- Cư trú - Luật pháp
- Chính trị - Xã hội
Khủng hoảng việc làm cách đây 20 năm
Nền kinh tế trì trệ, số người tìm việc ngày càng tăng làm dấy lên lo ngại tình trạng việc làm ảm đạm 20 năm trước có thể quay trở lại với nền kinh tế Đức.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ vẫn có thể lật ngược lại tình hình nếu biết khéo léo kế thừa những kinh nghiệm vượt qua khó khăn này cách đây hơn 20 năm.
Lần cuối cùng diễn ra một cuộc khủng hoảng việc làm là cách đây hơn 20 năm. Năm 2024, nền kinh tế Đức tiếp tục suy giảm năm thứ hai liên tiếp. Sự tăng trưởng mà người Đức vốn đã quá quen thuộc, giờ đây đã lùi xa trong quá khứ.
Trong một thời gian dài, hiện trạng nền kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến việc làm của từng cá nhân. Tình trạng thất nghiệp hàng loạt dường như đã được khắc phục và người ta chủ yếu chỉ lo ngại về tình trạng thiếu công nhân lành nghề và thiếu nhân viên. Ai sẽ đảm nhiệm tất cả các công việc hiện có khi hàng trăm nghìn người thuộc thế hệ bùng nổ dân số nghỉ hưu mỗi năm? Dường như không có nỗi lo sợ thất nghiệp và có vẻ như cả đất nước đã bị ru ngủ trong một cảm giác an toàn giả tạo.
Thay đổi nhân khẩu học khỏa lấp vấn đề
Trên thực tế, số người thất nghiệp ngày càng tăng, tuy ở mức thấp nhưng thấy rõ. Năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp là 5,3%, năm nay sẽ tăng lên 5,9% và sẽ còn tiếp tục tăng. Về con số tuyệt đối, số người thất nghiệp đang sắp đạt 3 triệu người, một tình trạng đáng báo động.
Hầu như mỗi ngày, tin xấu về các công ty truyền thống và các ngành công nghiệp hàng đầu làm lung lay niềm tin vào nền kinh tế Đức. Các công ty lớn có tiếng của Đức như Thyssenkrupp, BASF và Miele thông báo muốn cắt giảm hàng nghìn việc làm.
Các công ty ô tô và nhà cung cấp đang lên kế hoạch sa thải quy mô lớn. Trên thực tế, các chuyên gia được đào tạo bài bản tại các công ty này có thể dễ dàng lấp đầy nhiều vị trí việc làm còn trống, nhưng số lao động phổ thông cần tìm việc làm sẽ ngày càng tăng.
Có thể những yêu cầu tuyển dụng và kỹ năng của người tìm việc không phù hợp, có thể là do sự khác biệt về địa điểm hay thời gian. Những người lạc quan chỉ ra rằng số lượng người được tuyển dụng tiếp tục tăng trong những năm gần đây mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng. Vậy thì mọi chuyện liệu có quá xấu?
Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng mặc dù những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số bắt đầu nghỉ hưu hàng loạt cho thấy những vấn đề của nền kinh tế Đức lớn đến mức nào. Sự thay đổi về nhân khẩu học che giấu bi kịch thực tế trên thị trường lao động. Nếu số người gia nhập lực lượng lao động nhiều hơn số người nghỉ hưu hàng năm, như vốn thấy trong nhiều thập kỷ qua, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn nhiều đáng kể.
Con số vị trí tuyển dụng chỉ là nhất thời
Kinh tế Đức không phát triển đủ để kiểm soát được vấn đề. Nếu nền kinh tế trì trệ nhưng năng suất tiếp tục tăng, việc làm sẽ tự động trở nên dư thừa vì chỉ cần ít người để sản xuất cùng một số hàng.
Số việc làm còn trống chưa tuyển dụng được ở thời điểm này chỉ là con số nhất thời. Hiện tại, các công ty đang cần tuyển thêm nhân viên nhưng quý tới có thể sẽ khác.
Các nhà thống kê đã ghi nhận số việc làm cần tuyển dụng giảm đáng kể trong một khoảng thời gian gần đây. Điều này một phần là do nền kinh tế suy yếu hơn. Khi triển vọng kinh doanh trở nên ảm đạm, sự sẵn lòng thuê người mới sẽ giảm.
Phá sản
Tình trạng thiếu đơn đặt hàng, lãi suất cao và chi phí năng lượng tăng mạnh đã dẫn đến làn sóng vỡ nợ ở Đức. Công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade dự đoán sẽ có 22.200 vụ phá sản trong năm nay, nhiều hơn gần 25% so với năm ngoái. Còn trong năm tới, dự báo cũng có khoảng 23.000 công ty nữa nộp đơn xin phá sản.
Ông Milo Bogaerts, Giám đốc điều hành của Allianz Trade ở Đức cho biết: “Các công ty yếu kém về tài chính như đang đi trên dây. Rất có thể sẽ xảy ra những rung chuyển thị trường đáng kể”.
Dữ liệu ước tính của Văn phòng Thống kê Liên bang Statistik và dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle (IWH) cũng xác nhận xu hướng này. Destatis tính toán số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong nửa đầu năm 2024 cao hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, còn IWH ghi nhận số công ty phá sản trong quý III vừa qua là cao nhất kể từ mùa Xuân năm 2010.
Sự bi quan nguy hiểm
Sự bi quan của doanh nghiệp là rất nguy hiểm. Trên thực tế, nguồn cung lao động có thể giảm vĩnh viễn do các công ty bỏ cuộc chơi". Vì không tìm được nhân sự phù hợp nên họ giảm bớt hoặc từ bỏ tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng, dẫn đến việc làm sẽ vĩnh viễn mất đi.
Một vòng xoáy đi xuống đang dần hiện ra: Việc làm giảm sút, thu nhập không còn và kéo theo đó là nhu cầu cũng sẽ giảm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều việc làm bị mất. Khủng hoảng nuôi dưỡng khủng hoảng, thất nghiệp trở thành bệnh mãn tính.
Sự cách biệt giữa yêu cầu tuyển dụng và kỹ năng của người tìm việc lớn đến mức nào phụ thuộc nhiều vào số việc làm mà các công ty cung cấp hơn là số người đang tìm việc làm. Nếu khủng hoảng ngày càng trầm trọng, số việc làm được cung cấp có thể giảm xuống dưới mức cầu, bất chấp sự thay đổi về nhân khẩu học. Kết quả là việc làm sẽ mất đi vĩnh viễn, có khả năng dẫn tới gia tăng tình trạng thất nghiệp tràn lan.
Sẽ trở lại tình trạng cách đây 20 năm
Các thành phố của khu vực Ruhr, khu vực đô thị đa trung tâm lớn nhất Đức ở bang North Rhine-Westphalia (Nordrhein-Westfalen), phía Tây nước Đức, với mật độ dân số là 2.800 người/km², cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về tình hình việc làm. Essen, thành phố lớn thứ hai vùng Ruhr, có tỷ lệ thất nghiệp hơn 10%; Dortmund (thành phố lớn thứ nhất), hơn 11%; và ở Gelsenkirchen, là gần 13%.
Không có quy luật tự nhiên nào ngăn cản vấn đề tiến triển theo chiều hướng tương tự ở cấp liên bang. Hậu quả hoàn toàn có thể tính toán được. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi, số người thất nghiệp sẽ tăng lên hơn 5 triệu người và nước Đức lại trở lại với tình trạng việc làm tồi tệ như cách đây hơn 20 năm..
Bài học cách đây 20 năm
Trong những năm đầu thập niên 2000, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh đã chứng minh thành công về cách chính phủ có thể tự bảo vệ mình trước một cuộc suy thoái tương tự bằng Chương trình nghị sự 2010. Chính phủ đương nhiệm và muộn nhất là chính phủ liên bang tiếp theo đây nên lấy những cải cách này làm hình mẫu và thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, tức là loại bỏ những thứ cản trở tăng trưởng thân thiện với môi trường.
Chính phủ có thể xóa bỏ bớt các quy định đang trói buộc các công ty. Cải cách thuế đáng lẽ cũng phải làm từ lâu. Do chính sách tài chính bế tắc trong nhiều năm, Đức đã phát triển thành một quốc gia đánh thuế cao đối với các công ty và người lao động. Nếu các chính trị gia giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế và người tiêu dùng, nước Đức sẽ lại trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà không cần phải bỏ hàng tỷ euro trợ cấp để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, các chính trị gia phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để giảm bớt thay đổi về nhân khẩu học. Càng nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản tiếp tục làm việc càng tốt, ngay cả khi đã đến tuổi nghỉ hưu. Điều này có vẻ nghịch lý khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, nhưng cách làm này mới thật khôn ngoan. Vòng xoáy đi xuống có thể được đảo ngược: Càng giữ được nhiều việc làm thì càng có thể tạo ra nhiều việc làm mới.
Vụ phá hủy Nord Stream gây tổn hại lớn
TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: "Chính phủ Đức cam chịu sự phá hủy các đường ống dẫn khí Nord Stream. Điều đó gây tổn hại đến lợi ích cơ bản của nền kinh tế Đức và người dân Đức".
Vào ngày 26.9.2022, đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu đã bị vỡ trong một loạt vụ nổ bên dưới Biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Thụy Điển, Đan Mạch và Đức gọi vụ việc là hành động phá hoại có chủ đích.
Các cuộc điều tra mà Đức, Đan Mạch và Thụy Điển khởi xướng sau các cuộc tấn công không có sự tham gia của Nga và không đưa ra kết quả có ý nghĩa nào.
Ông Lavrov từng chỉ ra rằng, vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2 khiến Đức và châu Âu gánh hậu quả. "Mọi người đều biết về vụ tấn công khủng bố nhằm vào các đường ống dẫn khí Nord Stream, nhưng châu Âu chỉ im lặng và chịu đựng, ngay cả khi điều đó làm suy yếu khả năng phát triển của lục địa này, nhất là với Đức" - ông Lavrov lưu ý.
Nền kinh tế Đức đã suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Năm nay, triển vọng cũng không mấy sáng sủa: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Đức bằng 0 trong năm 2024, đánh dấu hiệu suất yếu nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Nguy cơ Liên minh cầm quyền tan rã
Liên minh cầm quyền của Đức từ lâu đã ở thế bấp bênh, trong bối cảnh ngày càng có nhiều chia rẽ giữa ba đảng thành viên về các biện pháp chính sách thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ việc làm trong ngành công nghiệp và củng cố vị thế của Đức như một trung tâm công nghiệp toàn cầu.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại về tình trạng của liên minh 3 năm tuổi giữa Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Hiện đang rộ lên tin đồn về việc liệu liên minh có thể tan rã sớm nhất là trong tuần này hay không, khi các phương tiện truyền thông đưa tin về các cuộc đàm phán giữa nhiều đại diện liên minh vào đầu tuần, trước cuộc họp liên minh thường kỳ vào ngày 6.11.
"Chính phủ Đức vừa bước vào giai đoạn mới của một cuộc khủng hoảng chính trị âm ỉ có thể là bước cuối cùng trước khi liên minh cầm quyền sụp đổ" - Carsten Brzeski, Giám đốc toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại ING, cho biết trong một lưu ý hôm 4.11.
Tổng thư ký Nato thăm Đức
Theo DW, Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin (Đức).
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Rutte tới Đức kể từ khi trở thành người đứng đầu liên minh quốc phòng xuyên Đại Tây Dương.
Mối quan ngại đặc biệt về an ninh đối với các nước NATO hiện nay là việc quân lính Triều Tiên đến hỗ trợ Nga chiến đấu ở Ukraine, đánh dấu sự leo thang mới của cuộc xung đột.
Phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp, ông Rutte cho biết, chi tiêu quốc phòng của Đức vẫn còn quá thấp, mặc dù đã có sự gia tăng gần đây. Berlin hiện đang đầu tư 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào quốc phòng lần đầu tiên sau ba thập kỷ, nhưng tất cả các đồng minh cần đầu tư nhiều hơn, ông nêu rõ.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Rutte bày tỏ sự tin tưởng rằng Đức sẽ tiếp tục theo hướng này, đồng thời đặc biệt cảm ơn Thủ tướng Scholz về việc tăng ngân sách trong những năm gần đây.
"Là một cựu thủ tướng, tôi biết rằng không phải lúc nào chính phủ cũng dễ dàng phân bổ ngân sách cho quốc phòng và viện trợ cho Ukraine, nhưng cả hai đều rất quan trọng đối với an ninh chung của chúng ta", ông Rutte cho biết.
Thủ tướng Scholz hứa
Sẽ tiếp tục con đường này trong những năm tới, nhấn mạnh rằng chi tiêu quốc phòng của Đức đã tăng gấp đôi trong 7 năm qua. Ông tin rằng trụ cột châu Âu của NATO phải được tăng cường hơn nữa. "Châu Âu sẽ đầu tư đáng kể vào vấn đề này trong những năm tới. Mục đích là để có thể chống lại mọi mối đe dọa đối với an ninh ở Châu Âu", Thủ tướng Scholz nói.
Cả hai nhà lãnh đạo đều hạ thấp kỳ vọng rằng Ukraine có thể được mời gia nhập NATO. Thủ tướng Scholz cho biết, các quyết định tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius năm 2023 và tại Washington năm 2024 đã được đưa ra liên quan đến Ukraine và không cần phải đưa ra bất kỳ quyết định mới nào về vấn đề này vì tình hình không thay đổi. "Điều quan trọng hiện nay là Ukraine không cạn kiệt vũ khí", ông nói thêm.
Ông Rutte cũng tiết lộ tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, Washington đã cam kết Ukraine sẽ đi theo con đường không thể đảo ngược hướng tới tư cách thành viên NATO. "Tôi hoàn toàn tin rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ là thành viên của NATO", ông nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức thăm Ukraine
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã đến thăm Kiev.
"Đức, cùng với nhiều đối tác trên khắp thế giới, luôn sát cánh cùng Ukraine", "Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân Ukraine chừng nào họ còn cần chúng tôi, để họ có thể theo đuổi con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng", Ngoại trưởng Baerbock nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức tuyên bố sẽ cấp thêm 200 triệu euro (khoảng 218 triệu USD) cho Ukraine trong mùa Đông thứ ba của cuộc chiến. Số tiền này sẽ được hỗ trợ cho những ngôi nhà gần tiền tuyến không có nguồn cung cấp năng lượng cũng có thể nhận được nhiên liệu và "người dân Ukraine có thể được cung cấp những nhu yếu phẩm như chăn hoặc áo khoác để bảo vệ họ khỏi nhiệt độ đóng băng", bà phát biểu tại cuộc họp với người đồng cấp Ukraine, Andrii Sybiha, tại Kiev ngày 4-11.
Đây là chuyến đi thứ tám của bà Baerbock tới Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2-2022.
Nguồn: Bnews; Lao Động; Hà Nội Mới
Đức: Kế hoạch chuẩn bị xung đột với Nga; Olaf Scholz tiếp tục được đảng SPD đề cử ứng viên Thủ tướng
Đức: Trận cuồng phong với ngành ô tô; Lo sợ khủng bố ở chợ Giáng sinh; Đề xuất đưa Patriot tới Ba Lan
Đức: Hồi ký Merkel gây sốt; Buộc tội 4 nghi phạm thiết lập các kho vũ khí cho Hamas; Biến ga tàu điện ngầm thành hầm trú bom
Đức: 200.000 người nguy cơ mất việc vì điện khí hóa; Tăng viện trợ UAV cho Kiev; Bất ngờ đe dọa Trung Quốc
Đức: Bà Merkel & kinh nghiệm làm việc với Trump; Sức tàn phá của phong trào Trump
Đức: Kinh tế tăng trưởng thấp; Xem xét thi hành lệnh bắt Thủ tướng Israel; Vì sao bà Merkel lo ngại bộ đôi Trump-Musk
Đức: Thủ tướng tái khởi động chiến dịch tranh cử; Rót 2 tỷ Euro cho ngành bán dẫn; Hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm
Đức: Nóng ThyssenKrupp cắt giảm trên chục ngàn lao động; Merkel bình luận về Putin, Trump & Ukraine; Bài toán khó cho Chính phủ tiếp theo
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá