Người Việt hải ngoại: 'An toàn' ở Sudan; Lo ngại làn sóng nhiệt; Bún đậu mắm tôm đến New York; Thắng cuộc thi chống BĐKH

Người Việt ở Sudan vẫn ‘an toàn’

(Ảnh minh họa).

Đó là khẳng định của Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/4 ở Hà Nội.

Ông Việt được báo điện tử VnExpress dẫn lời cho biết rằng theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan, có một công dân mang quốc tịch Việt Nam - Australia cư trú tại thủ đô Khartoum, cùng 16 người Việt là thuyền viên trên tàu tại một cảng của Sudan.

Tin cho hay, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng các công dân này vẫn “an toàn”.

"Đại sứ quán sẽ cùng với các cơ quan tiếp tục theo dõi tình hình và có các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết", ông Việt nói, theo VTC News.

Các vụ không kích và vụ nổ đã làm rung chuyển thủ đô Sudan hôm 19/4 sau thất bại của lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian giữa quân đội và lực lượng bán quân sự, buộc người dân phải ẩn nấp và khiến Nhật Bản chuẩn bị sơ tán công dân của mình, theo Reuters.

Theo hãng tin này, các cường quốc nước ngoài, bao gồm cả Mỹ, đã vận động một lệnh ngừng bắn giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một lực lượng bán quân sự, để cho phép cư dân bị mắc kẹt trong giao tranh được cứu trợ và tiếp tế mà họ đang rất cần.
Ít nhất 270 người đã thiệt mạng và 2.600 người bị thương trong giao tranh, Tổ chức Y tế Thế giới dẫn số liệu từ Bộ Y tế Sudan cho biết.
Cả hai phe đã đồng ý ngừng bắn từ 6h chiều giờ địa phương hôm 18/4 nhưng tiếng đạn vẫn tiếp tục vang lên không hề giảm bớt trong khi quân đội và RSF đưa ra tuyên bố cáo buộc lẫn nhau không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết nhà chức trách đang lên kế hoạch triển khai một phi cơ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để sơ tán khoảng 60 công dân Nhật hiện đang ở Sudan, phối hợp với các nước lớn khác, theo Reuters.

(Nguồn: VOA)

Người Việt lo ngại giữa làn sóng nhiệt lịch sử ở châu Á

Người Việt tại Thái Lan và Philippines cảm thấy đôi chút khó chịu với nắng nóng, đồng thời bày tỏ lo ngại cho sức khỏe giữa lúc sóng nhiệt càn quét phần lớn châu Á.

Dù đã có 3 năm sinh sống tại Bangkok và quen với thời tiết ở quốc gia này, Nguyễn Diệu Linh, sinh viên Việt, vẫn cảm thấy khó chịu trong đợt nắng nóng mới nhất của thành phố.

“Gần đây, nhiệt độ tại Bangkok luôn ở ngưỡng 37-38 độ C, nhưng thực tế nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến hơn 40 độ C. Những ngày ô nhiễm nặng, thành phố phủ bụi mù, tiết trời nắng nóng càng khiến tình hình trở nên tệ đi. Điều đó dễ khiến da bị sạm đi và bẩn hơn ngày thường, cơ thể khó chịu và cũng rất dễ ốm”, Diệu Linh kể với Zing.

Theo chia sẻ của Diệu Linh, bên cạnh nhiệt độ nóng nực, thời gian nắng trong ngày cũng kéo dài, từ khoảng 10 đến 16 tiếng.

Dù máy lạnh có mặt gần như khắp mọi nơi ở Thái Lan như trên tàu, trong trung tâm thương mại... giúp người dân có thể dễ tránh nóng, tình hình thời tiết như vậy cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, Diệu Linh than thở.

Cùng chung cảm nhận với Diệu Linh, nhiều người Việt khác cũng cảm thấy khó chịu trước đợt nắng nóng đang càn quét châu Á trong những ngày gần đây.

Đợt nắng nóng gay gắt hiện tại đang ảnh hưởng đến phần lớn châu Á, gây ra nhiều trường hợp tử vong và trường học phải đóng cửa ở Ấn Độ trong khi nhiệt độ lên tới mức kỷ lục ở Trung Quốc, theo Guardian.

Khó chịu trước cái nắng hầm hập

Trước cái nóng gay gắt hiện tại, chị Đinh Thị Ánh Trăng, chủ một nhà hàng ở Bangkok, chia sẻ phải bật hai điều hòa lớn thì mới có thể xua tan đi cái nhiệt oi bức.

"Tiền điện của tôi đã gấp đôi so với tháng trước. Những vị khách du lịch Việt qua đây cũng kêu nóng liên tục. Nhiều người thậm chí còn nói rằng 'mấy ngày nay nắng gay gắt quá, hôm nay mới có thể ngồi điều hòa mát mẻ'", chị Trang kể lại câu chuyện của những vị khách ghé quán.

Theo chia sẻ của chị Trăng, nhiệt độ ngày 20/4 lên đến 39 độ C vào ban ngày. Đến tối, tiết trời vẫn ở mức 33 độ C, nên cảm giác nóng bức vẫn chưa thể tan biến, chị kể với Zing.

Còn đối với chị Thùy Dung, đang sống tại Manila (Philippines), thời tiết những ngày qua khá gay gắt, đặc biệt vào thời điểm 12-14h. Theo chị, nhiệt độ cũng có vẻ đang dần tăng lên và nhiệt độ các ngày giữa tuần đã nóng hơn so với ngày đầu tuần. “Thời tiết hiện tại ở Philippines ít nhiều tạo cảm giác khó chịu”, chị Dung chia sẻ.

Trong khi đó, anh Trọng Hiếu, nhân viên hành chính nhân sự ở Pasay (Philippines), cho biết thời tiết từ trưa đến chiều nắng gắt và nực hơn so với khi còn ở Việt Nam.

“Tuần trước, Pasay đã bắt đầu đón được vài cơn mưa đầu mùa, mây và mưa cũng khiến thời tiết dịu hơn nhiều so với tuần này. Cụ thể sáng nay (20/4), bầu trời không một bóng mây”, anh Hiếu nói.

Giữa lúc đó, Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đã tuyên bố cả nước bước vào mùa khô và ấm, dự kiến kéo dài đến hết tháng 5. PAGASA cũng đã nâng hệ thống theo dõi đại dương lên mức El Nino, tức là có thể xảy ra hiện tượng cực đoan này trong 6 tháng tới - với các đợt khô hạn kéo dài và nhiệt độ cao.

Khu vực Metro Manila nhìn chung có nhiệt độ chưa đạt ngưỡng lo ngại. Với phần lớn thời gian làm việc trong văn phòng, chị Dung và anh Hiếu vẫn chưa phải chịu ảnh hưởng quá lớn từ thời tiết nắng nóng.

Trước tình hình nắng nóng hiện tại, theo quan sát của anh Hiếu, người Philippines khi ra đường chọn những trang phục khá thoải mái.

“Họ thiên mặc đồ ngắn và mát, ít mặc áo khoác, khi đa phần di chuyển bằng ôtô. Một số người - đặc biệt là phụ nữ - thường phải sử dụng ô che nắng”, anh kể. Anh Hiếu cho biết nơi mình sống không có cảnh báo đặc biệt từ địa phương, do không có hiện tượng bất thường.

Trái ngược với khu vực thủ đô Manila, những nơi khác ở Philippines như thành phố San Jose ở tỉnh Occidental Mindoro hay thành phố Bugutan ở tỉnh Agusan del Norte từng ghi nhận mức nhiệt 47 độ C vào cuối tháng 3. Thành phố Roxas, Dauis và Massin cũng từng đạt mức 43 độ.

Tại Philippines, nhiệt độ 33-41 độ C được xếp vào nhóm đặc biệt cẩn trọng (mức cao thứ ba), trong khi đó, 42-51 độ C sẽ được coi là nhiệt độ nguy hiểm, dễ xảy ra tình trạng chuột rút do nhiệt hoặc sốc nhiệt.

Với thời tiết ở Pasay, anh Hiếu cũng cho biết do nằm ở eo biển nên mật độ hơi nước cao, do đó mang cảm giác nóng hầm hập hơn.

Trong khi đó, tại Thái Lan, mùa nóng ẩm thường đến trong thời gian này, song các đợt nắng nóng vào năm nay vẫn khắc nghiệt hơn dự kiến.

Nhiệt độ tại tỉnh Tak ở nước này ngày 15/4 đạt mức 45,4 độ C, vượt qua kỷ lục nhiệt độ cao nhất đất nước được thiết lập vào năm 2016 tại tỉnh Mae Hong Son (44,6 độ C), theo Bangkok Post.

Lo ngại

Đợt nắng nóng gay gắt gần đây cũng làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe.

“Việc di chuyển từ ngoài trời nóng vào những khu vực có máy lạnh có khả năng khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi nhanh chóng. Điều đó khiến nhiều người lo ngại họ sẽ dễ bị cảm hoặc ốm hơn”, Diệu Linh chia sẻ thêm.

Một điều may mắn là công việc và học tập của Diệu Linh đều không cần phải ra ngoài trời quá nhiều, nên cô có thể tránh được những ảnh hưởng tồi tệ của đợt nắng nóng thiêu đốt gần đây.

Dẫu vậy, Linh cũng bày tỏ đôi chút lo ngại về việc hóa đơn tiền điện có thể tăng cao, do đang sử dụng điều hòa nhiều hơn bình thường.

Giữa lúc nhiệt độ luôn ở mức cao, giới chuyên gia đã kêu gọi chính quyền Thái Lan khẩn trương ứng phó với tình hình hiện nay, khi hơn 80% dân số bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe do nóng bức và thiếu nước.

Phó giáo sư Witsanu, chuyên gia kinh tế nông nghiệp và biến đổi khí hậu tại Đại học Kasetsart, nhận định Thái Lan đang gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu do con người gây ra. Ông cho biết dù thời tiết thường dịu đi với những cơn mưa vào tháng 5, cái nóng có thể kéo dài do hiện tượng El Nino.

Ông Witsanu dự báo lượng mưa năm nay tại Thái Lan sẽ giảm. Do chưa xác định khi nào El Nino kết thúc, ông cảnh báo tình trạng nóng và khô có thể kéo dài hơn một năm, ảnh hưởng trực tiếp đến mùa vụ của nông dân.

(Nguồn: Zing News)

Bún đậu mắm tôm đến New York: "mùi như địa ngục, vị như thiên đường", là món Việt thú vị nhất

(Ảnh minh họa).

Bún đậu mắm tôm, món ăn trưa mà người Hà Nội ưa thích, đã xuất hiện trên vỉa hè New York, Mỹ, cùng đủ bộ mắm tôm, đậu rán, dồi lợn, với cả ghế ngồi nhựa đặc trưng.

Bún đậu mắm tôm nổi tiếng của Việt Nam, được chế biến theo từng tùy chọn của thực khách từ một danh sách các thành phần linh hoạt: không thể thiếu đậu chiên và bún, dưa leo và vài nhánh rau thơm xanh mướt. Đôi khi có phục vụ thêm dồi và thịt lợn nếu thực khách yêu cầu. Nhưng điểm nhấn của món ăn, hạt nhân mà các thành phần khác xoay quanh, là thứ mắm lên men từ tôm.

Mắm tôm có tím đậm, "nặng" mùi và mang mùi hải sản cũ vứt ở góc sau của chợ cá.

Mô tả về món nước chấm này là "mạnh" cũng giống như gọi pho mát Pháp là "bốc mùi": chính xác về mặt kỹ thuật, nhưng lại không đầy đủ. Chuyên gia ẩm thực Việt Nam Helen Le từng đưa ra mô tả chính xác hơn trên kênh YouTube nổi tiếng của cô, nói rằng bún đậu thuộc thể loại thực phẩm "mùi như địa ngục, vị như thiên đường".

Ngay cả ở Việt Nam, mắm tôm cũng gây tranh cãi. Bún đậu mắm tôm, không phải nơi nào ở trong nước cũng được yêu thích chứ đừng nói đến nước ngoài.

Tuy nhiên, món ăn đang tận hưởng sự đối xử đẳng cấp ở Thành phố New York với tư cách là món chính của Mắm, một nhà bếp Việt Nam đang phát triển ở Lower East Side đã hoạt động liên tục kể từ tháng 9/2020.

Jerald Head, một trong những chủ sở hữu, cũng là đầu bếp. Vào những ngày bận rộn khi khách hàng tràn ra vỉa hè, anh cũng có thể trở thành bồi bàn.

Giống như nhiều doanh nghiệp ra đời trong đại dịch, Mắm trải qua thời kỳ hoạt động trồi sụt: sau 6 tuần hoạt động ban đầu, cửa hàng tạm dừng hơn một năm khi Nhung Dao, đồng sở hữu cửa hàng, có con nhỏ.

Cô và chồng, Jerald Head, người đảm nhận hầu hết công việc nấu nướng, đã đưa nhà hàng trở lại hoạt động vào mùa xuân năm ngoái. Họ nghỉ thêm một kỳ nghỉ đông này để đến Việt Nam thăm người thân, mua những nguyên liệu mà họ không thể mua được ở New York và nấu nướng.

Kể từ tháng Hai, Mắm đã mở cửa 3 ngày một tuần.

Vào những ngày mát mẻ hoặc có mưa, Mắm chỉ có thể phục vụ chỗ ngồi trong phòng ăn, có thể chứa được 19 người. Tuy nhiên, khi thời tiết cho phép, khách hàng sẽ ngồi ăn ngoài trời, dùng những chiếc bàn và ghế nhựa ra vỉa hè, như "nguyên gốc" ở Việt Nam.

"Tôi sẽ làm theo trình tự sau: nhai một ít lá rau thơm, hay tía tô Việt Nam. Các loại rau thơm ngon đến nỗi sau khi ăn một ít, và có thể là một lát dưa chuột, tôi đã sẵn sàng để ăn thêm mắm tôm. Điều này trở thành một nhịp điệu, xoay vòng từ mắm tôm sôi nổi đến rau xanh và ngược lại", tác giả Pete Wells viết trên tờ New York Times.

Nhung Dao và Jerald Head làm món mắm tôm của họ bằng mắm tôm nhập khẩu từ Việt Nam, pha với đường, nước cốt chanh và ớt Thái. Sau đó, họ bày biện các món ăn, bắt đầu bằng một chiếc lá tre và sắp xếp các nguyên liệu thành hình tròn. Có những miếng đậu phụ hình khối lập phương rán giòn vàng ruộm (được làm từ chiếc máy nặng 60kg mà Dao và Head đã mang từ Việt Nam về) và những miếng bún lá.

Tiếp theo là dồi lợn (được làm theo công thức mà Head học được từ cha của Nhung Dao), lòng lợn luộc chín, lòng nướng, thêm chả cốm. Ngoài ra, các loại rau gia vị thảo mộc tươi như diếp cá và tía tô mà hai vợ chồng mua từ "một người phụ nữ bán rau trên một chiếc xe tải ở phố Grand."

(Nguồn: Soha)

Mỹ: Nữ sinh gốc Việt giành chiến thắng trong cuộc thi toàn quốc về chống biến đổi khí hậu

Ashley Nguyen, học sinh lớp 12 của trường Trung học Westminster, bang California (Mỹ) vừa giành giải nhất cuộc thi dành cho học sinh trung học toàn quốc với dự án trồng cỏ để ngăn chặn tình trạng xói mòn bờ biển.

Tham gia cuộc thi Thử thách khí hậu Battelle, dự án "Seed Bomb" (bom hạt giống) của Ashley Nguyen đã đem tới một phương pháp giúp tăng khả năng nảy mầm của cỏ lươn (eelgrass) nhằm chống xói mòn dọc bờ biển California.

Theo OCDE Newsroom, thông qua dữ liệu thu thập từ Khu bảo tồn thiên nhiên vịnh Thượng Newport, Ashley đã sáng tạo ra phương pháp tạo ra những quả bóng làm bằng bùn biển, đất sét và phù sa, bên trong chứa những hạt cỏ lươn. Hỗn hợp này cung cấp chất dinh dưỡng cho hạt cỏ và tăng cơ hội nảy mầm, sống sót. Sau đó, các quả bóng này được chôn dọc theo vùng gian triều (vùng bị ngập khi thủy triều dâng và lộ lên khi triều rút). Dự án sẽ giúp khôi phục cỏ lươn dọc theo bờ biển và bảo vệ những bãi biển quan trọng đối với cư dân Nam California. Ý tưởng của Ashley được đánh giá là giải pháp bền vững, đơn giản và tiết kiệm chi phí.

Cuối tháng 3, Ashley đã được mời đến Columbus để trình bày dự án của mình tại hội nghị của Battelle tại Đại học bang Ohio. Nữ sinh gốc Việt cho biết trải nghiệm này giúp em nhận được phản hồi hữu ích từ các chuyên gia khí hậu tham dự hội nghị và trao đổi ý kiến với các học sinh khác.

"Tiến vào vòng quốc gia đã cho tôi cơ hội làm sáng tỏ các vấn đề môi trường bị bỏ qua ở Nam California, cũng như cho phép tôi tự hào đại diện cho cộng đồng Đông Nam Á trong lĩnh vực môi trường. Tôi tin rằng chúng ta có thể chống lại biến đổi khí hậu", Ashley nói.

Với việc giành giải nhất, Ashley mang về khoản tài trợ trị giá 5.000 USD cho trường. Bên cạnh đó, em sẽ tham gia kỳ thực tập được trả lương vào mùa hè 2024 tại Battelle để tiếp tục nghiên cứu về khoa học khí hậu.

Huấn luyện viên Huy Phạm của chương trình MERITS cho biết, ông và các đồng nghiệp tự hào về những học sinh như Ashley vì các em nâng cao kiến ​​thức khoa học của bản thân ngoài những gì được dạy trên lớp.

“Chúng tôi khuyến khích học sinh của mình thực hiện các dự án thực tế lấy cảm hứng từ cả kiến ​​thức thu được trong lớp học và các vấn đề mà các em quan sát được trong cộng đồng của mình”, ông Huy Phạm nói.

(Nguồn: Thời Đại)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang