Đức: Nhân tố thay đổi cuộc chơi kinh tế; Chỉ số DAX tăng lên mức cao kỷ lục; Kinh tế chuyển từ xe hơi sang xe tăng

NHÂN TỐ GIÚP THAY ĐỔI CUỘC CHƠI VỚI KINH TẾ

Bên bờ vực suy thoái 2 năm qua

Trong 2 năm qua, kinh tế Đức luôn trong tình trạng mấp mé bờ vực của một cuộc suy thoái kỹ thuật - theo định nghĩa là hai quý suy giảm liên tiếp của tổng sản phẩm trong nước (GDP). Thống kê cho thấy GDP danh nghĩa của nước này đã ở trong tình trạng các quý tăng, giảm đan xen trong các năm 2023 và 2024.

Nền kinh tế Đức hiện đang đối mặt nhiều vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm một chiều, gồm các vấn đề về cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở, và áp lực đối với một số ngành công nghiệp vốn giữ vai trò trụ cột đối với tăng trưởng kinh tế như ngành sản xuất ô tô.

Một bước ngoặt tài khóa

Có thể sắp diễn ra ở Đức có tiềm năng trở thành “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với nền kinh tế đang chật vật của nước này và cả ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu...

Chính sách tài khóa và kinh tế vốn là những vấn đề gây căng thẳng cao trong nhiệm kỳ của liên minh cầm quyền trước ở Đức, đồng thời dẫn tới sự tan rã của liên minh này vào cuối năm ngoái. Hiện nay, Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) - những người giành tỷ lệ phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức vào cuối tháng 2 vừa qua, đang tiến hành đàm phán để thành lập một liên minh cầm quyền mới. Một tin tốt là cuộc đàm phán của CDU/CSU với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - những người về thứ ba trong cuộc bầu cử - có vẻ đã đạt được một bước đột phá. 

Ngày 5/3, thủ lĩnh Frederich Merz của CDU/CSU - người có khả năng cao sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức - cùng với các nhà lãnh đạo chính trị khác đã công bố kế hoạch cải tổ một trụ cột tài khóa đã duy trì bấy lâu của nước này, được biết đến với cái tên “phanh nợ”. Mục đích cụ thể của việc cải tổ này là tăng chi tiêu cho quốc phòng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng công bố thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 500 tỷ Euro để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

“Lớn, táo bạo và bất ngờ”

Việc thực thi các kế hoạch này đồng nghĩa điều chỉnh hiến pháp Đức - công việc đòi hỏi phải nhận được sự ủng hộ của đa số 2/3 trong Quốc hội nước này. Tỷ lệ ủng hộ như vậy là có thể đạt được ở thời điểm hiện tại, nhưng sẽ rất khó đạt một khi các Quốc hội mới có cuộc họp đầu tiên trong tháng 3. Bởi vậy, một cuộc bỏ phiếu về điều chỉnh hiến pháp có thể sẽ được triển khai nhanh chóng trong vòng 1 tuần tới đây.

Một báo cáo của công ty Bank of America Global Research ngày 5/3 nhận định. Báo cáo thừa nhận rằng gói cải cách mà các chính trị gia Đức mới công bố sẽ làm thay đổi mạnh mẽ triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Giới chuyên gia tin rằng việc nới phanh nợ và lập quỹ đầu tư đặc biệt có thể mang lại ích lớn cho nền kinh tế. Nhà kinh tế cấp cao Florian Schuster-Johnson của công ty Dezernat Zukunft nhận định thị trường có thể kỳ vọng một cú huých kinh tế và các dự báo tăng trưởng kinh tế Đức có thể được điều chỉnh tăng trong thời gian tới.

“Tôi cho rằng trong ngắn hạn, những thay đổi vừa được đưa ra sẽ kích thích nhu cầu trong nước, bởi vì hạ tầng mới sẽ được xây dựng và các công ty sẽ nhận được đơn hàng của chính phủ mới”, ông Schuster-Johnson nói. Ông cho rằng chi tiêu quốc phòng lớn hơn cũng có thể tạo ra hiệu ứng dài hạn đối với nền kinh tế, dẫn tới tăng công suất và phần công suất tăng thêm đó cuối cùng có thể được sử dụng cho các mục đích dân sự.

Một báo cáo của công ty Deutsche Bank Research dự báo chi tiêu quốc phòng tăng lên có thể đưa Đức vượt mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là các nước thành viên phải chi 2% GDP cho quốc phòng. “Những tuyên bố ngày hôm nay cho thấy… chi tiêu cho quốc phòng của Đức có thể đạt ít nhất 3% GDP ngay trong năm tới”, báo cáo viết.

Ông Merz nói rằng các diễn biến địa chính trị gần đây cho thấy Đức cần có các biện pháp lớn để tăng cường năng lực an ninh và phòng thủ của Đức và châu Âu.

“Nước Đức đã trở lại”

Theo kế hoạch được công bố, quỹ đầu tư đặc biệt 500 tỷ USD sẽ không thuộc ngân sách liên bang, mà sẽ được cấp vốn thông qua tín dụng mà không làm phát sinh nợ công mới. Dự kiến, quỹ này sẽ được sử dụng trong 10 năm, tập trung vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng, giáo dục, bảo vệ dân sự và các hạ tầng khác.

Để tránh việc quỹ này trở thành đối tượng của phanh nợ, quỹ sẽ được quy định trong hiến pháp và miễn trừ khỏi nguyên tắc tài khóa đó.

Nói về phanh nợ, đây là quy định hạn chế mức vay nợ của Chính phủ Đức, theo đó mức thâm hụt ngân sách mang tính cấu trúc của Chính phủ liên bang không được vượt quá 0,35% GDP hàng năm. Một thay đổi quan trọng trong kế hoạch mới được đưa ra là chi tiêu quốc phòng vượt quá 1% GDP của Đức sẽ không bị tính vào phanh nợ, nghĩa là những chi tiêu đó sẽ không còn bị hạn chế.

Các tiểu bang của Đức cũng sẽ được phép vay nợ nhiều hơn so với trước và các đề xuất dài hạn để hiện đại hóa phanh nợ và tăng cường đầu tư cũng sẽ được đưa ra. Kế hoạch cải tổ phanh nợ là một sự dịch chuyển lớn mà CDU/CSU đã đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử, trong khi các chính đảng khác muốn giữ nguyên quy định cũ.

Những kế hoạch mới này nhận được sự hưởng ứng tích cực của thị trường tài chính, với chỉ số chứng khoán Đức tăng mạnh trong phiên ngày 5/3. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức và tỷ giá đồng euro cũng tăng vọt.

Theo ông Schuster-Johnson, phản ứng của thị trường cho thấy nhà đầu tư ngạc nhiên về tốc độ và quy mô của những thay đổi được đề xuất. “Mấu chốt của vấn đề là nước Đức đã trở lại và nước Đức có tiền để chi”, ông nói.

 

CHỈ SỐ DAX CỦA ĐỨC TĂNG LÊN MỨC CAO KỶ LỤC

Thị trường chứng khoán

Chỉ số DAX - chỉ số hàng đầu bao gồm 40 cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán Frankfurt - tăng 1,4% trong phiên giao dịch sáng ngày 6/3 lên tới 23.428 điểm.

Các thị trường vốn toàn cầu đang có những điều chỉnh mạnh mẽ trong những ngày qua, do chính sách tăng thuế nhập khẩu hàng hoá vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump, tương lai bất định hơn bao giờ hết của xung đột ở Ukraine, mong muốn nới lỏng các mục tiêu về khí hậu cho các nhà sản xuất ô tô của Liên minh châu Âu (EU) và việc Đức tung ra gói đề xuất tái vũ trang và đầu tư lớn chưa từng có.

Trên thị trường chứng khoán Đức, những thoả thuận về gói đầu tư và quốc phòng khổng lồ giữa hai đảng đang đàm phán liên minh - Liên minh Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU/CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - đã khiến chỉ số DAX - chỉ số hàng đầu bao gồm 40 cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán Frankfurt - tăng 1,4% trong phiên giao dịch sáng ngày 6/3 lên tới 23.428 điểm.

Phiên đầu tuần (3/3), chỉ số DAX đã tăng 2,6%, rồi lại giảm 3,5% trong phiên giao dịch 4/3, và tiếp theo lại tăng 3,4% vào phiên 5/3, cho thấy những chao đảo mạnh mẽ trên thị trường hiện nay.

Thị trường vốn toàn cầu hỗn loạn

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử tháng 11 năm ngoái, các nhà chiến lược đã cảnh báo thị trường chứng khoán sẽ có những biến động đáng kể. Tuy nhiên trên thực tế, những biến động trên thị trường còn mạnh mẽ hơn nhiều so với dự báo. Về trung hạn, thị trường vẫn cho thấy xu hướng tiếp tục tăng: Kể từ đầu năm giao dịch 2025, DAX đã tăng hơn 17% giá trị.

Những biến động thị trường này đi kèm với khối lượng giao dịch cực kỳ cao. Trung bình có 116 triệu cổ phiếu DAX được giao dịch mỗi ngày trong bốn ngày qua. Kể từ đầu năm 2024, chỉ có 2 phiên có khối lượng giao dịch lớn hơn ngày 5/3 (144 triệu cổ phiếu). Những ngày này được các nhà giao dịch gọi là "ngày lễ của phù thủy".

Trong phiên chiều ngày 6/3, sự kiện quan trọng nhất - ít nhất là có thể lên kế hoạch được – trên thị trường chứng khoán trong tuần sẽ là quyết định về lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với dự kiến sẽ hạ lãi suất tiền gửi thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 2,5%.

Tuy nhiên, quan trọng hơn quyết định thực tế là những tuyên bố được đưa ra bởi Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, tại cuộc họp báo sau đó. Người phụ nữ Pháp này cũng có thể sẽ được hỏi về biến động trên thị trường và bà chắc chắn sẽ cố gắng để không tạo thêm bất ổn nào nữa.

ECB cũng thường xuyên đưa ra những dự báo mới về lạm phát và tăng trưởng. Tuy nhiên, những thông tin này đã lỗi thời ngay cả trước khi được công bố. Nguyên nhân là do gói tài chính được nới rộng mạnh mẽ của Đức đang làm thay đổi đáng kể cơ sở tính toán. Theo các nhà kinh tế, điều này có thể thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng dẫn đến lạm phát cao hơn vì Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tình hình trên thị trường trái phiếu

Lợi suất trái phiếu Đức vẫn tiếp tục tăng, trong khi giá lại đang giảm. Trái phiếu liên bang kỳ hạn 10 năm có lợi suất lên tới 2,93% trong phiên giao dịch sáng 6/3, mức cao nhất trong 16 tháng qua. Lần gần nhất lợi suất đạt trên 3% là vào đầu tháng 10/2023.

Ngày 5/3, các kế hoạch đầu tư mới của hai đảng đang đàm phán liên  minh, được tài trợ bằng cách vay thêm nợ nhờ cải cách quy định "phanh nợ", đã giúp trái phiếu thêm sinh lời. Các kế hoạch đầu tư mới này sẽ phải được tài trợ phần lớn thông qua phát hành trái phiếu bổ sung. Sự gia tăng mạnh mẽ theo ngày như vậy chưa từng thấy trong gần ba thập kỷ qua.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm là thước đo quan trọng nhất ở châu Âu vì nó có tác dụng báo hiệu cho các quốc gia khác và đóng vai trò là kim chỉ nam cho lãi suất thị trường vốn dài hạn. Đến đầu tháng 12/2024, lợi suất này vẫn ở mức khoảng 2%. Chuyên gia Jim Reid ở Deutsche Bank đã nói một cách hình tượng: “Những gì trước đây mất hàng thập kỷ thì giờ đây chỉ diễn ra trong vài ngày”.

Sự tăng trưởng cũng có thể thấy rõ ở các thị trường khác. Ví dụ, ở Pháp, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên tới 3,629%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,5%, mức cao nhất kể từ năm 2009.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Mỹ, gần đây đã giảm từ 4,9% xuống 4,1%, cũng đang tăng và vượt ngưỡng 4,3%.

Tình hình thị trường ngoại hối

Tình hình của đồng euro đã thay đổi hoàn toàn. Đồng tiền chung châu Âu có giá trên 1,08 USD ngày 6/3, lần đầu tiên kể từ mùa Thu năm ngoái. Sức mạnh gần đây của đồng euro cũng là nhờ các thoả thuận tài chính trong đàm phán liên minh ở Đức, nền kinh tế quan trọng nhất trong khu vực đồng euro.

Sự tăng giá của đồng euro thật đáng chú ý. Sau khi ông Trump đắc cử và thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đồng euro đã phải chịu nhiều áp lực. Các chuyên gia đã dự đoán rằng đồng euro sẽ tiến tới mức ngang giá, tức là giảm giá trị xuống mức giá tương đương với đồng USD.

Việc ECB cắt giảm lãi suất - năm lần kể từ giữa năm 2024 và có thể một lần nữa trong ngày 6/3 - có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu và tỷ giá hối đoái đồng euro xuống thấp. Tuy nhiên, việc cắt giảm này đã được tính đến từ lâu và mặt khác, sức mạnh tài chính hiện đang mạnh hơn nhiều.

 

 

NỀN KINH TẾ CHUYỂN TỪ XE HƠI SANG XE TĂNG

Các công ty quốc phòng Đức đang nâng cao năng lực sản xuất

Châu Âu chuẩn bị tăng chi tiêu quân sự, và họ đang nhắm đến ngành ô tô đang gặp khó khăn. Đây là dấu hiệu đầu tiên của một sự thay đổi có thể giúp phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu lục sau hai năm suy thoái.

Các nhà sản xuất xe tăng, radar và vũ khí đang hướng tới việc tăng cường sản xuất khi châu Âu đáp ứng áp lực từ Mỹ trong việc tự lo liệu phòng thủ của mình. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô, vốn là động lực kinh tế của Đức trong nhiều thập kỷ, đang cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy do nhu cầu chững lại và quá trình chuyển đổi sang xe điện gặp nhiều trở ngại.

Rheinmetall, nhà sản xuất đạn dược hàng đầu châu Âu, thông báo vào tuần trước rằng họ sẽ chuyển đổi hai nhà máy hiện đang sản xuất phụ tùng ô tô sang sản xuất chủ yếu thiết bị quốc phòng.

Hensoldt, công ty sản xuất hệ thống radar TRML-4D mà Ukraine hiện sử dụng trong cuộc chiến với Nga, đang đàm phán để tuyển dụng khoảng 200 công nhân từ các nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn như Bosch và Continental.

"Chúng tôi đang hưởng lợi từ những khó khăn trong ngành ô tô," Oliver Doerre, Giám đốc điều hành của Hensoldt cho biết, đồng thời các khoản đầu tư tiếp theo có thể giúp tăng hơn gấp đôi sản lượng hằng năm của TRML-4D lên từ 25 đến 30 hệ thống.

Vào hôm 2/3, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí rằng họ phải chi tiêu nhiều hơn cho quân đội của mình tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở London.

Hội nghị này được triệu tập sau cuộc tranh cãi công khai giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thổng Volodymyr Zelensky, làm dấy lên nghi ngờ về sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong tương lai.

Thúc đẩy GDP

Việc chuyển hướng sang sản xuất quốc phòng có thể thúc đẩy nền kinh tế Đức, vốn đang tụt hậu so với các nước châu Âu khác khi các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí năng lượng cao, thủ tục hành chính rườm rà và cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài.

Viện Kinh tế Thế giới IfW Kiel ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU có thể tăng từ 0,9% đến 1,5% mỗi năm nếu các nước EU tăng chi tiêu quân sự lên 3,5% GDP từ mục tiêu 2% hiện tại của NATO và sử dụng công nghệ nội địa.

"Trong trung và dài hạn, lịch sử kinh tế Mỹ đã chứng minh rằng chi tiêu quân sự như vậy có thể mang lại nhiều lợi ích về tăng năng suất, hiệu ứng lan tỏa và tiến bộ công nghệ," chuyên gia Johannes Binder từ IfW Kiel nhận xét.

Đối với Đức cùng cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện có, tăng trưởng GDP có thể sẽ nằm ở mức cao nhất của phạm vi đó, ông Binder nói thêm.

EU ước tính việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP sẽ làm tăng hơn gấp đôi đầu tư hằng năm của Đức lên 25,5 tỷ euro, tạo ra 245.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp và kích hoạt gần 42 tỷ euro hoạt động sản xuất và dịch vụ mỗi năm.

Số liệu gần đây nhất cho thấy ngành công nghiệp an ninh và quốc phòng của Đức đã sử dụng 387.000 người vào năm 2022, bằng khoảng một nửa so với ngành ô tô của nước này trong năm đó. Doanh thu bán hàng của ngành công nghiệp quốc phòng đạt tổng cộng 47 tỷ euro vào năm 2022, so với 506 tỷ euro của ngành ô tô.

"Chúng ta phải coi ngành công nghiệp quốc phòng là một động lực kinh tế cho Đức," ông Doerre từ Hensoldt bình luận.

"Lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với trước đây."

Hensoldt đã bắt đầu thuê ngoài sản xuất bảng mạch và ông Doerre cho hay điều đó cuối cùng có thể được mở rộng sang bó dây điện và vỏ bọc.

Ông cũng nói thêm rằng việc sử dụng năng lực dự phòng trong ngành ô tô sẽ giúp bảo tồn hạ tầng sản xuất đã được thiết lập của Đức, đồng thời thúc đẩy sản lượng thiết bị quân sự.

Sự hợp lực

Nhà cung cấp phụ tùng ô tô ZF Friedrichshafen, đang trong quá trình tái cấu trúc có thể dẫn đến việc đóng cửa nhà máy ở Đức, cho biết họ đã liên lạc với các công ty quốc phòng về việc chuyển đổi nhân công, nói rằng đó là "sự hợp lực công nghiệp".

Renk, nhà sản xuất hộp số xe tăng, vốn phần lớn nằm dưới sở hữu của Volkswagen cho đến năm 2020, cho hay ngành ô tô ngày càng được chú trọng hơn, đặc biệt là trong việc tăng cường khả năng sản xuất. Tuy nhiên, họ không nói rõ chi tiết.

Nhà cung cấp hệ thống phòng thủ quân sự Đức-Pháp KNDS, công ty có kế hoạch sản xuất xe tăng chiến đấu Leopard 2 và xe chiến đấu bộ binh Puma tại một nhà máy xe điện ở Đức mà họ vừa đồng ý mua từ Alstom của Pháp, đã không phản hồi các câu hỏi của Reuters.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Deutsche Bank đã cảnh báo vào tháng trước rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng của EU có thể không mang lại lợi ích đáng kể cho ngành công nghiệp địa phương, vốn phân mảnh hơn so với Mỹ.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi, trong một báo cáo gần đây về khả năng cạnh tranh của châu Âu, cho hay từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, gần 4/5 chi tiêu mua sắm quốc phòng của EU đã dành cho các nhà cung cấp ngoài EU.

Rheinmetall cũng đang đàm phán với Continental về việc tuyển dụng khoảng 100 nhân viên nhằm tăng cường hoạt động.

Giám đốc điều hành của họ, Armin Papperger, nói với Reuters vào tháng Hai rằng cần đầu tư lớn vào tên lửa, đạn dược và xe cộ để làm cho châu Âu kiên cường hơn, đồng thời nói thêm rằng lục địa này đang tụt hậu xa so với mục tiêu chi tiêu.

"[Tổng thống Nga Vladimir] Putin tất nhiên cũng biết điều này, và đó là lý do tại sao chúng ta phải hành động," ông nói.

 

Nguồn: VnEconomy; Bnews; BBC

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang