.jpg)
HỢP TÁC VỚI EU “ĐÓNG SẬP CÁNH CỬA” NORD STREAM: NGA HẾT ĐƯỜNG XOAY?
Chấm dứt giấc mơ chi phối năng lượng châu Âu của Nga
Sau nhiều đồn đoán về khả năng hồi sinh, đường ống Nord Stream của Nga đã bị Đức và EU quyết tâm phong tỏa. Động thái mới sẽ khiến tuyến khí đốt từng gây tranh cãi này không thể hoạt động trở lại, chấm dứt giấc mơ chi phối năng lượng châu Âu của Moskva.
Đức và Ủy ban châu Âu (EC) vừa đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm cấm việc vận hành đường ống Nord Stream, vốn từng được kỳ vọng sẽ vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh những đồn đoán về khả năng tái khởi động đường ống xuất hiện trở lại, với sự quan tâm không chỉ từ phía Nga mà còn từ một số bên liên quan của Mỹ.
Một số chính trị gia Đức đã thúc đẩy việc đưa đường ống Nord Stream trở lại hoạt động để cải thiện quan hệ ngoại giao với Moskva và hạ giá năng lượng của Đức trong bối cảnh kinh tế trì trệ.
Vấn đề trên càng được tái khẳng định lại vào ngày 28/5, khi Thủ tướng Đức Friedrich Merz cam kết sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo "Nord Stream 2" (Dòng chảy phương Bắc 2) không thể hoạt động trở lại" trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Berlin.
Theo tờ Politico châu Âu (Politico.eu), ông Merz cho rằng việc đảm bảo Nord Stream 2 không thể được đưa trở lại sử dụng sẽ "làm suy yếu chiến dịch quân sự của Nga" và "mở đường cho các cuộc đàm phán".
Thủ tướng Merz khởi xướng một gói trừng phạt mới của EU
Gói trừng phạt này được thiết kế để loại trừ vĩnh viễn đường ống Nord Stream ra khỏi hệ thống năng lượng châu Âu. Chính phủ của Thủ tướng Merz đã phê duyệt các biện pháp khiến việc sử dụng cơ sở hạ tầng của cả Nord Stream và Nord Stream 2 trở nên bất khả thi. Hai đường ống này đã bị hư hại do các hành vi phá hoại vào năm 2022.
Các lệnh trừng phạt, được phối hợp chặt chẽ với Ủy ban châu Âu, bao gồm lệnh cấm sửa chữa và vận hành các đường ống, cũng như các hạn chế đối với bất kỳ giao dịch tài chính nào liên quan đến việc khôi phục chúng. Động thái này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đức và EU trong việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và gia tăng áp lực kinh tế lên Moskva.
Quyết định trên được đưa ra để phản ứng với các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 3 giữa các thực thể kinh doanh của Nga và Mỹ về khả năng nối lại các đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Đức, tờ Financial Times tiết lộ. Thật vậy, vào tháng 3 năm nay, các tờ Bild (Đức) và Financial Times đều đã đưa tin về việc các cuộc thảo luận đang được tiến hành để khởi động lại Nord Stream 2 với sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ.
Chính sách EU
Gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tiết lộ rằng EU đang xây dựng các lệnh trừng phạt mới nhắm vào đường ống Nord Stream và Nord Stream 2, nhằm ngăn chặn mọi khả năng nối lại hoạt động cung cấp khí đốt thông qua các đường ống này. Rõ ràng, với động thái mới nhất từ Đức và EU, "giấc mơ" đường ống Nord Stream của Nga đã chính thức bị "chôn vùi", đánh dấu một chương mới trong cuộc chiến năng lượng và địa chính trị giữa Nga và EU.
Chặn kế hoạch khởi động lại Nord Stream 2
Theo nhiều nguồn tin, doanh nhân người Đức Matthias Warnig, cựu Giám đốc công ty Nord Stream 2 có trụ sở tại Thụy Sĩ, có khả năng sẽ giám sát việc tái khởi động. Kế hoạch được đề xuất cho thấy đường ống sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của các công ty Mỹ. Đối với Mỹ, việc nối lại dự án được coi là một cách để cải thiện mối quan hệ với Nga và là một công cụ để tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine.
Vào đầu tháng 5, Nord Stream 2 AG được cho là đã đạt được thỏa thuận sau các cuộc đàm phán với các chủ nợ. Điều này đã mở ra cánh cửa để công ty bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư mới, làm dấy lên những lo ngại về khả năng đường ống được kích hoạt trở lại.
Những diễn biến này đã thúc đẩy các nước châu Âu đẩy nhanh các cuộc thảo luận về một gói trừng phạt mới đối với Nga. Trong khi việc tái khởi động đường ống có thể giúp Đức giải quyết các vấn đề năng lượng của mình, EU vẫn giữ vững lập trường về vấn đề này. Do đó, các lệnh trừng phạt của EU sẽ nhắm vào công ty Nord Stream 2 AG có trụ sở tại Thụy Sĩ, chủ sở hữu đường ống, và các công ty khác có khả năng được sử dụng để tái khởi động và vận hành đường ống.
Lịch sử 2 đường ống
Đường ống Nord Stream 2, được hoàn thành ngay trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ, đã gặp phải số phận không may. Sau cuộc xung đột, Đức đã dừng quá trình chứng nhận đường ống và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với đơn vị vận hành, Nord Stream 2 AG. Kết quả là công ty đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 3/2022.
Vào tháng 9/2022, cả hai đường ống Nord Stream đã bị hư hại nghiêm trọng do các hành vi phá hoại. Ngay cả khi quyết định khởi động lại đường ống của Nga được đưa ra, thì vẫn cần phải sửa chữa lớn. Sau vụ nổ, một trong những đường ống của Nord Stream 2 vẫn còn nguyên vẹn và Moskva đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng bắt đầu giao hàng qua đó. Tuy nhiên, không có sự quan tâm qua lại từ phía châu Âu.
Thú vị hơn, chính Nga đã dừng giao khí đốt cho châu Âu một tháng trước vụ nổ. Theo Đài phát thanh Quốc tế DW của Đức, vào tháng 8/2022, Gazprom đã tuyên bố ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Đức và các nước EU khác qua Nord Stream, với lý do "bảo trì kỹ thuật và công tác phòng ngừa theo lịch trình". Đây là lần đóng cửa hoàn toàn thứ hai của đường ống trong vòng một tháng rưỡi, khiến giá khí đốt tại EU tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Tổng thống Zelensky bị ngờ vực phê duyệt một kế hoạch phá hoại các đường ống
Nhưng CIA đã yêu cầu ông từ bỏ hoạt động này. Sau đó, Zelensky được cho là đã ra lệnh dừng nhiệm vụ, nhưng Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine khi đó, Valerii Zaluzhnyi, lại bỏ qua chỉ thị đó. Chính quyền Kiev đã phủ nhận sự liên quan, tuyên bố rằng một hoạt động như vậy chỉ có thể được tiến hành với các nguồn lực kỹ thuật và tài chính đáng kể – những nguồn lực mà chỉ Nga mới sở hữu.
Phản ứng phía Nga
Đánh giá về vấn đề trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko phát biểu với hãng thông tấn TASS rằng diễn biến của vụ việc Nord Streams cho thấy châu Âu hoàn toàn không có khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Theo ông Grushko, châu Âu "lặng lẽ chấp nhận hành động phá hoại, hành động ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế sâu sắc không chỉ của Đức mà còn của toàn thể người dân châu Âu". Ông cũng lập luận rằng việc từ chối các nguồn năng lượng của Nga sẽ khiến nhiều nước EU "rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc hơn và giáng một đòn đáng kể vào nền kinh tế EU cũng như phúc lợi của người dân".
DOANH NGHIỆP Ô TÔ TÌM LỐI THOÁT KHI MỸ CHUẨN BỊ ĐÁNH THUẾ
Đầu tư vào Mỹ để thương lượng thuế áp đặt
Các hãng xe hàng đầu của Đức đang tìm cách thuyết phục chính quyền Mỹ không áp thuế nhập khẩu, trong bối cảnh áp lực thương mại từ Washington ngày càng gia tăng.
Ba thương hiệu BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen đang tận dụng các khoản đầu tư và hoạt động xuất khẩu tại Mỹ như một phần trong chiến lược thương lượng.
Một thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ có thể đạt được vào tháng 6, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp Đức có đưa ra cam kết đầu tư đủ lớn tại thị trường Mỹ hay không.
Hiện các hãng này đã bắt đầu triển khai hoặc tính đến khả năng mở rộng sản xuất tại Mỹ. Mercedes-Benz dự kiến đưa mẫu SUV GLC vào dây chuyền tại nhà máy Alabama từ năm 2027. BMW đang xem xét tăng ca sản xuất tại nhà máy ở Spartanburg.
Audi, thương hiệu thuộc tập đoàn Volkswagen, cũng có kế hoạch sản xuất một số mẫu xe tại Mỹ, dù hãng này cho biết dự định đó đã được đặt ra từ trước khi chính sách thuế của ông Donald Trump xuất hiện.
BMW đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Mỹ từ mức 10% xuống còn 2,5%. Đây cũng là hãng xe xuất khẩu nhiều nhất từ Mỹ nếu tính theo khối lượng. Mercedes-Benz hiện cũng phụ thuộc lớn vào sản lượng xuất khẩu từ nhà máy ở Alabama, nơi được coi là trung tâm sản xuất SUV của hãng.
Một đề xuất đang được xem xét là cấp tín dụng xuất khẩu cho các xe được sản xuất tại Mỹ và xuất đi từ đây. Khoản tín dụng này có thể được dùng để bù đắp chi phí thuế nếu bị áp đặt.
Ủy ban châu Âu đang đẩy mạnh nỗ lực đàm phán với Mỹ
Mục đích để tránh việc Washington áp thuế lên hàng hóa châu Âu. Brussels đã yêu cầu các tập đoàn lớn và các giám đốc điều hành tại EU cung cấp thông tin về kế hoạch đầu tư tại Mỹ, từ đó làm cơ sở cho quá trình thương lượng.
Dù vậy, Ủy ban này cũng đã chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó nếu các cuộc đàm phán thất bại. Một danh sách hàng hóa có thể bị áp thuế đáp trả đã được công bố, trong đó ngành ô tô và các sản phẩm liên quan được xếp vào nhóm có giá trị cao nhất.
NATO YÊU CẦU ĐỨC CUNG CẤP THÊM 40.000 QUÂN TRƯỚC 'MỐI ĐE DỌA' TỪ NGA
.jpg)
Yêu cầu
NATO chuẩn bị yêu cầu Đức cung cấp thêm bảy lữ đoàn, tương đương khoảng 40.000 quân, để bảo vệ liên minh này.
Các chỉ tiêu mới về vũ khí và quân số mà NATO đề xuất sẽ được bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên dự kiến thống nhất vào tuần tới.
Liên minh này đang tăng đáng kể các chỉ tiêu về năng lực quân sự của mình sau khi nhận định Nga là mối đe dọa lớn hơn nhiều kể từ khi nước này tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm 2022.
Con số chính xác về các chỉ tiêu của NATO - tổng thể hoặc từng quốc gia - rất khó xác minh vì đây là thông tin tuyệt mật.
Một quan chức quân sự cấp cao – cũng như các nguồn tin khác, yêu cầu giấu tên – cho biết chỉ tiêu về tổng số lữ đoàn mà các nước đồng minh NATO sẽ phải cung cấp trong tương lai sẽ được nâng lên từ 120 đến 130 lữ đoàn.
Nguồn tin này nói thêm rằng điều này đồng nghĩa với việc tăng khoảng 50% so với chỉ tiêu hiện tại khoảng 80 lữ đoàn.
Một nguồn tin từ chính phủ cho biết con số chỉ tiêu là 130 lữ đoàn cho toàn bộ khối NATO.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cho biết ông không thể đưa ra bình luận trước các quyết định sẽ được các bộ trưởng quốc phòng NATO đưa ra vào tuần tới và bởi các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng Sáu.
"Ngoài ra, việc lập kế hoạch cho lực lượng quân sự và các chỉ tiêu về trang bị và năng lực của NATO là tài liệu mật vì lý do an ninh," ông nói thêm.
NATO nói rằng các chỉ tiêu về trang bị và năng lực mới là "đầy tham vọng" nhưng không công bố con số cụ thể.
Kế hoạch phòng thủ của NATO
Những chỉ tiêu đầy tham vọng trên được xây dựng dựa trên các lực lượng và nguồn lực mà chúng tôi cần cho nhiệm vụ răn đe và phòng thủ, căn cứ theo các kế hoạch phòng thủ mới của NATO, - một quan chức NATO cho biết khi được đề nghị bình luận.
Vào năm 2021, Đức đã đồng ý cung cấp 10 lữ đoàn - mỗi lữ đoàn thường gồm khoảng 5.000 binh sĩ - cho NATO vào năm 2030. Hiện tại, Đức có tám lữ đoàn và đang xây dựng lữ đoàn thứ chín tại Lithuania, dự kiến sẵn sàng vào năm 2027.
Tuy nhiên, việc cung cấp thêm 40.000 binh sĩ thường trực sẽ là một thách thức lớn đối với Berlin.
Quân đội Liên bang Đức (Bundeswehr) vẫn chưa đạt được mục tiêu 203.000 binh sĩ được đề ra từ năm 2018, và hiện đang thiếu khoảng 20.000 binh sĩ chính quy, theo dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Đức.
Năm ngoái, Reuters đưa tin rằng NATO sẽ cần thêm từ 35 đến 50 lữ đoàn để có thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch mới nhằm phòng thủ trước một cuộc tấn công từ Nga, và riêng nước Đức sẽ phải tăng gấp bốn lần năng lực phòng không của mình.
Hơn nữa, các chỉ tiêu mới của NATO vẫn chưa phản ánh bất kỳ điều khoản nào về việc rút quân đội Hoa Kỳ khỏi châu Âu, các nguồn tin cho biết.
Viễn cảnh này đã khiến châu Âu lo lắng do các kế hoạch phòng thủ của NATO phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực của Hoa Kỳ.
Washington cho biết họ sẽ bắt đầu thảo luận về các kế hoạch cắt giảm của mình với các đồng minh vào cuối năm nay. Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với châu Âu rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục tập trung chủ yếu vào an ninh châu Âu nữa.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đức duy trì 500.000 binh sĩ và 800.000 quân dự bị. Ngày nay, cùng với Ba Lan, Đức được NATO giao nhiệm vụ cung cấp phần lớn lực lượng bộ binh – lực lượng sẽ phản ứng đầu tiên trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ Nga vào sườn phía đông của liên minh.
Chi tiêu quốc phòng tăng cao
Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022, các quốc gia thành viên NATO đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và đã bị cựu Tổng thống Trump thúc ép phải chi tiêu nhiều hơn nữa — ông từng đe dọa sẽ không bảo vệ những nước chưa đạt mức chi tiêu quốc phòng theo quy định.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở The Hague vào tháng tới, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte sẽ tìm kiếm sự đồng thuận từ các lãnh đạo quốc gia về việc tăng gấp hơn hai lần chỉ tiêu chi tiêu hiện tại — từ 2% GDP lên 5% GDP — trong đó 3,5% dành cho quốc phòng và 1,5% cho các khoản chi an ninh được định nghĩa theo phạm vi rộng hơn.
Trong một bước chuyển mang tính lịch sử, Đức gần đây đã nới lỏng quy định giới hạn nợ trong hiến pháp để có thể tăng chi tiêu quốc phòng, và nước này đã ủng hộ chỉ tiêu 5% do ông Rutte đề xuất.
Tổng Tư lệnh quân đội Đức, Carsten Breuer, đã yêu cầu lực lượng vũ trang của nước này phải được trang bị đầy đủ vào năm 2029 — thời điểm mà liên minh NATO dự đoán rằng Nga có thể đã tái xây dựng đủ năng lực quân sự để tấn công lãnh thổ NATO.
Nguồn: Báo Tin Tức; Kinh tế & Đô thị; BBC
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá