Đức: Nhiều hãng xe gặp hạn ở TQ; Cảnh báo mối đe dọa khủng bố; Gánh hậu quả vì vụ Nord Stream

HÀNG LOẠT HÃNG XE LỚN CỦA ĐỨC GẶP HẠN TẠI TRUNG QUỐC

Mỏ vàng không còn

Trong những năm qua, thị trường ô tô Trung Quốc đã trở thành “mỏ vàng” cho nhiều hãng xe Đức như BMW, Mercedes-Benz, Porsche và Volkswagen. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang thay đổi đáng kể. Doanh số của các thương hiệu này đã giảm mạnh trong quý 3/2024 và không có dấu hiệu phục hồi.

Sự chuyển dịch trong tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đang khiến các ông lớn xe Đức phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng.

Thống kê

Theo báo cáo doanh số bán hàng trong quý 3 vừa qua, BMW ghi nhận mức giảm 30%, Porsche giảm 19%, Volkswagen giảm 15%, và Mercedes-Benz giảm 13%. Thị phần của xe Đức tại Trung Quốc đã giảm từ 25% trước đại dịch xuống còn 15% hiện tại. Điều này cho thấy rằng sức hút của các thương hiệu phương Tây đang phai nhạt nhanh chóng.

Cạnh tranh

Nguyên nhân của sự sụt giảm này không phải vì người dân Trung Quốc không muốn mua ô tô, mà bởi vì họ đang chuyển sang các thương hiệu nội địa. Người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay có xu hướng chọn những chiếc xe được trang bị nhiều công nghệ mới và giá cả hợp lý hơn từ các nhà sản xuất trong nước như BYD, Xpeng và Nio.

Những chiếc xe nội địa không chỉ rẻ hơn mà còn có nhiều tính năng hơn và thậm chí, trong một số trường hợp, còn vượt trội hơn cả các mẫu xe châu Âu.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ xe điện tại Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ vào việc các thương hiệu Đức bị tụt lại phía sau. Trong khi cả bốn thương hiệu đều có sản phẩm xe điện, nhưng chúng chỉ chiếm khoảng 10% thị trường, trong khi các thương hiệu nội địa đã chiếm lĩnh phân khúc này.

Cạnh tranh với các thương hiệu nội địa như BYD, Xpeng và Nio là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với các hãng xe Đức. Thị trường châu Âu và Mỹ đã bắt đầu bão hòa, và một số nhà sản xuất đã đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc, khiến việc rút lui trở nên phức tạp. Sự hiện diện mạnh mẽ của các thương hiệu nội địa không chỉ làm giảm thị phần của xe Đức mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt hơn bao giờ hết.

Đối phó

Để đối phó với tình hình hiện tại, các thương hiệu ô tô Đức đang tìm kiếm các giải pháp mới. Một trong những hướng đi chính là tăng cường hợp tác với các công ty Trung Quốc để phát triển các mẫu xe điện hấp dẫn hơn. Việc hợp tác này không chỉ giúp cải thiện công nghệ mà còn giúp giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, các thương hiệu này cũng đang phát triển những sản phẩm mới được “đo ni đóng giày” cho thị trường Trung Quốc, với mức giá cạnh tranh hơn. Đơn cử, Mercedes-Benz vừa giới thiệu mẫu xe điện G580, một sản phẩm được thiết kế đặc biệt cho nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Dù các hãng xe Đức đang nỗ lực để tìm lại vị thế của mình tại thị trường Trung Quốc, nhưng liệu họ có thể phục hồi hay không vẫn là một câu hỏi mở. Với việc thị trường ô tô Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển và người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, các thương hiệu Đức cần phải cải tiến không ngừng để giữ chân khách hàng.

Sự chuyển dịch này không chỉ là một bài học cho các hãng xe Đức mà còn là một cảnh báo cho những doanh nghiệp toàn cầu khác về sự thay đổi nhanh chóng trong sở thích của người tiêu dùng, đặc biệt tại những thị trường lớn như Trung Quốc.

 

 

BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP ĐỨC CẢNH BÁO MỐI ĐE DỌA KHỦNG BỐ

Nghiêm trọng

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Marco Buschmann vừa đưa ra cảnh báo về "mối đe dọa khủng bố rất nghiêm trọng" ở nước này.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Buschmann cảnh báo các địa điểm của người Israel tại Đức hiện rất dễ trở thành mục tiêu của các phần tử khủng bố trong bối cảnh chủ nghĩa bài Do Thái đang gia tăng.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi cảnh sát Đức thông báo bắt giữ một đối tượng tình nghi liên quan đến IS có âm mưu tấn công Đại sứ quán Israel tại Đức vào ngày 19/10.

Lúc đó, cảnh sát Đức đã đột kích một căn hộ ở Bernau, phía Bắc Berlin, bắt giữ một người đàn ông Libya âm mưu tấn công Đại sứ quán Israel.

Người phát ngôn của Văn phòng Công tố Liên bang Đức cho biết có một số dấu hiệu cho thấy đối tượng đã lên kế hoạch tấn công Đại sứ quán Israel tại Berlin cũng như có liên quan đến IS.

Nhà chức trách Đức đã hành động theo thông tin từ một cơ quan tình báo nước ngoài. Đối tượng, 28 tuổi, không có trong danh sách theo dõi của Đức. Người đàn ông này được cho là đã nhập cảnh vào Đức vào tháng 11/2022 và nộp đơn xin tị nạn vào tháng 1/2023, nhưng đã bị từ chối.

Kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, chính quyền Đức đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số vụ việc và tội phạm bài Do Thái.

Mục tiêu của bọn khủng bố

Hiện các địa điểm của người Israel tại Đức hiện rất dễ trở thành mục tiêu của các phần tử khủng bố trong bối cảnh chủ nghĩa bài Do Thái đang gia tăng.

Trước đó, cảnh sát Đức thông báo bắt giữ một người đàn ông Libya - bị tình nghi liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - âm mưu tấn công Đại sứ quán Israel.

Ông Buschmann nhấn mạnh rằng việc bảo vệ những địa điểm này “có tầm quan trọng đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi chủ nghĩa bài Do Thái cuồng tín và thù ghét Israel đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang lôi kéo nhiều người đi theo”.

Giới chức Đức khẳng định sẽ nỗ lực hết sức có thể để ngăn chặn các kế hoạch của những đối tượng có tư tưởng thù ghét Israel và bài Do Thái.

Cùng ngày, Đại sứ Israel tại Berlin đã cảm ơn chính quyền Đức vì đã đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán của Israel. Đại sứ Ron Prosor nói: "Chủ nghĩa bài Do Thái Hồi giáo không chỉ giới hạn ở những lời lẽ đầy thù hận mà còn cổ súy chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Các nhân viên tại Đại sứ quán Israel đang gặp nguy hiểm đặc biệt vì họ là những người ở tuyến đầu của hoạt động ngoại giao."

 

 

HẬU QUẢ MÀ ĐỨC VÀ CHÂU ÂU PHẢI GÁNH CHỊU VÌ VỤ NORD STREAM

Vụ nổ đường ống

Vào ngày 26.9.2022, đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu đã bị vỡ trong một loạt vụ nổ bên dưới Biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Thụy Điển, Đan Mạch và Đức gọi vụ việc là hành động phá hoại có chủ đích.

Các cuộc điều tra mà Đức, Đan Mạch và Thụy Điển khởi xướng sau các cuộc tấn công không có sự tham gia của Nga và không đưa ra kết quả có ý nghĩa nào. Năm 2024, cả Thụy Điển và Đan Mạch đều tuyên bố kết thúc cuộc điều tra về vụ nổ đường ống.

Ngày 14.9.2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định "không có gì bị che đậy trong cuộc điều tra vụ phá hoại đường ống Nord Stream" - vài ngày sau khi Nga chỉ trích cuộc điều tra của Đức là “hoàn toàn không minh bạch”.

Văn phòng Tổng công tố Nga đã mở các thủ tục tố tụng hình sự về hành vi khủng bố quốc tế liên quan đến vụ việc này.

Nga chỉ ra hậu quả mà Đức và châu Âu phải gánh chịu vì vụ phá hoại Nord Stream.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2 khiến Đức và châu Âu phụ thuộc vào Mỹ về năng lượng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 20.10 cho bộ phim tài liệu "MGIMO 80" nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đại học Quan hệ quốc tế Mátxcơva MGIMO trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga:

Vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream đã khiến Đức và các nước châu Âu khác phải phụ thuộc vào Mỹ về mặt kinh tế, tài chính và năng lượng. Mọi người đều biết về vụ tấn công khủng bố nhằm vào các đường ống dẫn khí Nord Stream, nhưng châu Âu chỉ im lặng và chịu đựng, ngay cả khi điều đó làm suy yếu khả năng phát triển của lục địa này, nhất là với Đức. Vụ tấn công khủng bố đã khiến họ phụ thuộc vào Mỹ về các vấn đề kinh tế, tài chính và năng lượng" - ông Lavrov nói.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 ngày 28.9, Ngoại trưởng Nga Lavrov kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra các vụ phá hoại Nord Stream.

Ông Lavrov cho rằng, Ban Thư ký Liên Hợp Quốc không nên đứng ngoài việc xác định sự thật về hành động phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream.

Ngoại trưởng Nga lưu ý, phương Tây luôn phủ nhận mọi cáo buộc và sẽ làm mọi thứ một lần nữa để che giấu những sự thật về vụ phá hoại Nord Stream.

 

Nguồn: Thương Gia Online; VTV; Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang