Đức: Loạt sân bay đóng cửa vì đình công; Ngành ô tô khủng hoảng toàn diện; AfD thách thức kế hoạch nợ mới; Cú hích tài chính & ý nghĩa với EU

CẢNH BÁO: NGÀY 10/3 LOẠT SÂN BAY LỚN NGUY CƠ ĐÓNG CỬA VÌ ĐÌNH CÔNG

Cuộc đình công cảnh báo vào ngày 10/3

Sẽ diễn ra tại 10 sân bay lớn của Đức, gồm Frankfurt, München, Köln/Bonn, Düsseldorf, Dortmund, Hannover, Bremen, Hamburg, Berlin và Leipzig-Halle.

Liên minh công đoàn các ngành dịch vụ (Verdi) - lớn nhất tại Đức, ngày 7/3 tuyên bố tại sân bay Frankfurt, sân bay lớn nhất nước Đức, 10 sân bay của nước này sẽ đình công vào ngày 10/3.

Hầu hết nhân viên của Fraport, đơn vị điều hành Sân bay Frankfurt, đều có thỏa thuận lương tập thể và có thể tham gia cuộc đình công, dự kiến bắt đầu vào nửa đêm ngày 9/3. Nhân viên mặt đất tại sân bay cũng được Verdi kêu gọi dừng công việc trong ngày 10/3.

Mục đích đình công

Cuộc đình công "cảnh báo" này diễn ra sau khi vòng đàm phán lương thứ hai cho nhân viên khu vực công không thành công.

Verdi đang tìm kiếm một thỏa thuận tiền lương tập thể cho khoảng 2,5 triệu lao động khu vực công với các yêu cầu bao gồm tăng lương 8%, tiền thưởng cao hơn và thêm ba ngày nghỉ.

Các chính quyền địa phương và chính quyền liên bang cho biết các đề xuất của Verdi là không khả thi về mặt tài chính.

Các cuộc đình công tại một số sân bay của Đức tuần trước trong bối cảnh tranh chấp tiền lương đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động đi lại trong nước và quốc tế.

Vòng đàm phán tiền lương tiếp theo của Verdi sẽ diễn ra vào tuần tới. Cuộc đình công cảnh báo này nhằm tạo sức ép lên chủ lao động cho vòng  đàm phán đó.

 

 

KHỦNG HOẢNG TOÀN DIỆN NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ

Theo phân tích từ công ty tư vấn EY

Được công bố ngày 6/3. Phân tích cho biết trong năm 2024, doanh thu của toàn ngành công nghiệp ô tô Đức đã giảm 5% so với năm trước, xuống còn 536 tỷ euro. Cùng với doanh thu giảm, số lượng việc làm trong ngành này cũng giảm. Tính trung bình cả năm, số lượng việc làm trong ngành giảm 0,9%, tương đương với gần 19.000 việc làm. Thậm chí, thời điểm cuối năm 2024, số lượng việc làm còn giảm 2,4% so với cùng thời điểm năm 2023.

Ảnh hưởng tới các nhà cung cấp phụ tùng ô tô

Trong năm 2024, doanh thu của các nhà cung cấp có trụ sở tại Đức giảm 8% so với năm trước - mức giảm mạnh gấp đôi so với mức giảm của các nhà sản xuất ô tô. Số lượng nhân viên nhà cung cấp phụ tùng cũng giảm 2,4%, cao hơn hơn nhiều so với mức giảm 0,1% nhà sản xuất ô tô. Điều này làm kéo dài xu hướng tiêu cực dài hạn tại các nhà cung cấp phụ tùng ô tô.

Khủng hoảng toàn diện

Ông Constantin M. Gall, Trưởng bộ phận Di động tại công ty EY khu vực Tây Âu, cho biết ngành công nghiệp ô tô Đức đang trong một cuộc khủng hoảng toàn diện và nặng nề. Những vấn đề lớn của ngành có thể kể tới như nhu cầu yếu, chi phí sản xuất quá cao và sự tồn tại song song tốn kém của ô tô động cơ đốt trong và ô tô điện. Đặc biệt, đầu tư vào xe điện đã tiêu tốn nguồn vốn rất lớn nhưng lại không đạt được thành công như mong đợi. Thêm vào đó là sự sụp đổ hoạt động kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu ô tô Đức sang Trung Quốc trong năm 2024 đã giảm 17%, tiếp sau mức giảm 18% trong năm 2023.

Ông Gall nhấn mạnh rằng trong rất nhiều thách thức đang gặp phải, các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô hiện chỉ có thể tự mình giải quyết một số vấn đề nhất định. Do đó, năm 2025 sẽ chứng kiến các doanh nghiệp trong ngành cắt giảm mạnh chi phí để tăng khả năng phục hồi. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới tiếp tục cắt giảm việc làm. Số lượng việc làm giảm năm ngoái chỉ là khởi đầu của một quá trình thu hẹp "đau đớn" nhưng không thể tránh khỏi.

Cũng theo ông Gall, trước những diễn biến địa chính trị thời gian qua, khả năng các doanh nghiệp trong ngành ô tô Đức di dời sản xuất quy mô lớn sang Mỹ hoặc Trung Quốc là rất lớn, điều này sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc cắt giảm việc làm ở Đức.

Biện pháp vực dậy ngành công nghiệp quan trọng này

Ông Gall khuyến nghị rằng các doanh nghiệp nên tập trung vào năng lực cốt lõi và sản xuất hiệu quả hơn, vì một số vấn đề hoàn toàn là do nội tại doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, nhiều khoản đầu tư sai lầm và thất bại, gây tốn kém, đã ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất Đức. Ngoài ra, điều kiện thị trường và yêu cầu của khách hàng đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng, trong khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống vẫn chưa kịp thích ứng và rút ngắn chu kỳ sản phẩm của mình.

Chính sách của EU

Về vấn đề chính sách, ông Gall cho rằng Liên minh châu Âu (EU) vẫn thiếu quy định rõ ràng trong lĩnh vực ô tô. Ông cho rằng EU cần phải trả lời càng sớm càng tốt câu hỏi liệu động cơ đốt trong có tương lai ở châu Âu hay không. Theo ông, không ngành nào có thể thành công khi vừa phải đối mặt với cầu yếu, áp lực chi phí tăng, yêu cầu đầu tư cao, vừa không rõ ràng về các chính sách trong tương lai.

 

 

ĐẢNG AFD THÁCH THỨC CÁC KẾ HOẠCH NỢ MỚI TẠI TÒA ÁN

Kiện ra tòa án

Theo một nhà lập pháp cấp cao của AfD, Đảng Thay thế cho Đức (AfD) của Đức đang có kế hoạch đệ đơn kiện lên tòa án hiến pháp về các kế hoạch nợ mới được đề xuất của Liên minh Chính phủ mới. Đơn khiếu nại dự kiến sẽ được đệ trình vào tuần tới. Theo đó, Đảng AfD đã chỉ trích mạnh mẽ những thay đổi được đề xuất này, gọi chúng là một "cuộc hoan hỉ của nợ". Đảng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của quốc hội sắp mãn nhiệm để đưa ra các quyết định quan trọng như vậy. Đảng cánh tả, một nhóm chính trị khác ở Đức, cũng đã bày tỏ quan ngại và đe dọa sẽ có hành động pháp lý.

Kế hoạch của Chính phủ Liên minh

Thủ tướng tiếp theo tiềm năng của Đức, nhà lãnh đạo bảo thủ Friedrich Merz, phối hợp với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đang lên kế hoạch cho một sự thay đổi đáng kể trong chính sách tài khóa. Kế hoạch mới liên quan đến việc tăng nợ mới và từ bỏ các quy tắc vay hạn chế hiện có.

Merz và SPD đang đề xuất thành lập một quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 500 tỷ Euro. Ngoài ra, họ nhằm mục đích loại bỏ các giới hạn hiến pháp đối với việc vay, được gọi là ’phanh nợ’, trong quốc hội sắp mãn nhiệm.

 

 

CÚ HÍCH TÀI CHÍNH & TÁC ĐỘNG VỚI EU

Đồng Euro

Đã tăng mạnh so với đồng USD trong phiên giao dịch sáng 5/3 sau khi Đức công bố bước ngoặt lịch sử trong chính sách chi tiêu công, gây chấn động thị trường tài chính và đẩy chi phí vay của chính phủ lên mức cao nhất trong 17 tháng.

Việc Đức từ bỏ lập trường thận trọng về ngân sách đã giúp đồng euro thoát khỏi nỗi lo về suy thoái kinh tế và sự mong manh chiến lược của châu Âu, tăng vọt so với đồng USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã tăng gần 0,25 điểm phần trăm khi các nhà đầu tư nhanh chóng điều chỉnh kỳ vọng trước tác động của hàng trăm tỷ euro sẽ được chi tiêu cho quốc phòng và cơ sở hạ tầng.

Sự biến động này xuất phát từ thông báo vào cuối ngày 4/3 rằng Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz đã đạt thỏa thuận với các đối tác liên minh – đảng Dân chủ Xã hội (SPD) – để lách quy định Hiến pháp về trần thâm hụt ngân sách. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đề xuất huy động thêm hàng trăm tỷ euro để khôi phục năng lực quốc phòng của châu Âu.

Ông George Saravelos, trưởng chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, nhận định: "Châu Âu, đặc biệt là Đức, đang thể hiện phản ứng chưa từng có trong lịch sử đối với việc điều chỉnh chính sách tài khóa".

Triển vọng về “cú hích” tài chính đã đẩy đồng euro tăng 0,7% so với đồng USD, lên mức 1,0722 – cao nhất kể từ tháng 11. Ông Saravelos dự báo đồng euro sẽ tiếp tục đà tăng, có thể đạt mức 1,10. Trong khi không phải ai cũng lạc quan như vậy, nhiều nhà phân tích đã nhanh chóng từ bỏ dự đoán rằng đồng euro có thể rơi về mức ngang giá với USD trong năm nay.

Kế hoạch chi tiêu kỷ lục

Kế hoạch của ông Merz sẽ loại trừ phần lớn chi tiêu quốc phòng khỏi cái gọi là "phanh nợ", đồng thời bao gồm một quỹ đặc biệt trị giá 500 tỷ euro cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn cần được Quốc hội Đức thông qua vào cuối tháng. Để làm được điều đó, ông Merz và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz sẽ phải thuyết phục đảng Xanh, điều mà nhiều người tin rằng sẽ thành công.

"Trước những mối đe dọa đối với hòa bình và tự do ở châu Âu, chúng ta cũng cần một cách tiếp cận ‘bất cứ giá nào’ đối với quốc phòng", ông Merz phát biểu, nhắc lại tuyên bố nổi tiếng của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu một thập kỷ trước.

Thỏa thuận tài chính này đánh dấu một bước ngoặt lớn so với quan điểm thận trọng về nợ công mà Đức duy trì kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù còn một số chi tiết cần làm rõ, các nhà kinh tế không nghi ngờ gì về tác động mang tính thay đổi của chính sách này.

"Dù vẫn cần làm rõ thêm, nhưng chúng tôi tin rằng đây là một trong những thay đổi mô hình quan trọng nhất trong lịch sử hậu chiến của Đức", Robin Winkler, kinh tế trưởng tại Deutsche Bank Research, nhận định.

Đồng quan điểm, ông Holger Schmieding, kinh tế trưởng tại Berenberg, hoan nghênh việc "Đức cuối cùng cũng đảm nhận vai trò lãnh đạo" và bày tỏ hy vọng rằng chính phủ mới sẽ có đủ dũng khí để thực hiện các cải cách hỗ trợ tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư tư nhân lẫn công.

Ông Greg Fuzesi, chuyên gia kinh tế tại J.P. Morgan, cho rằng tâm lý lạc quan có thể giúp thu hút đầu tư tư nhân ngay cả trước khi chính sách tài khóa chính thức được triển khai. Ông dự báo sẽ có "sự thay đổi đáng kể" trong triển vọng kinh tế của Đức sau hai năm suy thoái liên tiếp.

Rủi ro tiềm ẩn

Trong khi đó, ông Balduin Bippus, nhà kinh tế tại Barclays, cho rằng động thái này sẽ đảo ngược áp lực giảm mà chính sách tài khóa của Đức đã đặt lên đồng euro từ năm 2009, khi Thủ tướng Angela Merkel đưa ra "phanh nợ". Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các yếu tố khác như căng thẳng thương mại với Mỹ có thể làm phức tạp triển vọng của đồng euro.

Một điều rõ ràng là chính sách tài khóa mới của Đức cũng sẽ đi kèm với chi phí không nhỏ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức đã tăng vọt sau thông báo, với lợi suất kỳ hạn 10 năm vượt mức 2,7%, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2022. Điều này cũng kéo theo chi phí vay của tất cả các chính phủ khu vực đồng euro tăng theo. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Đức đang trên đà tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ cuối những năm 1990.

Đối với một số chuyên gia, đây là lời cảnh báo về lý do tại sao "phanh nợ" được đưa ra ngay từ đầu. Ông Friedrich Heinemann, nhà kinh tế tại viện nghiên cứu ZEW ở Mannheim, cảnh báo rằng cải cách này có thể đẩy nợ công của Đức lên mức nguy hiểm. Ông ước tính rằng thỏa thuận giữa CDU/SPD sẽ cho phép Đức tài trợ 4% GDP thông qua nợ, và tỷ lệ nợ công trên GDP có thể đạt 100% ngay từ năm 2034.

"Hôm nay là ngày mà ‘phanh nợ’ trở thành quá khứ", ông Lars Feld, cố vấn của cựu Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, bày tỏ sự thất vọng. Ông cho rằng Đức sẽ mất đi vị thế là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trái phiếu. Lãi suất và lạm phát chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

 

Nguồn: VietnamPlus; Bnews; Investing; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang