Từ vụ tranh cãi giấy phép cư trú ông Phạm Phi Sơn: Luật thời hạn cư trú khi ra khỏi Đức cần biết

Vụ tranh cãi giấy phép cư trú sôi sục nước Đức có một không hai

Vụ ông Phạm Phi Sơn sinh ngày 22.12.1957 bị thu giấy phép cư trú và đòi trục xuất về nước tới hôm nay tiếp tục diễn ra 2 lịch làm việc của cơ quan công quyền Đức, gồm gặp Sở Ngoại kiều buổi sáng và lịch ra Tòa án Amtsgericht buổi chiều.

Ông Phạm Phi Sơn thuộc diện xuất khẩu lao động sang CHDC Đức năm 1987. Ông được cấp giấy phép cư trú vô thời hạn năm 1998 và giấy phép định cư Niederlassungserlaubnis năm 2003.
- Năm năm trước đây, tháng 01.2016 ông về Việt Nam cưới vợ. Tới tháng 6.2016 thì ông phải nằm viện điều trị do vết thương thời chiến tranh tái phát. Nắm được luật Đức quy định thời hạn được phép xuất cảnh cư trú ở nước ngoài, nên ông gọi điện lên Đại sứ quán Đức tại Hà Nội xin gia hạn và thỏa thuận lịch hẹn. Đại sứ quán giải thích miệng những người cư trú ở Đức đã 15 năm thì được miễn áp dụng.

- Tháng 9.2016 ông sang Đức mang theo cả hồ sơ bệnh án nằm viện 5 tháng phòng chừng, và khi qua cửa khẩu nhập cảnh vào Đức không hề bị hỏi han gì.

- Tháng 12.2016, vợ ông cùng con sang Đức theo thị thực thăm thân được phép 3 tháng. Tiếp đó ông đệ đơn gia hạn được thêm 3 tháng.

- Tháng 5.2017, ông đệ đơn lên Sở Ngoại kiều xin cấp giấy phép cư trú cho vợ diện ăn theo chồng và nhập quốc tịch Đức cho con theo diện bố định cư ở Đức. Được Sở Ngoại kiều tiếp nhận xử lí hồ sơ theo đúng trình tự.

Mọi việc tưởng như tự động thuận buồm xuôi gió. Nhưng một sự cố bất ngờ xảy ra ở phút 89, khi 2 bên thống nhất lịch hẹn cho lần gặp tới để lấy kết quả, thì trưởng phòng phụ trách xem kĩ lại hộ chiếu ông Phạm Phi Sơn ở trang thị thực, phát hiện dấu thị thực nhập cảnh so với thị thực xuất cảnh ở Đức bị quá thời hạn 6 tháng. Sở Ngoại kiều lập tức thu hồi giấy phép định cư chờ xem xét.

- Ông Phạm Phi Sơn kiện ra Tòa án, nhưng bị tòa xử thua.
- Thất bại, ông Phạm Phi Sơn đệ đơn cứu xét lên Ủy ban Cứu xét Sachsen Sächsische Härtefallkommission 2 lần, lần 1 năm 2018 và lần tiếp theo vào tháng 02.2023 vừa qua. Cả hai lần đều không được Ủy ban đồng ý ông Phạm Phi Sơn thuộc diện Cứu xét.
- Vợ và con gái Emilia sáu tuổi, sinh ra ở Đức, cũng bị từ chối quyền cư trú theo diện đoàn tụ gia đình.

- Cái sẩy nảy cái ung, từ đây bắt đầu những chuỗi ngày tháng lao đao tưởng chừng như vô vọng vật lộn giữa quyền ở lại với bị trục xuất về nước đổ ấp xuống cả gia đình ông.

- Trong họa có may, vụ việc ông trở thành tâm điểm chính trường tiểu bang, thu hút công chúng, truyền thông Đức quan tâm, vượt ra ngoài ranh giới tiểu bang, lên cả sóng truyền hình Đức. Trong một bản kiến nghị trực tuyến đòi quền lưu trú cho ông Sơn, gần 100.000 người đã kí tên ủng hộ. Tại một cuộc biểu tình cấp địa phương trước Sở Ngoại kiều Chemnitz vào giữa tháng hai vừa qua đã thu hút 300 người ủng hộ ông Phạm Phi Sơn và gia đình ông.

Luật hủy giấy phép cư trú khi xuất cảnh ra nước ngoài quá hạn

Quy định chung đối với mọi dạng thức cư trú

Đức quy định các loại giấy phép cư trú đối với người nước ngoài ở Đức, gồm 4 dạng thức: Aufenthaltserlaubnis (giấy phép cư trú ở Đức), Blaue Karte EU (thẻ cư trú có thời hạn EU, còn gọi là thẻ xanh), Erlaubnis zum Daueraufenthalt-EU (thẻ cư trú vô thời hạn EU), Niederlassungserlaubnis (giấy phép định cư ở Đức). Tất cả các loại giấy phép cư trú này, đều áp dụng quy phạm chung sau:
- Nếu vì thực hiện nghĩa vụ quân sự ở nước nguyên quán, thì thời hạn phải nhập cảnh trở lại Đức là 3 tháng tính từ ngày hết hạn nghĩa vụ quân sự. Nghĩa là phải trình giấy hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi trở lại Đức nếu nhà chức trách yêu cầu.

- Nếu thời gian cư trú ở nước ngoài cần kéo dài hơn thời hạn quy định đối với từng dạng thức cư trú thì phải đệ đơn lên Sở Ngoại kiều xin kéo dài thời hạn trước khi rời Đức hoặc nếu đang ở nước ngoài thì phải tới đại sứ quán Đức xin gia hạn. Đệ đơn là trách nhiệm, còn được chấp thuận hay không là do cơ quan nhận đơn quyết định theo các quy phạm pháp lí áp dụng cho từng dạng thức cư trú dưới đây.

Thời hạn luật định được phép cư trú ở nước ngoài khác nhau đối với từng dạng thức

Đối với Giấy phép cư trú Aufenthaltserlaubnis

- Giấy phép cư trú hết hạn 6 tháng sau khi rời Đức.

- Thời hạn ở lại dài hơn có thể được cấp theo đơn đề nghị, nếu việc lưu trú ở nước ngoài phục vụ cho lợi ích của Cộng hòa Liên bang Đức, như những ví dụ cụ thể liệt kê dưới đây.

- Ở lại với tư cách hỗ trợ cho nước đó.

- Hoặc với tư cách là thành viên gia đình của một nhà ngoại giao Đức ở nước ngoài.

- Hay với tư cách là sinh viên tại một trường đại học địa phương đi học một hoặc hai học kỳ bổ sung tại một trường đại học nước ngoài.

- Hoặc làm công việc ở nước ngoài cho một công ty quốc tế có trụ sở tại Đức.

- Chú ý: Nếu rời khỏi Đức để bắt đầu nhập học phổ thông hoặc đại học ở nước ngoài, giấy phép cư trú sẽ tự động hết hiệu lực ngay khi xuất cảnh khỏi nước Đức. Dù quay lại Đức trước hạn định 6 tháng giấp phép cư trú vẫn mất giá trị.

Thẻ xanh EU Blaue Karte EU

-Thẻ xanh EU hết hạn sau 12 tháng kể từ khi rời Đức.

-Khoảng thời gian này cũng áp dụng cho các thành viên gia đình của người có Thẻ xanh EU nếu họ có giấy phép cư trú vì lý do đoàn tụ gia đình.

- Có thể được gia hạn theo yêu cầu (đệ đơn) nếu lưu trú ở nước ngoài phục vụ lợi ích của Cộng hòa Liên bang Đức, chẳng hạn thực hiện một nhiệm vụ ở nước ngoài cho một công ty quốc tế có trụ sở tại Đức

Giấy phép định cư Niederlassungserlaubnis

- Giấy phép định cư hết hạn 6 tháng tính từ khi rời Đức.

- Giấy phép định cư hết hạn sau 12 tháng kể từ khi rời Đức, nếu người nước ngoài ở tuổi tròn 60 trở lên. Và đã cư trú hợp pháp tại Đức ít nhất 15 năm. Quy định này cũng áp dụng cho người phối ngẫu có giấy phép định cư và ít nhất tròn 60 tuổi.

- Giấy phép định cư cũng không hết hạn ngay cả khi ở nước ngoài lâu hơn thời hạn quy định trên, nếu cư trú hợp pháp ở Đức ít nhất 15 năm và bảo đảm sinh kế, nghĩa là không xin trợ cấp xã hội. Điều này cũng áp dụng cho người phối ngẫu, hay ở chung như vợ chồng (khai thuế chung) có giấy phép cư trú vô thời hạn, hoặc có vợ chồng hoặc ở chung như vợ chồng với người quốc tịch Đức.

Chú ý: Các ngoại lệ trên không tự động, mà phải đệ đơn và đơn đó phải được Sở Ngoại kiều Landesamt für Einwanderung, Ausländersbehörder hoặc Văn phòng Công dân Bürgerämter cấp giấy chứng nhận trước khi xuất cảnh. Giấy chứng nhận này có thể phải xuất trình khi nhập cảnh vào Đức. Trong trường hợp đang ở nước ngoài muốn lưu lại quá hạn thì phải đệ đơn tại Đại sứ quán Đức.

Thẻ cư trú vô thời hạn EU-Erlaubnis zum Daueraufenthalt-EU

1- Thẻ cư trú vô thời hạn ở Đức và EU hết hạn sau 12 tháng đối với thời gian lưu trú bên ngoài Liên minh Châu Âu hoặc tại các quốc gia EU như Đan Mạch, Vương quốc Anh và Ireland.

2- Thời hạn trên kéo dài tới 24 tháng, nếu trước đó đã có Thẻ xanh EU (thời hạn này cũng áp dụng cho các thành viên gia đình có giấy phép cư trú theo diện đoàn tụ gia đình).

3-Thời hạn trên kéo dài 6 năm nếu sống ở ngoài nước Đức (nhưng vẫn trong EU) hoặc có thẻ cư trú vô thời hạn EU do một quốc gia EU khác cấp.

4- Thẻ cư trú vô thời hạn EU không hết hạn khi ở nước ngoài quá các thời hạn quy định trên trong các trường hợp:

- Có thời gian cư trú hợp pháp ở Đức ít nhất 15 năm và thu nhập bảo đảm cuộc sống (điều này cũng áp dụng cho người phối ngẫu có giấy phép cư trú vô thời hạn).

- Hoặc đã kết hôn hoặc sống như vợ chồng với một công dân Đức.

Sở Ngoại kiều hoặc Văn phòng Công dân sẽ cấp giấy chứng nhận khi đệ đơn yêu cầu trước khi xuất cảnh. Giấy chứng nhận này có thể phải xuất trình khi tái nhập cư Đức.

5- Trong tất cả các trường hợp khác, thời hạn trên có thể được chấp nhận kéo dài hơn nếu đệ đơn, trong các trường hợp: Thời gian cư trú ở nước ngoài chỉ là tạm thời như để chăm sóc người thân, hay tham gia một kỳ học đại học ở nước ngoài, hoặc nếu việc lưu trú ở nước ngoài phục vụ lợi ích cho Cộng hòa Liên bang Đức.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang