DN dệt may kỳ vọng xuất khẩu; Lãi suất cho vay vẫn neo cao; Mặt bằng cho thuê TP.HCM phục hồi; BĐS vẫn khó tạo 'sóng'

DOANH NGHIỆP DỆT MAY KỲ VỌNG ĐƠN ĐẶT HÀNG TĂNG

Với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu xuất khẩu cao hơn năm trước.

Đơn hàng phục hồi, doanh nghiệp phấn khởi

Cuối tháng 3/2024, các doanh nghiệp dệt may đang tích cực sản xuất khi đơn hàng ổn định hơn trước. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp đã đủ cho sản xuất đến quý II/2024.

“Mới đây, khách hàng Trung Đông có hẹn báo giá cho đơn hàng số lượng khoảng 2 container 40 feet. Đây là khách hàng truyền thống cũng hứa hẹn khởi đầu tốt cho năm 2024”, ông Phạm Quang Anh nói.

Về số lượng, đơn hàng của doanh nghiệp quý I/2024 không nhiều như cùng kỳ năm 2022 nhưng gấp đôi so với năm 2023. Giá đơn hàng hiện vẫn khá thấp, doanh nghiệp làm chủ yếu lấy công làm lãi để giữ chân khách hàng, ổn định lao động và sản xuất trong lâu dài chứ không “ngóng” kiếm lợi nhuận nhiều.

Theo ông Phạm Quang Anh, đây là kết quả sau nhiều hoạt động xúc tiến thương mại từ online, offline trong việc gặp gỡ trực tiếp mới phát triển được tại các thị trường như Malaysia, Campuchia, Singapore. Mặc dù đơn hàng chưa đạt như kỳ vọng song hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý II và toàn bộ lực lượng lao động đang tăng ca đều.

Mặc dù kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm có tích cực, tuy nhiên ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đơn hàng hầu hết được doanh nghiệp chuẩn bị trước Tết Nguyên đán. Đồng thời, hiện một số nhà mua hàng lớn đang có ý định chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Việt Nam là một trong số các lựa chọn, do vậy doanh nghiệp trong nước kỳ vọng đơn hàng sẽ “sáng sủa” hơn nữa trong thời gian tới.

Chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư-Thương mại Dệt may Thành Công cho biết đơn vị đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quý 1 và đang đàm phán đơn hàng cho quý 2.

“Với tín hiệu khởi sắc của thị trường trong những tháng qua sẽ giúp doanh nghiệp từng bước vượt khó và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới,” ông Tùng thông tin.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, lượng đơn hàng của đơn vị đã được ký đến hết tháng 6 nhờ, trong đó nhiều đối tác lớn tại Mỹ như Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco… đang đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác cung cấp sản phẩm may mặc. Với lượng đơn hàng gia tăng như vậy, đơn vị đang dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân.

Trong khi đó, ông Nguyên Đức Trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cũng nhìn nhận những cơ hội của thị trường khi dấu hiệu tiêu dùng mặt hàng này tại một số nơi đã ấm dần.

Đầu tư sản xuất đi vào chiều sâu

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của tập đoàn là kiên định thực hiện một cách tốt nhất những giải pháp đã đề ra và tiếp tục theo dõi, dự báo tình hình để ứng phó linh hoạt.

Trong mọi trường hợp, khi xác định khó khăn kéo dài, các giải pháp thông thường không hiệu quả cần nghĩ đến bài toán tái cơ cấu. Rà soát soát lại mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa tỷ lệ lao động gián tiếp, đồng thời tập trung vào công tác thị trường.

“Cầu dệt may giảm chắc chắn dẫn đến cạnh tranh cao trong việc giành đơn hàng, công tác thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các đơn vị cần củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược bài bản trong việc xác định phân khúc sản phẩm, phát triển thị trường và khách hàng mới", ông Hiếu nói.

Với mức tăng trưởng 15% trong 2 tháng đầu năm 2024, báo cáo của Bộ Công Thuong cho rằng tín hiệu thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự khởi sắc so với năm 2023, tạo tiền đề tốt để ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay.

Song trước các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, các đơn hàng trở lại gần đây cho thấy ngành dệt may đang tiếp tục phục hồi. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

Giai đoạn từ năm 2031 đến 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2024, Hiệp hội đang đưa ra kịch bản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD trên cơ sở nhiều thị trường và đơn hàng đã quay lại.

Dự báo, nước ta sẽ ký thêm một số hiệp định thương mại với một số nước khác, đây là yếu tố tích cực khi sân chơi toàn cầu được mở ra toàn diện, ngành dệt may Việt Nam sẽ lan tỏa theo thị trường, theo hiệp định thương mại.

LÃI SUẤT CHO VAY VẪN CAO

Các ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay bình quân khi gần sát mốc thời gian trước ngày 1.4 theo quy định. Nhìn chung, lãi suất cho vay bình quân vẫn đang ở mức rất cao, cách xa lãi suất huy động.

Lãi suất cho vay bình quân gần 9 - 10%/năm

Trước ngày 1.4, các ngân hàng (NH) bắt đầu công bố lãi suất (LS) cho vay bình quân theo quy định. Đáng chú ý, mặc dù LS tiền gửi tiết kiệm đã giảm sâu xuống đáy nhưng LS cho vay bình quân vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, LS cho vay bình quân tại NH TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) trong tháng 3 ở mức chung là 6,49%/năm; Chênh lệch giữa LS cho vay bình quân với huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.

NH TMCP Quốc tế (VIB) công bố LS cho vay bình quân trong tháng 2 của khách hàng cá nhân với khoản vay ngắn hạn là 7,29%/năm; vay trung và dài hạn là 8,6%/năm. Đối với khách hàng doanh nghiệp (DN), LS bình quân khoản vay ngắn hạn ở mức 6,83%; trung và dài hạn là 7,69%. Chênh lệch LS tiền gửi và cho vay bình quân của VIB là 3,16%/năm.

Còn LS cho vay bình quân tại NH Bưu điện Liên Việt (LPBank) công bố vào cuối tháng 2 dành cho các khoản phát sinh trong tháng, không phân biệt cá nhân hay DN là 8,07%/năm; LS bình quân đối với tiền gửi tất cả các kỳ hạn là 5,82%/năm; Chênh lệch LS bình quân ở mức 2,25%/năm.

Hay NH TMCP Tiên Phong Bank (TPBank) công bố LS cho vay bình quân với khách hàng cá nhân 8,85%; khách hàng DN 7,34% và chênh lệch LS bình quân thực tế ở mức 3,75%/năm.

Trong khi đó, dù đã tìm kiếm rất nhiều tại các trang chủ của một số NH nhưng đến chiều 29.3 người viết vẫn chưa thấy công bố LS cho vay bình quân. Trong đó có những nhà băng thuộc top đầu như Vietcombank, Vietinbank, NH TMCP Hàng hải…

Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, LS cho vay bình quân lên trên 8 - 9%/năm thì đồng nghĩa nhiều cá nhân hay DN sẽ phải trả lãi vay ở mức cao hơn, từ 11 - 12%/năm. Đặc biệt, nếu so sánh LS cho vay với LS huy động tiền gửi tiết kiệm thì khách hàng sẽ thấy "choáng" bởi chênh lệch này quá cao. Giả sử, chi phí vốn của các NH hiện khoảng 5%/năm (chi phí vốn khác với LS tiền gửi tiết kiệm vì NH phải trả lãi tính trên tổng số tiền huy động nhưng phải để lại dự trữ bắt buộc…), cộng với biên lãi ròng thông thường (NIM) khoảng 3% thì LS cho vay sẽ lên mức 8%/năm. Nếu nhà băng nào cho vay cao hơn mức này thì có thể do chi phí vốn quá cao hoặc là thu lợi nhuận lớn. Đáng lẽ trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm bị âm thì các NH nên cần phải giảm bớt lợi nhuận của mình nhiều hơn, hỗ trợ khách hàng…

Cá nhân, DN vẫn trả lãi suất trên 11 - 12%/năm

Theo báo cáo mới nhất của NH Nhà nước, đến hiện tại, các NH đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng với các gói tín dụng có LS thấp. Cụ thể, LS bình quân huy động đối với các giao dịch phát sinh mới là 3,1%/năm, giảm khoảng 0,4%/năm và LS cho vay mới là 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Trên thực tế, các khoản vay mới đã có LS giảm mạnh từ cuối năm 2023 đến nay. Các NH liên tục đưa ra các gói LS cho vay ưu đãi dành cho khách hàng mới. Ví dụ chiều 29.3, nhân viên một phòng giao dịch Vietcombank tại TP.HCM cho biết NH vừa thông báo mức LS ưu đãi cho khách hàng cá nhân trong tháng 4 vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh tiếp tục giảm. Cụ thể, LS cố định cho 12 tháng đầu tiên là 5%/năm; cố định 2 năm đầu là 6%/năm…

Nếu so với đầu năm nay, LS cho vay cá nhân của Vietcombank đã giảm khoảng 0,5 - 0,6%/năm. Sau thời gian ưu đãi, NH áp dụng công thức tính bằng LS tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank + 3,5% nhưng không thấp hơn mức sàn (mức sàn công bố của Vietcombank hiện tại là 9%). Hay NH Shinhan áp dụng LS ưu đãi vay mua nhà cố định 12 tháng chỉ 5,2%/năm, cố định 36 tháng là 6%/năm…

Tuy nhiên, đa số các khoản vay cũ thì chỉ giảm nhỏ giọt. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, lãi vay công ty đang trả cho hợp đồng vay từ tháng 12.2023 là 6,5%/năm, giảm khá nhiều so với đầu năm 2023. Đây là khoản vay ngắn hạn trong vòng 6 tháng phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, khoản vay trung hạn với thời gian 36 tháng của công ty vẫn phải trả LS 11%/năm và chưa được thay đổi.

Hơn nữa, NH có vẻ cũng không chào mời các gói vay trung - dài hạn mà hầu như chỉ "chào mới", tung các chương trình ưu đãi cho vay vốn lưu động từ 1 năm trở xuống. Ông cho rằng LS cho vay mới đã giảm và các DN chấp nhận được nhưng khoản vay trung và dài hạn vẫn còn khá cao, chỉ mong các NH xem xét cũng giảm thấp xuống dưới 10% để DN dễ thở hơn.

Đối với các cá nhân thì lãi càng cao hơn. Anh Q.T (Q.Tân Phú, TP,HCM) cho hay tháng 10.2022, anh vay từ một NH thương mại để mua căn hộ với LS ưu đãi trong năm đầu tiên là 9,9%/năm. Hết thời gian ưu đãi, NH áp dụng LS thả nổi theo công thức LS cơ sở + 3,7%. Cụ thể, LS tháng 11.2023 anh trả là 8,7% + 3,7%, tổng cộng lên 12,4%/năm. Mới nhất trong tháng 3, LS anh trả được tính theo LS cơ sở 8,5% + 3,7%, tổng cộng 12,2%/năm. Anh ngậm ngùi cho rằng LS này vẫn khá cao và khi nhìn thấy lãi tiết kiệm liên tục đi xuống thì cũng rất trông chờ sẽ được giảm mạnh hơn nữa.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhiều NH vẫn giữ NIM ở mức cao từ 4 - 4,5%, đặc biệt trong cách tính LS thả nổi cho khách hàng cũ. Hơn nữa, khách hàng cũ không thể đàm phán được với NH do đã mắc kẹt trong các hợp đồng đã ký trước đây. Chính vì thế nên NH càng "bắt chẹt" khách hàng và việc giảm LS là tùy ý nên đa số giảm rất ít. "Quy định cho phép khách hàng chuyển khoản nợ từ NH này sang NH khác là rất hay để giúp cho các NH có sự cạnh tranh nhiều hơn, người dân được chọn nơi vay tiền có LS thấp hơn.

Thế nhưng, thực tế thời gian qua lại không phát huy được hiệu quả do việc thực hiện quy định còn khó khăn. Nhiều NH cố tình giữ chân khách hàng và không muốn làm thủ tục để bàn giao tài sản đảm bảo. NH Nhà nước cần xem xét để quy định chi tiết hơn. Chẳng hạn như có hợp đồng 3 bên khi khách hàng yêu cầu để NH cũ chuyển hẳn tài sản đảm bảo sang cho NH mới và sau đó NH mới sẽ giải ngân tiền vay trả nợ cho khách hàng. Chỉ có cách này thì mới hy vọng thúc đẩy được việc các NH giảm LS cho vay khách hàng cũ mạnh hơn", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

MẶT BẰNG CHO THUÊ Ở SÀI GÒN HỒI PHỤC

Tại Tp.HCM, nhiều mặt bằng bán lẻ shophouse, nhà phố từng đóng cửa ế ẩm vào giữa năm 2023 thì hiện nay đã có dấu hiệu hoạt động trở lại.

Vào thời điểm tháng 6 và tháng 8/2023, dạo quanh các tuyến đường tại trung tâm và ven trung tâm Tp.HCM, rất nhiều biển bảng cho thuê được treo lên. Đến hiện tại, tần suất có dấu hiệu giảm nhiệt. Ở một số tuyến đường trung tâm như Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn… số lượng bảng treo cho thuê ít hơn so với trước. Tuy vậy, còn khá nhiều mặt bằng vẫn tiếp tục “ế” lâu ngày tại khu trung tâm. Phần lớn là mặt bằng diện tích lớn, giá thuê cao.

Tại khu ven như quận 9, quận 2 nhiều mặt bằng shophouse hiện đã lấp kín người thuê, không còn cảnh dán biển cho thuê chằng chịt như thời điểm giữa năm 2023.

Theo ghi nhận, ngoài các mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường thì mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại gần đây cũng có sự hồi phục rõ rệt. Một thống kê cho biết năm 2023 có tới hơn 30 thương hiệu mở mới và mở thêm tại Việt Nam. Trong đó có nhiều thương hiệu lớn của thế giới như UNIQLO, H&M, Hublot, MiniSo, Cotti Coffee, Runway, Shuyi... đây là nguồn cầu đang tạo hấp lực cho mặt bằng bán lẻ Tp.HCM.

Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield về mặt bằng bán lẻ cho thấy quý cuối cùng của năm 2023, tỉ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại đạt gần 90%, tăng 0,2 điểm phần trăm so quý trước và tăng 1,9 điểm phần trăm so cùng kỳ. Đặc biệt, giá thuê mặt bằng không giảm mà còn tăng 2,1% theo quý và tăng đến 7,6% theo năm, đạt trung bình 53,1 USD/m2/tháng. Giá thuê tăng chủ yếu đến từ 2 dự án mới khai trương ở TP HCM là Hùng Vương Plaza (quận 5) và Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).

Theo đơn vị này, dự kiến nguồn cung mặt bằng thương mại ở Tp.HCM giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tăng với diện tích 112.000 m2 trong năm 2024 và 97.400 m2 năm 2025… khi hiện có hơn 4 trung tâm thương mại cả trong và ngoài khu vực trung tâm có kế hoạch cải tạo, mở rộng trong năm 2024.

Còn ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận định thị trường bán lẻ tại Tp.HCM nói riêng và nền kinh tế nội địa nói chung đang phát triển tốt, đặc biệt là lĩnh vực F&B và giải trí. Theo ghi nhận của Savills, thị trường bán lẻ hiện đại như các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và nền tảng bán lẻ đang giao dịch rất tốt. Giá thuê và tỉ lệ lấp đầy đều mạnh mẽ.

Tuy vậy, đang có sự thay đổi ở các cửa hàng truyền thống hoặc chợ truyền thống theo hướng khó khăn hơn do ngày càng nhiều mô hình bán lẻ mới nổi lên. Do đó, trong tương lai, những cửa hàng mua sắm truyền thống sẽ tiếp tục được thay thế bằng những mô hình hiện đại hơn để thu hút người tiêu dùng. Điều này buộc các chủ mặt bằng phải tham gia vào quá trình phát triển tài sản của mình hoặc định vị lại để hấp dẫn khách thuê và người tiêu dùng.

BẤT ĐỘNG SẢN KHÓ TẠO SÓNG DÙ LÃI XUẤT NGÂN HÀNG GIẢM

Theo các doanh nghiệp, việc lãi suất cho vay giảm sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản thời gian tới. Dù vậy, thị trường chưa thể xuất hiện “sóng” hay tăng giá đột biến.

Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng có động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà, mức thấp nhất từ 5%/năm.

Đơn cử, tại BIDV, lãi suất cho vay mua nhà với khách hàng ở Hà Nội và TP.HCM mức tối thiểu 5%/năm trong 6 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu, thời gian vay tối thiểu 36 tháng. Mức lãi suất 5,5% trong 12 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân lần đầu, thời gian vay tối thiểu 60 tháng.

Với những khách hàng ngoài hai địa bàn trên, mức lãi suất cho vay mua nhà tối thiểu cố định từ 6,5%/năm, áp dụng trong 24 tháng đầu tiên hoặc 7%/năm trong 36 tháng đầu tiên.

Hay tại Agribank, lãi suất cho vay mua nhà giảm còn 6%/năm, thời gian vay tối đa 6 tháng. Đối với khoản giải ngân có thời hạn trên 6 tháng đến 12 tháng, mức lãi suất cho vay tối thiểu là 6,5%/năm. Đối với khoản vay trung và dài hạn, mức lãi suất cho vay trong 24 tháng đầu tiên là 6,5%/năm.

Mức lãi suất cho vay mua nhà 5,7%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và 6,45% một năm với khách hàng vay trung, dài hạn cũng được VietinBank đưa ra. Tại VPBank, mức lãi suất cho vay 5,9%/năm áp dụng cho 6 tháng đầu...

Cuộc đua giảm lãi suất cho vay mua nhà của các nhà băng sẽ tác động ra sao tới thị trường bất động sản thời gian tới? Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho hay, thị trường bất động sản bị yếu thanh khoản hay một số thời điểm “đóng băng” phần lớn là do lãi suất cao quá.

Với lãi suất vay mua nhà ở mức 11-12%, nhiều người lựa chọn thuê nhà còn hơn mua bởi không có tiền trả lãi suất ngân hàng mỗi tháng. Trong khi, những người có tiền lại chọn gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi nên mới có chuyện ngân hàng thừa tiền.

“Ngay khi lãi suất cho vay giảm xuống mức 8-8,5%, khách hàng bắt đầu tìm mua nhà. Thị trường bất động sản từ cuối năm 2023, nhất là phân khúc nhà ở thực, có tín hiệu tốt. Từ đầu năm nay, khi lãi suất càng giảm thì tín hiệu đó càng rõ nét. Thanh khoản đã tốt hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Hiện, mức lãi suất cho vay mua nhà của nhiều ngân hàng ở mức 5,5-6%. Động thái này khiến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đỡ áp lực về tài chính, người mua nhà cũng đỡ áp lực từ những khoản vay”, ông Quyết nhận xét.

Theo Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, khi lãi suất cho vay mua nhà giảm sẽ tác động đầu tiên tới phân khúc mua ở thực như chung cư. Đây là phân khúc có nhu cầu lớn, nhiều người mua thường phải vay ngân hàng.

“Phân khúc chung cư từ đầu năm đến nay giao dịch tốt, nhất là nhà có giá từ 30-40 triệu đồng/m2 được nhiều người tìm kiếm, hay khoảng giá từ 40-50 triệu đồng cũng thu hút sự quan tâm. Với những người đã từng ở chung cư có nhu cầu đổi nhà, họ bán nhà cũ và tìm mua nhà có giá 50-60 triệu đồng/m2”, ông Quyết thông tin thêm.

Bên cạnh chung cư, vị lãnh đạo này cho rằng, phân khúc mua đầu tư như đất nền cũng đang có tín hiệu tốt dần lên, nhất là khi lãi suất cho vay giảm.

“Thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi, đầu tiên ở phân khúc chung cư, sau đó sẽ lan ra các phân khúc đầu tư như đất nền, shophouse... Dần dần, kéo theo sự phục hồi của phân khúc nghỉ dưỡng.

Với đà này, từ nay đến quý III, quý IV, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, ổn định và chấm dứt chuyện giảm giá. Tuy nhiên, thị trường chưa xuất hiện “sóng” hay có chuyện tăng giá đột biến. Việc lãi suất cho vay giảm sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản thời gian tới”, ông Quyết phân tích.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes, cho rằng, động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản, nhất là các sản phẩm nhà ở có đầy đủ pháp lý. Đồng thời, giúp chi phí đầu vào của các chủ đầu tư thấp hơn, từ đó sẽ có giá bán tối ưu hơn.

“Khi lãi suất cho vay thấp thì lãi suất gửi tiết kiệm cũng hạ thấp hơn, tạo áp lực với nhà đầu tư khi có dòng tiền lớn trong ngân hàng buộc phải đẩy ra thị trường. Tín hiệu thị trường cho thấy nhiều nhà đầu tư đã và đang có động thái tìm hiểu, mua bán.

Giá chung cư tăng đột biến và có hiện tượng dòng tiền đầu tư chuyển sang các thị trường tỉnh ven Hà Nội, nhất là đất nền quanh mức giá 1-2 tỷ đồng. Thị trường đất đấu giá cũng có tín hiệu khởi sắc”, Tổng giám đốc SGO Homes cho hay.

Tuy nhiên, ông Chung đánh giá, điều kiện để cho vay tại các ngân hàng vẫn rất khắt khe, dù mức lãi suất tốt.

Nhận định thêm về diễn biến thị trường bất động sản từ nay đến hết năm, ông Chung nói đất nền sẽ phục hồi rõ rệt, nhất là những thị trường gắn các khu công nghiệp.

“Từ nay đến hết năm, giá chung cư sẽ đi ngang, không tăng nhiều sau khi đã tăng quá cao. Đất nền sẽ vượt đáy và tăng giá dần, đến quý III sẽ có nhiều chủ đầu tư ra hàng ở các tỉnh. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ nay đến hết quý II/2024 là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư tham gia thị trường”, ông Chung nói.

Nguồn: Người Đưa Tin; Thanh Niên; CafeF; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang