Đức: Du học sinh đông kỷ lục; Tương lai hậu chính phủ sụp đổ; Viễn cảnh bất ổn kép

ĐỨC ĐÓN LƯỢNG DU HỌC SINH ĐÔNG KỶ LỤC

Dữ liệu thống kê từ cơ quan trao đổi học sinh sinh viên Đức DAAD

Theo DAAD vừa công bố, số lượng sinh viên quốc tế du học Đức đạt mức kỷ lục, gần 380.000 trong học kỳ mùa đông 2023-2024, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đại học ở Đức thường có hai kỳ nhập học, vào mùa hè và mùa đông. Số sinh viên quốc tế chiếm gần 13% tổng số sinh viên ở Đức. Du học sinh Ấn Độ đông nhất với khoảng 49.000 người, sau đó Trung Quốc 38.700. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba 18.100, tiếp theo Áo 15.400 và Iran 15.200.

Chương trình giảng dạy đại học ở Đức

Giáo sư Monika Jungbauer-Gans, Giám đốc khoa học ở Trung tâm nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học Đức, cho biết số sinh viên quốc tế tại Đức đã tăng trong 15 năm liên tiếp.

"Đây là dấu hiệu rõ ràng về sức hấp dẫn của các đại học Đức và chương trình học của họ, đặc biệt là chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh", ông nói.

Hiện tại, khoảng 10% chương trình học thuật ở Đức được giảng dạy bằng tiếng Anh. Kai Sicks, Tổng thư ký DAAD, cũng đồng tình điều này thu hút đáng kể sinh viên quốc tế. DAAD ủng hộ các trường có nhiều chương trình tiếng Anh hơn, nhưng đồng thời có thêm lựa chọn để du học sinh học tiếng Đức.

"Nếu bạn hỏi một sinh viên quốc tế thành công như thế nào ở Đức, chúng tôi thường nhận được câu trả lời rằng điều đó phụ thuộc vào mức độ hòa nhập của sinh viên đó ở trường và xã hội", ông cho biết.

Chiến lược thu hút sinh viên nước ngoài

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang thiếu lao động tay nghề cao trầm trọng - khoảng 7 triệu người vào năm 2035, do già hóa dân số.

DAAD từng kêu gọi chính phủ, các đại học và doanh nghiệp xây dựng chiến lược thu hút và tăng gấp đôi tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại sau tốt nghiệp, lên khoảng 50.000 người mỗi năm vào năm 2030.

Theo khảo sát của Study in Germany, cổng thông tin về du học Đức, có ba lý do chính khiến nước này hấp dẫn sinh viên nước ngoài.

Đầu tiên, các đại học công lập miễn học phí, sinh viên chỉ mất một khoản phí hành chính 150-250 euro (4-6,6 triệu đồng) mỗi năm. Trong khi đó, chất lượng giáo dục đại học Đức được đánh giá cao với hơn 500 chương trình cử nhân, thạc sĩ được dạy bằng tiếng Anh. Tổng cộng có 49 trường của nước này vào bảng xếp hạng đại học thế giới của THE.

Thứ hai, chi phí sinh hoạt trung bình của sinh viên quốc tế tại Đức chỉ khoảng 930 euro/tháng (1.000 USD), thấp hơn đáng kể so với du học sinh tại Anh (1.500 USD) hay Mỹ (1.250 USD).

Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội ở lại làm việc lên tới 18 tháng với giấy phép cư trú mở rộng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy gần 70% du học sinh muốn ở lại Đức tìm việc sau tốt nghiệp.

Hồi cuối tháng 5, TS Steffen Kaupp, Viện phó Viện Goethe Hà Nội, cho biết số sinh viên người Việt ở Đức gần 7.400, tăng khoảng 30% so với giai đoạn trước Covid-19.

 

 

CHÍNH PHỦ LIÊN MINH SỤP ĐỔ, TIẾP THEO LÀ GÌ?

Khủng hoảng chính phủ

Sau khi cách chức Bộ trưởng Tài chính và khiến chính phủ liên minh sụp đổ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã vạch ra mốc thời gian tổ chức một cuộc bầu cử liên bang sớm.

Theo báo DW, việc Thủ tướng Olaf Scholz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả cách chức lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) Christian Lindner khỏi vị trí Bộ trưởng Tài chính vào đêm muộn 6/10 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính phủ.

Hai trong số 3 bộ trưởng còn lại trong chính phủ liên bang, cũng thuộc đảng FDP, đã quyết định đi theo lãnh đạo đảng của mình và đệ đơn từ chức. Còn Bộ trưởng Giao thông Volker Wissing tuyên bố sẽ tiếp tục tại vị và rời khỏi FDP.

Với các diễn biến trên, thỏa thuận liên minh giữa SPD, đảng Xanh và FDP chính thức sụp đổ. Một lộ trình mới đang được định hình, chỉ ra cách Đức có thể tìm lại một chính phủ ổn định.

Trong những tuần tới, hai đối tác còn lại trong liên minh, SPD của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh bảo vệ môi trường, có kế hoạch tiếp tục điều hành một chính phủ thiểu số và kết thúc những công việc chưa hoàn tất.

Bước tiếp theo của Thủ tướng Scholz

Thủ tướng đã đề cập tới việc thông qua một gói lương hưu trong khuôn khổ luật tị nạn mới của Liên minh châu Âu (EU) và gói viện trợ lớn để thúc đẩy nền kinh tế gặp khó khăn của Đức. Điều ông không đề cập đến là ngân sách bổ sung cho năm hiện tại. Nếu không có ngân sách này, chính phủ thiểu số sẽ có ít không gian để xoay xở hơn. Hiện chưa rõ Thủ tướng có thể nhận được sự ủng hộ đa số tại Quốc hội để thông qua ngân sách hay không.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ đối lập muốn thấy một cuộc bầu cử bất ngờ được tiến hành sớm. Thủ tướng Scholz muốn chờ tới khi Quốc hội họp lại vào đầu năm rồi mới tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Theo ý của nhà lãnh đạo này, cuộc bỏ phiếu có thể được tiến hành vào ngày 15/1.

Trong trường hợp đa số nghị sĩ không ủng hộ Thủ tướng, điều này sẽ mở đường cho một cuộc bầu cử bất ngờ. Đây sẽ là lần thứ 6 trong lịch sử Đức, một thủ tướng phải kêu gọi sự ủng hộ của Quốc hội.

Nếu chỉ một số ít nghị sĩ ủng hộ Thủ tướng, nhóm đó sẽ phải đề xuất với Tổng thống liên bang giải tán Quốc hội. Nếu nguyên thủ quốc gia cũng không thấy triển vọng khả thi nào cho một chính phủ ổn định trong hoàn cảnh hiện tại, ông có 21 ngày để giải tán Quốc hội và mở đường cho một cuộc bầu cử sớm. Hôm qua, Tổng thống Frank Walter Steinmeier tuyên bố ông đã chuẩn bị cho việc giải tán cơ quan lập pháp.

Nếu các sự kiện tiếp tục diễn ra theo mốc thời gian mà ông Scholz mong muốn, người Đức sẽ bầu ra Quốc hội mới vào tháng 3/2025. Trong trường hợp ông Steinmeier bãi nhiệm Quốc hội cùng ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, thì ngày muộn nhất có thể tổ chức bầu cử sẽ là 16/3/2025.

Dù theo cách nào thì chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan. Các đảng kỳ vọng một cuộc tổng tuyển cử theo lịch trình sẽ được tổ chức vào 28/9/2025. Bây giờ, họ sẽ phải chạy đua để đề cử các ứng cử viên dẫn đầu và lập danh sách đảng cấp tiểu bang.

 

 

VIỄN CẢNH BẤT ỔN KÉP

Bất ổn chính trị

Đó là mối đe dọa lớn với các ngành công nghiệp chủ chốt của Đức. Đặc biệt, khi nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái và tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Liên minh cầm quyền “đèn giao thông” của Đức đã chính thức sụp đổ khiến Berlin có khả năng rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kéo dài trong nhiều tháng. 3 đảng trong liên minh cầm quyền “đèn giao thông” gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh đã tranh cãi nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến những đề xuất cải cách kinh tế. Đỉnh điểm của những tranh cãi này dẫn đến việc Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của FDP, khiến đảng này rút khỏi liên minh 3 đảng và đánh dấu sự chấm dứt của liên minh cầm quyền “đèn giao thông” tồn tại từ năm 2021.

Nguy cơ các chính sách tiếp theo của Thủ tướng không được thông qua

Từ nay cho đến khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Scholz sẽ không còn sự ủng hộ thường trực của đa số trong Quốc hội. Do đó, ông hiện là thủ tướng của một chính phủ thiểu số. Điều này có nghĩa là để có được đa số phiếu cho các dự án lập pháp riêng lẻ vẫn đang chờ xử lý tại Quốc hội vào cuối tháng 12 năm nay, Chính phủ liên minh thiểu số hiện nay của Thủ tướng Scholz sẽ cần sự ủng hộ của phe đối lập-Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU).

Trong cuộc họp báo tối 6-11 vừa qua, Thủ tướng Scholz đã đề cập đến một loạt biện pháp cải cách dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 12 về những vấn đề nóng như lương hưu và nhập cư. Tuy nhiên, những biện pháp cải cách này sẽ khó có thể được thông qua, bởi hiện nay Thủ tướng đã không còn sự ủng hộ thường trực của đa số trong Quốc hội và đang đứng trước yêu cầu triệu tập một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và bầu cử sớm của phe đối lập.

Sau khi liên minh “đèn giao thông” tan rã, Thủ tướng Scholz muốn Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ vào ngày 15-1-2025, mở đường cho cuộc bầu cử tại nước này có thể diễn ra chậm nhất là vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz, người đứng đầu CDU đã kêu gọi Chính phủ Đức tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần tới, thay vì vào năm sau. Ông Merz lập luận việc chờ đến tháng 1-2025 để bỏ phiếu tín nhiệm như đề xuất là quá muộn, đồng thời cảnh báo rằng Đức không thể để tình trạng bất ổn kéo dài trong khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp và quân đội chưa sẵn sàng cho những thách thức hiện tại. Ông Merz cho rằng, cần tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm muộn nhất là vào đầu tuần tới với mục tiêu tổ chức bầu cử vào nửa cuối tháng 1-2025.

Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ CSU Alexander Dobrindt cũng cho rằng, đợi đến tháng 1-2025 mới bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và đến mùa xuân mới tổ chức bầu cử là thể hiện "sự thiếu tôn trọng cử tri".

Bất ổn nhân đôi

Nhận định về vấn đề này, nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin cho biết, Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng. Theo bà Puglierin, thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của FDP bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm. Xem xét đến nghi thức cần thiết thông thường để thành lập một chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Puglierin dự đoán Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau.

Xáo trộn chính trị tại Đức xảy ra vào thời điểm đặc biệt, khi Berlin có thể phải đối mặt với những căng thẳng thương mại với Washington sau chiến thắng của ông Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Theo Reuters, sự trở lại của ông D.Trump làm dấy lên mối lo ngại về mức thuế quan mà ông dự kiến sẽ áp với các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu và Trung Quốc. Nếu ông D.Trump thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử và áp mức thuế 20% đối với các nhà sản xuất châu Âu, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức dự kiến sẽ giảm 1,5% trong năm 2027 và 2028. Nhà kinh tế học Robin Winkler của Deutsche Bank cho rằng, đây sẽ là viễn cảnh “bất ổn nhân đôi” khi mà bất ổn về chính trị đi kèm với những khó khăn về kinh tế. Điều này sẽ là mối đe dọa lớn với các ngành công nghiệp ô tô, ngân hàng, năng lượng của Đức.

 

Nguồn: Vnexpress; Vietnamnet; Quân Đội Nhân Dân

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang