Đức: Đường sắt đình công đòi tăng lương; Đột kích các địa điểm Hồi giáo Hezbollah; Chi 7,5 tỷ euro giải cứu công ty năng lượng xanh

Đột kích các điểm liên quan đến phong trào Hồi giáo; Giải cứu công ty năng lượng xanh

Đình công lớn đòi tăng lương, giao thông đường sắt gián đoạn diện rộng

Đây là cuộc đình công mới nhất trong ngành vận tải tại Đức khi người lao động đòi tăng lương để đối phó với lạm phát tăng cao trong năm qua.

Hoạt động vận tải đường sắt liên vùng và đường dài cũng như hoạt động của tàu điện chạy trên cao ở Đức hôm qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên diện rộng do cuộc đình công của nhân viên thuộc Liên đoàn lái tàu Đức.

Đình công 20 tiếng

Đa số những người sử dụng giao thông công cộng bằng tàu hỏa tại Đức để đi làm hôm qua đã bị ảnh hưởng do cuộc đình công của nhân viên thuộc Liên đoàn lái tàu Đức kéo dài 20 tiếng đồng hồ. Thông thường vào giờ đi làm, các nhà ga trung tâm rất nhộn nhịp thì hôm qua trở nên khá vắng lặng. Theo ngành đường sắt Đức, chỉ có khoảng 20% số tàu đường dài vẫn chạy, trong khi ở một số địa phương, dịch vụ đường sắt dừng hoàn toàn.

Đòi tăng lương

Cuộc đình công trên xảy ra sau khi Công ty đường sắt Đức không chấp nhận những yêu cầu của tổ chức công đoàn đại diện cho khoảng 10 nghìn nhân viên về tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Tổ chức này yêu cầu tăng lương thêm 555 euro mỗi tháng cùng với số tiền bù đắp lạm phát 3.000 euro mỗi tháng. Ngoài ra, tổ chức này cũng yêu cầu giảm giờ làm việc từ 38 tiếng đồng hồ xuống 35 tiếng đồng hồ mỗi tuần.

Đột kích các địa điểm tình nghi liên quan đến phong trào Hồi giáo Hezbollah

Diễn tiến:

Ngày 16/11, lực lượng an ninh Đức đã đột kích 54 địa điểm và cơ sở Hồi giáo trên trên khắp 7 tiểu bang chiến dịch trấn áp nhằm vào các phần tử cực đoan hoặc tình nghi liên quan đến phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban.

Ngoài Hamburg, các cuộc truy quét của lực lượng liên bang còn nhằm vào một số địa điểm bang Niedersachsen, Hessen, Baden-Wurttemberg, Bayern, Berlin và North Rhine-Westphalia.

Hiện Chính phủ Đức chưa xác định bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào, song cho rằng trung tâm Hồi giáo Hamburg bị nghi ngờ hỗ trợ cho phong trào Hezbollah ở Liban, vốn bị cấm ở Đức.

Bộ Nội vụ Đức cho rằng “trung tâm Hồi giáo Hamburg” đang truyền bá các thông tin gây chia rẽ và kích động chủ nghĩa cực đoan trong bối cảnh cuộc xung đột Hamas-Israel đã kéo dài gần 6 tuần mà chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Bộ Nội vụ Đức lưu ý rằng tổ chức này có ảnh hưởng lớn đối với một số thánh đường Hồi giáo trên toàn quốc, thúc đẩy "tư tưởng bài Do Thái”.

Phong trào Hồi giáo Hezbollah

Hôm 8/11 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Nancy Faeser cho biết kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát, đã có 450 cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và hơn 410 cuộc tụ tập ủng hộ Israel ở nước này. Bộ trưởng Faeser đã lên tiếng phản đối chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức, khẳng định "xung đột ở Trung Đông không được phép diễn ra trên đường phố Đức".

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo hành vi bài Do Thái gia tăng bất thường tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian qua. EC lên án tình trạng này tại châu Âu, kêu gọi người dân đẩy lùi làn sóng này. EC khẳng định sẽ phối hợp với các nước thành viên tăng cường an ninh, đồng thời bảo đảm các nền tảng trực tuyến nhanh chóng gỡ bỏ thông tin sai lệch và nội dung kích động bạo lực, thù hận, phân biệt chủng tộc.

Chi 7,5 tỷ euro giải cứu công ty năng lượng xanh

Gói bảo lãnh khủng

Chính phủ Đức dự kiến chi 7,5 tỷ euro để giải cứu nhà sản xuất turbine gió đang gặp khó khăn Siemens Energy - một công ty giữ vai trò sống còn trong cuộc chuyển đổi năng lượng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Số tiền trên là một phần trong một gói bảo lãnh trị giá 15 tỷ euro, tương đương 16,3 tỷ USD, và phần còn lại của gói này được cung cấp bởi các ngân hàng tư nhân và các bên hữu quan khác.

Một điều kiện đi kèm gói giải cứu là Siemens Energy phải dừng trả cổ tức cho cổ đông và tiền thưởng cho các thành viên hội đồng quản trị. Chính phủ Đức cũng chỉ cung cấp bảo lãnh nếu tất cả các bên liên quan khác thực hiện đúng cam kết - theo tuyên bố nói trên.

Vụ giải cứu này cho thấy thách thức tài chính mà các quốc gia phải đối mặt khi dịch chuyển khỏi năng lượng hoá thạch, cũng như tầm quan trọng mà Berlin gán cho Siemens Energy - một doanh nghiệp tách ra từ hãng Siemens, biểu tượng của ngành điện tử Đức - trong quá trình thực thi chuyển đổi năng lượng. Hiện Siemens vẫn nắm cổ phần đa số 32% trong công ty sản xuất turbine gió này.

Chính phủ Đức cho biết thoả thuận giải cứu Siemens Energy đã được lên kế hoạch trong vài tuần, nhấn mạnh rằng chính quyền liên bang đã tích cực làm việc với Siemens Energy, Siemens và các ngân hàng tư nhân tham gia thoả thuận.

Siemens Energy

Công ty có doanh thu khoảng 29 tỷ euro, trong năm tài khoá gần đây nhất - còn sản xuất turbine cho nhà máy điện chạy bằng khí gas và thiết bị điện phân phục vụ sản xuất năng lượng hydrogen, cùng nhiều sản phẩm khác trong lĩnh vực năng lượng. Ước tính, công nghệ của Siemens Energy được sử dụng cho việc phát khoảng 1/6 tổng sản lượng điện trên toàn cầu, và công ty này có 94.000 nhân viên làm việc tại hơn 90 quốc gia.

Bộ Các vấn đề kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức cho biết Siemens Energy cần sự bảo lãnh tài chính để thực hiện lượng đơn hàng còn tồn động với tổng trị giá 110 tỷ euro, tương đương 119 tỷ USD.

Có hoạt động trong cả lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng truyền thống, Siemens Energy đã đối mặt với một loạt thách thức khi sản xuất một số mẫu turbine điện gió trong năm nay. Hồi tháng 8, công ty cho biết dự kiến thua lỗ 4,5 tỷ euro, tương đương 4,9 tỷ USD trong năm tài khoá này.

Tầm quan trọng của Siemens Energy

Bộ Các vấn đề kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức gọi Siemens Energy là công ty “có tầm quan trọng lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị của việc cung cấp các hệ thống năng lượng” và “một nhà sử dụng lao động quan trọng trong các ngành công nghiệp của tương lai”.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đối mặt với cuộc chiến đấu khó khăn và tốn kém để thay thế nguồn năng lượng Nga kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái. Việc tìm kiếm các nguồn năng lượng rẻ hơn sạch hơn giữ vai trò sống còn đối với các nhà sản xuất của Đức vốn đã trầy trật vì phải gánh giá mua khí đốt tăng chóng mặt trong 2 năm qua. Sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, và các đợt tăng lãi suất để chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đặt ra sức ép lớn lên nền công nghiệp Đức.

Theo dữ liệu khảo sát tháng 10, doanh nghiệp sản xuất ở Đức đang sa thải nhân công với tốc độ mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây, do lượng đơn hàng mới giảm sút và niềm tin kinh doanh vẫn ở mức rất thấp.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang