Đức: Khẩn trương phá dỡ cầu Carola Dresden bị sập; Không thể nhận thêm người nhập cư

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG THÁO DỠ CẦU CAROLA DRESDEN BỊ ĐỔ SẬP

Rạng sáng 13/9, lực lượng chức năng khu vực này bắt đầu phá dỡ cây cầu Carola bị sập một phần ở thành phố Dresden, thủ phủ tiểu bang Sachsen đêm 11.09 vừa qua.

Khởi đầu

Từ 19h ngày 12/9, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và các công ty chuyên môn đã bắt đầu công tác chuẩn bị tháo dỡ cây cầu ở phía đầu Neustadt. Theo người phát ngôn Sở cứu hỏa, Michael Klahre, cần tách rời các bộ phận có điện của cây cầu trước tiên.

Đường ray tầu điện được cắt rời và đường nối với hệ thống nước nóng sưởi ấm của thành phố được cho nổ có kiểm soát vào khoảng 21h40 cùng ngày. Hàng trăm người dân đứng hai bên bờ sông Elbe theo dõi việc phá dỡ cầu. Sau vụ nổ thứ hai vào khoảng 11h đêm, công việc phá dỡ thực sự bắt đầu.

Quy trình tháo dỡ

Cầu Carola nối hai bờ sông Elbe ở ngay trung tâm thành phố Dresden gồm ba làn cầu A, B và C, trong đó làn C, vốn sử dụng cho tầu điện, người đi bộ và xe đạp, đã bất ngờ bị sập một đoạn dài khoảng 100m xuống sông Elbe đêm 11/9. Theo nhà chức trách, vụ việc xảy ra vào rạng sáng nên may mắn không có thương vong. Làn cầu C bị sập phải được hạ xuống, tháo dỡ và di dời bằng thiết bị đặc biệt.

Thời gian dành cho việc phá dỡ và dọn dẹp khẩn cấp rất eo hẹp vì lũ lụt trên sông Elbe được dự báo sẽ diễn ra từ 15/9, làm trầm trọng thêm đáng kể các mối nguy hiểm hiện hữu. Làn cầu B ở giữa cũng bị hư hỏng do sập làn C. Thanh giằng giữa ba làn cầu cũng bị phá huỷ, trụ cột chung cũng bị dịch chuyển. Hậu quả đối với làn cầu A chưa được làm rõ.

Người phát ngôn Sở cứu hỏa Dresden, Michael Klahre, cho biết sau khi xem xét toàn diện, làn cầu C bị hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa. Sở xây dựng thành phố đánh giá toàn bộ cây cầu cần được xây mới với chi phí dự kiến 100 triệu euro.

Hiện toàn bộ khu vực xung quanh cây cầu vẫn bị phong toả, giao thông trên sông Elbe đang được điều chỉnh. Vận tải đường thủy nội địa phải chuyển sang đường sắt hoặc đường bộ. Ngoài ra, lệnh cấm thiết bị bay không người lái trong khu vực cầu đã có hiệu lực kể từ ngày 13/9.

Nguyên nhân sập cầu

Theo chính quyền thành phố, sự ăn mòn do clorua gây ra có thể là nguyên nhân gây ra vụ sập cầu. Cựu lãnh đạo Sở xây dựng dân dụng và đường bộ Dresden, Reinhard Koettnitz, cho rằng cuộc điều tra về vụ sập cầu Carola sẽ kéo dài vì phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu để đánh giá thiệt hại và điều tra nguyên nhân.

 

 

NGUỒN LỰC VƯỢT NGƯỠNG, KHIẾN ĐỨC KHÔNG THỂ TIẾP NHẬN THÊM NGƯỜI NHẬP CƯ

Nguồn lực của chính phủ Đức đang ở ngưỡng giới hạn

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser được cho là đã thông báo với Liên minh châu Âu (EU) có trụ sở đặt tại thủ đô Brussels của Bỉ rằng Berlin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường kiểm soát biên giới, do các nguồn lực của tiểu bang và liên bang đã "gần cạn kiệt" đối với người tị nạn và xin tị nạn.

Chính phủ tuyên bố

Đầu tuần này, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố việc Đức sẽ bắt đầu kiểm tra hộ chiếu dọc theo biên giới đất liền một lần nữa trong ít nhất 6 tháng, bất chấp Hiệp ước Schengen thỏa thuận đi lại tự do do một số nước châu Âu ký kết.

"Không quốc gia nào trên thế giới có thể tiếp nhận số lượng người tị nạn không giới hạn", bà Faeser nhấn mạnh trong một lá thư gửi Ủy ban châu Âu ngày 11/9. Bức thư cho biết Đức "ngày càng đạt đến giới hạn về khả năng chi trả phí chỗ ở và chăm sóc người tị nạn", lưu ý rằng các nguồn lực của liên bang và tiểu bang "gần cạn kiệt" và có nguy cơ thực sự "gây quá tải cho quỹ phúc lợi chung".

Khối lượng người nhập cảnh

Theo bức thư, khối lượng người nhập cảnh bất hợp pháp vào nước này là không thể chấp nhận được và "đáng lo ngại", lên tới 50.000 người trong 7 tháng đầu năm 2024.

Bà Faeser cũng lập luận rằng các mối đe dọa đối với sự an toàn và trật tự công cộng đòi hỏi phải áp dụng lại các biện pháp kiểm soát biên giới, dẫn chứng "các vụ việc đâm dao và tội phạm bạo lực của người tị nạn" gia tăng trong thời gian qua. Trong đó, điển hình là vụ tấn công bằng dao tại một lễ hội ở Solingen do nghi phạm người Syria gây ra, khiến 3 người thiệt mạng.

Berlin hiện đang tìm cách gửi người di cư đến các quốc gia dọc theo vành đai ngoài của khối như Bulgaria, Hy Lạp, Italy và Romania... Tuy nhiên, hầu hết những người di cư từ bên ngoài EU đều tìm cách đến Đức vì các chế độ phúc lợi hào phóng của nước này.

 

Nguồn: Báo Tin Tức; VTV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang