Người Việt hải ngoại: Những cô gái ở Pakistan; Giao lưu bóng đá ở Đức; Vụ thực tập sinh bỏ rơi con; Vượt biên vào Đài Loan

Những cô gái Việt bên rặng núi tuyết Pakistan

(Ảnh minh họa).

Được kết hôn với một cô gái mạnh mẽ là điều hạnh phúc, bởi dù có khó khăn gì xảy ra, cô ấy vẫn có thể lo chu toàn cho gia đình!

Sau 2 ngày đi ôtô qua những cung đường hiểm trở từ thủ đô Islamabad của Pakistan - do chuyến bay đến Gilgit bị hủy bất ngờ vì thời tiết, chúng tôi đến khách sạn ở vùng thượng Hunza lúc chiều muộn. Đón chúng tôi là một phụ nữ Việt Nam xinh đẹp với nhiều bất ngờ thú vị.

Định mệnh chốn xa xôi

Tại vùng biên giới phía Bắc Pakistan xa xôi, bữa tối hôm đó chúng tôi được thưởng thức món nộm gà xé phay và cháo gà đậm hương vị Việt Nam. "Đầu bếp chính" là chị Tạ Hạnh Liên, vợ của chủ khách sạn và cũng là cô dâu Việt đầu tiên ở vùng đất này.

Vốn là giám đốc kiểm toán nội bộ của một tập đoàn lớn tại Việt Nam, chị Liên đã gặp "định mệnh" đời mình trong một chuyến du lịch đến Pakistan cùng mẹ. Anh Karim Ahmed, giám đốc một công ty du lịch lớn ở phía Bắc Pakistan, đã đồng hành với chị trong chuyến đi đặc biệt này. Hai người bén duyên và đã vượt qua bao khó khăn cách trở để kết hôn vào tháng 4-2018.

Hiện nay, khách sạn của anh chị tại vùng Shishkat Gojal, thượng Hunza đang trong quá trình hoàn thiện, anh chị vẫn đi đi về về giữa hai quốc gia. Chị Liên mỗi năm sang Pakistan vào mùa xuân và mùa thu, thời gian còn lại chị hỗ trợ công ty du lịch của anh Karim với chi nhánh tại TP HCM.

Làm dâu trong một gia đình Hồi giáo tại ngôi làng nhỏ dưới chân núi tuyết Ghulkin, chị Liên chia sẻ chị không gặp khó khăn trong quan hệ với nhà chồng. Gia đình anh Karim theo đạo Hồi nhưng thuộc dòng Ismaili - một dòng khá thoáng và cởi mở - nên chị Liên không phải cải theo đạo Hồi và việc đi cầu nguyện cũng là tự nguyện.

Nhoẻn nụ cười hạnh phúc khi tiếp những người khách trong ngôi nhà gỗ trên đỉnh đồi mang đậm kiến trúc Hồi giáo với những chạm trổ tinh xảo mà chính anh Karim dựng khi cưới, chị Liên kể rằng chị từng hỏi chồng liệu có ngại khi cưới một cô gái mạnh mẽ? Chồng chị đáp điều đó làm anh hạnh phúc bởi dù có khó khăn gì xảy ra, chị vẫn có thể lo chu toàn cho gia đình.

Trong ngôi làng ở thung lũng Hunza nơi anh Karim sinh ra và lớn lên vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều nét đẹp truyền thống với những ngôi nhà, tường đá. Người dân nơi đây xinh đẹp, hiền lành, những cô gái nhiệt thành chào đón khách, dịu dàng mời món mơ ngọt sấy, hạt mơ, trà sữa hay những trái táo vàng thơm phức.

Anh Karim cho biết anh rất mong khi phát triển du lịch, thung lũng Hunza vẫn giữ được những nét truyền thống. Anh cũng đang cùng một số cộng sự thúc đẩy việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Islamabad để người dân hai nước có thể đi lại thuận lợi hơn.

Tình yêu nở hoa!

Cũng bén duyên với một người đàn ông Pakistan, chị Lê Thu Huyền rời Hà Nội từ cuối tháng 8 năm ngoái để chuyển đến sinh sống cùng chồng, anh Safdar Karim, tại Karimabad, thị trấn trung tâm của khu vực thung lũng Hunza, tỉnh Gilgit Baltistan. Tỉnh này nằm ở phía Bắc Pakistan, tiếp giáp với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Vùng đất này thật hoang sơ, hùng vĩ. Những dãy núi tuyết với vô số đỉnh núi trên 7.000 m nằm xen lẫn với bạt ngàn sông băng trắng xóa trong khi mặt đất, sườn đồi, sườn núi được phủ kín với hàng trăm ngàn gốc cây ăn quả cổ thụ từ hạnh nhân, táo, mơ, cherry, đào, lê, óc chó… cùng với những hàng cây thuộc họ bạch dương vươn mình lên bầu trời xanh thẳm của vùng núi tuyết.

Thung lũng Hunza được mệnh danh là "thiên đường trên mặt đất" bởi vẻ đẹp lộng lẫy khi tất cả cây ăn quả bừng nở hoa trong tiết trời mùa xuân, hay đất trời như nhuộm một màu xanh mướt của cây cối vào mùa hè ấm áp và rực rỡ với muôn ngàn sắc vàng, cam, hồng đỏ của lá cây chuyển màu mỗi dịp thu về.

Cư dân sinh sống ở thung lũng Hunza theo dòng đạo Hồi Ismaili, một nhánh nhỏ của dòng Shia với sự cởi mở và tự do đặc biệt. Phụ nữ ở nơi đây hoàn toàn có thể đi học, đi làm tại các công sở cũng như không cần che mặt hay che tóc trong sinh hoạt hằng ngày.

Dòng Hồi giáo Ismaili đặc biệt chú trọng về mặt giáo dục, do vậy trình độ học vấn của người dân nơi đây, đặc biệt là thế hệ trẻ, cao hơn rất nhiều so với các vùng khác ở Pakistan. Đại đa số người dân có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh. Ngay ở Karimabad cũng có một trường đại học để các thanh niên học tập, không cần di chuyển tới tới Gilgit, thủ phủ của vùng Gilgit Balistan.

Người dân vùng Hunza cũng đặc biệt hiếu khách, thân thiện và cởi mở trong việc tiếp xúc với du khách hơn so với các vùng khác ở Pakistan. Trong một chuyến du lịch đến Hunza vào mùa thu 2018, chị Huyền đã gặp được một nửa của mình. Trải qua quãng thời gian dài "yêu xa" do yếu tố địa lý và dịch COVID-19, anh chị quyết định tổ chức đám cưới vào tháng 4-2022 khi đường bay từ Việt Nam tới Pakistan mở cửa trở lại.

Sau đó, vào cuối tháng 8-2022, chị Huyền đã quyết định "theo chàng về dinh", chấm dứt cảnh "nấu cháo điện thoại" mỗi ngày. Hiện chị Huyền hỗ trợ anh Safdar tổ chức tour cho các đoàn Việt Nam du lịch đến Hunza với mong muốn giúp mọi người được biết thêm về một Pakistan rất khác với những gì được nghe thấy trên truyền thông.

Nhịp sống bình yên

"Điều kiện sinh sống hằng ngày của cư dân bản địa ở Hunza còn khá nhiều thiếu thốn, như điện chỉ có khoảng 4-6 giờ/ngày và không theo giờ cố định, nước thì lạnh quanh năm do đặc điểm núi tuyết sông băng. Tuy nhiên, mạng internet đã giúp tôi giữ được kết nối với gia đình, người thân và bạn bè tại Việt Nam cũng như hỗ trợ cho công việc hiện tại nên tôi không gặp khó khăn gì lớn khi hòa nhập với cuộc sống nơi đây và thật sự hài lòng với lựa chọn rời Việt Nam để hai vợ chồng được sống cùng nhau tại Hunza, một vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhịp sống bình yên, con người hiền hòa, thân thiện, hiếu khách. Mỗi ngày tôi thêm yêu mảnh đất này hơn!" - chị Lê Thu Huyền cho biết.

(Nguồn: Soha)

Giao lưu bóng đá, tăng cường gắn kết của cộng đồng người Việt tại Đức

Đại sứ Vũ Quang Minh đã trao Giấy khen cho Câu lạc bộ VLC vì đóng góp tích cực cho phong trào thể dục thể thao của cộng đồng người Việt, góp phần xây dựng cộng đồng ngày càng đoàn kết, phát triển.

Ngày 22/4, Đội bóng Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã có trận giao hữu bóng đá với Câu lạc bộ bóng đá VLC của cộng đồng người Việt ở Berlin.

Đây là hoạt động thể thao thường niên nhằm tăng cường giao lưu, nâng cao sự gắn kết và hiểu biết giữa đội bóng của cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt tại thủ đô nước Đức.

Phát biểu tại lễ khai mạc trước trận đấu, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện, một hoạt động thể thao thường niên giúp hai đội bóng có cơ hội giao lưu, kết nối với nhau, nâng cao hơn nữa mối quan hệ gắn bó, bền chặt đã được vun đắp từ nhiều năm qua.

Nhân dịp này, Đại sứ Vũ Quang Minh cũng đã trao Giấy khen của Đại sứ quán cho Câu lạc bộ VLC vì những đóng góp tích cực cho phong trào thể dục thể thao của cộng đồng người Việt ở Berlin nói riêng và Cộng hòa Liên bang Đức nói chung, góp phần vào xây dựng cộng đồng ngày càng đoàn kết, phát triển.

Thay mặt Câu lạc bộ VLC, Chủ tịch Câu lạc bộ Đỗ Văn Phúc đã phát biểu bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Đại sứ quán tới phong trào thể dục thể thao của cộng đồng, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu thể thao, vừa góp phần nâng cao sức khoẻ cũng như thúc đẩy phong trào thể dục thể thao nói chung của cộng đồng người Việt ở Đức.

Trận thi đấu giao hữu đã diễn ra sôi nổi, lan toả được tinh thần thể thao và sự ấm áp, thân tình của những người Việt ở nơi xa xứ.

Từ nhiều năm nay, hoạt động giao lưu bóng đá giữa Đội bóng Đại sứ quán và Câu lạc bộ VLC vẫn được duy trì thường niên, trở thành sân chơi bổ ích cho các cán bộ, nhân viên và con em các thành viên cơ quan đại diện.

Được thành lập từ năm 2006 tại Berlin, Câu lạc bộ VLC đăng ký hoạt động như một hội đoàn ở Đức với số thành viên luôn được mở rộng.

Câu lạc bộ duy trì luyện tập hằng tuần và thường xuyên tổ chức giao lưu, kết nối, đặc biệt đã tổ chức thành công nhiều giải thi đấu giao hữu với các đội bóng đá của người Việt tại Đức cũng như các với các đội bóng Đức.

Nguyên là đội trưởng Đội bóng đá Thể Công, ông Đỗ Văn Phúc cũng có nhiều hoạt động kết nối bóng đá với các cựu tuyển thủ Việt Nam cũng như đã tổ chức một số lần về nước thi đấu giao hữu.

(Nguồn: VTV4)

Lời khai mới trong vụ thực tập sinh Việt bị bắt ở Nhật vì bỏ rơi con

(Ảnh minh họa).

Thực tập sinh người Việt mới bị bắt ở Nhật Bản vì bỏ con cho biết cô sợ sẽ bị đuổi về nước nếu bị phát hiện mang thai, Kyodo đưa tin hôm 21/4.

“Tôi nghĩ rằng nếu việc tôi mang thai bị phát hiện, tôi sẽ bị gửi trả về nước”, nữ thực tập sinh 19 tuổi này nói, theo tiết lộ của một nguồn tin trong giới điều tra.

Cô cũng thừa nhận mình đã bỏ rơi đứa trẻ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy đứa trẻ đã tử vong khoảng 1-4 tháng trước đó, theo cảnh sát địa phương. Cảnh sát vẫn đang điều tra nguyên nhân đứa trẻ tử vong.

Khoảng 8h30 ngày 18/4, một người dân địa phương phát hiện thi thể đứa trẻ không mảnh vải che thân nằm úp mặt trên đất nên đã gọi điện báo cảnh sát. Qua khám nghiệm tử thi, cảnh sát xác định thi thể là một bé trai. Lúc được phát hiện, thi thể bé không còn dây rốn và không có vết thương ngoài.

Nữ thực tập sinh đã bị bắt hôm 20/4.

Chủ tịch nhà máy chế biến thủy sản nơi nữ thực tập sinh làm việc cho biết ông không nhận ra dấu hiệu nào cho thấy cô mang thai vì cô thường mặc quần áo làm việc mùa đông.

Nữ thực tập sinh này đến Nhật Bản vào tháng 10/2022 và cư trú trong ký túc xá của công ty.

Hồi cuối tháng 3, một nữ thực tập sinh Việt Nam tên Le Thi Thuy Linh đã được Tòa án Tối cao Nhật Bản tuyên trắng án sau cáo buộc bỏ thi thể cặp song sinh chết lưu của mình tại nhà tháng 11/2020.

(Nguồn: Zing News)

Người Việt bất chấp rủi ro trên biển vượt biên vào Đài Loan tìm việc

Mười bốn người Việt, chín nam và năm phụ nữ, vượt biển vào Đài Loan để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn tại quê nhà nhưng con thuyền mà họ mua đã bị lật chìm giữa biển khiến tất cả thiệt mạng.

Vào khoảng giữa tháng ba vừa qua, giới chức Đài Loan cho biết họ mới tìm được 10 thi thể trôi dạt vào các vị trí khác nhau ở bờ biển phía tây của hòn đảo này.

Qua điều tra, cơ quan cảnh sát phụ trách tội phạm quốc tế Đài Loan thông báo nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này là do nỗ lực vượt biên bất thành.

Những người Việt Nam từ nhiều năm qua đã tìm đường đến Đài Loan để tìm công việc với thu nhập cao gấp nhiều lần trong nước. Có những người đến lao động hợp pháp nhưng cũng có những người lao động bất hợp pháp, trong số này có cả những người vượt biển.

“Hàng ngàn người Việt Nam đã vượt biên bằng đường biển vào Đài Loan trong những năm qua” - ông Lee Yang-chi, Giám đốc Phòng Hình sự Quốc tế, Cục Cảnh sát Quốc gia, Đài Loan, nói với RFA.

Con đường vượt biển

Theo chính quyền sở tại, 14 thi thể người Việt được tìm thấy gồm chín đàn ông và năm phụ nữ, có độ tuổi từ 30 đến 42, xuất xứ từ miền bắc Việt Nam.

Giới chức Đài Loan cho RFA biết, những người này vượt biên giới đường bộ sang Trung Quốc một cách bất hợp pháp, sau đó di chuyển đến khu vực duyên hải của tỉnh Phúc Kiến, nơi đối diện đảo Đài Loan.

Ở đây, họ mua một chiếc thuyền đánh cá nhỏ từ ngư dân địa phương rồi tự thực hiện chuyến hải trình dự kiến dài 160 km vượt eo biển Đài Loan.

Sở dĩ nhóm người này chọn cách tự mình vượt biển, theo thông tin cung cấp từ cơ quan cảnh sát, là vì một người trong số họ có kinh nghiệm làm việc trên tàu đánh cá.

Trên thực tế thì con thuyền đã không thể cập bến. Sau hơn một tháng điều tra, cơ quan cảnh sát Đài Loan đi đến kết luận nguyên nhân tử vong của nhóm người Việt là do bị lật thuyền.

Cũng chỉ vì kế sinh nhai

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, ông Lee Yang-chi, người đứng đầu cơ quan cảnh sát phụ trách tội phạm xuyên quốc gia của Đài Loan, cho biết tất cả 14 người này đều đã từng tới Đài Loan làm việc trước đó, và đều bị trục xuất về Việt Nam do vi phạm luật lao động.

Luật pháp Đài Loan quy định những người từng tới đây lao động nhưng sau đó vi phạm luật pháp và bị trục xuất, sẽ không được phép quay trở lại Đài Loan dưới bất cứ hình thức nào.

“Chín người trong nhóm này trước đây đã từng vượt biên vào Đài Loan để làm việc bất hợp pháp, năm người còn lại thì đã từng tới Đài Loan làm việc một cách hợp pháp nhưng sau đó bỏ trốn ra ngoài để làm việc chui. Do đó họ đều bị trục xuất.” - ông Lee Yang-chi cho biết.

Theo số liệu công bố bởi Cơ quan Di trú Quốc gia, ở thời điểm năm 2019, người Việt Nam chiếm đến 45% tổng số lao động bất hợp pháp ở hòn đảo này.

Lý do khiến người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp tựu chung lại cũng chỉ vì kế sinh nhai.

“Nói thật với anh, tất cả đều vì cuộc sống mưu sinh”, P.N.T một người Việt lao động bất hợp pháp cho Đài Á Châu Tự Do biết lý do chọn đi xuất khẩu lao động.

Người đàn ông 33 tuổi đến từ Hà Tĩnh này đã làm việc ở Đài Loan được tám năm, trong đó có hơn bảy năm làm chui.

Anh này cho biết đã phải trả 6.400 đô la Mỹ cho công ty môi giới ở Việt Nam để được tới làm việc tại một xưởng sản xuất lốp xe hơi, tuy nhiên đã bỏ ra ngoài làm sau khi nhận thấy thu nhập không giống với kỳ vọng.

Để được đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, hầu hết người Việt đều phải trả một số tiền lớn cho các công ty môi giới ở Việt Nam, với mức giá từ ba ngàn cho đến bảy ngàn đô la Mỹ.

Trong bối cảnh phần lớn người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài đều đến từ khu vực nông thôn nơi có thu nhập thấp, trung bình chỉ khoảng 150 đô la một tháng (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông), thì để có được số tiền trên là một thách thức không nhỏ. Hệ quả là nhiều người phải vay nợ để đi, và mang trong mình gánh nặng trả nợ từ ngày đầu tiên đặt chân đến đất khách.

“Bên môi giới nói sang Đài Loan và chịu khó làm thêm giờ thì có thể kiếm được hơn 20 triệu (đồng) một tháng, nhưng trên thực tế thì không có đủ việc để làm”, người đàn ông quê Hà Tĩnh cho biết hoàn cảnh dẫn đến quyết định trốn ra ngoài làm việc.

Theo ông V. D. Tùng, nhân viên của một công ty môi giới lao động của Đài Loan, khối lượng công việc không đủ để làm tăng ca là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc người lao động nhập cử bỏ ra ngoài, bởi nếu không làm tăng ca thì người lao động chỉ được hưởng lương cơ bản.

Mức lương tháng tối thiểu được quy định ở Đài Loan là 26,400 đô la Đài Loan, tương đương với khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương này mới chỉ được áp dụng từ tháng 1 năm 2023.

Chưa kể thu nhập của người lao động nhập cư sẽ bị trừ đi các khoản phí khác nhau như bảo hiểm, dịch vụ môi giới, và các chi phí có thể phát sinh khác.

Theo ông Tùng, so với các công việc hợp pháp mà lao động nhập cư thường làm khi tới Đài Loan, thì việc bỏ ra ngoài làm mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều.

“Nếu so sánh về thu nhập giữa công việc hợp pháp với bất hợp pháp thì thu nhập hợp pháp không bao giờ đuổi kịp thu nhập bất hợp pháp.” - Ông Tùng nói.

Sau tám năm làm việc ở Đài Loan, P.N.T khoe là đã xây được nhà cho cho bố mẹ ở quê, không những thế còn chu cấp chi phí học hành cho năm người em ở nhà.

Không đồng tiền nào là dễ kiếm

Tuy thu nhập cao hơn nhưng việc bỏ ra ngoài làm chui mang lại những rủi ro và thách thức không hề nhỏ.

Thường sau khi mất liên lạc hơn ba ngày thì người lao động nhập cư sẽ bị tuyên bố là đã bỏ trốn, danh tính của người đó sẽ được cung cấp cho các cơ quan chức năng, bao gồm cơ quan di trú và cảnh sát.

Người lao động bất hợp pháp nếu bị bắt thì kết cục tất yếu là bị trục xuất về Việt Nam, và cấm quay trở lại Đài Loan từ sáu đến tám năm. Điều này khiến người lao động bất hợp pháp luôn phải sống trong cảnh lo sợ.

Nhưng mối lo ngại bị trục xuất không phải là điều duy nhất mà các lao động bất hợp pháp phải đối diện. Việc mất đi bảo hiểm y tế còn là một vấn đề nghiêm trọng khác, nhất là trong trường hợp đau ốm hoặc tai nạn lao động.

Ngoài ra, vì không có giấy tờ hợp lệ và mất đi sự bảo vệ của các công ty môi giới, người lao động còn phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột và ngược đãi bởi chủ lao động.

Vì không có giấy tờ hợp lệ, nên người lao động bất hợp pháp không thể ký hợp đồng lao động thông thường, do vậy họ chỉ có thể làm các công việc trả lương theo ngày hoặc theo sản phẩm, thay vì nhận lương hàng tháng. Và thường là các công việc nặng nhọc.

Tuy không tiết lộ nơi làm việc cụ thể, nhưng P.N.T cho biết anh hiện đang làm việc ở trên vùng núi cao ở Đài Loan, công việc chính là thu hoạch rau củ cho các nông trại. Anh cho biết khi đến vụ thu hoạch thì trung bình phải làm việc 12 tiếng một ngày.

“Một là chấp nhận gia đình khổ để con được sướng, còn không chỉ con khổ để gia đình được sướng”, anh T chia sẻ sau khi được hỏi vì sao lại chấp nhận làm việc trong điều kiện vất vả trong một thời gian dài như vậy.

Sau gần một thập niên làm việc ở nơi đất khách quê người để chu cấp cho gia đình, người đàn ông có vẻ ngoài trông già hơn rất nhiều so với tuổi 33 cho biết ước muốn là có thể tiếp tục làm việc ở Đài Loan thêm hai năm nữa, cũng là lúc cuốn hộ chiếu của anh hết hạn. Sau đó anh sẽ trở về quê nhà để xây dựng tương lai cho riêng mình.

Giải pháp gì cho vấn nạn lao động bỏ trốn?

Nguồn cung lao động nhập cư ở Đài Loan khá đa dạng, trong đó đông đảo nhất là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam, Philippines, và Thái Lan.

Ông V.D. Tùng cho biết tỷ lệ người Việt Nam bỏ trốn ra ngoài lao động chui cao hơn so với các quốc gia khác.

“Tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam là cao nhất, vượt trội so với các nước khác, vì chi phí để người lao dộng Việt Nam sang Đài Loan là cao nhất.”

Theo ông Tùng, lao động tới từ các quốc gia Đông Nam Á khác chỉ phải trả từ một cho đến hai ngàn đô la Mỹ để đến Đài Loan làm việc, trong khi đó thì người Việt phải trả từ bốn tới năm ngàn đô la, thậm chí còn cao hơn.

Toàn bộ số tiền mà người lao động Việt Nam phải trả đều chảy vào túi các công ty môi giới ở Việt Nam, thế nhưng một khi người lao động đặt chân lên máy bay để đến Đài Loan, thì các công ty môi giới Việt Nam lập tức hết trách nhiệm. Một số lao động Việt tại Đài Loan trả lời RFA trước đây cho biết khi có tranh chấp với chủ lao động, họ không thể tìm đến công ty môi giới để được giúp đỡ.

Ngoài ra, luật pháp của Đài Loan trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động nhập cư vẫn bị đánh giá là chưa hoàn chỉnh.

Cụ thể, những lao động nhập cư làm việc trong các lĩnh vực như giúp việc nhà và chăm sóc người già không thuộc diện được bảo vệ bởi Luật Tiêu chuẩn Lao động, dẫn đến tình trạng điều kiện làm việc không được đảm bảo, thậm chí xảy ra tình trạng ngược đãi, dẫn đến tình trạng bỏ trốn.

Chính phủ Đài Loan cũng chưa cho phép các chủ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp được thuê lao động nước ngoài. Điều này dẫn đến tính trạng nhu cầu lao động thì cao nhưng nguồn cung từ lao động địa phương lại ít ỏi, đẩy các chủ lao động vào cảnh buộc phải thuê người lao động nhập cư bất hợp pháp.

(Nguồn: RFA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang