Đức: Mercedes giảm thị phần taxi; Thủ tướng muốn điện đàm với Putin; Bắt 1 phụ nữ Trung Quốc tình nghi làm gián điệp

MERCEDES GIẢM MẠNH THỊ PHẦN TAXI TRONG 8 THÁNG ĐẦU NĂM TẠI ĐỨC

Chỉ bán được một xe B-Class.

Theo Carscoops, những mẫu sedan thương hiệu Mercedes-Benz từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với khách hàng sử dụng dịch vụ taxi tại châu Âu. Tuy nhiên, những năm gần đây, điều này đang thay đổi nhanh chóng, khi sự thống trị của Mercedes tại thị trường taxi tại đây đang dần suy yếu.

Tại Đức - nơi hãng xe nổi tiếng sang trọng này ra đời - lượng ôtô bán cho các dịch vụ vận tải (tạm gọi chung là taxi) của Mercedes đã giảm 71% trong giai đoạn từ tháng 1.2024 đến tháng 8.2024, chỉ đạt 497 chiếc so với sức bán 1.730 xe ở cùng kỳ năm ngoái.

Trong tổng cộng 497 xe Mercedes đã bán cho dịch vụ taxi nêu trên, có 127 xe E-Class (giảm 90%) và chỉ một chiếc B-Class, giảm 95% so với 8 tháng đầu năm 2023. Được biết, dòng minivan Vito Tourer là cái tên duy nhất của thương hiệu Mercedes giữ được sức bán ổn định ở mảng xe taxi/xe dịch vụ.

Trước đó, thị phần Mercedes ở mảng taxi tại Đức đã từng giảm từ mức 52% hồi năm 2019 xuống còn 38% vào năm 2023. Các dữ liệu hiện tại dự báo thị phần của hãng xe sang trọng này tại Đức sẽ giảm xuống chỉ còn 13% khi mà ngày càng nhiều công ty taxi bỏ qua Mercedes và lựa chọn các thương hiệu khác.

Volkswagen và Toyota

Volkswagen  đang là cái tên dẫn đầu thị trường taxi tại Đức, chủ yếu nhờ thành công của các dòng xe minivan như Touran hay Caddy. Trên thực tế, hãng sản xuất xe ôtô của Nhật Bản là Toyota cũng đang bán nhiều xe cho dịch vụ taxi hơn so với Mercedes, nhờ những phiên bản đặc biệt của Corolla hay RAV4.

Dừng ưu đãi đặc biệt

Ông Ola Källenius - Giám đốc điều hành tập đoàn Mercedes-Benz đã từng thông báo vào năm 2023 về việc hãng sẽ ngừng cung cấp các mẫu xe được thay đổi dành riêng cho dịch vụ taxi, đồng thời dừng ưu đãi đặc biệt cho những hãng taxi.

Một lãnh đạo Mercedes cũng đã từng chia sẻ với trang tin Handelsblatt rằng dịch vụ taxi “không phù hợp với tiêu chuẩn sang trọng” của hãng, đồng thời nhấn mạnh các đối thủ như BMW hay Audi cũng không mặn mà với mảng kinh doanh này.

Cũng theo Carscoops, yếu tố chính cho sự thay đổi chiến lược của Mercedes nằm ở quy mô thị trường xe taxi tại Đức. Chỉ có khoảng 6.000-7.000 xe taxi mới được đăng ký thường niên tại quốc gia này. Con số này có thể nói là khá khiêm tốn khi đặt cạnh tổng doanh số 2,8 triệu ôtô du lịch mỗi năm tại Đức.

Hiện, Mercedes vẫn sẽ tiếp tục cung cấp các dòng xe limousine dựa trên dòng E-Class. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xe sang taxi sẽ được xử lý bởi các đơn vị thứ ba.

Mặc dù, taxi có thể là một cách giúp các thương hiệu ôtô tăng trưởng doanh số nhờ tạo cơ hội trải nghiệm cho khách hàng. Nhưng có vẻ như Mercedes không còn nhìn thấy tiềm năng ở chiến lược này nữa.

 

 

THỦ TƯỚNG MUỐN TỔ CHỨC ĐIỆN ĐÀM VỚI PUTIN

Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn tổ chức cuộc trò chuyện qua điện thoại với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sau gần hai năm.

Lịch dự kiến

Một cuộc điện thoại được cho là đang được xem xét trước cuộc họp G20 ở Brazil vào tháng 11 tới. Nếu thành công, ông Scholz sẽ là người đứng đầu chính phủ đầu tiên của các quốc gia ủng hộ Ukraine nhất nối lại liên lạc trực tiếp với Tổng thống Nga Putin.

Các cuộc thảo luận trước đây

Cuộc trò chuyện qua điện thoại gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo Đức và Nga diễn ra vào tháng 12/2022.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói chuyện trực tiếp với ông Putin lần cuối vào năm 2022.

Dự kiến lịch giữa tháng 10

Sẽ có các cuộc thảo luận về hỗ trợ cho Ukraine sẽ được tổ chức tại Đức với sự tham gia của Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Ukraine dường như đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phương Tây trong việc đàm phán một số hình thức giải quyết với Nga. Quân đội Ukraine đang nỗ lực phục hồi lực lượng đã bị suy giảm của mình, trong khi lực lượng Nga tiếp tục tiến quân không ngừng nghỉ ở miền đông Ukraine, tiến gần hơn đến trung tâm hậu cần Pokrovsk.

Báo chí phương tây tuần trước cho biết, các nhà lãnh đạo phương tây muốn có hình thức tiếp cận trực tiếp với ông Putin tại G20.

 Mỹ và Đức là những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine. Tuần trước, cuộc gặp kín giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Olaf Scholtz đã diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

 

 

MỘT PHỤ NỮ TRUNG QUỐC BỊ BẮT TẠI LEIPZIG VÌ NGHI LÀM GIÁN ĐIỆP

Cáo buộc của Viện Công tố

Một phụ nữ Trung Quốc bị bắt tại thành phố Leipzig của Đức vì tình nghi có các hoạt động của đặc vụ nước ngoài và chuyển thông tin liên quan đến việc chuyển giao vũ khí, tổng công tố viên cho biết trong một tuyên bố hôm 1/10.

Nghi phạm, chỉ được nêu tên là Yaqi X, bị cáo buộc chuyển thông tin thu được khi làm việc cho một công ty hậu cần tại sân bay Leipzig/Halle cho một thành viên của cơ quan mật vụ Trung Quốc, người đang bị truy tố riêng, tuyên bố cho biết.

Công dân Trung Quốc thứ hai, được nêu tên là Jian G, bị bắt vào năm nay khi đang làm trợ lý cho Maximilian Krah, một thành viên của Nghị viện châu Âu, bị tình nghi làm gián điệp “đặc biệt quan trọng” cho Bắc Kinh.

Tổng công tố viên cho biết thông tin được Yaqi X chuyển vào năm 2023 và 2024 bao gồm dữ liệu chuyến bay, hàng hóa và hành khách cũng như thông tin chi tiết về việc vận chuyển thiết bị quân sự và những người có quan hệ với một công ty vũ khí Đức.

Trung Quốc phủ nhận

Sự lo lắng về gián điệp Trung Quốc đã gia tăng trên khắp Tây Âu gần đây. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc, nói rằng chúng xuất phát từ “tư duy Chiến tranh Lạnh” và được thiết kế để đầu độc bầu không khí hợp tác giữa Trung Quốc và Châu Âu.

Căng thẳng cũng đã âm ỉ giữa Berlin và Bắc Kinh trong năm qua sau khi Thủ tướng Olaf Scholz công bố chiến lược giảm rủi ro cho mối quan hệ kinh tế của Đức với Trung Quốc, gọi Bắc Kinh là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống”.

 

Nguồn: Lao Động; Dân Việt; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang