Chuỗi cung ứng café lao đao; Tài khoản dồn dập 'bốc hơi'; Sự thật sá sùng siêu rẻ; Giá chung cư tăng, giấc mơ an cư gặp khó

CHUỖI CUNG ỨNG CAFÉ LAO ĐAO VÌ GIÁ TĂNG LIÊN TỤC

Giá cà phê liên tục tăng cao kỷ lục thời gian qua nhưng rất ít nông dân, DN trong nước được hưởng lợi, trong khi nhiều DN nước ngoài làm tốt việc này ngay trên sân nhà của Việt Nam và đang hưởng lợi lớn.

Những ngày qua giá cà phê liên tục tăng cao, đạt kỷ lục với mức 100.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cách đây khoảng 1 năm, làm cho nhiều DN xuất khẩu ở TP.HCM gặp khó khăn và bị mất khách hàng, còn người trồng cà phê lại hưởng lợi rất ít. Trong khi đó, nhiều DN nước ngoài đã chủ động thu mua một lượng lớn cà phê để trữ và có thể chi phối giá thời điểm này.

Ngăn chặn đầu cơ giá cà phê

Hiện nay, giá cà phê đang tăng mỗi ngày làm cho nhiều DN chế biến cà phê ở TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, vì không chủ động được nguồn nguyên liệu. Giá cà phê liên tục bị đẩy tăng cao chỉ trong vòng vài tháng từ đầu năm đến nay.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More cho biết, đối với những hợp đồng xuất khẩu đã ký trước cho khách hàng ở Hàn Quốc, DN phải giao hàng với giá lỗ nặng. Còn với đơn hàng mới, DN rất khó đàm phán với khách hàng để tăng giá bán. Nhiều DN đã mất khách hàng vì đối tác chuyển sang mua cà phê ở Ấn Độ với giá thấp hơn. Giá cà phê ở Ấn Độ chỉ khoảng 3.400 USD/ tấn, trong khi đó ở Việt Nam giá hơn 4.300 USD/tấn.

DN này cho rằng, khi Ấn Độ, Brazil vào mùa vụ, thị trường sẽ điều chỉnh lại giá ở mức phù hợp, khi đó giá cà phê ở Việt Nam không thể tiếp tục giữ ở mức cao. Lúc này, khách hàng có thể chuyển sang nhập khẩu cà phê của nước khác với mức giá tốt hơn, nếu như vậy thì cả người trồng và DN chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi. Trước thực trạng này, ông Luận cho rằng các hiệp hội cà phê, DN và cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để có giải pháp, ngăn chặn tình trạng đẩy giá cà phê tăng quá cao.

“Chúng ta phải ngồi lại để có giải pháp cho người nông dân và DN đều có lợi, khống chế việc đầu cơ của các doanh nghiệp FDI. Điều quan trọng nhất là phải điều tiết giá cà phê trong nước. Hiện nay, các DN thu mua mạnh ai nấy gom hàng đẩy giá cà phê tăng cao nên không thể để giá cà phê tăng đột biến và không thể kiểm soát”, ông Luận nêu ý kiến.

Cần làm tốt công tác dự báo thị trường

Điều đáng buồn là tuy giá cà phê tăng cao nhưng rất ít nông dân được hưởng lợi, DN chế biến lại gặp khó khăn, bởi DN thường sản xuất tới đâu sẽ mua nguyên liệu tới đó, còn nông dân cũng rất ít trữ cà phê, phần lớn sau mùa vụ là bán để trả tiền vật tư nông nghiệp.

Điều đáng nói là hơn 20 năm qua, giá cà phê chỉ dao động hơn 30.000 đồng/kg, trong khoảng 2 năm nay giá mới tăng lên 40.000 đồng/kg. Đến đầu năm nay, giá cà phê tăng 60.000 đồng/kg nên nông dân phấn khởi bán gần hết, vì lúc này cả người trồng cà phê và doanh nghiệp trong nước đều không có thông tin dự báo về giá.

Trong khi đó, nhiều DN lớn của Pháp và Ấn Độ tại Việt Nam có thông tin dự báo về thị trường, nên đã thu gom một lượng lớn cà phê ở Việt Nam và giờ họ có khả năng chi phối giá.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Tổng giám đốc Napoli Coffee cho biết, DN cũng mất 30% lượng đơn hàng xuất khẩu đợt này do giá cà phê tăng quá cao. Ông Hưng kiến nghị cơ quan chức năng và Hiệp hội cần làm tốt việc dự báo giá thị trường, quy hoạch vùng trồng và hỗ trợ vốn vay để doanh nghiệp đầu tư trồng nguyên liệu.

“Chính quyền địa phương phải tạo ra cơ chế liên kết, trong đó có Sở Giao dịch cà phê, liên kết người trồng cà phê, HTX và DN. Ví dụ 3 DN yếu khi hợp lại với nhau sẽ ngang sức 1 DN mạnh, khi đó mới cạnh tranh với DN nước ngoài”, ông Hưng đề xuất.

Liên kết - đầu tư cho vùng nguyên liệu

Tại vùng nguyên liệu cà phê tỉnh Đắk Lắk, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột cho rằng, để ngành cà phê phát triển bền vững, các DN, nhất là DN lớn cần đầu tư trồng nguyên liệu, vì nhiều DN chế biến, xuất khẩu cà phê lớn của Việt Nam rất ít đầu tư cho vùng trồng nguyên liệu. Trong khi nhiều DN nước ngoài làm rất tốt việc này và họ có hàng chục ngàn ha cà phê ở Đắk Lắk và nhiều nơi khác.

Bên cạnh đó, việc liên kết trong chuỗi cung ứng nguyên cần chặt chẽ thông qua mạng lưới HTX. Hiện nay mối liên kết giữa người trồng và DN chế biến cà phê rất lỏng lẻo nên dễ "bẻ kèo" khi giá tăng cao.

“DN chỉ cần làm việc với HTX đã liên kết ngang với nông dân. Trách nhiệm của nhà nước là kết nối DN với các HTX, còn DN phải tập trung đầu tư vào vùng nguyên liệu, đầu tư nguồn lực tập huấn, đào tạo, kết nối và hỗ trợ HTX dịch vụ đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường và các hợp đồng mua bán phải chặt chẽ”, ông Trịnh Đức Minh khuyến nghị.

Giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng rất ít nông dân được hưởng lợi, còn doanh nghiệp chế biến cà phê đang lao đao. Trong khi đó, nhiều DN nước ngoài làm tốt việc này ngay trên sân nhà của Việt Nam và hưởng lợi lớn qua đợt tăng giá cà phê. Đó là điều rất đáng suy ngẫm về công tác dự báo thị trường của các cơ quan chức năng, cũng như thiếu sự liên kết trong chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng như việc đầu tư cho vùng nguyên liệu cà phê hiện nay.

NGƯỜI DÂN ĐIÊU ĐỨNG VÌ TÀI KHOẢN LIÊN TỤC 'BỐC HƠI'

Lừa đảo từ chính nhân viên bên trong ngân hàng; tài khoản bốc hơi bởi những cú "hack" phía ngoài; hàng ngàn tài khoản chứng khoán bất động từ cú hack xuyên biên giới... Những vụ việc liên tiếp với số tiền bị mất lên đến hàng trăm tỉ đồng gần đây khiến dư luận không khỏi hoang mang.

Vừa móc ruột bên trong, vừa bị hack từ bên ngoài

Những ngày qua, nhiều khách hàng hoang mang khi ngành công an thông tin về vụ việc một khách hàng sau hơn 2 năm gửi tiết kiệm tại Ngân hàng (NH) TMCP Hàng Hải (MSB) bỗng dưng bị mất hơn 58 tỉ đồng. Ngoài ra nhiều khoản tiền của các khách hàng khác cũng "bốc hơi" khỏi tài khoản MSB. Cơ quan an ninh điều tra cho biết ngày 18.10.2023 đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh (40 tuổi, ở Q.Long Biên, Hà Nội), Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân MSB chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội), có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Bước đầu xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỉ đồng. Tuy nhiên những khách hàng cũng bức xúc vì đến lúc này họ vẫn chưa lấy được tiền của mình. Vụ việc xảy ra ở MSB làm người ta nhớ đến vụ án được xem điển hình về trường hợp tiền gửi hàng trăm tỉ đồng trong NH bỗng nhiên biến mất, gây chấn động thị trường mấy năm trước.

Đó là số tiền 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình gửi tại Eximbank. Do số tiền gửi rất lớn nên bà Bình được NH chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình cũng như kẽ hở của NH để chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả, rút tiền từ tài khoản của bà Bình với tổng số tiền 245 tỉ đồng. Năm 2018, vụ án được đưa ra xét xử và Eximbank đã phải trả lại bà Bình toàn bộ số tiền cùng lãi 92 tỉ đồng.

Đó chỉ là một số vụ tiền của khách hàng bị lừa đảo bởi chính nhân viên NH giả mạo chữ ký, giấy ủy quyền để rút tiền của họ. Còn những cú "hack" được thực hiện từ bên ngoài thì ngày càng gia tăng cả về số lượng và thủ đoạn. Mới đây, bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch (Đồng Nai), cũng thông tin đã bị một nhóm lừa đảo trên mạng lừa đảo và lấy hơn 170 tỉ đồng trong tài khoản. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra.

Đáng nói, ngay cả các chuyên gia tài chính, những người tưởng chừng biết rõ các thủ đoạn lừa đảo trên mạng, cũng không ngoại lệ. Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đang là nạn nhân của một vụ hack tài khoản và vẫn chưa lấy lại được tiền. Theo chia sẻ của ông Hiếu, ngày 18.11.2023 khi ra NH để rút tiền thì ông tá hỏa khi nhân viên báo tài khoản chỉ còn đúng 50.000 đồng, trong khi trước đó số dư của ông có gần 500 triệu đồng.

Theo sao kê từ NH cung cấp, trong thời gian từ ngày 3 - 17.11.2023, chủ tài khoản đã có nhiều lần chuyển tiền sang nhiều tài khoản khác nhau ở một số NH. Thậm chí, có 2 lần chủ tài khoản gửi yêu cầu cấp lại mật khẩu xác thực OTP thông qua ứng dụng Internet Banking. Mật khẩu này cũng được gửi qua số điện thoại mà TS Hiếu đã đăng ký với NH. Tuy nhiên, một điều lạ là thay vì gửi đến điện thoại ông Hiếu vẫn sử dụng là iPhone thì NH cho biết mật khẩu này được gửi đến một chiếc điện thoại Xiaomi.

"Tôi đã có đơn gửi đến công an để trình báo vụ việc và vẫn còn đang trong quá trình điều tra, nhưng không biết có lấy lại được tiền hay không. Đến lúc này tôi vẫn chưa thể biết được cách thức mà kẻ lừa đảo đã tiến hành như thế nào", TS Hiếu nói.

Tương tự là câu chuyện bà T.T.C yêu cầu Vietcombank bồi thường số tiền gần 12 tỉ đồng bị mất trong tài khoản, xảy ra từ năm 2022. Cụ thể, ngày 22.4.2022, bà đến Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc (Bắc Ninh) mở tài khoản và 2 ngày sau đó đã chuyển hơn 11,9 tỉ đồng vào tài khoản vừa được mở. Nhưng sau đó, bà C. không nhận được bất cứ cuộc gọi điện thoại hay tin nhắn nào của Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc về biến động số dư trong tài khoản vào số điện thoại mà bà đăng ký với NH khi mở tài khoản. Đến sáng 25.4.2022, bà đến NH để kiểm tra số dư tài khoản thì bàng hoàng khi được nhân viên thông báo tài khoản của bà chỉ còn 114.718 đồng.

Phía máy chủ của Vietcombank đã xác định các giao dịch đều thực hiện trên số tài khoản, password, OTP đã cung cấp cho khách hàng, nhưng khách hàng đã bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, đe dọa, ép buộc nên đã tự cài phần mềm giả mạo vào máy điện thoại, không thực hiện đúng theo các hướng dẫn về giao dịch an toàn của NH nên đã bằng hành vi của mình tự cung cấp cho các đối tượng lừa đảo toàn bộ các thông tin bảo mật được NH cung cấp dành riêng cho khách hàng.

Từ các thông tin bảo mật được cung cấp đó, đối tượng lừa đảo đã thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng. TAND TP.Từ Sơn (Bắc Ninh) trong tuần qua đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án, yêu cầu Vietcombank bồi thường cho khách hàng 700 triệu đồng nhưng bà C. không đồng ý nên đã nộp đơn kháng cáo…

Cú "hack" xuyên biên giới làm tê liệt công ty chứng khoán

Tuần qua, Công ty CP chứng khoán VNDIRECT thông báo bị tấn công mã hóa hệ thống công nghệ khiến thị trường chứng khoán rúng động. Hàng trăm ngàn nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại công ty này suốt tuần đã phải chịu cảnh không thể giao dịch được. Theo dự kiến mới công bố của VNDIRECT, đến ngày 1.4 có thể sẽ hoạt động trở lại. VNDIRECT đang đứng thứ 3 về thị phần môi giới tại sàn HOSE, vì vậy thiệt hại khi ngừng giao dịch cả tuần cho cả khách hàng lẫn công ty là không hề nhỏ. Đây là vụ tấn công lớn nhất, để lại hậu quả nghiêm trọng nhất đối với một công ty chứng khoán VN từ trước đến nay.

Trong tâm thư gửi khách hàng chiều 29.3, bà Phạm Thị Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDIRECT, cho biết mặc dù công ty luôn đầu tư lớn để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin an toàn và bảo mật, đội ngũ của VNDIRECT dù rất giỏi chuyên môn nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc phòng bị, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng tinh vi, ở tầm cỡ quốc tế như thế này. Do vậy, công ty đã bị bất ngờ ở những ngày đầu và phải viện đến sự hỗ trợ của các chuyên gia và công ty công nghệ hàng đầu VN, cũng như các cơ quan hữu quan của Nhà nước.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Chống lừa đảo, nhận định các vụ tấn công mạng vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng tuần. Với sự phát triển của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), các vụ tấn công ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Hacker cũng là những tổ chức phát triển như một doanh nghiệp (DN) với nhiều nhân viên. Thậm chí có hacker mua chuộc nhân viên nội bộ ở nhiều DN để cùng giúp sức gây ra các vụ tấn công.

Bên cạnh đó, có nhiều "chợ đen" mua bán thông tin, dữ liệu và đó cũng là cơ sở để tội phạm thực hiện tấn công, hack tài khoản người dùng để chiếm đoạt thông tin cá nhân hay tiền. Vì vậy, các DN cần xây dựng hệ thống giám sát mạng thường xuyên; đồng thời có đánh giá kiểm thử an toàn thông tin thường kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Các DN cũng phải có quy trình xử lý sự cố theo chuẩn quốc tế.

"Các vụ tấn công DN hay bị hack tài khoản cá nhân có khi là không thể tránh khỏi, nhưng đôi khi do chủ quan của người dùng. Ví dụ nhiều người thích sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại di động miễn phí nhưng đây là những chương trình dễ bị cài cắm vi rút, mã độc từ đó có khả năng bị chiếm quyền điều khiển. Hay như nhiều tổ chức hoặc cá nhân bỏ qua việc cập nhật các phần mềm đang sử dụng thì nguy cơ bị tấn công cũng nhiều hơn vì sử dụng phiên bản cũ sẽ có lỗ hổng và từ đó hacker sẽ khai thác, xâm nhập", chuyên gia Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty công nghệ an ninh mạng quốc gia VN, cũng đồng quan điểm khi cho rằng việc tấn công, hack tài khoản của DN hay người dùng cá nhân sẽ ngày càng tăng về số lượng. Đối với các DN, hacker thường tập trung vào những đơn vị có cơ sở dữ liệu trọng yếu như NH, chứng khoán, bảo hiểm hay cơ sở y tế, giáo dục… Hình thức tấn công vào lỗ hổng "zero day" khá phổ biến và với hình thức này thì tất cả hệ thống trên thế giới đều có thể bị tấn công. Do vậy DN, NH hay tổ chức nào cũng phải đầu tư đầy đủ để đảm bảo an ninh mạng. Tương tự, người dùng cá nhân cũng phải nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng; có kỹ năng về đảm bảo an toàn và cài đặt phần mềm bảo vệ thiết bị di động của mình để hạn chế khả năng bị "hack" thông tin hay tiền.

Ngân hàng phải có trách nhiệm trong các vụ tiền gửi bị mất

Có rất nhiều vụ mất tiền tỉ trong thời gian gần đây với nhiều lý do. Phổ biến là những vụ bị lừa đảo hay người dùng mất cảnh giác, điện thoại di động hay máy tính bị chiếm quyền điều khiển, hoặc nhấn vào đường link lạ và nhầm tưởng của NH nên bị lộ mật khẩu… Trong trường hợp của mình, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định ông không chia sẻ thông tin cá nhân, không bấm vào đường link lạ và cũng hoàn toàn không bị lừa đảo. Đây là một vụ hack tài khoản với chiêu trò tinh vi. Vị chuyên gia này đặt vấn đề: Liệu tính bảo mật của NH có đảm bảo an toàn?

TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội NH, nhận định những vụ việc mất tiền trong tài khoản diễn ra dồn dập thời gian gần đây cũng là hiện tượng cảnh báo đối với người dân và cả NH. Với sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ, các dịch vụ NH cũng phát triển mạnh và đi kèm là các hình thức lừa đảo một cách tinh vi, xảo quyệt. Thời gian gần đây lại xuất hiện chiêu thức chiếm quyền kiểm soát điện thoại của khách hàng, từ đó kẻ gian biết được tiền ra vào tài khoản của khách hàng và thực hiện chuyển tiền đi. Gần như các vụ lừa đảo tiền xảy ra, khách hàng rất khó có thể lấy lại được tiền.

"Khách hàng gửi tiền vào NH mà để mất thì NH phải đền, đó là chuyện hiển nhiên. Ngược lại, khách hàng cũng cần có trách nhiệm đối với số tiền gửi của mình. Tuyệt đối không tin ai, kể cả cán bộ nhân viên NH. Quy trình NH hiện chặt chẽ, nhưng nếu khách hàng bỏ qua các bước một cách dễ dãi, tin tưởng vào cán bộ NH thì dễ bị lợi dụng, bị mất tiền. Một số trường hợp khách hàng gửi tiền NH với lãi suất thấp, nghe lời cán bộ NH, người bên ngoài mà chấp thuận cho họ sử dụng tiền để thực hiện đảo nợ cho khách hàng khác, kết quả là mất tiền mà không đòi được", ông Hùng nhấn mạnh.

Mỗi vụ mất tiền từ bị móc ruột bên trong bởi nhân viên NH hay từ bên ngoài thì câu hỏi lớn nhất đặt ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Luật sư Nguyễn Duy Hùng (Công ty luật IPIC) cho rằng trường hợp khách hàng thực hiện đầy đủ quy định tiền gửi thì NH phải trả lại tiền cho khách hàng, vì nếu cán bộ NH lợi dụng các quy định để làm sai, chiếm đoạt tiền gửi thì khách hàng không thể biết được.

Khi khách hàng đến NH giao dịch, gửi tiền là khách hàng đã tin tưởng NH, nên khi có sự việc mất tiền xảy ra thì NH cũng có liên quan. Nếu cứ xử lý như thời gian qua, khách hàng và cán bộ NH chịu trách nhiệm mà NH đứng qua một bên thì NH cũng mất uy tín. Do đó cần có hướng xử lý hợp tình hợp lý hơn, NH có thể chia sẻ hơn về thiệt hại đối với khách hàng, nhất là trong trường hợp khách hàng bị mất quyền kiểm soát điện thoại, kẻ gian vào hack toàn bộ tiền trong tài khoản. Trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, NH cần tăng cường các lớp bảo mật tài khoản, tạo thêm các lớp bảo mật trong thanh toán, chuyển tiền.

SỰ THẬT VỀ SÁ SÙNG SIÊU RẺ

Sá sùng có giá bán tới 5 triệu đồng/kg, nhưng lại đang được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ, chỉ hơn 1 triệu đồng/kg. Theo chủ cửa hàng chuyên kinh doanh sá sùng, có nhiều nơi đang bán sá sùng rởm.

Sá sùng giá rẻ bất ngờ

Sá sùng được mệnh danh là “thảo trùng đại dương”. Sá sùng khô có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg.

Tuy nhiên, theo Tri Thức & Cuộc Sống, trên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ, chỉ hơn 1 triệu đồng/kg.

Theo chị Chung Cẩm Huê - chủ cửa hàng chuyên kinh doanh sá sùng khô ở quận 5, TP.HCM, do sá sùng là một trong những loại hải sản đặc biệt và khá quý hiếm ở Việt Nam, có nhiều giá trị dinh dưỡng nên có nhiều nơi bán sá sùng rởm.

Chị Huê cho biết: "Con sá sùng khô tôi đang bán có giá hơn 4 triệu đồng/kg. Còn những nơi bán giá rẻ “không tưởng” tôi nghĩ là hàng giả, hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc, thậm chí tôi còn nghe thương lái nói đó là giun đất”.

Theo chị Huê, sá sùng được chia thành hai loại. Loại sá sùng ngon hảo hạng được đánh bắt tại Quảng Ninh có đặc điểm màu sáng tự nhiên, thân ngắn, mình dày, khi nấu lên cho nước ngọt thanh đặc trưng. Loại sá sùng này có giá bán lên tới 4,5-5 triệu đồng/kg với hàng khô.

Loại thứ hai là sá sùng thường có nguồn gốc từ Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc,... có thân dài, màu vàng sậm hơn, khi nấu nước dùng cũng ngon, Tuy nhiên, chúng có mùi tanh hơi khó chịu và giá bằng một nửa so với sá sùng loại 1 ở Quảng Ninh.

Gần 1 triệu đồng một ký cơm sầu riêng

Từng có thời kỳ, sầu riêng phủ sóng chợ Hà Nội, đổ sống trên vỉa hè bán với giá rẻ, thậm chí phải kêu gọi “giải cứu”. Tuy nhiên, hơn một năm trở lại đây, sầu riêng dần vắng bóng, tìm cả chợ không thấy một hàng nào bán loại quả này.

Tại các cửa hàng ở Hà Nội, cơm sầu riêng Ri6 và Monthong được bán với giá dao động từ 550.000-850.000 đồng/kg, sầu nguyên trái giá 220.000-280.000 đồng/kg. Mức giá này áp dụng với hàng bao đổi nếu cơm sầu sượng.

Theo các chủ cửa hàng, thời điểm này sầu riêng về “nhỏ giọt” do nghịch mùa. Một số cửa hàng phải tạm thời ngừng bán vì giá quá cao. (Xem chi tiết)

Ớt rớt giá thê thảm vì Trung Quốc ngừng mua

Ớt rớt giá thê thảm vì Trung Quốc ngừng mua. Theo Báo Tuổi Trẻ, ở Quảng Ngãi, hiện ớt có giá 5.000 đồng/kg và dự báo còn giảm nữa.

Ông Nguyễn Văn Trí (xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi) cho biết: "Chừng này năm ngoái, thương lái thu mua 50.000 đồng rồi tăng lên 80.000 đồng/kg. Năm nay đầu vụ giá thương lái thu 12.000 đồng/kg, rồi rớt xuống 10.000 đồng/kg. Ba ngày trước, họ mua 8.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 5.000 đồng/kg".

Giá đã thấp nhưng thương lái lại mua ớt đẹp, bà con muốn bán phải lựa. Mọi năm, người dân vùng trồng ớt ở TP. Quảng Ngãi mùa này sẽ thuê nhiều người thu hoạch. Năm nay, ngày công hái ớt là 200.000 đồng/người, nếu thuê sẽ lỗ.

Hoa loa kèn đầu mùa giá chát vẫn hút khách mua

Thời điểm này, hoa loa kèn mới vào mùa nên còn khan hiếm. Giá hoa loa kèn đầu mùa tuy rất đắt đỏ nhưng vẫn được chị em yêu thích, lùng mua.

Theo khảo sát của phóng viên VTC News, giá hoa loa kèn được bán tại chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) là 80.000-100.000 đồng/bó (10 cành). Mức giá này đắt gấp khoảng 3 lần so với giá chính vụ.

Không chỉ được bán tại các chợ dân sinh mà hoa loa kèn đầu mùa còn đang gây sốt trên "chợ mạng".

Tivi giảm giá sốc gần 90%, điều hòa rẻ hiếm thấy

Theo khảo sát của phóng viên Nhịp Sống Thị Trường, để kích cầu mua sắm cũng như xả kho, đẩy hàng tồn, nhiều siêu thị điện máy tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn cho các sản phẩm tivi. Trong đó, nhiều sản phẩm giảm giá từ 40-70%, thậm chí có những mẫu giảm tới gần 90%.

Không chỉ tivi nhiều, nhiều mặt hàng điều hòa cũng được ghi nhận ở mức giá rẻ hiếm có. Có loại sau khi áp dụng ưu đãi chỉ từ 4 triệu đồng.

Bên cạnh ưu đãi giảm giá trực tiếp, nhiều siêu thị điện máy còn thu hút khách hàng bằng cách miễn phí công lắp đặt, tặng nồi cơm điện, khuyến mãi ống đồng dẫn gas, phiếu mua hàng...

Ngoài ra, các sản phẩm khác như tủ lạnh, máy lọc nước, đồng hồ, đồ gia dụng khác cũng được các hệ thống siêu thị điện máy giảm giá từ 5-50%.

GIẤC MỘNG AN CƯ GẶP KHÓ VÌ GIÁ CHUNG CƯ LIÊN TỤC “PHI MÔ

Giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là phải giải quyết dứt điểm vấn đề nguồn cung. Tuy nhiên, để giải quyết được câu chuyện nguồn cung, gốc rễ phải tháo gỡ được các vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Thời gian gần đây, trong khi nhiều phân khúc bất động sản rơi vào trầm lắng thì thị trường căn hộ chung cư vẫn tiếp tục nóng lên từng ngày tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM. Thậm chí một số nơi đang được quy hoạch khu đô thị và đầu tư hạ tầng, giá căn hộ cũng tăng đột biến, trở thành "miếng bánh" ngon cho nhà đầu tư "lướt sóng".

Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm đang "leo thang", mức tăng lên đến 17% so với cùng kỳ 2023, trong đó không ít dự án tăng giá trên 20% chỉ sau 1 năm.

Theo đó, giá bán căn hộ chung cư bình dân có mức giá 30-35 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư trung cấp, có mức giá khoảng 35-50 triệu đồng/m2; giá bán căn hộ chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, phổ biến ở mức giá 60-70 triệu đồng/m2. Như ở khu vực phía tây Hà Nội, có dự án đã công bố mức giá rẻ nhất là 66 triệu đồng/m2, chưa gồm VAT.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, nguyên nhân khiến giá nhà chung cư tăng cao là do thị trường quá ít nguồn cung mà cầu cho phân khúc này thì rất lớn.

"Việc mua chung cư đang ngày càng khó đối với người dân khi nhu cầu ở thật ngày một cao, dự án mới không có và mức thu nhập của người dân hạn chế, trong khi tốc độ tăng giá của chung cư ngày càng cao. Đây thực sự là khó khăn đối với người có thu nhập thấp. Đặc biệt nước ta đang giai đoạn đô thị hóa nhanh, gia đình từ vùng nông thôn về thành phố tăng cao nên nhu cầu nhà ở cũng tăng theo. Trong tương lai, các dự án chung cư tiếp tục tăng giá bởi sự khan hiếm, đồng thời các chủ đầu tư phải tối ưu lợi nhuận khi các chi phí bị đẩy lên”, ông Điệp chia sẻ.

Thêm một nguyên nhân nữa cũng được ông Điệp nhấn mạnh, đó là việc chậm pháp lý làm cho nguồn cung sản phẩm giảm mạnh và có rất ít dự án đủ điều kiện mở bán. Bên cạnh đó, các sản phẩm có khả năng mở bán hầu hết thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang. Do đó, mức giá hầu như cũng ở mức cao.

Để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạ nhiệt giá nhà chung cư, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Về phía Bộ Xây dựng cũng đang tập trung hoàn thiện các hướng dẫn thi hành Luật đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn…Điều này sẽ có tác động lan tỏa thị trường một cách mạnh mẽ hơn.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là phải giải quyết dứt điểm vấn đề nguồn cung. Tuy nhiên để giải quyết được câu chuyện nguồn cung, gốc rễ phải tháo gỡ được các vướng mắc về cơ chế, chính sách. “Rất nhiều cơ chế liên quan đến cơ chế chính sách như việc giải phóng đền bù, hay vấn đề thuế đất cần phải thông thoáng hơn…”, ông Điệp nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm,cả nước cần phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Song, với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới, đặc biệt là từ nhu cầu “ra ở riêng” của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình. Bởi vậy nếu như Chính phủ, các cơ quan chức năng không có các giải pháp can thiệp kịp thời thì chắc chắn trong thời gian tới sự thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục đẩy giá nhà chung tăng cao hơn nữa.

Nguồn: VOV; Thanh Niên; Vietnamnet; CafeF

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang