Người Việt hải ngoại: Lễ hội VN ở Fukuoka; Vượt khó khi làm dâu Ấn Độ; Bóng hồng lai làng hài Mỹ; DHS ở Đức gặp rắc rối

Khai mạc Lễ hội Việt Nam tại Fukuoka 2023

(Ảnh minh họa).

Lễ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, các bạn trẻ Nhật Bản và cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu vực Kyushu.

Ngày 15/4, tại công viên Tenjin thành phố Fukuoka, Nhật Bản đã khai mạc Lễ hội Việt Nam tại Fukuoka 2023 mang tên “Hy vọng”.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày từ 15-16/4 do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Tokyo, Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệp hội doanh nghiệp Kyushu-Việt Nam tổ chức.

Lễ khai mạc đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo và các ban ngành sở tại, phía khách mời đến dự có ông Shojima Ryosuke, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka; ông Ito Yoshito, Chủ tịch Hội đồng thành phố Fukuoka; ông Inatomi Shuji, Hạ nghị sĩ; ông Kuratomi Sumio, Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Kyushu; ông Kubota Kazuhiro, Trưởng ban Quốc tế thành phố Fukuoka; ông Goto Motohide, Thị trưởng thành phố Buzen. Ngoài ra còn có thư chức mừng của các tỉnh trưởng trong khu vực Kyushu.

Phát biểu khai mạc, bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Chủ tịch Ban tổ chức Lễ hội bày tỏ cảm ơn lãnh đạo, các cấp chính quyền Fukuoka đã tạo điều kiện để tổ chức lễ hội, Việt Nam Airlines đã đồng hành tài trợ cho chương trình.

Tổng lãnh sự nhấn mạnh, thông qua lễ hội mang tên “Hy vọng”, Ban tổ chức mong muốn chuyển tải thông điệp về những mong muốn, nguyện vọng của người dân Việt Nam - Nhật Bản cùng nhau hướng tới tương lai hòa bình và phát triển. Nhân dân hai nước chung tay thúc đẩy giao lưu nhiều lĩnh vực dựa trên cơ sở đoàn kết hữu nghị và bình đẳng.

Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ, ông Shojima Ryosuke, Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka cảm ơn cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Fukuoka nói riêng và khu vực Kuyshu nói chung đã góp phần xây dựng và phát triển khu vực Kyushu, đồng thời mong muốn cùng nhau vun đắp tình hữu nghị và truyền thống văn hóa Việt Nam-Nhật Bản ngày càng phát triển và bền chặt.

Sự kiện là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hoạt kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka tổ chức. Lễ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, các bạn trẻ Nhật Bản và cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu vực Kyushu.

Nhân dịp này, gần 30 công ty tham gia với 20 gian hàng tại hội chợ đã giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ, chăm sóc sức khỏe và ẩm thực Việt Nam-Nhật Bản.

Đặc biệt, tại Hội chợ có gian hàng của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka giới thiệu về hình ảnh Việt Nam đất nước và con người, trưng bày sách, tờ rơi quảng bá du lịch, danh lam thắng cảnh của Việt Nam; gian hàng của Ban quốc tế tỉnh Fukuoka giới thiệu các hình ảnh về mối quan hệ hợp tác với Việt Nam của tỉnh từ năm 2009 thành lập Tổng lãnh sự quán đến nay; gian hàng của Cục quản lý Xuất nhập cảnh Fukuoka giới thiệu về Luật nhập cảnh vào Nhật Bản và các bản hướng dẫn về luật cư trú cho các bạn Việt Nam. Ngoài ra còn có gian hàng giới thiệu về phái võ thuật Vovinam được các bạn trẻ rất quan tâm.

Chương trình nghệ thuật của Lễ hội cũng là cơ hội giao lưu văn hóa của các bạn trẻ Việt Nam-Nhật Bản với những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người.

(Nguồn: VTV4)

Lấy chồng Ấn Độ, nàng dâu Việt vượt sóng gió gia đình và khác biệt phong tục

Gia đình phản đối gắt gao, phong tục cưới xin có nhiều khác biệt nhưng chị Thanh Nhàn và chồng người Ấn Độ vẫn nên duyên vợ chồng.

Cơ duyên bất ngờ

Chị Trần Đoàn Bình An Thanh Nhàn (26 tuổi, quê ở TP.HCM) cùng chồng là anh Manbir Singh (34 tuổi, quốc tịch Ấn Độ) hiện đang cùng làm nghề điều dưỡng tại Úc.

Năm 15 tuổi, chị Nhàn sang Úc sinh sống và học tập. Chị tình cờ quen anh trong một lần cả hai cùng đi thực tập tại một viện dưỡng lão. Thời điểm đó, chị là sinh viên năm nhất còn anh học năm hai.

"Năm 2016, trong buổi gặp mặt có giáo viên hướng dẫn, mình và anh nhìn thấy nhau nhưng không nói chuyện. Ngày cuối cùng của buổi thực tập ở viện có liên hoan, ăn trưa nhỏ. Hôm đó, cả hai tới sớm và trong phòng chỉ có hai người là sinh viên thực tập nên anh mới bắt chuyện trước", chị Nhàn kể lại.

Chị Nhàn tự nhận bản thân là người hòa đồng nên khi anh bắt chuyện, chị vui vẻ đón nhận, xem như cơ hội để kết bạn mới. Chị ấn tượng trong lần đầu nói chuyện với câu hỏi của anh: "Phong tục nước bạn có cho phép lấy chồng nước ngoài không?". Sau này, khi đã chính thức yêu nhau, chị Nhàn có hỏi anh vì sao hỏi câu đó. Anh cười và trả lời đó chỉ là câu hỏi… vu vơ.

Sau đợt thực tập, hai người gặp nhau ở trường, thư viện và nhắn tin quay lại với nhau. Cả hai tìm hiểu trong 4 tháng và quyết định chính thức hẹn hò. Năm 2018, anh chị về Việt Nam chơi. Sau chuyến đi đó, anh ngỏ lời với chị. Tuy nhiên, với họ để nên duyên vợ chồng không phải là điều dễ dàng. Họ đã cùng nhau vượt muôn ngàn sóng gió để có mái ấm gia đình như hiện tại.

Vượt sóng gió đến với nhau

Họ sinh con trai đầu lòng vào năm 2020. Gia đình vỡ òa hạnh phúc khi chị Nhàn sinh bé gái cách đây ít tuần. Với chị, anh là người rất nghiêm túc, khá nhạy cảm và rất hiền. Chị còn "đổ" anh vì phong cách làm việc chăm chỉ, cầu tiến.

Chị Nhàn cho biết, lúc yêu nhau cặp đôi cũng thường xuyên xảy ra cãi vã. Những áp lực về việc đi làm kiếm tiền khi mới ra trường khiến cả hai từng có thời gian căng thẳng, mâu thuẫn. Tuy nhiên, họ biết cách bình tâm và nhờ học chung ngành nên có sự thông cảm, thấu hiểu nhau.

Khi cả hai quyết định đi đến hôn nhân thì gia đình hai bên đều không đồng ý. Gia đình nhà trai muốn anh có một cuộc hôn nhân sắp đặt đúng với tập quán của gia đình. Trước đây, ba anh là giám đốc một ngân hàng ở Ấn Độ, mẹ kế là giáo viên, nên cũng muốn con trai phải cưới được người cùng tầng lớp. Gia đình anh theo đạo Sikh. Trong khi đó, gia đình chị Nhàn theo Công giáo, cũng muốn con gái lấy một người theo đạo. Cả anh và chị đều có những khoảng thời gian căng thẳng với gia đình, băn khoăn giữa việc chọn nghe lời ba mẹ hay đi theo tiếng gọi tình yêu.

"Khoảng thời gian đó, anh không nói chuyện với ba trong 3 tháng dù thời điểm đó ba anh vẫn đang ở Úc. Còn mình và ba ruột cũng thường xuyên cãi nhau về việc anh có theo đạo hay không", nàng dâu Việt chia sẻ.

Không được gia đình chấp thuận khiến hai người trở nên hoang mang. Họ đã từng quyết định đường ai nấy đi nhưng nhận ra còn thương nhau nên tiếp tục cố gắng thuyết phục ba mẹ.

Nút thắt với gia đình nhà gái như được tháo gỡ khi một người bạn của ba chị Nhàn biết chuyện và nói "Anh chấp nhận cho con gái lấy chồng Ấn Độ hay mất con". Sau câu nói đó, ba chị Nhàn đồng ý. Gia đình anh cũng không thể im lặng, chỉ nhắc anh chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Đám cưới lần lượt được tổ chức ở Úc, Ấn Độ và Việt Nam. Sống chung, chị nhận ra những khác biệt về cách sinh hoạt, nếp sống. Gia đình chồng nói chuyện bằng tiếng Hindi khiến chị thấy lạc lõng. Việc dọn dẹp nhà cửa cũng có sự khác nhau, chị không thích đi giày dép bên ngoài vào nhà nhưng gia đình chồng thấy điều đó là bình thường. Họ quyết định dọn ra ở riêng, cố gắng vun vén cho gia đình nhỏ.

"Chồng rất thương con, chăm sóc vợ tận tình. Anh phụ mình làm việc nhà, không ngại thức đêm. May mắn, đồ ăn Ấn Độ mình ăn được và ngược lại anh cũng thích đồ ăn Việt Nam nên cả hai có thể ăn chung. Mình hạnh phúc với cuộc sống hiện tại", chị bộc bạch.

Anh Manbir tâm sự, vợ là người hoạt bát, hay cười và biết quan tâm đến người khác. Sau 2 năm hẹn hò thấy hợp nhau, có chung suy nghĩ về việc xây dựng gia đình và con cái nên anh và chị quyết định kết hôn.

"Tôi thích đi làm về thấy có vợ con ở nhà. Vợ tôi cũng hay làm các món bánh, đồ ăn vặt để tôi đi làm về có đồ ăn. Ba mẹ hai bên từng khuyên ngăn vì phong tục khác nhau nên khó dung hòa nhưng tôi xác định chỉ cưới cô ấy và nói với gia đình sẽ chịu mọi trách nhiệm. Giờ việc nhà, vợ chồng chia sẻ với nhau. Vợ tôi lo việc bếp núc, dọn dẹp còn tôi lo sửa chữa đồ trong nhà và chăm lo vườn tược. Tôi coi YouTube nấu các món vợ muốn ăn khi ở bệnh viện sinh em bé", chàng rể Ấn Độ bày tỏ.

(Nguồn: Thanh Niên)

Ali Wong – bóng hồng lai Việt của làng hài Mỹ

(Ảnh minh họa).

Trước khi được khán giả Việt Nam yêu thích qua series 'Beef', Ali Wong từng du học ở Hà Nội, trải qua nhiều chật vật để tìm cơ hội ở New York và từng bước tạo dựng tên tuổi trong làng hài độc thoại trên đất Mỹ.

Ali Wong sinh năm 1982, có cha là người gốc Hoa và mẹ là người Huế. Năm 2000, Ali đăng ký học ngành Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Năm cuối, cô quyết định đến Hà Nội du học. Ali mong muốn được học thêm tiếng Việt, kết nối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tìm hiểu quá khứ của mẹ và nguồn cội bản thân.

Dù được nuôi dưỡng bởi tư tưởng Á Đông, Ali Wong có những suy nghĩ vượt khuôn mẫu gia đình. Suốt quá trình theo học UCLA, nữ diễn viên nhận ra cô có thể lan tỏa ảnh hưởng đến cộng đồng người Mỹ gốc Á bằng nhiều cách, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực học thuật. Ali tham gia các vở kịch ứng tác tại LCC – sân khấu đại học dành cho cộng đồng châu Á lớn và lâu đời nhất tại Mỹ.

Bỏ qua kỳ vọng lấy bằng Tiến sĩ và đi theo con đường giảng dạy cha mẹ đặt ra, Ali dấn thân vào sự nghiệp hài kịch. Dẫu vậy, nữ diễn viên vẫn là hình mẫu "con nhà người ta" điển hình của gia đình châu Á. Cô là lớp trưởng thời trung học, tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc và sau đó dành toàn bộ thời gian tại Việt Nam để hoàn thành tiếp chương trình tại Đại học Fulbright.

Năm 2005, Ali Wong về Mỹ và bắt đầu thử sức với hài độc thoại. Cô nhanh chóng bị thu hút bởi tính tự kiểm soát của thể loại này. Mặt khác, là con út trong gia đình bốn anh chị em, Ali luôn khao khát được lắng nghe và hài độc thoại có thể giúp cô thỏa mãn mong muốn ấy. Sau đó, nữ diễn viên chuyến đến New York. Giống nhiều thanh niên khao khát cơ hội tại các thành phố lớn, Ali chật vật trong những ngày đôi mươi.

Giai đoạn đó, cô sống chung với 6 người khác trong một căn gác nhỏ, ăn đậu và gạo lứt mỗi ngày. Đôi khi dư dả hơn, nữ diễn viên tự thưởng nửa con gà. Ali trau dồi giọng nói, phong cách trình diễn và cách truyền tải thông điệp qua các buổi hài độc thoại tại nhiều tụ điểm. Hàng ngày, cô làm việc từ 21h đến 2h sáng hôm sau. Có ngày, cô trình diễn đến 9 màn trong một đêm. Cô thể hiện sự nghiêm túc với nghề khi thử nghiệm tính hiệu quả của một câu đùa ít nhất 20 lần, trước khi đem đi trình diễn rộng rãi.

Xuyên suốt sự nghiệp, Ali Wong cho thấy hài độc thoại là tình yêu lớn nhất của cô. Năm 2014, ngay sau tiệc cưới của mình, nữ diễn viên vội vàng chạy đến tụ điểm, lên sân khấu trong bộ váy cưới và khăn voan để trình diễn. Theo Ali, quãng thời gian dài nhất cô nghỉ hài độc thoại là 13 ngày hưởng tuần trăng mật tại Nhật Bản.

Năm 2016, Netflix phát hành chương trình Baby Cobra của Ali Wong, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp hài độc thoại của nữ diễn viên sau hơn một thập kỷ xây dựng tên tuổi. Khán giả lập tức ấn tượng với hình ảnh một cô gái châu Á nhỏ bé, một mình điều khiển sân khấu và chọc cười người xem bằng những câu đùa tế nhị. Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất là việc Ali bò trườn trên sân khấu với bụng bầu 7 tháng.

Ali Wong nhanh chóng tạo cơn sốt toàn cầu. Bộ đầm bó sát sọc trắng đen nữ diễn viên mặc trình diễn trở thành trang phục hóa trang được ưa chuộng Halloween năm đó, được chọn trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ. Năm 2017, khi đang mang thai bé gái thứ hai ở tháng thứ 7, cô tiếp tục lên sàn diễn ghi hình tác phẩm Hard Knock Wife cho Netflix.

Vượt khuôn mẫu của một nữ diễn viên gốc Á, Ali Wong thoải mái đề cập đến những chủ đề tình dục, nữ quyền, tiêu chuẩn kép về định kiến giới trong các màn diễn độc thoại. Xuyên suốt hành trình chinh phục người xem, dấu ấn gia đình hiện lên mạnh mẽ. Không lạm bàn về chính trị như nhiều diễn viên khác, Ali gắn kết với khán giả bằng những câu chuyện chân thực trong quá trình làm con, làm vợ và làm mẹ.

Chất giọng mạnh mẽ và lối diễn táo bạo của nữ diễn viên chịu nhiều ảnh hưởng từ cha. Dù là một người đàn ông Á Đông (thường bị mặc định là kín đáo trong việc bộc lộ cảm xúc), cha cô luôn thoải mái hành động, bày tỏ cảm xúc mọi lúc, mọi nơi. Ali chia sẻ ông chính là hình mẫu lý tưởng cô hướng đến.

Năm 2019, Ali Wong xuất bản cuốn sách đầu tay mang tên Dear Girls, tổng hợp lời khuyên nữ diễn viên dành cho hai con gái. Ở lời tựa, Ali chia sẻ ý tưởng viết quyển sách này đến từ bức thư cha cô để lại cho mình lúc qua đời. Đọc thư, nữ diễn viên ước rằng ông có thể nói về bản thân nhiều hơn, về tuổi trẻ và cách ông đã vượt qua thử thách cuộc sống.

Sinh thời, cha cô là một bác sĩ gây mê. Mỗi khi tan ca, ông đều về nhà kể cho Ali nghe những ca bệnh kỳ lạ. Với nữ diễn viên, cha là người có thiên hướng nghệ thuật nhưng bị ràng buộc bởi trách nhiệm xã hội. Do đó, Ali Wong luôn mong muốn phá bỏ định kiến.

Ở tác phẩm nhận đề cử Emmy đầu tiên - Don Wong, cô không ngần ngại thể hiện sự thất vọng trong hôn nhân và mong muốn trở lại cuộc sống độc thân. Trước đó, nữ diễn viên lai Việt từng nhiều lần sử dụng câu chuyện hôn nhân của bản thân cũng như việc từng sảy thai làm chất liệu gây cười. Ali Wong và chồng cô, Justin Hakuta, gặp nhau năm 2010 và bên nhau 12 năm. Dù ly hôn, cả hai vẫn xem nhau như những người bạn tốt và Justin vẫn là quản lý tour diễn của Ali.

Bên cạnh hài độc thoại, Ali Wong còn tạo dấu ấn trong nhiều lĩnh vực khác. Cô là biên kịch series Fresh Off the Boat, kể về cuộc sống của những gia đình châu Á nhập cư tại Mỹ. Năm 2019, nữ diễn viên sản xuất, viết kịch bản và đóng chính phim Always Be My Maybe, được xem là bản cách tân của tác phẩm điện ảnh kinh điển When Harry Met Sally... Trong series Beef, cô biến đổi hình ảnh, hóa thân nhân vật tâm lý phức tạp.

Vừa qua, Ali Wong vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí TIME, đánh dấu lần thứ hai cô nhận được vinh dự này. Quan sát sự nghiệp của nữ diễn viên từ những ngày lập nghiệp đến khi đạt đến thành công, người bạn diễn lâu năm Randall Park chia sẻ: "Ali làm tất cả vì gia đình, bạn bè, nghệ thuật và không bị chi phối bởi tiền bạc lẫn danh vọng. Khi đã cam kết điều gì, cô ấy sẽ dốc toàn bộ tâm huyết và thời gian cho nó". Suốt gần hai thập kỷ làm nghề, Ali Wong vẫn luôn giữ vững quan điểm như thế.

(Nguồn: Ngôi Sao)

Du học sinh Việt tại Đức gặp rắc rối khi quay TikTok

Quay và đăng tải video lên TikTok cá nhân, một du học sinh Việt tại Đức gặp rắc rối khi video chứa hình ảnh của viện dưỡng lão cùng người già sống tại viện.

Mới đây, trên diễn đàn du học sinh Việt tại Đức, một du học sinh đã chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Theo đó, du học sinh này mới đến Đức gần một năm, đang là học viên học nghề điều dưỡng. Đầu tháng 3, trong ca làm việc tại một viện dưỡng lão, du học sinh này đã thực hiện một trend trên TikTok, có sự tham gia của một cụ cao tuổi trong viện.

Sau một tuần đăng tải lên TikTok, video này có gần 100.000 lượt xem và gần 20.000 lượt yêu thích. Tuy nhiên sau đó, du học sinh này nhận được cuộc gọi của người hướng dẫn thực hành tại viện, thông báo những người trong viện đã xem video và báo cảnh sát cũng như lãnh đạo bệnh viện.

Người hướng dẫn thực hành tại viện yêu cầu du học sinh này lập tức gỡ video trên TikTok, đồng thời cảnh báo người này đã vi phạm luật bảo mật thông tin của Đức.

Sau đó, du học sinh này cũng nhận được thư của cảnh sát, yêu cầu lên làm việc về vấn đề trên. Theo chia sẻ, du học sinh này rất rối và lo sợ, nhất là khi giao tiếp tiếng Đức chưa tốt.

"Mình rất sợ nghĩ tới trường hợp bị cắt hợp đồng, đuổi việc và phải về nước. Hiện tại, tạm thời mình không được phép làm việc tại viện nữa", du học sinh này chia sẻ.

Biết luật nhưng vẫn vi phạm

Không riêng trường hợp trên, khi tìm kiếm từ khóa "một ngày làm điều dưỡng ở Đức", "du học Đức"... trên TikTok, nhiều video về cuộc sống sinh hoạt, học tập của du học sinh Việt tại Đức xuất hiện, trong đó có cả các video của các trung tâm tư vấn du học.

Tuy nhiên, tại một số video, ngoài hình ảnh cá nhân, chủ tài khoản lại vô tư đăng tải hình ảnh của người khác. Thậm chí, giống như trường hợp trên, tài khoản TikTok @hoa150900 còn đăng tải video ghi lại cảnh làm việc tại viện dưỡng lão, trong đó có chứa hình ảnh các cụ già ở viện.

Dù nhiều bình luận khuyên rằng không nên quay mặt các cụ, nên xóa video hoặc cảnh báo việc sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, chủ tài khoản này vẫn giữ video từ năm 2021.

Thanh Huyền (du học sinh ngành điều dưỡng tại Đức) cho biết thông thường, hợp đồng lao động quy định học viên, nhân viên điều dưỡng không được phép dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim khi làm việc, đồng thời không được đăng tải hình ảnh của cá nhân hoặc viện dưỡng lão lên mạng xã hội.

Ngoài ra, trong quá trình học tập, du học sinh như Huyền cũng được học về pháp luật của Đức, thậm chí được học, nhắc nhở ngay từ Việt Nam. Tuy nhiên, Huyền cho biết khi sinh sống tại Đức, nhiều bạn vẫn vi phạm.

"Mình rất ngạc nhiên khi thấy một số video các bạn du học sinh thực hiện trend TikTok với các cụ trong viện bởi tại Đức, những vấn đề về bảo mật thông tin bệnh nhân rất nghiêm ngặt", Huyền chia sẻ.

Với kinh nghiệm 4 năm làm phiên dịch viên, hỗ trợ du học sinh Việt tại Đức, chị Mai Anh (sinh sống và làm việc tại khách sạn bang Rheinland-Pfalz, Đức) cho biết trong quá trình hỗ trợ, chị gặp nhiều trường hợp du học sinh vô tình vi phạm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo luật pháp Đức.

Các lỗi phổ biến bao gồm quay chụp, sử dụng hình ảnh người khác trên mạng xã hội mà không xin phép, sử dụng thông tin cá nhân của người khác với mục đích cá nhân mà không được đồng ý, thậm chí sử dụng, download phim, nhạc có bản quyền...

"Khi làm công việc phiên dịch cho các bạn tại tòa án hoặc hỗ trợ tư vấn, mình gặp rất nhiều trường hợp các bạn đăng ảnh lúc cãi nhau lên mạng xã hội, chỉ đích danh người khác, nói xấu, nêu rõ họ và tên, công khai thông tin lên mạng... Các bạn đó có thể phải đối mặt với những nguy cơ như bị nhắc nhở, bị kiện, hoặc nhận hình phạt nặng hơn nếu vi phạm nghiêm trọng và liên tục tái phạm", chị Mai Anh cho biết.

Theo chị Mai Anh, việc vi phạm này có thể xuất phát từ nguyên nhân nhiều du học sinh chưa hiểu hết luật và văn hóa nơi họ sinh sống. Thậm chí, nhiều người không tìm hiểu luật pháp, hoặc biết luật nhưng vẫn vi phạm vì nghĩ hành vi của mình không bị phát hiện.

Lời cảnh tỉnh

Trao đổi với Zing, luật sư Tuấn Anh Delarber, CEO Văn phòng Luật sư Delarber, Đức, cho biết năm 2016, Nghị viện châu Âu đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó mục tiêu hướng tới là bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của cá nhân tại Liên minh châu Âu (DSGVO/GDPR). Quy định này được áp dụng trực tiếp trên lãnh thổ các quốc gia thành viên, có hiệu lực từ năm 2018. Trong đó, Đức là quốc gia rất khắt khe trong việc thi hành GDPR.

Căn cứ theo những thông tin chia sẻ trong bài đăng, luật sư Tuấn Anh nhận định hành vi quay video sau đó đăng tải lên mạng xã hội của du học sinh trên đã vi phạm GDPR, đồng thời vi phạm hợp đồng lao động.

Trong trường hợp này, phía viện dưỡng lão và cụ già (người bị xâm phạm quyền bảo vệ thông tin cá nhân) có quyền yêu cầu du học sinh này xóa video.

Nếu hợp tác và xóa video trên TikTok, du học sinh này có thể không bị ảnh hưởng gì. Ngược lại, nếu không xóa, thứ nhất, về phía cụ già, nếu trước đó có sự đồng ý cho phép quay và đăng tải lên TikTok, du học sinh này nên đến xác nhận lại với bà cụ. Trong trường hợp không có sự đồng ý trước đó, cụ già có quyền khởi kiện du học sinh.

Thứ 2, theo Luật Lao động của Đức, nếu cố tình không xóa video, du học sinh này sẽ bị viện dưỡng lão nhắc nhở, cảnh cáo, cấm được tái phạm. Nếu tái phạm, du học sinh này có nguy cơ bị đuổi việc.

Tuy nhiên, việc nhắc nhở, cảnh cáo này sẽ bị ghi vào hồ sơ, ảnh hưởng đến quá trình làm việc sau này. Đồng thời nếu bị đuổi việc và không thể tiếp tục học tập, du học sinh này có nguy cơ bị tước thẻ cư trú và phải về nước.

Vì vậy, luật sư Tuấn Anh khuyên du học sinh này nên xóa video trên TikTok, đồng thời gửi lời xin lỗi đến cụ già và lãnh đạo viện dưỡng lão, cam kết sẽ không tái phạm.

Luật sư Tuấn Anh cho biết hiện tại, rất nhiều trường hợp du học sinh vi phạm GDPR, bao gồm các hành vi như quay, chụp ảnh, video và đăng tải lên Facebook, TikTok… Dù vậy, hầu hết trường hợp có thể thỏa thuận giảng hòa, chưa đến mức đưa ra luật pháp. Tuy nhiên, trường hợp của du học sinh trên sẽ là lời cảnh tỉnh cho những bạn vẫn vô tư vi phạm, nhất là những du học sinh mới sang.

Bên cạnh đó, luật sư cũng lưu ý để không vi phạm GDPR, trước khi sử dụng hình ảnh, dữ liệu cá nhân của người khác trên mạng xã hội, du học sinh phải nhận được sự đồng ý của chủ nhân, đồng thời trình bày rõ mục đích sử dụng hình ảnh đó. Để chắc chắn, người sử dụng phải đảm bảo có được chữ ký đồng ý của người bị sử dụng hình ảnh.

Ngoài ra, nếu quay chụp bản thân nhưng vô tình có hình ảnh, lời nói của người khác, du học sinh nên làm mờ mặt và chỉnh sửa giọng nói của họ.

Đồng quan điểm trên, chị Mai Anh bổ sung du học sinh cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh vi phạm GDPR:

Tôn trọng quyền riêng tư của người khác, bao gồm không chụp ảnh, quay video hoặc đăng thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý. Nhất là những công ty du học hay đăng tải visa của khách hàng lên mạng.

Không cãi nhau trên các diễn đàn, không đưa tên, tuổi, hình ảnh người khác lên mạng.

Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm không sử dụng tài liệu, ảnh, video, âm nhạc... của người khác mà không xin phép hoặc trích dẫn nguồn.

Ngoài ra, chị Mai Anh khuyên khi gặp các vấn đề liên quan đến pháp luật, du học sinh có thể tìm đến các văn phòng luật của thành phố, của bang - những địa chỉ tư vấn luật miễn phí hoặc chi phí thấp hơn các văn phòng luật bên ngoài.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang