Đức: Thỏa thuận lịch sử về quốc phòng & kinh tế; Thay đổi tài khóa sẽ giúp cải tổ kinh tế; Cạn vũ khí viện trợ Ukraine

ĐẠT THỎA THUẬN LỊCH SỬ VỀ QUỐC PHÒNG & KINH TẾ

Thỏa thuận nới lỏng quy phạm vay nợ ngân sách

Thỏa thuận mới về quốc phòng và kinh tế được xem là một thay đổi lớn trong chính sách tài khóa của Đức, vốn từ lâu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thâm hụt ngân sách.

Trong một bước đi mang tính lịch sử, các đảng phái chính trị lớn tại Đức, gồm Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Liên minh Xã hội Kitô giáo Bayern (CSU), và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ngày 4/3 đã đạt được thỏa thuận về việc nới lỏng các quy tắc vay nợ để tăng cường chi tiêu quốc phòng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Theo thỏa thuận, Đức sẽ thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 500 tỷ euro để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp trong thập kỷ tới. Đồng thời, chi tiêu quốc phòng vượt quá 1% GDP sẽ được miễn trừ khỏi các quy tắc "phanh nợ" - vốn hạn chế việc vay nợ của chính phủ. Điều này cho phép nước này tăng cường ngân sách quốc phòng mà không cần phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác.

Thỏa thuận cũng bao gồm việc nới lỏng các quy tắc vay nợ cho các tiểu bang, cho phép những tiểu bang này vay thêm 0,35% GDP để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng địa phương. Đây được xem là một nỗ lực nhằm kích thích nền kinh tế Đức, vốn trải qua 2 năm trì trệ do đầu tư không đủ vào các lĩnh vực then chốt như đường sắt, đường bộ và công nghệ thông tin.

Bối cảnh của thỏa thuận

Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Những lời đe dọa của ông Trump về việc rút lại các cam kết an ninh với châu Âu, cùng với việc đóng băng viện trợ quân sự cho Ukraine, đã thúc đẩy Đức và các nước châu Âu khác phải tăng cường khả năng tự vệ.

Friedrich Merz, lãnh đạo CDU và là ứng viên Thủ tướng tiếp theo của Đức, nhấn mạnh rằng châu Âu cần phải độc lập hơn về mặt quốc phòng và không thể tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ.

Các nhà kinh tế và chuyên gia quốc phòng đã hoan nghênh thỏa thuận này, xem đó là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tài khóa của Đức. Robin Winkler, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank Research, nhận định đây là một trong những thay đổi mang tính lịch sử nhất kể từ sau Thế Chiến II. Ông cho rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ giúp Đức thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Liana Fix, một chuyên gia về châu Âu tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, gọi đây là một "Zeitenwende" (thời khắc lịch sử), tương tự như lời hứa của Thủ tướng Olaf Scholz về việc thành lập quỹ quốc phòng 100 tỷ euro sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022.

Ý nghĩa các thỏa thuận và những thách thức

Để thông qua các sửa đổi hiến pháp cần thiết, CDU và SPD sẽ cần sự ủng hộ của các đảng khác như đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) để đạt được 2/3 tỷ lệ đồng thuận tại Quốc hội Đức. Ngoài ra, các đảng cực hữu và cực tả đe dọa sẽ kiện để ngăn chặn việc nới lỏng các quy tắc vay nợ.

Dù vậy, ông Merz và các đồng minh vẫn quyết tâm thúc đẩy thỏa thuận này, xem đó là một bước đi cần thiết để đối phó với những thách thức an ninh và kinh tế hiện nay. "Trước mối đe dọa đối với tự do và hòa bình của chúng ta trên lục địa, câu thần chú cho quốc phòng của chúng ta phải là "bất cứ giá nào,"" lãnh đạo CDU tuyên bố.

Thỏa thuận mới về kinh tế và quốc phòng không chỉ là một bước đi quan trọng trong việc tái vũ trang quân đội Đức, mà còn là một nỗ lực nhằm khôi phục nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nếu thành công, đây sẽ là dấu mốc lịch sử trong chính sách tài khóa và quốc phòng của Đức, mở ra một kỷ nguyên mới với sự đầu tư mạnh mẽ vào cả an ninh và phát triển kinh tế.

Chi tiết chính sách

Xét về chi tiết, quỹ đầu tư đặc biệt trị giá 500 tỷ Euro sẽ không nằm trong ngân sách liên bang mà sẽ được tài trợ thông qua tín dụng mà không làm gia tăng nợ mới. Số tiền này sẽ được sử dụng trong vòng 10 năm, tập trung vào giao thông, năng lượng, giáo dục, bảo vệ dân sự và các cơ sở hạ tầng khác. Các bang liên bang cũng sẽ được phân bổ một phần quỹ để hỗ trợ tài chính của họ.

Để tránh bị giới hạn bởi quy tắc “phanh nợ”, quỹ này sẽ được đưa vào hiến pháp và được miễn trừ khỏi quy định tài khóa.

Hiện tại, quy tắc “phanh nợ” giới hạn mức nợ mà chính phủ có thể vay, đồng thời quy định rằng thâm hụt ngân sách cơ cấu của chính phủ liên bang không được vượt quá 0,35% GDP hàng năm của đất nước.

Một thay đổi quan trọng trong kế hoạch mới là chi tiêu quốc phòng vượt quá 1% GDP của Đức sẽ không bị tính vào mức trần “phanh nợ”, có nghĩa là khoản chi này sẽ không còn bị giới hạn.

Các bang của Đức cũng sẽ được phép vay nợ nhiều hơn so với trước đây, đồng thời các đề xuất dài hạn nhằm hiện đại hóa quy tắc “phanh nợ” và tăng cường đầu tư cũng sẽ được triển khai.

Đề xuất cải tổ “phanh nợ” này cũng đánh dấu một sự thay đổi lớn so với chiến dịch tranh cử của CDU-CSU, trong đó các đảng này nhiều lần khẳng định mong muốn duy trì quy tắc thời cựu Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, ông Friedrich Merz sau đó đã gợi ý rằng ông có thể sẵn sàng cho một số cải cách.

Phản ứng thị trường

Các kế hoạch này đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ trên thị trường. Chỉ số DAX của Đức tăng 3,4% trưa ngày 5/3 (theo giờ London), dẫn dắt đà tăng của chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu. Các công ty xây dựng và sản xuất ghi nhận mức tăng đáng kể, cùng với đó là các ngân hàng Đức.

Chi phí vay của Đức tăng vọt. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm, vốn được xem là chuẩn mực của khu vực đồng Euro, đã tăng hơn 25 điểm cơ bản, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng hơn 16 điểm cơ bản.

Theo ông Florian Schuster-Johnson từ Dezernat Zukunft, phản ứng của thị trường cho thấy sự bất ngờ trước tốc độ và quy mô của những thay đổi được đề xuất.

“Kết luận là Đức đã trở lại và có nguồn tài trợ”, ông nói. “Bước đi mà chúng ta vừa chứng kiến thực sự đáng chú ý. Người Đức đôi khi hành động muộn và chậm trễ khi cần có những bước tiến lớn, nhưng khi họ làm thì họ làm rất triệt để”.

 

 

CẢNH BÁO: KHO VŨ KHÍ VIỆN TRỢ UKRAINE CẠN KIỆT

Đã đạt tới ngưỡng giới hạn

Bộ Quốc phòng Đức cho biết, nước này đã đạt đến giới hạn về khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine từ các kho khí tài sẵn có của mình.

Tại một cuộc họp báo hôm 5/3, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Michael Stempfle đã nhận được câu hỏi về việc chuyển giao cho Kiev thêm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot cũng như những vũ khí khác từ kho của Berlin.

Ông Stempfle tuyên bố, mặc dù Đức đã gửi nhiều vũ khí cho Ukraine, nhưng vẫn có "giới hạn tự nhiên đối với việc này". Người phát ngôn nhấn mạnh, Đức cũng cần tăng cường năng lực phòng thủ của quốc gia và đảm bảo các đồng minh châu Âu đang ở "vị thế tốt".

Thuộc những nước ủng hộ quan trọng nhất

Theo ông Stempfle, Đức là một trong những nước ủng hộ quan trọng nhất của Kiev kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang vào tháng 2/2022. Chính phủ Đức thống kê, cho đến nay, nước này đã viện trợ quân sự và tài chính đáng kể cho Kiev, với tổng trị giá khoảng 44 tỷ Euro. Trong số các khí tài viện trợ có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard, tên lửa chống tăng Panzerfaust 3, tên lửa phòng không Stinger và xe bọc thép tự hành chống máy bay Gepard.

Mặc dù hiện không rõ tiết lộ của ông Stempfle ám chỉ điều gì về các đợt cung cấp viện trợ quân sự trong tương lai của Đức, nhưng phát biểu được đưa ra đúng vào thời điểm Ukraine có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trên tiền tuyến sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đình chỉ mọi viện trợ quân sự của Washington cho Kiev.

Nga lên tiếng về nơi tốt nhất để hòa đàm

Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 5/3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, các bên liên quan hiện vẫn chưa thảo luận về việc tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Mỹ Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “theo bất kỳ cách nào”. Tuy nhiên, đối với Moscow, thủ đô Minsk của Belarus là nơi lí tưởng nhất để diễn ra những cuộc gặp như vậy.

Hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Peskov giải thích: “Belarus là đồng minh then chốt của chúng tôi. Đây là lí do tại sao Minsk là địa điểm tốt nhất để chúng tôi đàm phán".

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trước đó khẳng định, Minsk đã sẵn sàng tổ chức các cuộc thương lượng nhằm chấm dứt sự đối đầu giữa Moscow và Kiev.

 

Nguồn: Kinh tế & Đô thị;; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang