Đức: Lo ngại việc đánh thuế xe điện TQ; Đa số thanh niên sợ chiến tranh; Tổng thống kêu gọi Mỹ chớ từ bỏ đồng minh

LO NGẠI VIỆC EU ĐÁNH THUẾ XE ĐIỆN TRUNG QUỐC

Xe điện Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn tại châu Âu

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Inovev, trong bảy tháng đầu năm 2024, các hãng xe Trung Quốc chiếm 17% thị phần xe điện bán ra tại châu Âu, tăng từ 12% so với cùng kỳ năm trước. Sự tham gia mạnh mẽ này cho thấy Trung Quốc không chỉ muốn gia tăng xuất khẩu, mà còn đang đối đầu trực tiếp với các hãng xe châu Âu ngay trên sân nhà EU.

EU muốn áp thuế lên xe điện của Trung Quốc

Để bảo vệ các nhà sản xuất nội địa trước làn sóng cạnh tranh giá rẻ, trong khi vẫn đảm bảo sân chơi công bằng cho tất cả các bên, EU muốn áp thuế lên xe điện Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ các chính trị gia. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner bày tỏ sự lo ngại về việc đánh thuế lên xe điện Trung Quốc.

Quan Điểm của Đức

Ông Christian Lindner nói: Tôi không muốn bất lịch sự, nhưng ngành công nghiệp xe hơi châu Âu, đặc biệt là Đức, không cần phải sợ xe Trung Quốc. Những chiếc xe tốt nhất vẫn được thiết kế tại Đức. Một trong số đó còn được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu chúng ta áp thuế, những chiếc xe này sẽ trở nên đắt đỏ hơn ngay tại thị trường quê hương là châu Âu", Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói.

Ông Lindner đặc biệt nhấn mạnh vào tác động tiêu cực mà thuế quan có thể mang lại: Những chiếc xe Đức được sản xuất tại Trung Quốc có thể bị đánh thuế nặng khi nhập lại vào châu Âu. Điều này có thể làm giảm tính cạnh tranh của các hãng xe Đức trong thị trường nội địa. Đó là tự gây hại cho chính mình.

Mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô không chỉ dừng lại ở thương mại. Nhiều hãng xe lớn như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Trung Quốc để tận dụng chi phí thấp và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc.

Nguy cơ

Nếu thuế quan được áp dụng, các hãng xe Đức có thể đối mặt với tình trạng giá xe tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh không chỉ tại châu Âu mà còn trên toàn thế giới.

 

 

SỐC: ĐA SỐ THANH NIÊN ĐỨC SỢ CHIẾN TRANH!

Một cuộc thăm dò do công ty dầu khí Shell của Anh thực hiện mới đây cho thấy

Phần lớn những người trẻ tuổi ở Đức khi được hỏi về chiến tranh họ đều bày tỏ sự lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến lớn ở châu Âu.

Được công bố vào ngày 14/10, có tiêu đề “Chủ nghĩa thực dụng giữa sự vỡ mộng và chấp nhận sự đa dạng”, cuộc thăm dò đã đánh giá ý kiến của 2.509 người Đức trong độ tuổi từ 12 đến 25 về nhiều vấn đề.

Cuộc thăm dò cho thấy "nỗi sợ chiến tranh ở châu Âu" là mối quan tâm hàng đầu (81%) trong số những người trẻ tuổi. Mối quan tâm về kinh tế và khả năng gia tăng tình trạng nghèo đói là mối quan tâm hàng đầu thứ hai, được 67% số người được hỏi bày tỏ.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, 55% số người trẻ được hỏi cho biết, họ quan tâm đến chính trị, tăng đáng kể so với mức 34% được ghi nhận vào năm 2002.

Chủ trương của Đức

Vào tháng 1/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói với đài truyền hình công cộng ZDF rằng, nước Đức nên chuẩn bị "tiến hành một cuộc chiến tranh bắt buộc" trong tương lai và trang bị vũ khí ngay từ bây giờ.

Vào tháng 6/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phê duyệt các kế hoạch dự phòng mới của nước này cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng, đây là bản cập nhật đầu tiên về vấn đề này kể từ năm 1989.

Berlin đã trích dẫn các mối đe dọa tiềm tàng, và mới đây đã khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc sau 13 năm đình chỉ, được cho là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đất nước.

Cùng thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với các nhà lập pháp rằng, đất nước phải "sẵn sàng chiến tranh" vào năm 2029.

Ông Pistorius nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quân số của Bundeswehr (quân đội Đức), đồng thời đề xuất tái áp dụng ít nhất một phần chế độ nghĩa vụ quân sự đã bị bãi bỏ vào năm 2011.

Vào tháng 7/2024, Washington và Berlin đã nhất trí rằng, tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được triển khai tại Đức từ năm 2026.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, việc triển khai theo kế hoạch sẽ "cho chúng ta thời gian cần thiết" để phát triển các loại vũ khí tương tự trong nước.

Một động thái như vậy trước đây đã bị cấm theo hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, mà Washington đã rút khỏi vào năm 2019.

Phản ứng của Nga

Bình luận về diễn biến tại thời điểm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, "nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ coi như mình không còn bị ràng buộc bởi lệnh tạm dừng triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn đã được thông qua trước đó", và cho biết, Nga "sẽ thực hiện các biện pháp tương tự" để triển khai các hệ thống này.

 

 

VINH DANH BIDEN, TỔNG THỐNG ĐỨC NHẮC KHÉO MỸ ĐỪNG BỎ RƠI ĐỒNG MINH

Tổng thống Đức trao tặng Tổng thống Joe Biden huân chương công trạng cao nhất của Đức

Lễ trao tặng diễn ra hôm 18/10 vì những đóng góp của ông cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Chuyến đi cuối cùng của ông Biden đến Berlin để thảo luận về các vấn đề từ cuộc chiến tranh ở Ukraine cho đến cuộc xung đột đang mở rộng ở Trung Đông diễn ra khi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đang đến gần trong hơn hai tuần nữa.

Khả năng cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử là nguyên nhân gây lo ngại ở nhiều quốc gia châu Âu như Đức, nơi chứng kiến mối quan hệ xấu đi dưới nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông từ năm 2017 đến năm 2021. Ông Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, đang có thế ngang ngửa với Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, trong các cuộc thăm dò.

“Chỉ vài năm trước, khoảng cách đã trở nên quá xa đến mức chúng ta gần như mất nhau”, ông Steinmeier nói trong bài phát biểu sau lễ đón tiếp ông Biden bên ngoài dinh tổng thống tại Berlin với nghi lễ quân đội.

“Khi được bầu làm tổng thống, ông đã khôi phục hy vọng của châu Âu vào liên minh xuyên Đại Tây Dương đúng là chỉ sau một đêm”.

Ông Trump đã ám chỉ rằng ông sẽ miễn cưỡng hơn ông Biden trong việc tiếp tục ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Ông cũng nói rằng viện trợ của Mỹ cho các đồng minh trong liên minh quân sự phương Tây NATO sẽ đi kèm với các điều kiện.

NATO là một liên minh không thể thiếu

 Tổng thống Steinmeier nói: Vì vậy, trong những tháng tới, tôi hy vọng rằng người châu Âu sẽ nhớ rằng nước Mỹ là không thể thiếu đối với chúng ta. Và tôi hy vọng rằng người Mỹ nhớ rằng các đồng minh của các bạn là không thể thiếu đối với các bạn.

Ông Biden nói phương Tây không thể từ bỏ Ukraine, nơi hiện đang phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm phía trước, và cảm ơn Đức vì sự ủng hộ của họ. Hoa Kỳ và Đức là những nước ủng hộ quân sự và tài chính hàng đầu của Ukraine.

“Chúng ta không thể bỏ cuộc. Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải tiếp tục cho đến khi Ukraine giành được nền hòa bình công bằng và lâu dài phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, tổng thống Mỹ nói.

Ông Biden dự kiến sẽ có cuộc hội đàm kín với Thủ tướng Olaf Scholz trước bữa trưa về an ninh, thương mại và các vấn đề kinh tế khác.

Sau đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ bay đến Berlin để tham gia các cuộc đàm phán tập trung chủ yếu vào cách chấm dứt giao tranh ở Ukraine khi lực lượng Nga tiến về phía đông và mùa đông ảm đạm với tình trạng mất điện đang đến gần.

“Câu hỏi chính là bản chất của các đảm bảo an ninh và đó là điều mà chúng tôi sẽ thảo luận vào ngày mai”, ông Macron nói với các phóng viên hôm 17/10.

Cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần

Việc ông Biden thực hiện chuyến công du có thể là chuyến thăm cuối cùng của ông tới châu Âu với tư cách là tổng thống tại Berlin là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ mà ông có với Thủ tướng Scholz.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Sudha David-Wilp của Quỹ Marshall Đức tại Hoa Kỳ, Tổng thống Biden đã xây dựng được lòng tin với Đức ngay từ đầu nhiệm kỳ và đã làm ngơ trong một thời gian về dự án đường ống dẫn khí đốt Biển Baltic Nord Stream 2, vốn được thiết kế để tăng gấp đôi lưu lượng khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức.

Mối quan hệ gần gũi hơn đó đã giúp Washington hợp tác chặt chẽ với Berlin sau khi Nga xâm lược Ukraine, với việc Đức nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng mục tiêu 2% GDP của NATO trong khi lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga bị cắt giảm.

“Lựa chọn vào ngày 5/11 chỉ là lựa chọn của người Mỹ”, ông Steinmeier nói.

“Và chúng tôi, với tư cách là người châu Âu, cũng có một lựa chọn. Chúng tôi có lựa chọn làm tròn vai trò của mình, kiên định ủng hộ Ukraine, đầu tư vào an ninh chung, đầu tư vào tương lai chung của chúng tôi và như ngài đã làm, thưa ngài, là ủng hộ liên minh xuyên Đại Tây Dương bất kể điều gì xảy ra”.

Berlin cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc trao đổi tù nhân lớn vào tháng 8 giữa Nga và phương Tây, trong đó chứng kiến nhà báo Hoa Kỳ Evan Gershkovich và cựu thuỷ quân lục chiến Mỹ Paul Whelan được trả tự do khỏi nơi giam giữ của Nga.

Bà David-Wilp, cũng là giám đốc khu vực của Quỹ Marshall Đức, cho rằng chuyến công du của ông Biden “là chuyến thăm cảm ơn nhưng cũng là thông điệp muốn gửi gắm rằng ‘hãy tiếp tục hành trình về Ukraine bất kể điều gì xảy ra’”.

 

Nguồn: VTV; Giáo dục & Thời đại; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

YOUTUBE: Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-CHLB Đức

Trong hai ngày 17 và 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã phối hợp với Sở thú Leipzig tổ chức “Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig ” kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức (1975 – 2025).

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ đa văn hóa do chính quyền thành phố Leipzig tổ chức nhằm tạo không gian để các cộng đồng sinh sống trên địa bàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, ẩm thực... của đất nước mình.

Nguồn: TTX VIỆT NAM

Đức Việt Online

YOUTUBE: Lễ Trao tặng Huy hiệu Danh dự, tôn vinh ông Bùi Quang Huy & 8 nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất

Lễ vinh danh chín nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất Leipzig trong những năm qua, được tổ chức trang trọng tại Hội trường, Tòa Thị chính Thành phố Leipzig.

Trước sự chứng kiến ​​của các nhân vật trọng yếu, các phó thị trưởng, hội đồng thành phố, ban đối ngoại, sở văn hóa, đặc trách ngoại kiều, các ban nghành thành phố, Thị trưởng Burkhard Jung, cổ đeo vòng dây chuyền vàng Goldketten uy nghi, trịnh trọng trao tặng huy hiệu, bảng vàng danh dự, bằng khen của Thành phố Leipzig cho 9 nhà hoạt động cộng đồng  xuất sắc nhất trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị.

Tác giả Đức Thúy

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Lên đầu trang