Tài xế bị đánh; Nghiện sinh trộm cắp; 'Cò' mua bán giấy khám bệnh; Vụ mua bán giấy nghỉ việc; Buôn người sang Campuchia

Tài xế bị đánh hội đồng sau va chạm: Hành vi côn đồ có thể bị xử lý hình sự

(Ảnh minh họa).

Theo luật sư, đánh người sau va chạm giao thông là hành vi có tính chất côn đồ, có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng và tội cố ý gây thương tích.

Cơ quan Công an TP Hải Phòng đang xác minh, làm rõ vụ tài xế bị hành hung sau va chạm giao thông xảy ra trên đường Hạ Lý vào tối 28/5.

Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định, hành vi đánh người với lý do va chạm giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, có tính chất côn đồ, xảy ra nơi công cộng. Bởi vậy, kẻ thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng và tội cố ý gây thương tích

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sự việc bắt đầu từ việc va chạm giao thông. Sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân là anh T.T.H. (SN 1985, trú phường Thượng Lý, Hồng Bàng) có đơn tố cáo gửi Công an phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng.

Theo anh H., sự việc xảy ra lúc hơn 20h ngày 28/5. Thời điểm này, anh H. lái xe ô tô trên đường ngang nối đường Thế Lữ với đường Hạ Lý thì va chạm vào một xe ô tô khác đỗ bên đường. Xác định mình sai, anh H. đi xuống, tìm chủ xe bị va chạm để làm việc. Lúc đó nhiều người tự nhận là chủ xe tuy nhiên không có ai mở cửa xe. Bởi vậy, anh H. yêu cầu ai là chủ xe thì mở khoá cửa để xác nhận rồi sẽ làm việc.

Sự việc trở nên căng thẳng khi hai bên lời qua tiếng lại. Anh H. bị nhiều người lao vào hành hung. Nạn nhân bị thương tích ở vùng mặt và bị chấn động não.

"Sự việc diễn ra nơi công cộng, có nhiều người chứng kiến và thông tin được lan truyền trên không gian mạng, đến nay nạn nhân đã có đơn trình báo tố giác tội phạm nên cơ quan điều tra sẽ thụ lý tin báo để xác minh theo quy định pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định hậu quả gây ra đối với nạn nhân và xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trước tiên cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định vụ việc va chạm giao thông do lỗi của bên nào, mức độ thiệt hại ra sao. Đồng thời sẽ làm rõ "lời qua tiếng lại" giữa các bên thể hiện như thế nào, xác định nguyên nhân của việc dẫn đến nhóm đối tượng hành hung nạn nhân.

Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ danh tính của nhóm người hành hung nạn nhân và trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân để xác định hậu quả.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy chỉ vì lý do nhỏ nhặt mà các đối tượng đã hành hung gây ra thương tích cho nạn nhân thì dù thương tích của nạn nhân dưới 11%, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Hành vi cố ý gây thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng phải có đơn yêu cầu của người bị hại thì cơ quan điều tra mới vào cuộc xem xét xử lý. Trong quá trình xử lý hình sự mà người bị hại có đơn rút đơn yêu cầu, cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.

Trong vụ việc này, hành vi đánh người diễn ra nơi công cộng, bởi vậy trong trường hợp có thể không xử lý về hành vi cố ý gây thương tích do người bị hại không có yêu cầu hoặc rút đơn nhưng cơ quan công an vẫn có thể xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Hành vi đánh người nơi công cộng cũng là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội mà nạn nhân không đề nghị xem xét xử lý thì cơ quan điều tra cũng vẫn có thể xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.

"Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc ẩu đả, hành hung gây thương tích, thậm chí sát hại người khác do mâu thuẫn và chạm giao thông.

Điều này cho thấy một bộ phận không nhỏ có thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, không đáng có mà các đối tượng sẵn sàng ra tay sát hại hoặc cố ý gây thương tích cho người khác tại nơi công cộng. Bởi vậy việc phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi đánh người nơi công cộng là cần thiết để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

(Nguồn: Kenh14)

Nghiện ngập sinh trộm cắp

Lợi dụng việc bản thân nghiện ma túy và mắc bệnh, Nguyễn Minh Tiến (SN 2002, trú ấp Phước Lợi, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) cùng bạn nghiện thường lang thang xin tiền người đi đường và thực hiện hành vi trộm cắp.

Nguyễn Minh Tiến nghiện ma túy nhưng không nghề nghiệp nên thường cùng bạn nghiện là Lê Hữu Trí (ở Ấp 4, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đi trộm cắp.

Ngày 29/4/2022, Tiến đến Phường 3 (TP Vĩnh Long) trộm và bị bắt nhưng do tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên bị Công an Phường 3 phạt hành chính 2,5 triệu đồng.

Được biết, Tiến và Trí đều mắc bệnh qua đường tiêm chích ma túy nên đã lợi dụng việc bản thân bị bệnh và nhiều người e ngại khi tiếp xúc để tiếp cận xin tiền phục vụ nhu cầu tiêu xài và mua ma túy sử dụng.

Sáng 18/6/2022, Tiến cùng Trí đi bộ từ cầu Thiềng Đức về hướng chợ Thanh Đức (Long Hồ) để xin tiền người đi đường.

Ngang một xưởng may ở Phường 5 (TP Vĩnh Long), Tiến và Trí phát hiện xe gắn máy 64K8-4984 dựng trước xưởng, trên xe có gắn sẵn chìa khóa liền nảy sinh ý định trộm. Tiến lén đến mở khóa rồi điều khiển xe chở Trí về nhà ở Cao Lãnh.

Trên đường đi, Tiến và Trí ghé điểm thu mua phế liệu mua biển số khác gắn vào xe vừa trộm để tránh bị phát hiện. Sau đó, Tiến và Trí điều khiển xe quay lại TP Vĩnh Long nhưng vừa đến phường Tân Hòa thì bị công an phát hiện, mời làm việc.

Tại cơ quan điều tra, Tiến và Trí khai do nghiện ma túy và bị nhiễm bệnh nên thường lang thang xin tiền người đi đường.

Trên đường đi, nếu phát hiện tài sản không người trông coi thì lấy trộm. Vào thời điểm trên, Tiến là người phát hiện xe 64K8-4984 có gắn chìa khóa nên rủ Trí lấy trộm làm phương tiện đi lại cho khỏe. Trí đồng ý và đứng bên ngoài cảnh giới cho Tiến vào lấy trộm xe.

Kết luận định giá xe 64K8-4984 Tiến và Trí lấy trộm trị giá 3 triệu đồng. Do Tiến đã có một tiền sự về hành vi trộm nhưng chưa chấp hành việc nộp phạt lại tiếp tục vi phạm, thể hiện ý thức xem thường luật pháp nên cần xử nghiêm.

Do đó, Tiến đã bị Công an TP Vĩnh Long khởi tố và HĐXX của TAND TP Vĩnh Long vừa tuyên án sơ thẩm phạt Tiến 9 tháng tù giam tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Đối với Lê Hữu Trí đã bỏ trốn và đang bị truy nã nên khi nào cơ quan điều tra bắt được sẽ xử lý sau.

(Nguồn: Báo Vĩnh Long)

Bắt 2 đối tượng 'cò' mua bán giấy tờ khám chữa bệnh, trục lợi bảo hiểm xã hội

(Ảnh minh họa).

Công an TP Biên Hòa vừa tạm giữ 2 đối tượng được cho là “cò” trong việc mua bán các loại giấy tờ khám, chữa bệnh kê khống nội dung, chuẩn bị giao cho khách.

Ngày 31/5, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, đang tạm giữ 2 đối tượng L.T.H (43 tuổi) và H.T.Đ (36 tuổi, cùng ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) khi đang thực hiện việc tàng trữ các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe đã được làm khống nội dung, chuẩn bị giao cho khách.

Đồng thời, tạm giữ hàng trăm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do nhiều phòng khám khác nhau lập khống nội dung.

Theo đó, sáng 30/5, lực lượng công an đã đồng loạt khám xét các phòng khám, nhà ở của một số đối tượng tại các phường: Tân Hiệp, Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Bửu Hòa.

Quá trình khám xét, công an đã thu giữ hàng trăm nghìn giấy chứng nhận bệnh nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe (đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám) và nhiều máy móc, tài liệu liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại các phòng khám.

Công an TP Biên Hòa đã triệu tập hơn 30 người liên quan đến việc làm các giấy tờ giả để xác minh, làm rõ.

Bước đầu, công an xác định ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân hàng ngày, các phòng khám còn mua bán, làm “khống” các loại giấy tờ như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty. Các phòng khám ngoài việc mua bán các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì còn lập hồ sơ để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế.

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

(Nguồn: Vietnamnet)

Vụ mua bán giấy nghỉ việc: Bắt 2 người, triệu tập hơn 30 người

Công an TP Biên Hòa đã bắt giữ 2 người và triệu tập hơn 30 người do liên quan vụ mua bán giấy nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội.

Ngày 31/5, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết, cơ quan chức năng đã bắt 2 người khi họ đang thực hiện việc tàng trữ các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe đã được làm khống nội dung chuẩn bị giao cho những người đặt mua.

Lực lượng làm nhiệm vụ cũng tạm giữ hàng trăm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do nhiều phòng khám khác nhau lập khống nội dung.

Danh tính 2 người bị bắt gồm: L.T.H (43 tuổi) và H.T.Đ (36 tuổi, cùng ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa).

Công an TP Biên Hòa cũng có thông tin về việc khám xét hàng loạt cơ sở khám bệnh trên địa bàn thành phố.

Quá trình điều tra, bước đầu cơ quan chức năng xác định, ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân hàng ngày, các phòng khám còn mua bán, làm khống các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty.

Các phòng khám ngoài việc mua bán các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì còn lập hồ sơ để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế.

Công an TP Biên Hòa đã thu giữ hàng trăm nghìn giấy chứng nhận bệnh nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe (đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám) và nhiều máy móc, tài liệu liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại các phòng khám.

Trước đó, sáng 30/5, lực lượng công an TP Biên Hòa đồng loạt khám xét 6 cơ sở khám chữa bệnh và 2 ngôi nhà ở trên địa bàn TP Biên Hòa để làm rõ hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội. Tổ công tác đã thu giữ nhiều giấy tờ, niêm phong hàng chục thùng các tông, máy vi tính, CPU, hồ sơ liên quan đến việc.

(Nguồn: Dân Trí)

Cái kết của hai kẻ buôn bán người sang Campuchia

(Ảnh minh họa).

Phiên tòa khép lại, bản thân những bị cáo phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên chúng ta cần cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm buôn bán người.

Mới đây, TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa mở phiên sơ thẩm xét xử trực tuyến các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (25 tuổi, trú xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Ngọc Tuyền (23 tuổi, trú Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) về tội danh Mua bán người.

Đặc biệt, đây là phiên xử khá đặc biệt khi điểm cầu trung tâm tại trụ sở TAND tỉnh Hà Tĩnh được trang bị máy tính điều khiển, hệ thống âm thanh và màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh.

Điểm cầu thành phần là tại trại tạm giam công an tỉnh Đồng Nai, cách nơi xử án hàng ngàn km cũng được trang bị màn hình và hệ thống âm thanh tốt nhất để đảm bảo tín hiệu liền mạch khi trao đổi thông tin giữa hai điểm cầu.Tại phiên tòa, HĐXX và đại diện VKS trao đổi với các bị cáo qua hệ thống camera kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu.

Theo bản cáo trạng, vào tháng 10/2021, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuyền được một người đàn ông Trung Quốc là chủ Công ty game bài, cá cược tại thành phố Sihanouk- Campuchia có tài khoản WeChat là “K”(viết tắt là “K”) thuê làm công việc tuyển người cho Công ty của “K”.

“K” trao đổi, thống nhất với Nguyễn Ngọc Tuyền nếu đưa được một người sang làm việc trong công ty của “K” thì “K” thanh toán cho Tuyền 3.400 USD (tương đương 74.000.000 đồng).

Nguyễn Ngọc Tuyền sau đó móc nối với nhiều đối tượng, trong đó có Nguyễn Tiến Dũng (25 tuổi, trú xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) để tìm người đưa sang cho “K”. Mỗi một người được đưa sang cho “K”, Tuyền sẽ trả cho Dũng 1000 USD.

Sau đó, Nguyễn Tiến Dũng đăng nhiều bài viết lên Facebook của mình có tên “Dũng Đan” để giới thiệu tuyển người đi làm việc tại Campuchia với các nội dung không đúng sự thật như: “Công việc nhẹ nhàng, lương ổn định hàng tháng từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, làm việc chăm sóc khách hàng, hoặc làm SEO trên máy tính, mọi chi phí xuất cảnh sang Campuchia có Công ty chi trả, không cần giấy tờ, chỉ cần chứng minh thư nhân dân”…

Với các phương thức, thủ đoạn nêu trên, từ ngày 20 - 26/11/2021, Nguyễn Ngọc Tuyền và Nguyễn Tiến Dũng đã 03 lần thực hiện hành vi lừa bán 09 người bị hại sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sang Campuchia để hưởng lợi bất chính.

Các bị hại sau khi bị lừa đến Công ty đóng tại địa bàn Sihanouk, Campuchia, đều bị bóc lột sức lao động, không được trả lương, bị quản chế trong công ty, không được tự do đi lại, chỉ được phép ở bên trong tòa nhà của Công ty, không được phép ra ngoài, các cửa ra vào, hành lang, cầu thang, khu vực xung quanh của tòa nhà đều bố trí bảo vệ canh gác, gắn camera theo dõi.

Nếu bỏ trốn thì bị bắt lại và chuyển sang công ty khác hoặc nếu muốn rời khỏi Công ty thì phải liên lạc người thân chuyển tiền chuộc (từ 30.000.000 đồng đến 91.000.000 đồng).

Hiện nay, 09 bị hại trong vụ án đã nộp tiền chuộc, được giải cứu hoặc bỏ trốn về Việt Nam, yêu cầu các bị can bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 547.500.000 đồng nhưng các bị can chưa bồi thường.

Sau khi đánh giá toàn diện vụ án và cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Ngọc Tuyền mỗi người 15 năm tù về tội danh trên. Tổng hợp với hình phạt 12 năm tù tại bản án HSPT của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, buộc mỗi bị cáo phải chịu hình phạt chung là 27 năm tù.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang