- Cư trú - Luật pháp
- Chính trị - Xã hội
Được xuất bản chính thức vào ngày 26/11.
Cuốn sách của bà Angela Merkel sẽ được ra mắt rầm rộ ở phương Tây và cũng ở Trung Quốc. Vé cho buổi ra mắt đầu tiên của tác phẩm 736 trang tại Nhà hát Deutsches ở Berlin vào tối 26/11 đã bán hết trực tuyến chỉ trong vài phút sau khi mở bán cách đây vài tuần.
"Freedom: Memoirs 1954 - 2021" (tạm dịch: Tự do: Hồi ký 1954 - 2021) kể lại cuộc đời của bà Merkel từ thời thơ ấu và tuổi trẻ ở Đông Đức cũ, thống nhất nước Đức và sự thăng tiến chính trị của bà cho đến khi kết thúc 16 năm làm Thủ tướng vào năm 2021.
Cuốn sách đang được xuất bản đồng thời dưới dạng sách nói và bản dịch sang nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Pháp và tiếng Anh. Sau đó, cựu lãnh đạo 70 tuổi này dự kiến sẽ bắt đầu chuyến công du đến các thành phố lớn của châu Âu để quảng bá tác phẩm.
Trong các trích đoạn được công bố trước khi xuất bản, bà Merkel tiết lộ suy nghĩ về các sự kiện hiện tại. Ví dụ, bà kể chi tiết trải nghiệm của mình với ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông, những khó khăn khi trở thành ứng cử viên nữ đầu tiên cho chức Thủ tướng và quyết định chào đón số lượng lớn người di tản vào năm 2015.
Mối quan hệ với ông Putin
Bà cũng giải thích mối quan hệ của mình với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các chính sách của bà đối với Ukraine.
Bà Merkel nhớ lại việc bị ông Putin bắt phải chờ đợi tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 do bà chủ trì vào năm 2007. Bà cũng kể lại chuyến thăm khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen của Nga vào năm đó, khi chú chó labrador của ông Putin đã xuất hiện trong một bức ảnh, mặc dù ông Putin biết bà sợ chó.
Bà Merkel cho biết bà cảm thấy khó chịu vì "sự tự cho mình là đúng" của ông Putin trong bài phát biểu năm 2007 tại München, khi ông quay lưng lại với những nỗ lực trước đó nhằm phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Điều đó khiến bà cảm thấy ông Putin "là người luôn cảnh giác".
Bà lập luận rằng việc duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại với Moscow cho đến khi bà rời khỏi quyền lực là đúng đắn.
Mối quan hệ với hai ông Trump và Obama
Bà Merkel sẽ có mặt tại Washington vào ngày 2/12, nơi bà dự kiến ra mắt cuốn sách của mình tại Mỹ cùng với người bạn và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Sau lần đầu gặp Thượng nghị sĩ Barack Obama vào năm 2008, bà Merkel kết luận rằng họ có thể làm việc tốt với nhau.
Nhưng ông Trump không có sự nồng nhiệt như vậy. Ông đã chỉ trích bà Merkel và Đức trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông. Trước sự chỉ trích đó, bà Merkel nói rằng bà phải tìm kiếm một "mối quan hệ thỏa đáng... mà không phản ứng với tất cả các hành động khiêu khích".
Vào tháng 3/2017, có một khoảnh khắc ngượng ngùng khi bà Merkel lần đầu tiên đến thăm Nhà Trắng của ông Trump. Các nhiếp ảnh gia hét lên "bắt tay!" và bà Merkel lặng lẽ hỏi ông Trump: "Ông có muốn bắt tay không?". Không có phản ứng nào từ ông Trump, người nhìn về phía trước với hai bàn tay nắm chặt.
Từ bỏ quyền lực
Bà Merkel là Thủ tướng Đức đầu tiên chủ động rời bỏ quyền lực. Bà tuyên bố vào năm 2018 rằng bà sẽ không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ năm và nói rằng bà "ra đi đúng lúc".
Bà chỉ ra ba sự cố năm 2019, khi cơ thể bà bị run rẩy trong các buổi giao lưu cộng đồng. Bà Merkel cho biết bà đã tự kiểm tra kỹ lưỡng và không có phát hiện nào về thần kinh hoặc các phát hiện khác. Một bác sĩ nói với bà rằng cơ thể bà đang giải tỏa sự căng thẳng tích tụ trong nhiều năm.
"Freedom: Memoirs 1954 - 2021" dài 736 trang trong phiên bản gốc tiếng Đức, do Kiepenheuer & Witsch xuất bản. Phiên bản tiếng Anh đang được phát hành đồng thời bởi St. Martin's Press. Một số cơ quan truyền thông Đức đã suy đoán số tiền thu được từ cuốn hồi ký sẽ từ 10 triệu đến 12 triệu Euro.
Thông cáo của Văn phòng Công tố Liên bang
Ngày 25/11, Văn phòng Công tố Liên bang Đức đã buộc tội 4 nghi phạm là thành viên của tổ chức Hamas, được xác định có nhiệm vụ cung cấp và lưu giữ vũ khí cho lực lượng Hamas trên khắp châu Âu.
Những nghi phạm có quan hệ với các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas và lập một số kho vũ khí có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm của Israel và Do Thái.
Văn phòng Công tố Liên bang Đức nêu rõ 4 nghi phạm trên đều là nam giới gồm 2 người có nơi sinh tại Liban, 1 công dân Ai Cập và 1 công dân Hà Lan.
Những người này đang giữ những vị trí quan trọng và có quan hệ trực tiếp với các nhà lãnh đạo của lực lượng quân sự Hamas.
Cáo buộc
Nghi phạm có nơi sinh tại Liban được các công tố viên cho biết là Ibrahim El-R. Người này được xác định đã bố trí một địa điểm cất giữ vũ khí cho Hamas ở Bulgaria. Địa điểm này bắt đầu lưu trữ vũ khí vào đầu năm 2019, trong đó bao gồm 1 khẩu súng trường tấn công Kalashnikov và một số đạn dược. Vào giữa năm 2019, Ibrahim El-R. đã ‘tẩu tán’ một kho vũ khí khác ở Đan Mạch và các công tố viên cho biết người này đã mang một khẩu súng lục từ đó đến Đức.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 6 đến tháng 12/2023, cả 4 nghi phạm được cho là đã xuất phát từ Berlin để đến Ba Lan tìm kiếm nơi đặt một kho vũ khí khác nhưng không tìm thấy.
Các công tố viên Đức nhận định, từ lâu lực lượng Hamas đã lập các kho vũ khí ngầm ở nhiều nước châu Âu để sẵn sàng cho các cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào các tổ chức Do Thái ở khu vực này.
Các công tố viên phát hiện các địa điểm lưu trữ này thuộc sở hữu của các thành viên là người nước ngoài hoặc những người có giấy phép cư trú tại châu Âu. Các kho vũ khí này được xem là có thể sẵn sàng để triển khai trong thời gian ngắn.
Đối tượng tấn công
Phía Đức cho biết lực lượng Hamas xác định Đại sứ quán Israel tại Berlin, căn cứ Không quân Mỹ tại Ramstein hoặc khu vực xung quanh Sân bay Tempelhof ở Berlin là những mục tiêu có thể bị tấn công.
Bốn nghi phạm đã bị bắt vào tháng 12/2023. Công dân Hà Lan Nazih R. đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ tại Rotterdam, trong khi 3 người còn lại bị bắt tại Berlin.
Trước đó, Đức đã ban hành lệnh cấm các hoạt động của tổ chức Hamas và các tổ chức có liên quan đến nhóm này sau cuộc tấn công của lực lượng này vào Israel vào ngày 7/10/2023 và bắt giữ hàng trăm con tin người nước ngoài. Vụ tấn công này được xem là đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh tại Dải Gaza trong suốt hơn 1 năm qua.
Chính phủ Đức đang lập danh sách các tòa nhà công cộng
Với mục đích, để sử dụng làm hầm trú bom trong trường hợp xảy ra xung đột lớn với Nga. Hôm 25/11, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức cho biết trong số những công trình đang được xem xét có các ga tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm, và một số tòa nhà khác. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến khích cải tạo tầng hầm, và nhà để xe thành hầm trú bom.
Sau khi danh sách trên được hoàn thành, người dân Đức có thể sử dụng ứng dụng để xác định vị trí hầm trú bom gần họ nhất.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Đức có hơn 2.000 hầm trú bom, nhưng khoảng 3/4 trong số này đã ngừng hoạt động. Mạng lưới 579 boongke hiện tại có đủ chỗ cho khoảng 480.000 người, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dân số 84 triệu người của nước này.
Lo ngại giao tranh với Nga
Dù phát ngôn viên Bộ Nội vụ Đức không đề cập đến xung đột ở Ukraine, song truyền thông cho biết quyết định mở rộng mạng lưới hầm trú bom được đưa ra trước mối lo xảy ra giao tranh với Nga. Quan chức Đức nói thêm, "kế hoạch boongke" đã được chính phủ thông qua vào tháng 6.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Mỹ và Pháp lên tiếng xác nhận đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. Còn Anh hiện chưa công khai việc có cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công Nga hay không. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã sử dụng cả ATACMS và Storm Shadow để tập kích vào sâu biên giới Nga trong tuần trước.
Trong khi đó, Kiev cũng đã đề nghị Berlin nối bước Washington để chuyển tên lửa hành trình Taurus do Đức sản xuất. Song cho đến nay, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn từ chối, với lý do hành động này có nguy cơ khiến Đức bị kéo vào cuộc chiến công khai với Nga.
Nguồn: Công Luận; Báo Tin Tức; Vietnamnet
Đức: Kế hoạch chuẩn bị xung đột với Nga; Olaf Scholz tiếp tục được đảng SPD đề cử ứng viên Thủ tướng
Đức: Trận cuồng phong với ngành ô tô; Lo sợ khủng bố ở chợ Giáng sinh; Đề xuất đưa Patriot tới Ba Lan
Đức: Bà Merkel & kinh nghiệm làm việc với Trump; Sức tàn phá của phong trào Trump
Đức: Kinh tế tăng trưởng thấp; Xem xét thi hành lệnh bắt Thủ tướng Israel; Vì sao bà Merkel lo ngại bộ đôi Trump-Musk
Đức: Chứng khoán vượt mốc kỷ lục; Bà Merkel hội ngộ Obama; Vì sao kinh tế khủng hoảng?
Đức: Thủ tướng tái khởi động chiến dịch tranh cử; Rót 2 tỷ Euro cho ngành bán dẫn; Hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm
Đức: Nóng ThyssenKrupp cắt giảm trên chục ngàn lao động; Merkel bình luận về Putin, Trump & Ukraine; Bài toán khó cho Chính phủ tiếp theo
Đức: Thiếu lao động lành nghề; Trục xuất nhà báo Nga; Đảng SPD & BSW ‘bắt tay’; Yêu cầu Ukraine bồi thường vụ Nord Stream
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá