Đức: Sân bay Berlin vắng tanh; Cải cách luật bầu cử Quốc hội; Bộ trưởng Y tế bị tố nói dối; Kinh tế nhú mầm xanh

Vì sao sân bay giữa thủ đô Berlin, Đức vắng tanh?

(Ảnh minh họa).

Ngày 13/3, các sân bay ở Berlin, Bremen, Hamburg vắng lặng, lác đác vài người, dừng mọi chuyến bay thương mại.

Trong ngày đầu tuần (13/3), các sân bay tại Thủ đô Berlin và các thành phố Bremen, Hamburg của Đức đều thông báo, tạm dừng hoạt động hàng không thương mại vì cuộc đình công do công đoàn Verdi thực hiện phản đối vấn đề lương thưởng.

“Vì cuộc đình công đáng báo động của nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, sân bay Berlin không thể thực hiện các chuyến bay thương mại trong ngày 13/3. Các chuyến bay sắp tới cũng có thể bị ảnh hưởng”, sân bay Berlin cho biết.

Trong khi đó, sân bay Hamburg thông báo, ngày 13/3, các chuyến bay đến Hamburg có thể bị hoãn hoặc hủy. Sân bay Bremen cũng cho biết, không có chuyến bay nào khởi hành từ sân bay này trong cùng ngày.

Công đoàn Verdi đã kêu gọi nhân viên an ninh đình công vì bất đồng liên quan tới tiền lương làm việc đêm, cuối tuần và kỳ nghỉ vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Hiện đơn vị quản lý các sân bay chưa công bố cụ thể số lượng chuyến bay bị ảnh hưởng.

Trước đó, TP Berlin dự kiến 200 chuyến bay khởi hành từ sân bay của thủ đô này bị hủy, ảnh hưởng tới 27.000 hành khách.

Theo sân bay Hamburg, ít nhất 123 chuyến bay dự kiến khởi hành trong ngày 13/3 sẽ bị tác động và 121 chuyến bay đến có thể bị hoãn/hủy, dự báo ảnh hưởng tới 30.000 hành khách.

Hãng hàng không Lufthansa cho biết, đã thông báo tới khách hàng, đưa ra đề nghị lộ trình bay thay thế hoặc nếu có thể sẽ đặt vé cho hành khách đi tàu. Hãng nhấn mạnh, cuộc đình công này là giữa công đoàn và sân bay, không liên quan tới hãng hàng không.

Các hoạt động dự kiến sẽ trở lại bình thương vào sáng sớm ngày 14/3, đại diện Lufthansa cho hay.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt hoạt động đình công và biểu tình ảnh hưởng tới các công ty lớn của châu Âu bao gồm: Pháp, Anh và Tây Ban Nha trong bối cảnh giá năng lượng, thực phẩm tăng cao tác động tới thu nhập và điều kiện sống - hệ lụy từ đại dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine.

(Nguồn: Báo Giao Thông)

Liên minh cầm quyền ở Đức nhất trí cải cách luật bầu cử Quốc hội

Trong tương lai, chỉ lá phiếu thứ hai mới có tính quyết định đối với việc phân bổ số ghế trong Quốc hội Đức, trong khi phiếu bầu đầu tiên được gọi là "phiếu bầu của khu vực bầu cử."

Liên minh ba đảng cầm quyền ở Đức, gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã nhất trí cải cách luật bầu cử Quốc hội nước này, theo đó số nghị sỹ thường trực ở Đức sẽ giảm xuống cố định 630 nghị sỹ, thay vì mức 736 nghị sỹ như hiện nay.

Liên minh cầm quyền hồi cuối tháng 1/2023 đã trình lên Quốc hội bản dự thảo đầu tiên về cải cách luật bầu cử, trong đó đề xuất rút số ghế nghị sỹ xuống còn 598, song trong quá trình thảo luận cuối cùng đã nâng thêm số nghị sỹ lên tổng cộng 630 người phòng trường hợp các khu vực bầu cử riêng lẻ không có nghị sỹ nào được bầu trực tiếp vào Quốc hội theo lá phiếu đầu tiên.

Ngoài điều chỉnh quy mô số nghị sỹ, liên minh cầm quyền cũng đề xuất loại bỏ "điều khoản ủy nhiệm cơ bản," mà trước đây một đảng nhận được dưới 5% số phiếu bầu (trong lá phiếu bầu thứ hai) vẫn có thể có ghế ở Quốc hội nếu có ít nhất 3 nghị sỹ được bầu trực tiếp ở khu vực bầu cử (trong lá phiếu thứ nhất).

Vấn đề cải cách luật bầu cử đã được đưa ra thảo luận trong nhiều năm qua ở Đức do số thành viên Quốc hội trong những cuộc bầu cử gần đây tăng mạnh.

Năm 2021, số ghế nghị sỹ đã lên tới con số 736. Lý do khiến số nghị sỹ tăng lên là hệ thống bầu cử ở Đức khá phức tạp và cử tri phải bầu chọn vào hai lá phiếu, gồm lá phiếu thứ nhất chọn trực tiếp ứng cử viên theo danh sách đảng trong khu vực bầu cử (299) và lá phiếu thứ hai là bầu chọn cho một đảng vào Quốc hội, làm căn cứ để tính tỷ lệ số ghế mà một đảng giành được trong Quốc hội.

Theo luật cũ, trong trường hợp một đảng giành được ít ghế hơn trong lá phiếu thứ hai so với số ghế mà đảng đó giành được tại các khu vực bầu cử thông qua lá phiếu thứ nhất, đảng đó được thêm phần ghế "dôi ra," trong khi các đảng còn lại cũng được nhận số ghế bù tương tự.

Tuy nhiên, với cải cách mới, phần ghế dôi ra và phần ghế bù đều không còn được áp dụng. Số nghị sỹ theo luật định tới đây sẽ là 630 người.

Theo cách tính này, số khu vực bầu cử vẫn là 299, nhưng sẽ có 331 nghị sỹ được bầu thông qua danh sách bang thay vì 299 người như kế hoạch ban đầu.

Cách tính này để giảm xuống mức thấp nhất số nghị sỹ tuy giành chiến thắng ở khu vực bầu cử trong lá phiếu thứ nhất nhưng vẫn không vào được Quốc hội, song cũng đồng nghĩa với việc không có gì đảm bảo người chiến thắng trực tiếp ở khu vực bầu cử vẫn được bảo đảm có ghế ở Quốc hội (nếu kết quả ở lá phiếu thứ hai thấp hơn).

Theo dự thảo luật, trong tương lai, chỉ lá phiếu thứ hai mới có tính quyết định đối với việc phân bổ số ghế trong Quốc hội, được gọi là "phiếu bầu chính," trong khi phiếu bầu đầu tiên được gọi là "phiếu bầu của khu vực bầu cử."

Kế hoạch trên, được cho là sẽ gây bất lợi cho những đảng nhỏ như đảng Cánh tả, đã vấp phải sự phản đối của liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), đặc biệt là đảng CSU vốn được hưởng lợi từ số ghế dôi ra (CSU - chỉ hiện diện ở bang Bayern, đang có ghế trong Quốc hội do có 11 người chiến thắng trực tiếp ở khu vực bầu cử, nhiều hơn mức mà đảng này có được dựa trên kết quả lá phiếu thứ hai).

Tuy nhiên, việc thu hẹp quy mô Quốc hội sẽ giúp tiết kiệm các khoản trợ cấp, chi cho nhân viên, văn phòng và đi lại của các nghị sỹ.

Ngân sách năm 2023 của Đức ước tính dành khoảng 1,14 tỷ euro cho Quốc hội, năm 2018 là 974 triệu euro và năm 2016 là 857 triệu euro. Dự kiến, Quốc hội Đức sẽ quyết định vấn đề trên vào ngày 17/3 tới.

(Nguồn: VietnamPlus)

Bộ trưởng Y tế Đức bị tố nói dối để dễ thăng tiến

(Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach bị tố khai man là nhà nghiên cứu cho một dự án được chính phủ tài trợ khi đi xin việc vào những năm 1990.

Theo tờ Die Welt đưa tin hôm 12/3, ông Lauterbach từng tuyên bố phụ trách một dự án nghiên cứu căn bệnh ung thư vú do chính phủ Đức tài trợ, khi ông nộp đơn xin làm giáo sư tại Đại học Tubingen vào năm 1995. Tuy nhiên, dự án nghiên cứu mà ông này nhắc tới chưa từng tồn tại.

Sự việc xảy ra khi ông Lauterbach mới 32 tuổi và vừa nhận bằng Tiến sĩ Khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard. Trở lại Đức, ông đã ứng tuyển vào vị trí giáo sư ở Đại học Tubingen. Ông này nói rằng mình là người đứng đầu dự án nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị căn bệnh ung thư vú tại trung tâm ung thư ở thành phố Aachen của Đức.

Ngoài ra, ông Lauterbach nói rằng dự án đã nhận được 2 triệu Deutschmark (khoảng 1,38 triệu USD vào thời điểm đó) từ chính phủ Đức. Ông này còn hứa sẽ chuyển một phần trong khoản tiền cho Đại học Tubingen nếu mình được thuê.

Tuy nhiên, chính phủ Đức và trung tâm ung thư Aachen tiết lộ với Die Welt rằng dự án mà ông Lauterbach nhắc tới chưa bao giờ tồn tại. Một nghiên cứu ung thư tương tự từng được tiến hành tại Aachen, nhưng ông Lauterbach không được có tên trong danh sách các tác giả.

Ông Lauterbach cũng từng nói đã gây quỹ cho một nghiên cứu tại Đại học Princeton ở Mỹ, nhưng các nhân viên trong trường lại phủ nhận thông tin này. Ngoài ra, ông này còn cho biết đã nhận được 20.000 Deutschmark cho một dự án sách, nhưng số tiền này không bao giờ được trả vì cuốn sách chưa từng hoàn thành.

Vị Bộ trưởng Y tế Đức đã được mời vào làm việc tại Tubingen, nhưng lại từ chối để chuyển sang công tác ở Köln. Khi được tờ báo của Đức đặt câu hỏi hôm 12/3, ông Lauterbach nói “không thể nhớ về vụ việc”.

Theo Die Welt, ông Lauterbach cũng đã từ chối trả lời phỏng vấn tờ báo này.

(Nguồn: Vietnamnet)

Từ bên bờ vực thẳm, kinh tế Đức nhú mầm xanh

Đức đang tiến gần đến cuối quí đầu tiên của năm 2023 với cảm nhận lạc quan rằng cuộc khủng hoảng vào năm ngoái của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã lùi vào dĩ vãng.

Các nhà kinh tế không còn dự đoán kinh tế Đức sẽ thu hẹp trong năm nay, thay vào đó, chỉ chịu một cơn suy thoái nhẹ, có thể chấm dứt trong mùa xuân này. Một số ngân hàng bao gồm cả Goldman Sachs, thậm chí còn tin rằng cơn suy thoái này vẫn có thể được ngăn chặn.

Sản lượng công nghiệp và niềm tin kinh doanh cùng chỉ số chứng khoán DAX của Đức đạt mức cao nhất kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.

Nhà sản xuất ô tô Volkswagen lớn thứ hai thế giới của Đức dự báo doanh thu có thể tăng 15% lên mức 331 tỉ euro trong năm nay. Cùng lúc đó, quyết định tái mở cửa kinh tế của Trung Quốc mang lại triển vọng tươi sáng cho các nhà xuất khẩu Đức. Các nhà máy của Đức chứng kiến ​​sự gia tăng đơn đặt hàng từ nước ngoài khi năm 2023 bắt đầu.

Nhưng nhiều năm phụ thuộc vào năng lượng của Nga khiến Đức lo sợ nền kinh tế rơi vào “vực thẳm” vào năm ngoái trong trường hợp thiếu nguồn cung khí đốt trầm trọng do Moscow bóp nghẹt nguồn cung khí đốt, theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Tuy nhiên, đã không có cuộc khủng hoảng thiếu khí đốt nào trong mùa đông nhờ thời tiết ấm áp bất thường, trong khi mùa xuân đang sắp đến gần.

Cách đây chưa đầy bốn tháng, các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng kinh tế Đức đối mặt với mức suy giảm sâu nhất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) trong năm nay.

Nhưng trong thông điệp hồi đầu năm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lạc quan tuyên bố rằng ông tin sự sụt giảm như vậy sẽ không xảy ra. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thận trọng hơn, nhưng cũng khẳng định Đức đã tránh được các tình huống kinh tế xấu nhất.

Kinh tế Đức suy giảm giảm 0,4% trong quí 4 năm ngoái, chưa bằng một nửa dự đoán của Ủy ban châu Âu (EC) vào thời điểm đó.

Dự báo trung bình trong cuộc khảo sát hàng tháng của Bloomberg là GDP của Đức giảm 0,3% trong quí 1 năm nay. Nhưng dự đoán cho cả năm đã được cải thiện, cho thấy GDP của nước này sẽ không thay đổi, tức không tăng và cũng không giảm. Thậm chí, có những dự báo lạc quan hơn cho rằng kinh tế Đức có thể tăng trưởng nhẹ.

Trong tháng trước, chỉ số niềm tin doanh nghiệp của Viện nghiên cứu Ifo (Đức) tăng cao dự đoán, lên mức cao nhất trong một năm. Sản lượng công nghiệp của Đức tăng 3,5% trong tháng 1, cao hơn gấp đôi so với dự báo. Đơn đặt hàng của các nhà máy cũng bất ngờ tăng.

Volkswagen là một ví dụ về tâm lý lạc quan hơn của giới doanh nghiệp Đức. Trong tháng này, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu dự đoán doanh số bán hàng sẽ tăng vọt nhờ có đơn đặt hàng dồi dào và tình trạng căng thẳng nguồn cung chip hạ nhiệt.

Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Continental cũng bày tỏ niềm lạc quan tương tự. Nikolai Setzer, Giám đốc điều hành Continental, cho biết sau khi trải qua một năm đầy khó khăn, công ty ông đang hướng tới một triển vọng tăng trưởng, doanh số cao hơn cũng như thu nhập cao hơn.

Điều đã cứu vãn nền kinh tế Đức là sự kết hợp giữa một mùa đông với thời tiết ôn hòa, cần ít năng lượng sưởi ấm hơn và các nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo các nguồn khí đốt thay thế và mở rộng kho chứa nhiên liệu này.

Nhưng kinh tế Đức vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi khó khăn. Hiệp Hiệp hội các nhà chế tạo máy móc và thiết bị Đức (VDMA), báo cáo lượng đơn hàng hàng năm sụt giảm mạnh trong tháng 1 do các bất ổn dai dẳng dù các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã được nới lỏng.

Tâm lý của người tiêu dùng vẫn yếu, với lạm phát vẫn ở mức 9,3% và doanh số bán lẻ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1.

Nhà kinh tế trưởng Jens Ulbrich của Ngân hàng trung ương Đức cảnh báo đầu tư nhà ở có thể suy giảm. Một đợt tăng lãi suất khác của ECB vào tuần tới cũng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Đức.

Geraldine Dany-Knedlik, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức cho biết nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy dù bà thừa nhận rằng mọi thứ có vẻ tích cực hơn so với cuối năm ngoái.

“Nền kinh tế của Đức đã chứng tỏ mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên trong mùa đông và các dữ liệu kinh tế gần đây mang lại một số lạc quan cho những tháng tới. Tuy nhiên, do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, hoạt động kinh tế khó có thể có xung lực mạnh trong năm 2023”, Martin Ademmer, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, nói.

Trên thực tế, ngay cả khi Đức không chống chọi được với rủi ro suy giảm trong quí này, dẫn đến cơn suy thoái kỹ thuật (tăng trưởng suy giảm trong hai quí liên tiếp), thì rõ ràng nó ít gây thiệt hại hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức chưa tăng quá 5,5%, trong khi chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho các hộ gia đình cũng giảm tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Sự phục hồi của Trung Quốc hiện mang lại triển vọng vững chắc cho ngành sản xuất Đức. Báo cáo đơn đặt hàng của các nhà máy Đức trong tháng 1 cho thấy mức tăng trưởng đơn hàng 11,2% từ bên ngoài khu vực eurozone.

(Nguồn: The Saigon Times)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang