.jpg)
CỰU NGOẠI TRƯỞNG ĐƯỢC BẦU LÀM CHỦ TỊCH ĐẠI HỘI ĐỒNG LHQ
Kết quả bỏ phiếu ngày 02.06
Bà Annalena Baerbock được bổ nhiệm làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 2/6 sau cuộc bầu cử mà bà không có đối thủ.
Theo kết quả bỏ phiếu, bà Baerbock nhận được 167 phiếu bầu. Bà sẽ đảm nhiệm công việc cao nhất tại hội đồng, chủ yếu liên quan đến việc tổ chức các phiên họp toàn thể giữa 193 quốc gia đại diện cho LHQ.
Ở đội tuổi 44, bà Baerbock là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất đảm nhận cương vị Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, với nhiệm kỳ chính thức 1 năm, bắt đầu từ ngày 9/9/2025.
Đức đã đề cử bà Baerbock cho vị trí này thay vì bà Helga Schmid - một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm. Quyết định này đã vấp phải một số chỉ trích ở Đức. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Steffen Hebestreit khẳng định bà Baerbock là người phù hợp với vị trí này. Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Đức - Sebastian Fischer - cho biết ông hy vọng việc đề cử bà Baerbock sẽ tăng cường ảnh hưởng chung của Đức tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Bà Annalena Baerbock cam kết
Trong bài phát biểu đáp từ, Chủ tịch đắc cử Đại hội đồng LHQ Baerbock đề cập đến các thách thức toàn cầu hiện nay, cam kết sẽ thực hiện vai trò của một người trung gian tin cậy và một tác nhân đoàn kết đại diện cho tất cả 193 nước thành viên. Bà cũng nêu bật chủ đề xuyên suốt về "Gắn kết cùng nhau để tốt hơn".
Bà Baerbock đề ra 3 mục tiêu chính trong nhiệm công tác, gồm đưa Đại hội đồng LHQ hoạt động ngày càng hiệu lực hiệu quả; thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và biến Đại hội đồng trở thành một diễn đàn bao trùm thực sự.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết bà Baerback sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Đại hội đồng trong bối cảnh thế giới không chỉ phải đối mặt với "xung đột, thảm họa khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng" mà còn cả chia rẽ và ngờ vực. "Đây là thời điểm để chúng ta đoàn kết, đưa ra các giải pháp chung và hành động để đối mặt với những thách thức này" - ông Antonio Guterres nói.
Chúc mừng
Phát biểu chúc mừng bà Baerbock, Chủ tịch đương nhiệm Đại hội đồng LHQ Philemon Yang đánh giá người kế nhiệm ông là mẫu lãnh đạo theo đuổi cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, đồng thời ca ngợi tầm nhìn "Gắn kết cùng nhau để tốt hơn" mà bà Baerbock lựa chọn.
Bà Baerbock là người phụ nữ thứ 5 giữ chức vụ này kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập cách đây 80 năm.
.png)
KINH TẾ CẢNH BÁO NGHIÊM TRỌNG
Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đức
Hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, từ chế tạo máy cho đến các sản phẩm tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm. Ví dụ, công ty Amapharm sản xuất những sản phẩm kẹo dẻo chứa nhiều vitamin từ năm 1996. Từ địa điểm ban đầu Neunkirchen ở bang Saarland (Tây Nam nước Đức), Amapharm đã sớm mở rộng sản xuất sang Italy và Scandinavia, sau đó là Mỹ. Ngày nay, công ty này có khoảng 200 nhân viên, sản phẩm kẹo dẻo vitamin của họ được xuất khẩu đến 94 quốc gia, tỷ lệ xuất khẩu chiếm hơn 90%. Rất nhiều doanh nghiệp cỡ vừa khác của Đức cũng có quá trình hoạt động tương tự.
Số lượng doanh nghiệp giảm mạnh và các yếu tố tác động
Nghiên cứu mới đây của ngân hàng phát triển KfW của Đức đối với 3.200 công ty có doanh thu hàng năm dưới 500 triệu euro cho thấy một tỷ lệ đáng kể trong số doanh nghiệp này đã cắt giảm hoặc thậm chí từ bỏ các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài trong hai năm qua.
Phát hiện này là lời cảnh báo nghiêm trọng vì hệ thống doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ là cốt lõi sức mạnh kinh tế của Đức. Rất nhiều trong số này là những "nhà vô địch ẩn danh", với các sản phẩm sáng tạo và định hướng xuất khẩu mạnh mẽ, trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thế giới trong nhiều phân khúc khác nhau.
Chuyên gia Dirk Schumacher, nhà kinh tế trưởng của KfW cho biết, các điều kiện khung cho hoạt động thương mại quốc tế đã xấu đi đáng kể. Những căng thẳng địa chính trị, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực và chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, nhiều công ty vừa và nhỏ phàn nàn rằng điều kiện kinh doanh tại Đức ngày càng gây khó khăn cho khả năng cạnh tranh của họ.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lượng hàng hóa xuất khẩu của các công ty vừa và nhỏ của Đức đã giảm trong năm 2020, nhưng sau đó tăng trở lại vào năm 2021 và 2022. Đến năm 2023, giá trị xuất khẩu lại giảm 6,5% so với năm trước đó, xuống còn 698 tỷ euro. Điều đáng lo ngại hơn sự suy giảm này là sự thay đổi về mặt cấu trúc. Nếu năm 2022 có khoảng 880.000 trong tổng số 3,8 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, thì năm 2023, con số này chỉ còn 763.000 doanh nghiệp.
Nghiên cứu của ngân hàng phát triển KfW nêu rõ tỷ lệ các công ty vừa và nhỏ của Đức hoạt động xuyên biên giới đã giảm từ khoảng 23% xuống 20% trong giai đoạn 2022-2023 và thấp hơn mức trung bình dài hạn trước đại dịch COVID-19. Tỷ lệ này giảm mạnh trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghiệp, tỷ lệ này tăng nhẹ vào năm 2023, đồng thời doanh số bán hàng ra nước ngoài của các công ty công nghiệp cũng tăng.
Đến năm 2024, bức tranh trở nên u ám hơn. Trong khi 28% số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cho biết hoạt động xuất khẩu hàng hóa quốc tế của họ tăng trưởng, thì có tới 34% cho biết xuất khẩu của họ đã suy giảm. Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô và các công ty cơ khí, chế tạo máy bị ảnh hưởng lớn nhất. Trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ báo cáo doanh số sụt giảm là 25%, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp có doanh số tăng chỉ là 21%.
Về triển vọng hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới, 38% doanh nghiệp vừa và nhỏ kỳ vọng hoạt động kinh doanh của họ ở nước ngoài sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong 3 năm tới, chỉ có 1% kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Đồng thời, 20% doanh nghiệp cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ sẽ giảm nhẹ, 8% cho rằng giảm mạnh.
Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức chỉ hoạt động ở một số ít thị trường quốc tế nhất định. Khoảng 3/4 số doanh nghiệp được khảo sát chỉ xuất khẩu hàng hóa tới không quá 3 quốc gia, 40% thậm chí chỉ xuất khẩu tới một khu vực mục tiêu.
Áp lực thị trường thế giới tác động xấu tới hoạt động kinh doanh
- Thị trường châu Âu
Châu Âu là mục tiêu đứng đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức, đặc biệt là các nước láng giềng như Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức có hoạt động kinh doanh tại các khu vực này vẫn ổn định từ năm 2015 đến nay.
- Anh, Trung Quốc, Nga
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại thị trường Anh và Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ở Nga, thậm chí hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức gần như bị tê liệt do các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Gần 30% các công ty vừa và nhỏ Đức cho biết xung đột Nga - Ukraine và các cuộc khủng hoảng địa chính trị khác đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh quốc tế của họ trong năm 2024. Hiện tại, Trung và Đông Âu là những thị trường rất được kỳ vọng trong những năm tới. Ngược lại, tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc và Anh lại đang giảm dần.
-Triển vọng kinh doanh ở thị trường Mỹ cũng bị hoài nghi
Ngoài châu Âu, Mỹ là điểm đến xuất khẩu quan trọng nhất của hàng hóa Đức. Cứ 6 doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức thì có 1 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Trong nhóm này, 43% cho rằng chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây hậu quả tiêu cực hoặc rất tiêu cực cho công ty của họ. Nhận định này thậm chí còn được đưa ra trước khi Tổng thống Trump công bố mức thuế bảo hộ sâu rộng vào ngày 2/4 vừa qua.
Từ đầu năm nay, rất nhiều công ty vừa và nhỏ của Đức đang hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ đã vận chuyển số lượng lớn sản phẩm, hàng hóa sang thị trường này. Đây được xem như một biện pháp phòng ngừa để tránh mức thuế quan cao của chính quyền Washington. Tuy nhiên, nếu động thái tăng thuế của Mỹ chính thức có hiệu lực vào một thời điểm nào đó, sẽ rất khó để lách luật.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty vừa và nhỏ của Đức vì họ có rất ít cơ hội cung cấp sản phẩm với mức giá thấp. Chỉ có 7% cho biết giá cả là lợi thế cạnh tranh chính của họ. Thay vào đó, các doanh nghiệp Đức thường tập trung vào sự đổi mới và chất lượng sản phẩm. Vấn đề này cũng đã được các doanh nghiệp Trung Quốc rất chú trọng trong những năm qua, ngay cả trong các ngành công nghiệp cốt lõi của Đức như ô tô và kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy.
Áp lực giá cả và điều kiện kinh doanh ở Đức
Nghiêm trọng hơn cả áp lực giá cả là vấn đề điều kiện sản xuất kinh doanh tại Đức đối với doanh nghiệp xuất khẩu của nước này. 39% số công ty được khảo sát cho biết tình trạng quan liêu quá mức, cũng như các quy định phức tạp và rườm rà về hải quan và ngoại thương, khiến việc xuất khẩu hàng hóa trở nên khó khăn hơn. Những điều này tác động tiêu cực hoặc rất tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Schumacher của ngân hàng phát triển KfW cho rằng điều quan trọng là phải loại bỏ các trở ngại này thông qua các chính sách mới của chính phủ.
Chính phủ lên tiếng
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong thỏa thuận thành lập liên minh mới, liên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã nhấn mạnh sẽ giảm bớt thủ tục hành chính và các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ; đơn giản hóa các chuẩn mực và quy định để tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy vậy, vẫn cần phải xem xét xem mục tiêu này sẽ được thực hiện ở mức độ nào trong thời gian tới.
HỐI THÚC EU RA TAY VỚI TÀI SẢN CỦA NGA
.jpg)
Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức tuyên bố
Chúng ta cần xem xét vấn đề tài sản của nhà nước Nga một cách kỹ lưỡng hơn nhiều so với những gì đã làm trước đây” - ông Thorsten Frei nói trong cuộc phỏng vấn báo chí, nhấn mạnh rằng không thể để Nga lợi dụng tình thế, kéo dài xung đột hoặc lách luật trừng phạt, mà không phải chịu hậu quả gì đáng kể.
Phát biểu của ông Frei là dấu hiệu cho thấy, Đức - dưới thời Thủ tướng Friedrich Merz - có thể đang dần mềm hóa quan điểm trước đây về việc trực tiếp tịch thu khoảng 200 tỉ euro (227 tỉ USD) tài sản nhà nước Nga bị đóng băng ở Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraina năm 2022.
Tranh cãi
Hiện tại, EU đã đồng ý sử dụng lợi nhuận sinh ra từ các tài sản bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraina, tuy nhiên việc tịch thu tài sản gốc vẫn gây tranh cãi.
Các quốc gia như Pháp và Đức từng phản đối kịch liệt phương án này, lo ngại nó có thể gây phương hại đến đồng euro và phá vỡ các chuẩn mực pháp lý quốc tế về quyền sở hữu tài sản.
Tuy nhiên, xu hướng đang thay đổi. Lithuania và một số nước Đông Âu đã công khai kêu gọi Đức “nhập cuộc” với các đề xuất tịch thu tài sản của Nga.
Ông Frei thừa nhận, đây là một vấn đề “gây tranh cãi và đầy rủi ro”. Nhưng ông cho rằng, trong bối cảnh mục tiêu ngừng bắn chưa đạt được, EU cần mạnh tay hơn để tạo ra đòn bẩy chiến lược.
“Nếu chúng ta muốn đạt được ngừng bắn bằng các biện pháp hòa bình, thì lựa chọn của chúng ta là rất giới hạn. Vì thế, tôi ủng hộ việc sử dụng những công cụ mà chúng ta đang có” - ông Frei nói.
Phát biểu này đánh dấu sự chuyển dịch rõ rệt trong thái độ của Đức, quốc gia vốn cẩn trọng với các bước đi có thể ảnh hưởng đến vị thế pháp lý và kinh tế của EU.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo các chuyên gia tài chính, việc tịch thu tài sản nhà nước của một quốc gia có chủ quyền là một bước đi cực kỳ hiếm hoi trong luật pháp quốc tế và nếu được thông qua, sẽ tạo ra tiền lệ lịch sử.
Các nhà phê bình cảnh báo rằng, động thái này có thể khiến các nước mất lòng tin vào việc đầu tư vào tài sản châu Âu. Bài toán lợi - hại đang đặt EU vào thế lưỡng nan.
Tuy nhiên, phe ủng hộ lập luận, tái thiết Ukraina sẽ cần hàng trăm tỉ USD và tài sản Nga là nguồn lực hợp lý nhất để buộc Mátxcơva phải “trả giá".
Đề xuất tịch thu tài sản Nga từng được Mỹ nêu ra, nhưng ngay cả Washington cũng chưa thể tiến hành một cách triệt để vì rào cản pháp lý. Nếu EU - đặc biệt là với Đức dẫn dắt - quyết định mở cánh cửa nguy hiểm này, hệ thống tài chính toàn cầu có thể bước vào một thời kỳ mới, nơi tài sản quốc gia không còn bất khả xâm phạm trong xung đột hiện đại.
Nguồn: VTV; Bnews; Lao Động
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá