Người Việt hải ngoại: Hội thân nhân ở Lào; Tọa đàm sinh viên tại Hàn; Nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa; Cô gái tìm mẹ

Hội thân nhân Việt kiều Lào - Thái Lan tỉnh Phú Thọ gặp mặt kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống

(Ảnh minh họa).

Sáng 16/4, Hội thân nhân Việt Kiều Lào - Thái Lan tỉnh Phú Thọ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống (21/3/1946- 21/3/2023).

Tới dự có Đại sứ Nguyễn Phú Bình - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cùng đại diện Hội thân nhân Việt kiều Lào - Thái Lan các tỉnh, thành phía Bắc.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu và hội viên đã cùng ôn lại kỷ niệm cách đây 63 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hải Phòng đón Kiều bào Thái Lan trở về nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mốc son trong công tác đối ngoại của Đảng. Tình cảm đó của Người đã khắc sâu trong mỗi trái tim những người con Việt kiều Lào - Thái Lan.

Trong những năm tháng kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức xây dựng Hội Việt kiều cứu quốc, xây trường học cho con em Việt kiều học tập trên đất nước bạn. Ở nước ngoài, Hội Việt kiều cứu quốc đã hoạt động lúc công khai, lúc bí mật và không ngừng củng cố lòng yêu nước, tập hợp Kiều bào thành khối đoàn kết nhất trí, tổ chức các cuộc quyên góp thuốc chữa bệnh, tiền để mua vũ khí chuyển về cho quân đội Việt Nam.

Kế thừa và phát huy truyền thống đó, Hội thân nhân Việt kiều Lào - Thái Lan tỉnh Phú Thọ đã không ngừng phát triển, tự lực tự cường, phát triển kinh tế, vận động con em trở thành hội viên mới. Đến nay, Hội đã có hơn 240 hội viên sinh hoạt ở tám chi hội, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Nhân đạo từ thiện, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ phòng chống COVID-19, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Phát huy truyền thống yêu nước và vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, thời gian tới, Hội thân nhân Việt kiều Lào - Thái Lan tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; tích cực tham gia các diễn đàn đa phương trong khu vực, quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, phát huy vai trò cầu nối, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Phú Thọ với nhân dân các nước láng giềng; vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học kỹ thuật, tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa - nhân đạo từ thiện, góp sức xây dựng quê hương Đất Tổ ngày càng giàu mạnh.

(Nguồn: Thời Đại)

Tọa đàm khoa học của sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Chonnam

Mới đây, Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc) đã tổ chức thành công chương trình Tọa đàm khoa học lần thứ nhất.

Tọa đàm khoa học lần thứ nhất là cơ hội để tìm hiểu thêm về hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại trường cũng như gặp gỡ, trao đổi với các nhà nghiên cứu từ các lĩnh vực khác nhau trong quá trình theo học tại trường Đại học Quốc gia Chonnam.

Sự kiện nằm khuôn khổ chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2023) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, có hơn 100 người tham dự với phần lớn là các sinh viên thạc sĩ, tiến sĩ và các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ.

Tại đây, các khách mời đã trình bày các đề tài đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như Kỹ thuật Y sinh, Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Xây dựng và Kỹ thuật Nông nghiệp.

Với những kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, công bố quốc tế, biên tập viên tại các tạp chí uy tín, các khách mời đã chia sẻ những kiến thức và cách nhìn mới về việc nghiên cứu và công bố công trình khoa học cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Chonnam cũng đã tổ chức chào đón các bạn tân sinh viên Xuân 2023.

Phát biểu tại chương trình, bà Đỗ Thị Bích Ngọc – Tham tán, Trưởng Văn phòng Khoa học Công Nghệ - Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đánh giá cao nỗ lực của Ban tổ chức trong việc tổ chức chương trình.

Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình và những chia sẻ từ các khách mời về các xu hướng mới trong nghiên cứu khoa học, góp phần lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu đến các sinh viên.

Anh Nguyễn Công Hạnh - Chi hội trưởng Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Chonnam đã gửi lời chúc mừng tới các bạn tân sinh viên và đề cao tầm quan trọng của chương trình đối với các sinh viên. Anh cũng nhấn mạnh chương trình là nơi chia sẻ kiến thức, kết nối các nhà nghiên cứu và sinh viên trong trường và mong muốn chương trình sẽ được tổ chức thường niên.

(Nguồn: Báo Mới)

Nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa: Muốn làm giàu 'tấm danh thiếp' của Việt Nam khi giao lưu với thế giới

(Ảnh minh họa).

Gần 10 năm học tập và hoạt động nghệ thuật ngoài nước giúp nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa ý thức hơn về sứ mệnh xây dựng cầu nối văn hóa và nối dài thêm cây cầu hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là Liên bang Nga.

Trò chuyện với TG&VN, chàng nghệ sĩ trẻ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, thực tập sinh opera tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga mang tên Gnesin cho biết, trong tương lai anh muốn về nước làm việc và ứng dụng những kiến thức đã góp nhặt được trong chặng đường hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài…

Sự khổ luyện thành quả ngọt

Thật vinh dự khi được học tập tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga Gnesin-niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên âm nhạc trên toàn thế giới, phải không nghệ sĩ?

Trường phái âm nhạc Nga có bề dày phát triển lâu đời và có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy của âm nhạc cổ điển thế giới. Hằng năm, có hàng nghìn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tới Nga để học tập về âm nhạc.

Với tôi, được học tập và nghiên cứu tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga mang tên Gnesin trong gần 10 năm qua là niềm vinh dự to lớn. Đây là ngôi trường có bề dày đào tạo âm nhạc gần 130 năm, đã cung cấp cho nước Nga và thế giới nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực âm nhạc.

Riêng với Việt Nam, trường đã đào tạo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc và họ đang làm việc trong những nhạc viện lớn và các tổ chức âm nhạc uy tín.

Với bề dày truyền thống đó, tôi rất tự hào khi là người tiếp bước, viết dài câu chuyện thành công của nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tại ngôi trường âm nhạc uy tín hàng đầu thế giới này. Môi trường cạnh tranh cao và rất khắc nghiệt ở đây mang đến cho tôi nhiều kiến thức, trải nghiệm và trang bị tốt để hoạt động biểu diễn ngay trong trường học cùng với hoạt động nghệ thuật quốc tế.

Lựa chọn âm nhạc cổ điển và con đường nghệ thuật hàn lâm, hẳn anh trải qua sự khổ công rèn luyện để có thể giữ vững đam mê và kiên trì?

Khác với nhạc nhẹ, âm nhạc cổ điển đòi hỏi sự khổ luyện và kiên trì trong thời gian dài để có được quả ngọt. Với tôi, đến nay đam mê opera vẫn chảy sau 13 năm theo đuổi.

Sự tròn trịa và tính bác học trong từng âm thanh của giọng hát đã truyền lửa cho khát khao chinh phục opera của tôi.

Nhiều khi thất bại trong những lần biểu diễn khiến tôi rất buồn và có lúc chán nản, nhưng khi nhìn lại ước mơ ngày xưa và chặng đường mà bản thân đã đi qua thì niềm tin lại quay trở về. Điều này giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn để có được chút thành công ngày hôm nay.

Đặc biệt, âm nhạc đã trao tặng cho tôi món quà quý giá, đó là được đi nhiều nơi, học hỏi và làm quen với nhiều điều mới, hay và bổ ích. Tôi được gặp gỡ và giao lưu với nhiều nghệ sĩ quốc tế, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới cũng như kinh nghiệm biểu diễn quý giá từ họ.

Sứ mệnh xây dựng cầu nối văn hóa

Được biết anh còn được mời cộng tác với Ủy ban UNESCO ở Moldova trong các dự án văn hóa và giáo dục?

Cơ duyên tôi được làm việc với Ủy ban UNESCO Moldova là vào năm 2015 khi tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế tại thủ đô Chishinau. Tại đây, tôi gặp gỡ nhiều chuyên gia làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có bà Evgenii Ursu là thành viên của Ủy ban.

Sau thành công từ cuộc thi này, Ủy ban UNESCO Moldova đã gửi lời mời hợp tác vào những năm tiếp theo, trong các dự án âm nhạc. Từ năm 2018, tôi là thành viên tích cực tham gia các dự án nghệ thuật của tổ chức này.

Hàng năm, Ủy ban tổ chức nhiều cuộc thi âm nhạc cho thanh thiếu niên châu Âu tham gia tranh tài và tôi được mời tham dự với vai trò cố vấn, giám khảo các cuộc thi. Thông qua những hoạt động này, tôi thu nạp nhiều điều mới trong công cuộc phát triển âm nhạc và môi trường tạo dựng để nuôi dưỡng các tài năng tương lai cho nước bạn.

Anh ý thức thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp với các nước, đặc biệt là quan hệ Việt-Nga?

Là người học âm nhạc và hoạt động nghệ thuật, tôi luôn ý thức sứ mệnh của mình là xây dựng cầu nối văn hóa. Tôi rất tự hào khi được sử dụng những kiến thức của mình, cũng như âm nhạc để chia sẻ đến bạn bè Nga và quốc tế những nét đẹp truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Có một điều làm tôi ngạc nhiên là vào năm 2022 khi giáo sư thanh nhạc, nghệ sĩ nhân dân Ludmila Ivanova nhờ tôi dịch một tấm bằng khen từ cuối những năm 1980 khi cô sang Việt Nam công tác. Tôi đã rất xúc động khi biết đó là Huy chương Hữu nghị được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Qua đây, tôi càng ý thức hơn về nhiệm vụ và sứ mệnh của mình là truyền bá và nối dài thêm cây cầu hữu nghị giữa hai nước.

Hướng về đất mẹ

Anh suy nghĩ gì về việc phát huy nguồn lực trí thức trẻ kiều bào phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước đang được Đảng và Chính phủ rất quan tâm hiện nay?

Tôi có rất nhiều bạn là những người Việt trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba sau khi học tập đã quyết định về nước làm việc và cống hiến. Điều này cho thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ trong công tác tuyên truyền và xây dựng niềm tin với kiều bào, giúp họ vững tin quay trở về đất mẹ. Người xưa có câu “đất lành, chim đậu”. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, sau hơn 40 năm hòa bình lập lại, với nhiều nỗ lực của các thế hệ cha ông, Việt Nam trở thành một mảnh đất lành nên hiển nhiên sẽ có nhiều hơn nữa nhiều tri thức kiều bào trở về xây dựng đất nước.

Theo anh, ở lĩnh vực nghệ thuật Nhà nước cần có những chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho những nghệ sĩ trẻ có thể phát triển, cống hiến và làm rạng danh hai tiếng Việt Nam?

Tôi cho rằng cần có nhiều hơn nữa những chính sách mới để phát triển nghệ thuật hàn lâm, bởi đây dường như là một “tấm danh thiếp” của Việt Nam khi giao lưu với thế giới. Những năm qua, nhiều sinh viên được nhận học bổng du học nghệ thuật. Điều này giúp cho Việt Nam có nhiều chuyên gia làm nghệ thuật có trình độ cao và khi họ về nước sẽ mang theo những kiến thức mới cùng nhiều mối quan hệ quốc tế có ích, góp phần vào sự phát triển của âm nhạc trong tương lai. Cùng với đó là việc xây dựng và phát triển các nhà hát, tạo môi trường để các bạn trẻ có cơ hội được phát triển và cống hiến tài năng của mình trên sân khấu.

Dự định tương lai của anh sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ?

Tôi đang cố gắng để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và hoàn thành chương trình thực tập sinh opera tại Nga. Năm nay, tôi sẽ tham dự một số dự án biểu diễn tại Nga và các nước Tây Âu và cũng sẽ có chuyến lưu diễn dài ngày tại nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản vào tháng Chín tới. Thông qua những hoạt động này, tôi muốn gửi đến những người yêu âm nhạc trên thế giới về một cái nhìn mới về Việt Nam thông qua âm nhạc. Trong tương lai, tôi muốn trở về Việt Nam làm việc và ứng dụng những kiến thức đã góp nhặt được trong chặng đường hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Cô gái gốc Việt tìm mẹ: 'Nếu thấy tôi thân quen, hãy liên lạc với tôi nhé'

Sau một tuần sang Lào, Iris Dager (31 tuổi, tên Việt Nam là Nguyễn Mai Thanh) quay lại Việt Nam tiếp tục hành trình tìm mẹ. Thời gian của cô ở Việt Nam không còn nhiều nữa.

Trong suốt cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, Iris chỉ có một ước mong duy nhất là sớm tìm được mẹ. Trước đó, câu chuyện cô gái mang 2 quốc tịch Thụy Điển, Iceland tìm mẹ Việt của Mai Thanh nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

Tôi tới Việt Nam để tìm mẹ ruột của mình vì mẹ là người duy nhất mà đến tận giờ phút này tôi không biết gì về bà cả. Có lẽ bà cũng là người duy nhất có thể giúp tôi hiểu rõ mình là ai

Một cảm giác rất quen thuộc

Iris Dager/Nguyễn Mai Thanh sinh ngày 21-9-1992 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Hiện cô là cố vấn cảnh sát tại Iceland, hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế.

Hai tháng tuổi, cô được bố mẹ nhận nuôi (cha nuôi là người Thụy Điển, mẹ nuôi là người Iceland), vì thế cô là người mang hai quốc tịch.

Trong giấy tờ nhận con nuôi ghi rõ: "Mẹ của cô là Ngô Thị Dung, sinh con đầu lòng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khoảng 18 tuổi (tức sinh khoảng năm 1974), đến từ Gia Lâm".

Tuổi Trẻ Online đã gửi thông tin về trường hợp của Iris Dager đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Phía bệnh viện đang nỗ lực phối hợp tìm kiếm các thông tin liên quan.

Một mình lặn lội đến Việt Nam tìm mẹ, Iris cảm nhận được điều gì?

- Ngày 25-3, tôi đặt chân đến Việt Nam. Sau đó tôi có khoảng một tuần ở Lào. Bạn biết không, khi quay trở lại Việt Nam, tôi có cảm giác rất quen thuộc.

Bạn có thể lý giải về cảm giác quen thuộc mà bạn vừa nhắc đến?

- Đến Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đến các bước phải thực hiện để tìm được mẹ. Thú thực là công việc cảnh sát đã rèn cho tôi một lối tư duy lý tính, giữ thái độ lạnh lùng và xa cách với mọi thứ.

Nhưng khi bước chân trên mảnh đất này, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc rất lạ: Tôi cảm nhận được sự hòa nhập. Mọi người xung quanh rất giống tôi - tóc đen, da vàng - và tôi có thể hòa lẫn vào đám đông ở đây.

Iris đã đến gặp người phụ nữ được cho là rất giống mình...

Hành trình tìm mẹ ở Việt Nam của bạn diễn ra như thế nào?

- Đầu tiên tôi tìm một người phiên dịch. Ngay sau đó, chúng tôi tìm tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (nơi sinh trên giấy khai sinh), nhưng họ nói rằng không còn lưu trữ hồ sơ nữa nên chúng tôi đã rời đi.

Tôi nói với người phiên dịch rằng chúng tôi có thể thử đến một bệnh viện khác, sau đó chúng tôi đã tìm tới Bệnh viện Phụ sản trung ương.

Tôi nhớ lúc 10 tuổi, chúng tôi trở về Việt Nam và chứng kiến một gia đình khác cũng nhận con nuôi ở đây.

Khi đến đó, tôi đã nhận ra một vài kiến trúc quen thuộc. Chúng tôi đã nói chuyện với nhân viên ở đây, một người trong số họ nhận ra một vài y tá của Bệnh viện Phụ sản trung ương từ các bức hình tôi có.

Tôi hơi bối rối, có thể là tôi được sinh ra ở một bệnh viện và sau đó được chuyển đến một bệnh viện khác?

Tôi đã liên lạc và gửi vài bức hình cho một nhân viên từng làm việc tại đây, hy vọng rằng người ta có thể chỉ ra người phụ nữ trong hình là ai. Ngoài ra, tôi cũng liên hệ với bộ phận phụ trách về việc nhận con nuôi, Hội Chữ thập đỏ và gửi thông tin cho chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.

Tôi cũng tìm kiếm thông tin ở một số trường học ở khu vực Long Biên, Gia Lâm. Mẹ sinh tôi năm 18 tuổi, có thể lúc đó bà ấy đang là sinh viên đại học chăng?

Đến hiện tại, bạn đã có thêm chút manh mối nào cho việc tìm kiếm này chưa?

- Tuần trước, khi bài báo về câu chuyện của tôi được đăng tải, nhiều người đã liên hệ với tôi trên Facebook và gửi cho tôi thông tin của những người phụ nữ có cùng tên hoặc trông họ có vẻ giống tôi.

Tôi cũng đã tìm đến một người phụ nữ được cho là rất giống tôi ở Ứng Hòa (Hà Nội). Dĩ nhiên tôi không tiết lộ lý do thật sự khi đến đó cho bà ấy, nhưng tôi cảm thấy bà ấy không giống tôi lắm. Những ngày tiếp theo, tôi sẽ cùng người phiên dịch tiếp tục tìm đến vài người phụ nữ trong danh sách hiện tại.

"Chưa bao giờ tức giận vì bị mẹ bỏ rơi"

Trong "giấy thỏa thuận cho con" có ghi người mẹ không muốn liên lạc lại sau khi rời bệnh viện. Vì sao bạn vẫn kiên quyết đi tìm mẹ?

- Tôi đã muốn tìm mẹ từ rất lâu rồi, đó là niềm hy vọng từ tận sâu bên trong mình. Trên giấy (giấy thỏa thuận cho con - PV) ghi rằng mẹ mới chỉ 18 tuổi khi bà hạ sinh tôi, có thể vì một hoàn cảnh nào đó mà bà buộc phải cho tôi đi.

Có lẽ vào thời điểm cho tôi đi, bà cho rằng không liên lạc là cách tốt nhất, nhưng tôi cũng nuôi hy vọng rằng bây giờ mẹ đã nghĩ khác. Thời gian là liều thuốc tốt nhất chữa lành vết thương, qua thời gian chữa lành, liệu mẹ đã sẵn sàng gặp lại con gái mình hay chưa?

Tôi chưa bao giờ cảm thấy tức giận hay buồn vì mẹ đã bỏ rơi tôi. Bố mẹ nuôi đã cho tôi một cuộc sống tốt đẹp cùng rất nhiều tình yêu thương.

Hiện bạn chỉ còn ít ngày ở Việt Nam, điều bạn mong muốn nhất bây giờ là gì?

- Tôi rất mong có thể tìm thấy mẹ. Hoặc mẹ sẽ tìm đến tôi. Tôi tới Việt Nam để tìm mẹ ruột của mình vì mẹ là người duy nhất mà đến tận giờ phút này tôi không biết gì về bà cả. Có lẽ bà cũng là người duy nhất có thể giúp tôi hiểu rõ mình là ai.

Tôi sẽ rất vui nếu có thể gặp được bất cứ người thân, máu mủ ruột thịt nào của gia đình tôi: cha tôi, anh chị em ruột, anh chị em họ, bất cứ ai. Nếu bạn thấy những bức ảnh của tôi và nghĩ rằng tôi có nét tương đồng với một người mà bạn biết hoặc thậm chí trông tôi thân quen và rất giống bạn, hãy liên lạc với tôi nhé!

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang