Đức: Lo làn sóng tị nạn nếu cắt viện trợ Ukraine; Tuyên bố thủ phạm phá hoại Nord Stream; Tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan

LO SỢ LÀN SÓNG TỊ NẠN ĐỔ VỀ ĐỨC NẾU CẮT VIỆN TRỢ CHO UKRAINE

Đảng Xanh lên tiếng

15/9, Phó Chủ tịch Đảng Xanh của Đức, Anton Hofreiter cho biết, nếu sự hỗ trợ dành cho Ukraine bị dừng lại, dự kiến sẽ có một lượng lớn người tị nạn đến các nước EU.

Ông Anton Hofreiter bày tỏ quan điểm: Nếu chúng ta tiếp tục không viện trợ Ukraine, chúng ta sẽ phải đón hàng trăm nghìn người tị nạn.

Nghị sĩ này cũng kêu gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, theo đuổi chính sách di cư phối hợp, vì các hành động riêng lẻ trong tình huống này có thể là “sự khởi đầu cho sự kết thúc” đối với EU.

Vai trò vũ khí tầm xa

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự định tới Mỹ để trực tiếp xin Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây: Ông Zelensky sẽ tới Mỹ trong vài tuần tới, và trình bày chiến lược của mình ở đó với cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và các ứng cử viên tổng thống Kamala Harris và Donald Trump.

Trước đó, ngày 13/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định lập trường Berlin sẽ không gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, bất chấp việc một số nước phương Tây đang nới lỏng khả năng sử dụng loại vũ khí này cho Kiev.

Từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Đức là nước viện trợ quân sự cho Kiev nhiều thứ 2 chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, Berlin vẫn liên tục từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus do nước này sản xuất vì lo ngại làm leo thang căng thẳng.

 

 

THỦ TƯỚNG HỨA MINH BẠCH VỀ THỦ PHẠM PHÁ HOẠI NORD STREAM

Thủ tướng Đức tuyên bố

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 14.9, không có gì bị che giấu trong cuộc điều tra thủ phạm phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream.

Berlin hy vọng sẽ đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý “nếu chúng tôi có thể bắt được chúng.

Ông Scholz đồng thời khẳng định, không có gì bị che đậy trong cuộc điều tra phá hoại đường ống Nord Stream, vài ngày sau khi Nga chỉ trích cuộc điều tra của Đức là “hoàn toàn không minh bạch”.

Cho đến nay, chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ nổ vào tháng 9.2022 làm hỏng 3 trong số 4 nhánh đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), nơi vận chuyển khí đốt Nga đến Đức và các khu vực khác của Tây Âu. Thủ tướng Scholz phát biểu trong cuộc gặp người dân ở Prenzlau, Brandenburg, ngày 14.9: Chúng tôi kêu gọi tất cả cơ quan an ninh và Tổng công tố viên liên bang điều tra các vụ nổ mà không cần quan tâm đến bất kỳ ai. Không có gì bị che đậy, điều đó hoàn toàn rõ ràng. Chúng tôi muốn đưa những kẻ đứng sau vụ việc này ra trước công lý ở Đức nếu chúng tôi có thể bắt được chúng.

Lệnh bắt giữ

Tháng trước, nhiều hãng thông tấn Đức đưa tin rằng, chính quyền đã ban hành lệnh bắt giữ đầu tiên trong vụ án, được cho là đối với một công dân Ukraina được xác định là "Vladimir Z".

Vài tháng sau vụ nổ Nord Stream, nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer, ông Seymour Hersh trích dẫn những người tố giác và các nguồn tin đáng tin cậy khác cáo buộc rằng hoạt động này được thực hiện bởi các thợ lặn Mỹ, dưới vỏ bọc cuộc tập trận BALTOPS 22 của NATO.

Mátxcơva không công khai cáo buộc Washington nhưng lưu ý rằng Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt Nga giá rẻ cho cường quốc kinh tế của Liên minh châu Âu EU.

Biệt kích Ukraine

Tuy nhiên, theo thông tin được truyền thông phương Tây quảng bá ngay sau tiết lộ của Hersh, các vụ nổ được cho là do một nhóm nhỏ biệt kích thân Ukraina thực hiện.

Các cáo buộc cho rằng những người này đã thuê một chiếc du thuyền đến địa điểm đường ống Nord Stream và lặn xuống để đặt thuốc nổ. CIA và các đối tác châu Âu, cũng như Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, được cho là không được biết.

Tuy nhiên, mới đây, tờ Wall Street Journal cho rằng ông Zelensky biết và chấp thuận hoạt động này, sau đó đổi ý và cố gắng ngăn chặn nhưng không thành công.

Nga

Bình luận về cuộc điều tra đang diễn ra của Đức về vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream, ngày 12.9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng Berlin không chia sẻ bất kỳ thông tin nào với Mátxcơva mặc dù đã nhận được nhiều yêu cầu.

Ông Lavrov mô tả cuộc điều tra là hoàn toàn không minh bạch và bác bỏ những tuyên bố rằng "sáu cá nhân thực hiện vụ phá hoại một cách bốc đồng" là không thể tin được.

"Nếu ai đó thực sự có thể tin vào phiên bản này, thì chỉ có những người sợ sự thật" - ông Lavrov nói. Ngoại trưởng khẳng định rằng Nga sẽ tiếp tục yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch, "điều đang bị Mỹ, Anh và các đồng minh của họ ngăn cản".

 

 

CHIẾN HẠM ĐỨC ĐI QUA EO BIỂN ĐÀI LOAN, TRUNG QUỐC LÊN ÁN

Trung Quốc  lên tiếng

Hôm kia, 14/09/2024, Bắc Kinh cáo buộc Berlin làm gia tăng rủi ro an ninh tại eo biển Đài Loan, sau khi hai tàu của Đức đi qua khu vực nhạy cảm ngăn cách Đài Loan và Trung Quốc này.

Trong một thông cáo, phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Lý Hy tuyên bố hành động của phía Đức đã “làm gia tăng rủi ro về an ninh và gửi đi những tín hiệu sai lạc”. Ông cũng khẳng định rằng lực lượng quân đội Trung Quốc hiện diện trong khu vực sẽ "kiên quyết đối phó với mọi mối đe dọa và mọi hành động khiêu khích".

Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius đã xác nhận

Hôm 13/09, tàu hộ tống Baden-Württemberg, cùng với một tàu tiếp tế, đang đi từ Hàn Quốc đến Philippines. Theo hải trình, tàu này sẽ đi qua eo biển Đài Loan, vì theo ông Pistorius "đây là tuyến đường an toàn nhất xét theo điều kiện thời tiết. Và đây là vùng biển quốc tế, vì vậy chúng tôi sẽ đi qua đó". Khi được hỏi về các tàu này, thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông “không có điều gì để nói, vì đây là tuyến hàng hải quốc tế”.

Chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và địa chính trị gia tăng. Nhưng Berlin cũng đang cố cân bằng giữa việc bảo vệ các lợi ích chiến lược với việc duy trì các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, đối tác thương mại quan trọng của Đức.

Đầu tuần này, Đài Loan đã hoan nghênh các hành động của Đức, Hoa Kỳ, Canada và Hà Lan, giúp chứng minh eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, đồng thời bảo vệ tự do hàng hải và duy trì hòa bình trong khu vực.

 

Nguồn: Báo Nghệ An; Lao Động; RFI

 

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang