.jpg)
CDU ĐANG PHÁ VỠ LẰN RANH CỰC HỮU?
Làn ranh cực hữu
Cuối tuần qua, hàng trăm nghìn người đã xuống đường trên khắp nước Đức để phản đối Friedrich Merz, lãnh đạo đảng CDU và là ứng cử viên thủ tướng hàng đầu trong cuộc bầu cử ngày 25.2.
Theo DW, nguyên nhân xuất phát từ đề xuất siết chặt chính sách nhập cư của Merz, một động thái được ủng hộ bởi đảng cực hữu AfD. Điều này làm dấy lên tranh cãi về việc liệu CDU có đang phá vỡ nguyên tắc chính trị quan trọng của nước Đức hậu Thế chiến II - không liên kết hoặc dựa vào sự ủng hộ của phe cực hữu.
Những người biểu tình cho rằng đây không chỉ là vấn đề kiểm soát nhập cư, mà còn là dấu hiệu cho thấy CDU có thể đang vô tình hợp thức hóa ảnh hưởng của AfD trong chính trường Đức. Quyết định của ông Merz đã làm lung lay "bức tường lửa" mà các đảng dân chủ nước này duy trì suốt nhiều thập kỷ nhằm ngăn chặn sự tham gia của cực hữu vào các quyết sách quan trọng.
Biểu tình bùng nổ
Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố lớn như Berlin, Hamburg, Munich, Cologne và Leipzig. Theo cảnh sát Berlin, khoảng 160.000 người đã tập trung tại Cổng Brandenburg, ngay bên cạnh Quốc hội Đức, giương cao biểu ngữ phản đối CDU và Merz. Tại Cologne, hơn 350 chiếc thuyền đã xếp hàng trên sông Rhine, với khẩu hiệu "Không phân biệt chủng tộc" và "Vì dân chủ và sự đa dạng".
Nhiều văn phòng CDU ở các thành phố khác nhau cũng bị chặn lối vào bởi đám đông giận dữ. "Nước Đức có trách nhiệm lịch sử không để những tư tưởng bài ngoại len lỏi vào chính sách công", một người biểu tình tại Berlin nhấn mạnh.
Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi ông Merz đệ trình hai dự luật nhập cư tại Quốc hội Liên bang Đức. Dù bị bác bỏ với kết quả sít sao (349 phiếu chống, 338 phiếu thuận), sự việc vẫn làm dấy lên mối lo ngại rằng CDU đang tìm kiếm sự đồng thuận từ AfD - một điều chưa từng có trong chính trị Đức thời hậu chiến.
Ông Merz khẳng định CDU không hợp tác với AfD, nhưng các chính trị gia chỉ ra rằng việc chấp nhận sự ủng hộ của đảng này trong một đề xuất nhập cư có thể mở ra tiền lệ nguy hiểm, làm suy yếu ranh giới chính trị giữa cánh hữu truyền thống và cực hữu.
CDU đặt cược vào chiến lược nhập cư cứng rắn
Trong bối cảnh bầu cử đang đến gần, CDU hiện dẫn đầu các cuộc thăm dò với 30% ủng hộ, trong khi AfD đứng thứ hai với khoảng 20%. SPD và đảng Xanh - hai đảng trong liên minh cầm quyền - đang ở vị trí thấp hơn.
Có vẻ như ông Merz đang thử nghiệm chiến lược thể hiện lập trường cứng rắn về nhập cư nhằm thu hút những cử tri bảo thủ, đồng thời làm giảm sức hấp dẫn của AfD. Ông có thể hy vọng động thái này sẽ đặt các đảng cầm quyền hiện tại vào thế khó khi họ phải bảo vệ chính sách nhập cư hiện tại.
Tuy nhiên, làn sóng phản đối dữ dội cho thấy chiến lược này có thể phản tác dụng. Thay vì làm suy yếu AfD, CDU có nguy cơ vô tình hợp thức hóa ảnh hưởng của đảng cực hữu trong Quốc hội - một điều mà nhiều người Đức xem là "vượt qua lằn ranh đỏ nguy hiểm".
Một người biểu tình tại München đặt câu hỏi: "Nếu CDU bắt đầu chấp nhận sự ủng hộ từ AfD, điều gì sẽ ngăn cản họ hợp tác nhiều hơn trong tương lai?". Điều này phản ánh mối lo ngại rằng dù chỉ là một sự đồng thuận tình cờ, CDU có thể đã mở ra cánh cửa cho sự tham gia lớn hơn của phe cực hữu vào chính trường Đức.
Chủ nghĩa dân tộc
Sự phẫn nộ của công chúng cho thấy vấn đề không chỉ xoay quanh nhập cư, mà còn liên quan đến cuộc đấu tranh rộng lớn hơn về giá trị dân chủ tại Đức.
Trong khi ông Merz bảo vệ lập trường của mình, nhấn mạnh rằng CDU chỉ muốn kiểm soát di cư bất hợp pháp, nhiều người lo ngại rằng bất kỳ sự dao động nào về chính sách nhập cư cũng có thể kéo CDU về phía cực hữu.
Một năm trước, hàng trăm nghìn người Đức đã biểu tình chống lại các kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư - một đề xuất đến từ AfD và các nhóm dân túy. Giờ đây, nhiều người xem cuộc biểu tình lần này như một cuộc chiến để bảo vệ nền dân chủ Đức trước sự trỗi dậy của phe cực hữu.
TIẾP TỤC MUA KHÍ TỰ NHIÊN HÓA LỎNG CỦA NGA: LÝ DO BẤT NGỜ
Chính phủ Đức đã giải thích lý do vì sao tiếp tục mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Bất chấp nhiều lệnh trừng phạt chống Nga, Liên minh châu Âu vẫn nhập khẩu khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng kỷ lục từ Nga.
Con số thống kê
Theo các nhà phân tích của Kpler thì 837,3 nghìn tấn LNG của Nga đã vào EU trong 15 ngày đầu tiên của năm 2025, trong khi 760,1 nghìn tấn được nhập khẩu trong cùng kỳ năm 2024.
Điều này đã được ghi nhận trong một bài viết trên ấn phẩm The Spectator của Anh, tác giả là nhà báo và nhà sử học người Đức - Anh Katja Hoyer, người đã cố gắng tìm hiểu những gì đang xảy ra.
Ấn phẩm này lưu ý rằng Đức đã tự gây ra thiệt hại to lớn cho mình khi từ bỏ nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ Nga. Thậm chí một số người còn coi đây là hành động chưa từng có.
"Từ đầu năm 2023, Đức đã độc lập với năng lượng của Nga", thông điệp được đưa ra một cách đầy tự hào trên trang web của chính phủ Đức.
Đức vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc năng lương Nga
Tuy nhiên không phải mọi thứ đều rõ ràng như vậy. Đức vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Ví dụ vào năm 2023, có tới 9% lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức là LNG từ Nga. Các lệnh trừng phạt của EU không áp dụng đối với LNG, do vậy loại năng lượng này được mua hợp pháp.
LNG được nhập khẩu qua cảng Dunkirk ở Pháp và sau đó được phân phối qua đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu, sau đó không thể theo dõi được dòng chảy.
"Công ty năng lượng nhà nước của Đức mang tên Securing Energy for Europe (Sefe) dường như đang đóng vai trò trung tâm trong quá trình này.
Sefe từng là công ty con 100% của Gazprom, nhưng vào năm 2022, sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, doanh nghiệp đã nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý năng lượng liên bang Đức".
"Sefe lập luận rằng họ phải mua khối lượng LNG theo hợp đồng, vì không có cơ sở pháp lý nào để phá vỡ các thỏa thuận đã ký kết.
Ngay cả khi không đồng ý cung cấp, Nga vẫn được trả tiền, điều này cho phép Nga bán khí đốt ở nơi khác và nhận được khoản thanh toán gấp đôi", bài báo viết.
Theo tác giả, những gì đang xảy ra khiến người ta tự hỏi tại sao LNG từ Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của EU. Hơn nữa, không một ai trong Bundestag (Quốc hội Đức) đưa ra tranh luận về vấn đề này.
"Tôi nghi ngờ câu trả lời nằm ở thực tế là những lời kêu gọi nối lại quan hệ kinh tế với Nga đang đến từ khắp mọi miền nước Đức.
Một chuyên gia kinh tế gần đây đã tính toán rằng do hành động quân sự và các lệnh trừng phạt tiếp theo, GDP của Đức đã giảm 5%. Con số này cao hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia nào khác", tác giả kết luận.
TỔNG THỐNG ĐỨC CÔNG DU TRUNG ĐÔNG
.jpg)
Tổng thống liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 3/2 đã bắt đầu chuyến công du 3 ngày tới Trung Đông với các điểm dừng chân tại Saudi Arabia, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Saudi Arabia
Tổng thống Steinmeier có cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman. Trên mạng xã hội X, Văn phòng Tổng thống Đức cho biết ông Steinmeier là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước này được đón tiếp bằng nghi lễ cấp nhà nước chính thức. Chuyến thăm của ông Steinmeier tới Saudi Arabia chủ yếu tập trung bàn thảo về tình hình an ninh và công tác viện trợ cho Syria cũng như dải Gaza sau những thay đổi quan trọng gần đây. Ngoài ra, vấn đề Iran và những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng được đề cập.
Tại chặng dừng ở Jordan
Ngày 4/2, Tổng thống Steinmeier sẽ tới thăm binh sĩ Đức đang đóng quân tại căn cứ không quân al-Azraq để làm nhiệm vụ quốc tế chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Steinmeier dự kiến sẽ có cuộc gặp với Quốc vương Abdullah II trong ngày 5/2 trước khi khởi hành đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông sẽ hội đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Chương trình công du
Nhà lãnh đạo Đức công du Trung Đông trong bối cảnh gần đây ở khu vực đã có một số diễn biến mới về an ninh, trong đó nổi bật là lệnh ngừng bắn giữa Israel với phong trào Hamas ở Gaza và Israel với lực lượng Hezbollah ở Liban. Tuy nhiên, bên cạnh những động thái tích cực thì giữa các bên vẫn có những cáo buộc nhỏ lẻ liên quan đến việc thực thi các thỏa thuận. Đơn cử, phong trào Hamas hôm 2/2 cáo buộc Israel trì hoãn quá trình cứu trợ và tái thiết Gaza. Người phát ngôn của Hamas, ông Hazem Qassem, nêu rõ Tel Aviv không cam kết đầy đủ đối với một số lĩnh vực nhân đạo, như chưa cung cấp đồ y tế cho Dải Gaza hay chỉ cung cấp lượng nhiên liệu thấp hơn nhiều so với mức thỏa thuận.
Ông Qassem kêu gọi các nhà trung gian và các bên đảm bảo Israel cho phép đưa hàng cứu trợ vào Gaza như đã quy định trong thỏa thuận, đặc biệt là các mặt hàng như lều, nhiên liệu, thực phẩm và máy móc xây dựng, đồng thời chấm dứt các vi phạm khác.
Nguồn: Một Thế Giới; Soha; Báo Tin Tức
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá