
THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC SỤT GIẢM, LỢI NHUẬN CỦA MERCEDES-BENZ ĐI XUỐNG
Lợi nhuận ròng quý 2 năm 2024 của hãng giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức hơn 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) trong bối cảnh nhu cầu tại thị trường chủ chốt là Trung Quốc giảm.
Hãng sản xuất xe sang Mercedes-Benz của Đức công bố lợi nhuận ròng quý 2 năm 2024 giảm mạnh, do doanh số bán xe điện yếu hơn và nhu cầu tại thị trường chủ chốt là Trung Quốc giảm.
Lợi nhuận ròng quý 2 năm 2024 của hãng giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức hơn 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD).
Doanh thu của tập đoàn giảm gần 4%, xuống 36,7 tỷ euro.Các kết quả kinh doanh yếu đã khiến Mercedes hạ mục tiêu biên lợi nhuận năm 2024.
Hãng dự kiến tỷ lệ lợi nhuận sau điều chỉnh trên doanh thu trong khoảng 10-11%, so với mức dự kiến 10-12% trước đó.
Tập đoàn này cho rằng lĩnh vực sản xuất ôtô tiếp tục đối mặt với sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu, các diễn biến địa chính trị và chính sách thương mại.
Doanh số bán của Mercedes giảm 3,7%, xuống 496.712 chiếc trong quý 2 năm nay, một phần do khách hàng chờ các mẫu mới trước khi quyết định mua.
Hãng cũng cho rằng một nguyên nhân khác là thị trường châu Á chững lại, với doanh số bán tại Trung Quốc giảm 6%, khi các hãng sản xuất ôtô châu Âu phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu của nước này, đặc biệt là trong phân khúc xe điện.
Doanh số bán xe điện của hãng giảm 25% trong quý 2, do sự cạnh tranh với các thương hiệu của Trung Quốc gia tăng và nhu cầu tại châu Âu yếu hơn.
Giám đốc điều hành Mercedes, Ola Kallenius, cho biết hãng kỳ vọng doanh số bán sẽ tăng trong nửa cuối năm, nhờ việc tung ra các mẫu xe mới, đặc biệt là trong phân khúc cao cấp.
Hãng vẫn duy trì mục tiêu về doanh số bán cả năm như năm ngoái.
'NỐT TRẦM' TẠI CÔNG TY CUNG CẤP PHỤ TÙNG XE HƠI LỚN THỨ 2 NƯỚC ĐỨC
Nhà cung cấp phụ tùng ô tô ZF Friedrichshafen AG (ZF) lớn thứ hai của Đức sau Bosch có kế hoạch cắt giảm dần 11.000-14.000 việc làm ở Đức vào năm 2028.
Nhà cung cấp phụ tùng ô tô ZF Friedrichshafen AG (ZF) lớn thứ hai của Đức sau Bosch có kế hoạch cắt giảm dần 11.000-14.000 việc làm ở Đức vào năm 2028.
Công ty có trụ sở tại Friedrichshafen, bang Baden-Württemberg, đã thông báo kế hoạch cắt giảm lao động nhiều hơn mức dự kiến sau khi ban giám sát họp trong hai ngày 24-25/7. Như vậy, cứ bốn nhân viên của ZF ở Đức thì sẽ có một người có khả năng mất việc làm.
Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn như Bosch, Continental và ZF đã đầu tư chi phí khổng lồ để xây dựng năng lực chuyển đổi sang xe điện thân thiện với môi trường hơn, nhưng nhu cầu về xe điện vẫn chưa phát triển như mong đợi, làm trầm trọng thêm tình hình tài chính.
Trên thực tế, số lượng nhân công cần thiết để sản xuất bộ truyền động điện chỉ bằng một nửa số nhân công để sản xuất hộp số phức hợp cho động cơ đốt trong, trong khi hộp số là hoạt động kinh doanh truyền thống của nhà máy sản xuất bánh răng ZF.
Theo kế hoạch, ZF sẽ đóng cửa các địa điểm riêng lẻ trong số 36 nhà máy sản xuất trong nước Đức không thể cải thiện được khả năng cạnh tranh và hợp nhất thành một số nhóm địa điểm.
Ngoài điều kiện thị trường khó khăn chung, công ty còn nợ rất nhiều do mua lại TRW vào năm 2015 và Wabco vào năm 2020. ZF phải trả hơn nửa tỷ euro tiền lãi hàng năm cho khoản nợ 13 tỷ euro (14,1 tỷ USD).
ZF đã công bố một chương trình tiết kiệm vào tháng 3 nhằm giảm chi phí khoảng 6 tỷ euro, đồng thời tăng năng suất thông qua tái tổ chức và đầu tư vào tự động hóa. Việc bán hoặc IPO bộ phận túi khí đang sinh lời cũng có thể hỗ trợ công ty phần nào nhưng chi tiết hiện chưa rõ ràng.
Năm 2023, ZF đã tăng doanh số bán hàng thêm 6,6% lên 46,6 tỷ euro, với lợi nhuận hoạt động 2,3 tỷ euro. Tuy nhiên lợi nhuận ròng giảm 67% xuống còn 126 triệu euro do phải trả lãi suất cao.
Với chương trình tiết kiệm, ZF cũng muốn tạo thêm vốn để đầu tư. Do có những đơn đặt hàng từ Dodge và Jeep, ZF muốn chuyển đổi nhà máy truyền động ở Grey Court, South Carolina (Mỹ), sang thế hệ công nghệ truyền động mới với chi phí 500 triệu USD. Công ty cũng muốn xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiết kiệm năng lượng cùng với đối tác Wolfspeed ở Saarland, sát biên giới Pháp và Luxembourg.
ZF có thể mất vị trí nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn thứ hai của Đức trong năm tới khi hoạt động sản xuất trục xe, với doanh thu 4 tỷ euro, được chuyển giao cho liên doanh với Foxconn, công ty điện tử của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và là nhà cung cấp của Apple.
THỦ TƯỚNG ĐỨC ĐÃ QUÁ NGÂY THƠ KHI CHO MỸ ĐẶT TÊN LỬA TẦM XA?

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz “thiếu suy nghĩ” khi liên kết xung đột Nga - Ukraine với kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ đến Đức.
Ngày 27-7, bình luận về quan điểm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz liên quan kế hoạch Mỹ triển khai tên lửa tầm xa đến Đức, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Thủ tướng Scholz “nổi tiếng với những ý tưởng thiếu suy nghĩ”, theo đài RT.
Cụ thể, đầu tuần này, ông Scholz nói rằng kế hoạch chung của Washington và Berlin về việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ đến Đức từ năm 2026 có tác dụng răn đe và đảm bảo rằng Đức sẽ không bị tấn công.
Theo ông Scholz, để ngăn chặn việc Mỹ bố trí tên lửa tầm xa ở Đức, trước tiên Nga phải dừng cuộc chiến ở Ukraine.
“Điều đầu tiên Nga nên làm là chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp chống lại Ukraine và từ bỏ nỗ lực chinh phục toàn bộ Ukraine” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Scholz.
Đáp lại, ông Lavrov cho rằng kế hoạch triển khai tên lửa không phải xuất phát từ nguyện vọng của người dân Đức mà là do Mỹ quyết định.
“Khi tin tức về kế hoạch được đưa ra, ông ấy [Scholz] ngây thơ nói: ‘Tôi hoan nghênh quyết định triển khai tên lửa của Mỹ tại Đức. Ông ấy không che giấu sự thật rằng quyết định này là của Mỹ” - ngoại trưởng Nga nói trong chuyến công du Lào.
Ông Lavrov lưu ý rằng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine nhằm mục đích “loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga phát sinh từ Ukraine, nơi có kế hoạch đặt các căn cứ quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Theo nhà ngoại giao Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga cũng nhằm mục tiêu bảo vệ người dân ở những khu vực miền đông Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập.
Đức và Ukraine chưa bình luận về phát ngôn của ngoại trưởng Nga.
Nguồn: VietnamPlus; VietnamBiz; Pháp Luật
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá