Người nước ngoài vào Đức xin tị nạn cần biết: Chính sách nhập cư mới của Chính phủ Đức

(Một điểm tiếp nhận người tị nạn ở Đức).

Đức là một quốc gia nhập cư đa dạng ein vielfältiges Einwanderungsland và trở thành một quốc gia hòa nhập tốt. Đó là lý do tại sao Chính phủ Liên bang đang khởi đầu một chính sách di cư và hòa nhập mới. Sau đây là những điểm cơ bản nhất.

Những nước nào đông người tị nạn vào Đức?

Đức hiện đã tiếp nhận hơn một triệu người từ Ukraine di tản sang Đức do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Ngoài ra, những người tìm kiếm sự bảo vệ đến Đức từ nhiều quốc gia khác – đặc biệt từ Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria...

Tại sao Đức có trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn?

Trách nhiệm pháp lý quốc tế và nhân đạo của Đức là cứu giúp, bảo vệ những người gặp nguy hiểm một cách nhanh chóng và không vướng mắc thủ tục. Bất cứ ai đến Đức và đáp ứng các yêu cầu cần cứu giúp và bảo vệ (đặc biệt trong trường hợp bị đàn áp vì lý do chính trị) đều có quyền nhận được sự cần thiết đó. Đức đã từng sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho những người cần cứu giúp. Đó là trách nhiệm nhà nước, từ cấp liên bang, tiểu bang và địa phương với sự hỗ trợ của xã hội dân sự, phải cùng nhau gánh vác.

Có điều kiện chỗ ở bảo đảm cho người tị nạn?

Tiếp nhận và chăm sóc người tị nạn là một nhiệm vụ phải được thực hiện ngay tại chỗ, ở các tiểu bang và địa phương. Chính Phủ Liên bang hỗ trợ toàn diện cho các tiểu bang và địa phương để cung cấp chỗ ở tươm tất cho người tị nạn. Theo đó, Chính phủ Liên bang cung cấp nhà cửa đất đai của liên bang cho các địa phương phục vụ cho mục đích trên. Các tiểu bang và địa phương không phải trả tiền thuê nhà đất. Chính phủ Liên bang hiện đang cho phép các địa phương sử dụng khoảng 340 bất động sản với khoảng 70.000 chỗ ở. Ngoài ra, nhiều công dân Đức cũng nhận những người tị nạn từ Ukraine cho ở ghép.

Ai chịu trách nhiệm tổ chức, chi phí và trợ cấp cho người tị nạn?

Việc tiếp nhận, chăm sóc, chi phí và trợ cấp người tị nạn trước hết là trách nhiệm của các tiểu bang và địa phương. Hiến pháp Đức quy định họ cũng phải gánh chịu chi phí. Trước sự gia tăng mạnh về số lượng người tị nạn, Chính phủ Liên bang đã chia sẻ chi phí với các tiểu bang và địa phương trong giai đoạn 2015 và 2016. Và tiếp tục tới nay, coi đó là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền.

Trách nhiệm trên hiện đang được áp dụng trong tình hình số lượng người tị nạn tăng cao do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Vào năm 2022, Chính phủ Liên bang đã hỗ trợ khoảng 15 tỷ euro và vào năm 2023, dự kiến ​​ở mức 15,6 tỷ euro phân bổ cho các tiểu bang và địa phương. Chính phủ Liên bang hiện đang đảm nhận nhiều dịch vụ tiếp nhận tị nạn hơn mà trước đây giao cho tiểu bang và địa phương đồng thời cấp ngân sách cho họ, đặc biệt là phúc lợi xã hội dành cho người tị nạn từ Ukraine, hầu như do Liên bang cấp. Ngay từ năm 2020, Chính phủ Liên bang cũng đã chịu một phần chi phí ăn ở cho người tị nạn cao hơn đáng kể. Điều này, về lâu dài sẽ giúp các tiểu bang và địa phương giảm khoảng 4 tỷ euro mỗi năm.

Cho đến nay, Chính phủ Liên bang đã làm những gì để tổ chức và kiểm soát nhập cư?

Ngay từ cuối năm 2022, Chính phủ Liên bang đã thông qua các quy định pháp lý giúp dễ dàng trục xuất và giam giữ chờ trục xuất đối với những người tị nạn có hành vi tội phạm hoặc nguy hiểm. Từ tháng 01.2023, Đạo luật Đẩy nhanh Thủ tục công nhận tị nạn và xét xử những người tị nạn phạm pháp được áp dụng. Các quy phạm mới đảm bảo các thủ tục xin tị nạn có thể được hoàn thành nhanh hơn nữa.

Vào tháng 02.2023, Chính phủ Liên bang đã chỉ định một một đặc trách về thỏa thuận nhập cư, với nhiệm vụ lập dự thảo các thỏa thuận với các quốc gia của người nhập cư, có tính đến các tiêu chuẩn nhân quyền.
Ngay từ tháng 12.2022, Chính phủ Liên bang đã ký kết thỏa thuận nhập cư và trao đổi song phương toàn diện đầu tiên với Ấn Độ. Ngày 01.05.2023, các quy định về trung tâm đăng ký Ausländerzentralregister người nước ngoài có hiệu lực, tạo điều kiện để cải tiến trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan chức năng chặt chẽ. Với gói thỏa thuận được ký kết giữa Chính phủ Liên bang và tiểu bang về nhà nước pháp quyền, Chính phủ Liên bang đã góp phần trang trải chi phí phục vụ nhân sự tốt hơn cho ngành tư pháp trong những năm vừa qua.

Vai trò Chính phủ Liên bang ở cấp độ châu Âu?

Chính phủ Liên bang cam kết cải cách kịp thời hệ thống tị nạn châu Âu. Điều này nhằm đạt được sự phân chia trách nhiệm và thẩm quyền dựa trên hợp tác giữa các quốc gia EU bảo đảm tốt hơn các chuẩn mực pháp lí về quy trình xét duyệt tị nạn và hòa nhập đối với người xin tị nạn.

Trong khuôn khổ Cơ chế đoàn kết tự nguyện, Đức và các quốc gia thành viên EU khác tham gia hỗ trợ các quốc gia EU giáp biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát biên giới EU với các nước ngoài EU, và hợp tác với các quốc gia gốc của người tị nạn hoặc quốc gia người tị nạn quá cảnh là cần thiết để giảm số lượng người tị nạn nhập cư tăng bất thường và thay vào đó tạo điều kiện cho việc nhập cư tị nạn hợp pháp và nhanh hơn. Những biện pháp nhập cư hợp pháp là cần thiết vì hầu như tất cả các nước châu Âu đều có nhu cầu lớn về lao động lành nghề.

Chính phủ Liên bang làm thế nào để chống nhập cư bất hợp pháp?

Chính phủ Liên bang cam kết giảm tình trạng nhập cư trái phép bằng cách thực hiện trục xuất một cách nhất quán hơn. Những người không được quyền ở lại phải rời khỏi Đức trở về quê hương của họ. Các quy định pháp lý được Chính phủ Liên bang thông qua vào năm ngoái, giúp dễ dàng trục xuất hoặc tạm giữ chờ trục xuất những tội phạm và nguy hiểm cho an ninh nước Đức.
Trung tâm Chiến lược và Phân tích Chung về Di cư Bất hợp pháp (GASIM) được thành lập nhằm phục vụ cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp. Các phát hiện, đặc biệt về buôn người, lao động bất hợp pháp và lạm dụng phúc lợi xã hội, sẽ được Trung tâm GASIM tổng hợp và đánh giá.
Cảnh sát Liên bang có chức năng kiểm soát biên giới nội bộ EU với Áo và tùy theo tình hình, tiến hành khám xét bí mật trên các biên giới nội bộ EU khác. Các biện pháp ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, hay chấm dứt lưu trú được kiểm tra. Ngoài ra, Chính phủ Liên bang đang làm việc ở cấp độ châu Âu để bảo vệ biên giới bên ngoài của EU khỏi tình trạng di cư bất hợp pháp.
Vào tháng 02.2023, Chính phủ Liên bang đã chỉ định một Đặc trách về các Hiệp định di cư. Nhiệm vụ của đặc trách là soạn thảo các thỏa thuận, dựa trên quan hệ đối tác với các quốc gia gốc của người nhập cư, có tính đến các tiêu chuẩn nhân quyền. Các thỏa thuận này nhằm mục đích hạn chế di cư bất hợp pháp và thúc đẩy di cư hợp pháp. Ngoài ra, Chính phủ Liên bang thúc đẩy việc tự nguyện hồi hương và tái hòa nhập tại quê hương thông qua các chương trình và dự án đặc biệt.
Chính phủ Liên bang cũng đang làm việc ở cấp độ quốc tế để giảm thiểu các nguyên nhân gây bùng nổ nhập cư bất thường. Vào tháng 12.2018, Đức đã đồng ý tham gia Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn (GCR). Lần đầu tiên, một khuôn khổ toàn diện giúp phân bổ người tị nạn toàn cầu công bằng hơn đã được tạo ra trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh này, Diễn đàn Người tị nạn Toàn cầu (GRF) đầu tiên đã diễn ra tại Genevo vào năm 2019. Với viện trợ ban đầu, các sáng kiến ​​đặc biệt và viện trợ nhân đạo, Chính phủ Liên bang đang giúp người dân trong các tình huống khủng hoảng và hỗ trợ người tị nạn. Ngoài ra, nó thúc đẩy giáo dục ở các nước thứ ba về rủi ro và các lựa chọn thay thế cho việc di cư bất hợp pháp.

Theo Chính phủ Liên bang, cách tốt nhất để hòa nhập thành công là gì?

Chính phủ Liên bang rất coi trọng việc hòa nhập của những người đang tìm kiếm tị nạn và những người xin tị nạn đã được công nhận. Mục đích là giúp tất cả những người nhập cư sống lâu dài và hợp pháp ở Đức hòa nhập vào xã hội Đức. Hòa nhập liên quan đến tất cả mọi người, đặc biệt người già và người nhập cư dưới dạng đoàn tụ.
Chỉ khi hòa nhập thành công mới có thể mang đến cho những người đã chịu số phận nghiệt ngã những triển vọng tương lai trên nước Đức. Hòa nhập bắt đầu từ trong tâm trí của mỗi công dân Đức và đi đôi với sự chấp nhận và tôn trọng những người nhập cư cần và muốn xây dựng một tương lai mới trên đất nước Đức. Việc giao tiếp sớm ngôn ngữ và các giá trị có tầm quan trọng đặc biệt. Từ năm 2005, Chính phủ Liên bang đã đưa ra dự án Hòa nhập cấp Liên bang.
Với Gói Chính sách Nhập cư đầu tiên có hiệu lực vào ngày 01.01.2023, Chính phủ Liên bang đã tạo ra các điều kiện cải thiện hòa nhập. Theo đó, những người đã được cấp tạm dung trong nhiều năm nếu đáp ứng các yêu cầu cần thiết để được quyền ở lại Đức lâu dài sẽ được tự động cấp giấy phép cư trú một năm. Điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng tạm dung lâu dài hiện nay. Đồng thời việc tham gia các khóa học nhập cư sẽ được đơn giản hóa hơn.

Hòa nhập từ trường mẫu giáo và trường học

Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên ở Đức phải có cơ hội hưởng một nền giáo dục tốt và thành công, bất kể xuất thân xã hội của họ. Tất nhiên, điều này cũng áp dụng cho những trẻ em tị nạn. Do đó, điều quan trọng là trẻ em và thanh thiếu niên tị nạn được nhận vào trường một cách nhanh chóng và thủ tục không phức tạp. Việc tiếp cận của trẻ em với các dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng cần được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Hiện tại, nhiều người tị nạn từ Ukraine và gia đình của họ đã tìm được sự bảo vệ tại Đức. Năm ngoái, Chính phủ Liên bang đã hỗ trợ các tiểu bang hòa nhập người tị nạn Ukraine với tổng số kinh phí khoảng 3,5 tỷ euro dưới dạng chi phí đặc biệt. Một tỷ trong số này được dành cho hòa nhập trẻ em Ukraine vào các nhà trẻ và trường học, cũng như chi phí chăm sóc và bảo hiểm sức khỏe. Năm nay, Chính phủ Liên bang sẽ cung cấp cho các tiểu bang 1,5 tỷ euro để tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine, bên cạnh khoản kinh phí dành cho người tị nạn nói chung 1,25 tỷ euro.

Hòa nhập thị trường lao động

Thị trường lao động đóng vai trò trung tâm để hòa nhập thành công. Công việc không chỉ có nghĩa là đảm bảo tài chính cho sinh kế. Nó cho phép con người tồn tại tự quyết, chủ động tham gia vào đời sống xã hội. Cấp giấp phép làm việc cho người tị nạn ở Đức vì vậy rất quan trọng để họ hòa nhập vào thị trường lao động.
Những người xin tị nạn đã nộp đơn chờ xem xét, sẽ được cấp giấy phép lao động không hạn chế. Nhưng ngay cả khi thủ tục xin tị nạn vẫn đang tiếp tục hoặc đơn xin tị nạn đã bị từ chối, người tị nạn vẫn có thể được phép làm việc tại Đức, như trong trường hợp tạn dung nghĩa là chưa bị trục xuất. Hoặc nếu ai đó ở Đức lâu hơn ba tháng. Sở Ngoại kiều có trách nhiệm giúp giải đáp thắc mắc liệu người xin tị nạn có thể đảm nhận việc làm trong các trường hợp cụ thể hay không.

Nếu người xin tị nạn có giấy phép lao động, họ có thể học nghề và tham gia các biện pháp nâng cao trình độ cũng như đào tạo thêm, bao gồm cả các khóa học tiếng và hòa nhập. Cơ quan Việc làm Job-Center là địa chỉ liên hệ phù hợp để người xin tị nạn có thể tìm việc dễ dàng.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang