viện thông qua, dự trù giảm một nửa khoản viện trợ chiến lược này, từ 8 tỷ xuống còn 4 tỷ euro. Do vậy, cần phải chấm dứt cuộc xung đột này. Sau hội nghị hòa bình đầu tiên vào tháng 6 vừa qua ở Thụy Sĩ, đã đến lúc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới.

Thủ tướng Scholz phát biểu: “Đây là lúc để thảo luận về cách thức mà chúng ta có thể thoát khỏi chiến tranh và đạt được hòa bình nhanh chóng hơn. Chắc chắn sẽ có một hội nghị hòa bình khác, và tổng thống Zelensky và tôi cùng nhất trí rằng hội nghị sẽ phải diễn ra với sự tham dự của Nga.”

 

 

THĂNG TRẦM QUAN HỆ KINH TẾ VỚI HY LẠP

Cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp năm 2014-2015

Lúc đó Athens đứng bên bờ vực phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đó là thời điểm “Grexit”, thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự rút lui giả định của Hy Lạp khỏi Eurozone, được thảo luận rộng rãi trên khắp lục địa. Các ngân hàng bị quốc hữu hóa, các công ty đóng cửa và người dân ở Hy Lạp mất tới 40% thu nhập. Nhiều người Hy Lạp đổ lỗi cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà họ cảm thấy là do Berlin áp đặt.

Quan hệ kinh tế được cải thiện

Một thập kỷ sau, nhiều thay đổi đã diễn ra trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Năm 2024, Hy Lạp có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất ở châu Âu. Từng bị coi là “đứa con có vấn đề” của khu vực Eurozone, Hy Lạp đã xoay chuyển tình thế với kỳ vọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay.

Nhờ thu nhập từ lĩnh vực du lịch tăng, Hy Lạp đã công bố thặng dư ngân sách cao trong những năm gần đây. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là quốc gia này đã kiếm được nhiều hơn số tiền đã chi. Hơn nữa, Hy Lạp  có thể tái cấp vốn cho khoản nợ với lãi suất thấp kỷ lục. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để tự mãn, vì tỷ lệ nợ tính trên GDP của Hy Lạp được dự báo sẽ lên tới 159% vào năm 2024. Con số này cao hơn so với giai đoạn trước khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu, đơn giản là vì hiệu suất kinh tế đã giảm đến 1/4 do hậu quả của cuộc khủng hoảng.

Nhưng nợ danh nghĩa không phải là vấn đề chính của Hy Lạp. Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, Giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Athens Panagiotis Petrakis cho biết: “Điều quan trọng hơn nhiều là người Hy Lạp tiếp tục công bố thặng dư ngân sách chính và đáp ứng các yêu cầu của EU”. Theo Giáo sư Petrakis, nếu điều đó xảy ra, đất nước này cũng sẽ có thể giảm tỷ lệ nợ trong những năm tới.

Theo báo cáo trên trang web kinh doanh Capital.gr, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Kostis Hatzidakis thậm chí còn muốn “gây bất ngờ” cho thị trường và đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ trên GDP xuống dưới 120% vào năm 2027.

Hy Lạp đã thực hiện các cải cách quan trọng và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để ứng phó với áp lực từ các chủ nợ. Vào tháng 2/2024, Ngân hàng trung ương Đức (Deutsche Bank) báo cáo kinh tế Hy Lạp đã có sự trở lại thần kỳ” và có “môi trường kinh tế vĩ mô nguyên vẹn”. Việc hiện đại hóa 14 sân bay khu vực của Fraport Greece, một công ty con của nhà điều hành sân bay Đức Fraport AG, được coi là một trong những dự án đầu tư mẫu mực của đất nước.

Mặc dù thành công kinh tế đạt được vượt quá mong đợi, nhưng không phải ai cũng vui vẻ. Có sự phản đối, chỉ trích liên quan đến cáo buộc “bán tháo tài sản công” cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nhóm cánh tả.

Nhưng ông Petrakis cho rằng khoản đầu tư vào Fraport đã thành công, cụ thể là vì người Đức đã đầu tư vào các sân bay nhỏ hơn, qua đó thu hút nhiều du khách đến Hy Lạp hơn. Ông nhấn mạnh rằng không chỉ nhà đầu tư Đức được hưởng lợi từ dự án mà cả nền kinh tế địa phương ở tất cả các khu vực mà Fraport hoạt động.   

Bất chấp mọi căng thẳng giữa hai quốc gia trong cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, Đức hiện là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Hy Lạp và là thị trường chính cho hàng xuất khẩu của quốc gia này. Và điều đó có tác dụng theo cả hai hướng. Các sản phẩm “Sản xuất tại Đức” cũng có nhu cầu rất lớn ở Hy Lạp. Khi nói đến hàng nhập khẩu, Đức đứng đầu danh sách của Hy Lạp.

Tập trung vào tăng trưởng bền vững

Theo các chuyên gia, Hy Lạp hiện cần quay trở lại con đường tăng trưởng bền vững và thịnh vượng mới là đầu tư nhiều hơn, trong đó bao gồm cả đầu tư từ Đức. Việc đầu tư như vậy đang ngày càng trở nên cấp thiết vì nhu cầu giảm tác động của lạm phát trong những năm gần đây và cắt giảm chi phí năng lượng. 

Theo ông Petrakis, Hy Lạp đã nhận được khoảng 40% số tiền dành cho quốc gia này từ quỹ phục hồi COVID-19 của EU. Nhưng ông khẳng định như vậy là chưa đủ. Ông cho biết: “Quan trọng là nhà đầu tư Đức và các nhà đầu tư nước ngoài khác phải tham gia nhiều hơn nữa, như trong lĩnh vực năng lượng hoặc vận tải”.

Ông đưa ra ví dụ về cảng Alexandroupoli ít được biết đến ở Đông Bắc Hy Lạp. Nằm ở vị trí chiến lược tại ngã ba của nhiều đường ống dẫn năng lượng và sẽ trở nên quan trọng hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu, ông Petrakis cho biết nơi này sẽ rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Nguồn: Lao Động; RFI; Bnews

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang