Đức: Nhìn lại một phần tư thế kỷ kinh tế Đức vàng son; Kinh tế tiếp tục tệ hơn dự kiến; Cử tri lo lắng về tương lai chính trị

MỘT PHẦN TƯ THẾ KỶ KINH TẾ ĐỨC VÀNG SON

Sự kiện sụp đổ bức tường Berlin cột mốc toàn cầu hóa

Nó đánh dấu kết thúc chiến tranh lạnh giữa hai phe TBCN và XHCN. Người ta cho là CNTB tạm thời thắng thế và mở ra thời kỳ toàn cầu hóa với mức độ chóng mặt.

Toàn cầu hóa là một quá trình hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, chuyển giao công nghệ, môi trường, phân chia vai trò lao động. Thật ngắn gọn, người ta có thể nói: Một sản phẩm ra đời được thiết kế ở nước A, lấy nguyên vật liệu ở nước B, sản xuất ở nước C, tiêu thụ ở nước D, đóng thuế ở nước E. Quá trình này tiến triển rất nhanh nhờ công nghệ thông tin hiện đại và Internet. Một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất trong ¼ thế kỷ qua là Đức.

Thay đổi vị trí các nước, đưa Đức đứng thứ 3 thế giới

Nếu như sau đại chiến thế giới lần thứ nhất hai sự kiện rất lớn xảy ra làm thay đổi thế giới là sự ra đời của Liên bang các nước cộng hòa XHCN Sô- viết (Liên Xô) và nước Mỹ lên ngôi bá chủ thế giới thì quá trình toàn cầu hóa sau chiến tranh lạnh tạo điều kiện vùng lên của hai nước rất lớn: Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo tạp chí kinh tế BUSINESS INSIDER, sự vùng lên của TQ và Ấn Độ đã làm thay đổi cán cân thương mại toàn cầu và nước Đức đã có một thời kỳ hoàng kim vươn lên đứng top 3 những nước kinh tế mạnh nhất thế giới.

Nhờ mở cửa thương mại, trao đổi hàng hóa, đầu tư, nên phần lớn các nước trên thế giới có mức sống cao hơn trước, dù không phải đồng đều (chẳng hạn châu Phi được hưởng lợi ít nhất so với phần còn lại). Với nước Đức, thời kỳ hoàng kim ấy có lẽ đã qua, bây giờ họ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (BIP) không phải là thước đo cho mức sống, nhưng qua đó người ta có thể so sánh thành tích kinh tế của các nước theo tiêu chuẩn giống nhau: Mỹ vẫn là nước đứng đầu, TQ từ nước đứng thứ sáu vươn lên ngôi thứ hai, Ấn Độ từ thứ 10 vươn lên thứ năm, vượt luôn cả mẫu quốc đã cai trị họ là nước Anh từ 2022. Phần lớn các nước châu Âu tụt hai hạng.

Nước Đức là một ngoại lệ vì đã vươn lên vị trí thứ ba sau Mỹ và TQ. Đức là nước đầu tư vào TQ nhiều nhất nhưng bị TQ vượt.

Hai nước TQ và Ấn Độ có dân số rất đông (1,3 và 1,4 tỷ người). Nền kinh tế của họ sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhưng mức sống vẫn còn nghèo tính theo bình quân đầu người.

Tính BIP theo đầu người Đức đứng thứ 2 thế giới

Năm 2000, BIP tính theo đầu người thì Đức chỉ đứng thứ năm sau Nhật, Mỹ, Anh, Canada. 25 năm sau Đức vươn lên thứ hai sau Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người ở Đức tăng từ 24000 Đô-la năm 2000 lên 55000 Đô-la năm 2024. Còn ở TQ, mức sống tăng trong 25 năm qua gấp 10 lần, Ấn Độ tăng sáu lần.

Tất nhiên cũng có những nước tăng trưởng BIP mạnh hơn nhưng phần lớn là những nước nhỏ chẳng hạn như Thụy Sĩ hay Luxemburg.

Trước đây 25 năm, kinh tế Đức cũng ở tình trạng như hiện nay. Năm 2005 Đức có 5 triệu người thất nghiệp, chi phí xã hội quá cao, công nghiệp Đức mất sức cạnh tranh. Ngày nay Đức chỉ có 2,7 triệu người thất nghiệp.

Việc cải cách thị trường lao động với Agenda 2010 đã đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Sự mở rộng EU về phía đông và quyết định Đức là nước nhập cư đã thúc đẩy kinh tế đi lên. Đáng kể nhất là công nghiệp Ô tô Đức bùng nổ ở châu Á, đặc biệt là TQ do chi phí sản xuất thấp và thị trường mênh mông.

Kinh tê Đức chững lại bắt đầu từ đại dịch Corona rồi chiến tranh Nga- Ukraine

Hiện tại BIP của Đức cũng chỉ như năm 2019. Ngoài ra TQ gây sức ép với Đức với ba yếu tố: Thứ nhất là họ không nhập khẩu nhiều hàng của Đức như trước kia nữa. Thứ hai họ tự sản xuất được nhiều mặt hàng và thứ ba là hàng của họ cạnh tranh được với hàng của Đức.

Thời kỳ năng lượng rẻ qua rồi, châu Âu phải đầu tư nhiều cho quốc phòng, người già tăng người trong độ tuổi lao động ít. Tất cả những điều đó phanh sự tăng trưởng.

Đức nhìn thấy gương Nhật Bản

Nhật từng là nước đứng thứ hai kinh tế thế giới, bây giờ Nhật đứng thứ tám. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế Nhật không tăng trưởng đáng kể mà đình đốn. Nguyên nhân chính là xã hội già cỗi, dân số giảm và Nhật không có chính sách tiếp nhận di dân. Thu nhập bình quân đầu người giảm từ 39000 Đô-la năm 2000 xuống còn 33000 Đô-la hiện tại.

Đó cũng là một cảnh báo cho tương lai nước Đức. Chính vì thế chính sách phải thay đổi liên tục để phù hợp với tình hình mới. Sai lầm sẽ phải trả giá ngay.

Nguyễn Thế Tuyền

KINH TẾ TIẾP TỤC TỆ HƠN DỰ KIẾN

Lạm phát ở Đức trong tháng 12 tăng vượt dự báo

Theo số liệu sơ bộ từ Cục Thống kê Liên bang Đức Statistik công bố, tỉ lệ lạm phát tiêu dùng hàng năm, dựa trên chỉ số hài hòa với các nước EU, đã tăng lên 2,8% trong tháng 12, vượt qua mức dự báo 2,6% từ các nhà phân tích, và cao hơn đáng kể so với mức 2,4% của tháng 11.

Joerg Kraemer, kinh tế trưởng tại Commerzbank, nhận định, năm vừa qua kết thúc với tin tức không mấy dễ chịu về mặt lạm phát, đồng thời nhấn mạnh vấn đề lạm phát vẫn chưa được giải quyết triệt để, và dự báo lạm phát trong tháng 1 có khả năng vẫn ở mức cao do giá khí thải CO2 và dịch vụ bảo hiểm tăng.

Carsten Brzeski, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING, cảnh báo, niềm vui sớm trong mùa hè về việc kiểm soát thành công lạm phát đã quá lạc quan. Số liệu mới nhất này một lần nữa làm dấy lên "bóng ma của tình trạng đình lạm" đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Các nhà kinh tế theo dõi sát sao dữ liệu lạm phát của Đức, vì quốc gia này công bố số liệu một ngày trước khi số liệu lạm phát của khu vực đồng euro được công bố.

Số liệu tuần này sẽ là thông tin cuối cùng trước cuộc họp tiếp theo của ECB vào ngày 30.1.

Lạm phát khu vực đồng euro dự kiến tăng lên 2,4% trong tháng 12, so với mức 2,2% của tháng 11.

Lo ngại về khả năng phục hồi

Trong khi đó, theo Xinhua, ngành công nghiệp Đức ghi nhận sự sụt giảm mạnh về đơn đặt hàng mới trong tháng 11.2024, giảm 5,4% so với tháng 10 là 1,5%, làm gia tăng lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất EU.

Cục Thống kê Liên bang cho biết, sự suy giảm này chủ yếu do sự sụt giảm đáng kể trong các đơn đặt hàng quy mô lớn từ ngành sản xuất thiết bị vận tải, bao gồm máy bay, tàu thủy và tàu hỏa. Trong khi các đơn đặt hàng này đạt mức cao trong tháng 10, chúng không được duy trì trong tháng 11, dẫn đến mức giảm 58,4% so với tháng trước.

NHIỀU CỬ TRI ĐỨC LO LẮNG VỀ TƯƠNG LAI CHÍNH TRỊ

Cử tri lo lắng về tương lai chính trị

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 7 tuần nữa là đến cuộc bầu cử liên bang, diễn ra ngày 23.02, kết quả khảo sát của YouGov đối với 1.908 cử tri vào đầu tháng 1 cho thấy 39% số người được hỏi tỏ ra lo lắng và 15% thất vọng với các nhà lãnh đạo chính trị, nghĩa là chiếm quá nửa dân số.

Một nửa cư tri không ủng hộ đảng của Thủ tướng Scholz

50% số người được hỏi cho biết không muốn đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz tham gia vào chính phủ tới đây. Khoảng 46% cho rằng SPD phải chịu trách nhiệm về những khó khăn kinh tế hiện nay, trong khi chỉ có 11% đánh giá đảng này có năng lực điều hành kinh tế.  Cuộc khảo sát cũng cho thấy chỉ có 55% số cử tri từng lựa chọn SPD trong cuộc bầu cử năm 2021 vẫn thấy đảng này quan tâm đến nguyện vọng của cử tri, số còn lại đã mất lòng tin.

Tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho SPD ở mức thấp kỷ lục chỉ 16%.

Đảng CDU/CSU tiếp tục dẫn đầu

Các cuộc thăm dò khác cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ.

Khoảng 29% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho Liên minh CDU/CSU, tiếp đó là đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD, với 21%. SPD tụt xa 2 đảng trên thấp kỷ lục chỉ 16%.

Nguồn: FB Tuyen Nguyen, Lao Động; Bnews

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang