Nạn cưỡng hiếp, bạo hành tình dục:  Cách chống và thủ tục tố cáo

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Nạn nhân thường phải chịu tổn thương nặng nề cả thể xác lẫn tinh thần. Cuộc sống họ bị đảo lộn. Thông thường, trong thời gian dài, họ luôn bị cảm giác xấu hổ, tội lỗi, sợ hãi, ác mộng, trầm cảm, trục trặc trong tình yêu hôn nhân, trong việc làm, mất khả năng lao động, muốn hủy hoại bản thân, thậm chí có ý định tự tử. Ngay cả khi tưởng chừng vượt qua được cú sốc này, chỉ cần một dịp nhỏ có thể khơi dậy cơn ác mộng năm xưa.

Biết bao phụ nữ Việt ở Đức đã trở thành nạn nhân, không có con số thống kê. Rủi ro cơ cực nhất là những người trên đường vượt biên, hoặc sống không giấy phép lưu trú, hoặc bị lừa đảo mà nhân vật Quyên trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ đoạt giải 3 cuộc thi trong nước là một điển hình.

Dưới đây là tập hợp các lời khuyên của chuyên gia, giúp qúy độc giả phòng tránh, chống nạn cưỡng hiếp bạo hành tình dục rất bổ ích.

Thuốc xâm hại tình dục

Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân của loại ma túy mang tên „Date-Rape-Drugs“ (thuốc cưỡng dâm trong các cuộc hẹn hò), còn được gọi là thuốc hạ gục K.o-Tropfen. Thành phần của loại ma túy này thuộc nhóm thuốc gây mê. Hung thủ thường lén trộn thuốc vào đồ uống của nạn nhân. Khi uống phải, nạn nhân sẽ mất hoàn toàn khả năng phản kháng, và đặc biệt mất luôn trí nhớ tức thời. Một trong những loại ma túy này là ecstasy lỏng, xuất hiện tại Đức vào cuối những năm 90. Thuốc không màu, không mùi, nên thường được bỏ vào đồ uống mà nạn nhân không hề hay biết. Sau khi tỉnh dậy, nạn nhân không nhớ gì hết. Tùy liều lượng, chất này có thể gây chết người. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là bị chóng mặt đột ngột. Khi đó, cần đi khám bác sỹ ngay. Trong vũ trường, không nên rời mắt khỏi đồ uống của mình. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện tại một nơi đông người. Do đó, tốt nhất, nên đi chung với bạn bè để được giúp đỡ khi có những dấu hiệu bất thường.

Khó đoán định

Trong tưởng tượng của nhiều người, hung thủ thường theo dõi và ra tay với nạn nhân tại các khu vực tối, vắng vẻ, trong công viên, nhà đậu xe hay các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế, những tình huống trên ít xảy ra. Bên cạnh đó, lại coi trang phục mát mẻ thường không tăng nguy cơ bị hãm hiếp. Quan niệm sai lầm trên thường nguy hiểm, do khiến mọi người không để ý đến những rủi ro thực sự.

Độ tin cậy của các con số thống kê

Theo thống kê, 15% trường hợp bị cưỡng hiếp bởi người lạ. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ này ít hơn, do nhiều trường hợp bị họ hàng, người quen lạm dụng tình dục không khai báo. Điều đó làm cho nhiều người mất cảnh giác phòng tránh.

2/3 hung thủ thường là những người gần gũi với nạn nhân

Như chồng, bạn trai, chồng/bạn trai cũ, đồng nghiệp, huấn luyện viên, bác sỹ, chuyên viên trị liệu, người quen hay hàng xóm. Gần như họ là những người mà nạn nhân chưa từng mảy may nghi ngờ, đề phòng. 1/4 nạn nhân bị cưỡng bức bởi chồng, bạn trai hiện tại hoặc cũ, một số người bị nhiều lần. Các trường hợp này chủ yếu là bạo hành tình dục, để chứng tỏ quyền lực đàn ông.

Tố cáo sau khi bị cưỡng hiếp

Hãm hiếp, cưỡng bức tình dục thuộc tội hình sự. Cảnh sát và viện kiểm sát sau khi tiếp nhận đơn tố cáo phải có trách nhiệm điều tra. Vì vậy đã nộp đơn tố cáo thì không thể rút lại.

Đệ đơn (Anzeige)

Nhiều trường hợp không đệ đơn tố cáo, do nạn nhân xấu hổ khi cung cấp thông tin cho cảnh sát hay trước tòa, hoặc sợ phải đối mặt với thành kiến và thiếu cảm thông. Gần như chồng, bạn đời không bao giờ bị tố cáo. Nạn nhân thường im lặng do bị đe dọa. Tố cáo sẽ giúp đưa vụ việc ra công khai. Án quyết sẽ giúp chặn kẻ thủ ác tiếp tục, tạo ra một xã hội loại bỏ tội phạm cưỡng hiếp.

Thời hạn tố cáo

Nên tố cáo ngay sau khi xảy ra vụ việc. Theo Điều 78, Luật Hình sự, thời hạn tố cáo tội cưỡng dâm là 20 năm. Nếu nạn nhân dưới tuổi thành niên, thời hạn được tính từ khi trẻ đủ tuổi thành niên, ở Đức 18 tuổi (trừ Hessen 21 tuổi). Trong quá trình tố cáo, truy tố, nạn nhân phải chịu gánh nặng tâm lý rất lớn nên cần hỗ trợ chuyên môn của bác sỹ trị liệu, các cơ sở tư vấn hay luật sư.

Từ tố cáo tới điều tra

Khi được cầu cứu, cảnh sát sẽ lập tức lấy thông tin về người trong cuộc cần thiết cho điều tra, cũng có thể cho truy nã thủ phạm ngay. Trước tiên, nạn nhân chưa cần cung cấp ngay thông tin chi tiết, có thể tìm tới cơ quan cảnh sát về tội phạm cưỡng hiếp để trình báo.

Trợ giúp pháp lý

Theo Luật Bảo vệ nạn nhân, nạn nhân có quyền viện đến luật sư ngay khi làm việc với cảnh sát. Nếu không, có thể liên hệ với cơ quan tư vấn, hay một người bạn mà nạn nhân tâm sự sau khi xảy ra vụ việc (người bạn có thể làm nhân chứng). Nếu cảm thấy bị áp lực trong quá trình khai báo, có thể ngưng và tiếp tục vào buổi sau hoặc yêu cầu được gặp cảnh sát khác. Sau khi kết thúc khai báo, nên đọc biên bản kĩ càng. Chỉ kí tên khi mọi thông tin đều chính xác. Quá trình điều tra truy tố đều dựa trên lời khai, nên các chi tiết không chính xác sẽ có lợi cho thủ phạm. Luật sư bào chữa của hắn có thể lợi dụng lời khai sai để chống lại nạn nhân.

Làm gì sau khi bị cưỡng hiếp

Trước tiên, cần được giúp đỡ và tư vấn. Hãy tâm sự vụ việc với một người bạn để nhẹ lòng, nhưng không thay thế sự giúp đỡ của chuyên gia. Các cơ sở tư vấn sẽ giúp đỡ, giới thiệu bác sỹ, viết đơn tố cáo, và các bước tiếp theo. Họ sẽ cùng đến cảnh sát, bác sỹ và tòa án. Họ giới thiệu luật sư, giúp chuẩn bị khi ra tòa và tìm bác sỹ tâm lý và các tổ chức trợ giúp.

Các biện pháp khẩn cấp và giữ chứng cứ

- Không tắm rửa trước khi được bác sỹ giám định.

- Trong vòng 24 tiếng hãy đến gặp bác sỹ phụ khoa hay bệnh viện.

- Hãy điều trị vết thương. Khi bị hãm hiếp, ngoài bị chấn động tâm lý, nạn nhân có thể bị thương, cần được bác sỹ chăm sóc.

- Hãy đến khám bác sỹ để có bằng chứng và giấy chứng nhận thương tích.

- Hãy uống ngay thuốc tránh thai khẩn cấp.

- Không thay đổi hiện trường.

- Giữ nguyên bằng chứng như quần áo bị xé rách hay dính bẩn (không được giặt).

- Hãy ghi lại diễn biến vụ việc, và mô tả cảm xúc cá nhân. Biên bản này rất có ích trước tòa.

- 3 ngày sau khi mất kinh phải thử thai ngay.

- Hãy xét nghiệm ngay các bệnh lây qua đường tình dục và HIV.

Trao đổi với các tổ chức trợ giúp và điều trị

Do sợ hãi và xấu hổ, nhiều phụ nữ giữ bí mật về việc bị hãm hiếp. Không nên một mình chiến đấu với nỗi sợ hãi, thắc mắc và những vấn đề xảy ra sau khi bị cưỡng hiếp, mà cần được hỗ trợ, giúp đỡ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nói chuyện với các nạn nhân khác, các tổ chức trợ giúp sẽ mang lại cảm giác được cảm thông và không cô đơn, có thêm động lực để bắt đầu khóa trị liệu. Nếu không được giúp đỡ chuyên nghiệp, nạn nhân không thể vượt qua tổn thương tinh thần.

Xử lý khi bị cưỡng hiếp

Khi bị quấy rối, cưỡng hiếp, không chỉ kêu cứu chung chung mà nhờ từng người cụ thể giúp, chẳng hạn: „Anh đội mũ lưỡi trai làm ơn giúp tôi với“, hoặc „Anh mặc comple xanh ơi, anh có điện thoại di động không? Làm ơn gọi cảnh sát giúp tôi“. Qua đó, người ngoài cuộc khó dửng dưng né tránh.

Ưu tiên chạy trốn hơn phòng vệ

Hãy chạy trốn nếu có thể. Nếu không, hãy thực hiện lời khuyên sau:

- Không tỏ ra sợ hãi.

- Bình tĩnh hít thở sâu.

- Không né tránh ánh mắt hung thủ.

- Chọn cách xưng hô lịch sự với thủ phạm.

- Tạo khoảng cách và khiến người khác chú ý.

- Hãy nói to và giọng chắc chắn, đồng thời gọi rõ tên hung thủ (nếu là người quen).

- Tập trung vào những cách phòng vệ từng biết.

- Nếu phản kháng phải nhanh, mạnh, không do dự.

- Hãy làm hung thủ đau trước khi bị hắn tấn công.

Khảo cứu các biện pháp chống tội phạm cưỡng hiếp

Các nghiên cứu cho thấy, đa số các hung thủ sẽ từ bỏ ý định nếu bị phản kháng quyết liệt. Các khóa học tự vệ cung cấp nền tảng đầu tiên để đối phó với tình huống này. Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng chỉ cần mang theo vũ khí có thể tự vệ.

Theo kết quả một nghiên cứu:

- Không phản kháng: 74% bị cưỡng hiếp. - 26% còn lại thoát nạn không phải do hung thủ tự nguyện từ bỏ ý định, mà do có người thứ 3 xuất hiện.

- Phản kháng nhẹ: 36% bị cưỡng hiếp.

- 46% thoát nạn do phản kháng.

- 18% thoát nhờ yếu tố khác.

- Phản kháng quyết liệt: 15% bị cưỡng hiếp, 85% thoát nạn.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang