.jpg)
60.000 XE VOLKSWAGEN BỊ THU HỒI TẠI MỸ
Lỗi không hiển thị vị trí để phanh đỗ xe
Cục Quản lý An toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ vừa cho biết, hãng Volkswagen đang tiến hành thu hồi 60.490 xe tại Mỹ. Nguyên nhân là do lỗi không hiển thị vị trí số có thể khiến xe bị lăn đi nếu phanh đỗ xe không được kéo.
Theo cơ quan này, đợt thu hồi sẽ ảnh hưởng đến một số xe ID.4 đời 2021-2023, Audi Q4 e-Tron đời 2022-2023 và Q4 e-Tron Sportback.
Trước đó, năm 2024, hơn 270.000 chiếc xe SUV Volkswagen Atlas đời 2021-2024 và Atlas Cross Sport đời 2020-2024 cũng được hãng thu hồi do lỗi túi khí ghế hành khách phía trước không hoạt động bình thường.
Quy mô sản xuất của hãng Volkswagen đang bị thu hẹp đáng kể
Trong năm 2024, lần đầu tiên sau 87 năm, hãng xe Đức này phải đóng cửa liên tiếp 3 nhà máy tại chính "sân nhà" của mình, kéo theo đó là hàng chục nghìn người lao động bị mất việc làm.
Trong thời gian gần đây, thương hiệu nổi tiếng này tỏ ra chậm chạp trong quá trình điện hoá sản phẩm, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất mới nổi, đặc biệt các hãng xe Trung Quốc.
TÌM CÁCH GIẢM PHỤ THUỘC VÀO MỸ
Canada làm việc với châu Âu để đa dạng hóa thương mại chống Mỹ đe dọa thuế quan cao
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/2 về Hội chợ thương mại Hannover Messe thường niên tại Đức, Đại sứ Đức tại Canada Tjorven Bellmann cho biết các đại sứ châu Âu tại Ottawa đã trao đổi với nhau và với các tập đoàn, nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ ở cả hai bờ Đại Tây Dương về biện pháp thúc đẩy thương mại. Bà cho rằng trong khi tận dụng Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện (CETA) mà Canada và Liên minh châu Âu đã ký vào năm 2017, hai bên cần nỗ lực xác định nhiều cơ hội khác. Các trường đại học Canada đang đóng vai trò lớn trong việc tăng cường thương mại khi cả 2 nước đều hướng tới mục tiêu phát triển các lĩnh vực như năng lượng xanh và điện toán lượng tử.
Thư ký của Bộ trưởng Công nghiệp Canada, ông Ryan Turnbull, cho biết nước này đang hướng tới châu Âu như một giải pháp đối phó với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế quan gây thiệt hại cho Canada và các đối tác châu Âu. Ông Turnbull đánh giá: “Những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta đang trải qua hiện nay khiến sự kiện này trở thành cơ hội để Canada nắm bắt và củng cố một loạt mối quan hệ đa dạng giúp chúng ta kiên cường hơn trong tương lai”.
Đức hợp tác với Canada
Ông Stéphane Lessard, quyền Tổng giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu tại Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada, cho biết Đức chia sẻ với Canada các giá trị đang “bị thách thức trên toàn thế giới” và Ottawa đang tìm kiếm các quan hệ đối tác về đổi mới và nghiên cứu có thời hạn dài hơn so với thương mại hàng hóa.
Ông Jayson Myers, Giám đốc điều hành Next Generation Manufacturing Canada, cho rằng đây là cơ hội để các công ty Canada gặp gỡ các đối tác đổi mới và các nhà cung cấp mới để xác định đâu là lợi thế hàng đầu. Hiện các công ty Canada đang tìm cách hợp tác với các công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và robot để cải thiện sản phẩm, đặc biệt là trong các ngành ô tô và máy móc lớn của Đức.
Hội chợ thương mại Hannover Messe
Quy tụ khoảng 130.000 người tham dự trực tiếp, chẳng hạn như các kỹ sư và giám đốc điều hành, cùng với 4.000 nhà triển lãm từ 156 quốc gia. Các công ty Canada sẽ có không gian nổi bật tại hội chợ và sẽ giúp dẫn dắt nhiều phiên họp khác nhau, trong đó có hội nghị cấp cao Eureka về các dự án nghiên cứu hướng đến thương mại hóa và Canada sẽ là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên đồng chủ trì phiên họp này.
Trong tuyên bố chung vào đầu tháng này, các phái đoàn ngoại giao và cơ quan thương mại của Đức cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Canada-Đức nêu rõ Berlin muốn có nhiều hoạt động thương mại và đầu tư hơn với Canada. Thương mại song phương đã duy trì trong suốt đại dịch COVID-19 và vẫn còn “dư địa để cải thiện”. Hai bên chưa khai thác hết tiềm năng của CETA.
ÔNG OLAF SCHOLZ: PHI QUÂN SỰ HÓA UKRAINE LÀ KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC
.jpg)
Thành lập Liên minh các quốc gia hỗ trợ Ukraine
Thủ tướng Anh Keir Starmer công bố kế hoạch thành lập liên minh mới gồm các quốc gia sẵn sàng hỗ trợ Kiev.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại London vào ngày 2/3, khẳng định trong khi một số quốc gia ủng hộ Kiev có nguồn lực hạn chế, những quốc gia có năng lực nên hành động khẩn cấp. Phát biểu với các nhà báo sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz không nói rõ liệu Berlin có triển khai quân đội hay không nhưng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
“Rõ ràng là chúng ta phải hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính và quân sự”, ông tuyên bố, lưu ý riêng Berlin đã quyên góp được tổng cộng 44 tỷ euro cho Kiev. Theo Viện Kiel, Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai, đóng góp khoảng 18 tỷ đô la cho quân sự và các khoản viện trợ khác cho Ukraine.
“Thứ hai, chúng ta phải biết rằng cốt lõi của bất kỳ trật tự hòa bình nào trong tương lai phải là khả năng tự vệ của Ukraine và có một đội quân mạnh mẽ... Mọi cấu trúc an ninh phải xoay quanh điều đó,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ những luận điểm của Moscow khi tuyên bố “quan điểm của Nga không thể được chấp nhận” và “vấn đề phi quân sự hóa mà Nga yêu cầu không thể được chấp nhận”. Ngược lại, ông khẳng định "Ukraine phải... mạnh đến mức không thể bị tấn công nữa".
Thủ tướng Đức cũng bày tỏ lo ngại về khả năng một chính phủ mềm mỏng hơn sẽ xuất hiện ở Kiev, điều mà ông cho là không thể chấp nhận được đối với một “quốc gia dân chủ và có chủ quyền” như Ukraine. Nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm của Zelensky đã kết thúc vào năm ngoái, nhưng ông đã từ chối tiến hành các cuộc bầu cử mới, với lý do thiết quân luật được áp dụng vào năm 2022. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi ông là “nhà độc tài không có bầu cử”, các nhà lập pháp Ukraine đã thông qua một động thái ủng hộ tuyên bố của ông về quyền lực tổng thống.
Nga lập luận
Cuộc xung đột là do NATO mở rộng về phía biên giới của mình và đã loại trừ bất kỳ lệnh ngừng bắn tạm thời nào. Moscow khẳng định hòa bình có thể đạt được nếu Ukraine cam kết trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, công nhận thực tế lãnh thổ trên thực địa.
Sau cuộc điện đàm kéo dài giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào tháng trước, Điện Kremlin đã bày tỏ sự sẵn sàng khởi xướng tiến trình hòa bình, nhấn mạnh nhu cầu giải quyết tận gốc rễ của cuộc xung đột. Moscow phản đối quân đội NATO, bao gồm cả lực lượng gìn giữ hòa bình, và nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev, coi đây là một trong những lý do khiến xung đột leo thang vào đầu năm 2022.
Nguồn: VTV; Bnews; Báo Thanh Hóa
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá