- Cư trú - Luật pháp
- Chính trị - Xã hội
Phải sống ở Đức lâu dài và hợp pháp từ 8 năm
Lâu dài có nghĩa không ngắt quãng giữa chừng và hiện tại đang cư trú ở Đức. Chẳng hạn về nước sống quá 6 tháng mà không được Sở ngoại kiều chấp nhận. Hoặc nửa chừng bị ngắt quãng phải về nước sau đó đệ đơn tiếp mới được cấp giấy phép cư trú mới.
Trong một số trường hợp, có thể nhập quốc tịch sớm hơn:
- Trường hợp 1: Đã đỗ một khóa học hòa nhập Integrationskurs. Khi đó thời hạn 8 năm được giảm xuống 7 năm.
- Trường hợp 2: Có kết quả hòa nhập thành công đặc biệt besondere Integrationsleistungen. Thời gian lưu trú cần thiết sau đó thậm chí có thể giảm xuống còn sáu năm. Các thành tích hòa nhập cụ thể, được các cơ quan nhập quốc tịch tính đến trong từng trường hợp riêng lẻ, chẳng hạn như kiến thức tiếng Đức rất tốt, thành tích học tập phổ thông hoặc học nghề nghiệp đặc biệt tốt, trình độ chuyên môn đặc biệt tốt hoặc có thời gian dài làm cônb việc tình nguyện hoặc tham gia các hội đoàn đạt thành tích cao. Cơ quan nhập quốc tịch cũng có thể công nhận những thành tích hội nhập đặc biệt khác, tùy thuộc từng tiểu bang, thậm chí từng địa phương, có thể có các quy tắc khác nhau. Do đó, điều cần thiết là phải hỏi cơ quan nhập quốc tịch địa phương của mình kịp thời.
- Trường hợp 3: Người được quốc tế bảo vệ vì lí do chính trị, tị nạn hoặc không có quốc tịch đang sống ở Đức. Với tư cách là người thụ hưởng sự bảo vệ của quốc tế hoặc là người có quyền tị nạn, có thể nhập quốc tịch sau sáu năm lưu trú thay vì tám năm.
Người không quốc tịch, cơ quan nhập quốc tịch cũng có thể giảm thời gian lưu trú cần thiết xuống còn sáu năm.
-Trường hợp 4: Những người đã kết hôn với công dân Đức hoặc sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, có thể nhập quốc tịch chỉ sau ba năm cư trú ở Đức. Chú ý, nếu dự định ly hôn hoặc chấm dứt sống chung, sẽ không được nhập quốc tịch sau ba năm.
- Trường hợp 5: Các thành viên trong gia đình cùng nhập quốc tịch.
Vợ/chồng hoặc sống chung như vợ chồng cùng nhập quốc tịch, thời hạn cư trú ở Đức được giảm xuống chỉ còn 4 năm, với điều kiện đã có ít nhất 2 năm kết hôn, hoặc sống như vợ chồng. Đối với con cái cùng nhập quốc tịch tuổi dưới 16, thời gian lưu trú chỉ cần ba năm là đủ.
Chứng minh danh tính
Cơ quan nhập quốc tịch phải xác minh danh tính và quốc tịch trước đây của người đệ đơn. Do đó người đệ đơn phải xuất trình hộ chiếu sinh trắc học hoặc tài liệu nhận dạng khác có ảnh như chứng minh nhân dân. Cơ quan nhập quốc tịch cũng sẽ kiểm tra quốc tịch hiện tại của người đệ đơn.
Nếu người đệ đơn không thể xuất trình hộ chiếu, thì có thể chứng minh danh tính bằng nhiều cách. Đặc biệt là sử dụng các tài liệu liên quan tới nhân thân từ quốc gia xuất xứ có chứa các đặc điểm sinh trắc học. Chúng bao gồm, như bằng lái xe, thẻ công vụ, thẻ quân đội hoặc giấy chứng nhận hộ tịch có ảnh sinh trắc học. Nếu không thể có được bằng chứng trên, thì có thể sử dụng các tài liệu khác từ nước xuất xứ, chẳng hạn như giấy khai sinh, giấy chứng nhận tôn giáo, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận hộ khẩuhoặc học bạ. Trong trường hợp này nhà chức trách sẽ thực hiện tiếp các công đoạn kiểm tra xác minh.
Người không quốc tịch ở Đức (những người được công nhận tị nạn nhưng không có hộ chiếu của nước nguồn gốc), có thể chứng minh danh tính của họ bằng giấy thông hành cấp cho người không quốc tịch Reiseausweis für Staatenlose.
Về nguyên tắc, người đệ đơn phải tự tìm kiếm và trình giấy tờ tùy thân, trừ khi được công nhận là người tị nạn. Nếu gặp khó khăn chỉ còn cách trình bày với cơ quan nhập quốc tịch để biết thêm thông tin.
Đó là những giấy phép cư trú sau:
- Giấy phép cư trú vô thời hạn Niederlassungserlaubnis hoặc được phép lưu trú lâu dài ở EU.
- Là công dân của Liên minh EU hoặc là thành viên gia đình của công dân EU được quyền tự do đi lại trong EU, đồng nghĩa có giấy phép cư trú vô thời hạn.
- Là công dân của Island, Liechtenstein hoặc Na Uy tư cách tương tự như công dân của EU.
- Có giấy phép cư trú được cấp sau khi có thỏa thuận Anh ra khỏi EU hoặc theo thỏa thuận di chuyển tự do của người dân giữa Thụy Sĩ và EU.
- Là người lao động từ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc thành viên gia đình của họ có quyền cư trú dựa trên Thỏa thuận liên kết Assoziationsabkommen giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
- Ngay cả với giấy phép cư trú có thời hạn eine befristete Aufenthaltserlaubnis cũng có thể đủ điều kiện nhập quốc tịch, như làm việc với tư cách là công nhân lành nghề ở Đức hoặc giấy phép cư trú được cấp cho mục đích đoàn tụ gia đình. Giấy phép cư trú cho những người được quyền tị nạn hoặc quốc tế bảo vệ asylberechtigte oder international schutzberechtigte Personen và một số trường hợp cư trú nhân đạo khác.
Những giấy phép không được chấp nhận khi xin nhập quốc tịch
Đến Đức để học tập, đào tạo hoặc lưu trú vì lý do nhân đạo, giấy phép cư trú có thời hạn, đều không đủ để nhập quốc tịch. Tuy nhiên, với giấp phép đó sẽ có cơ hội tốt để sớm đáp ứng các yêu cầu nhập quốc tịch.
Không được nhập quốc tịch nếu chỉ có giấy phép cư trú tạm thời Aufenthaltsgestattung hoặc tạm dung Duldung.
Những giấy phép cư trú cụ thể sau đây theo Luật cư trú, vẫn chưa được nhập quốc tịch:
- Để học nghề hoặc bổ túc nghề (theo Điều § 16 a).
- Học đại học (§ 16 b).
- Để kiểm tra công nhận trình độ chuyên môn nước ngoài (§ 16 d).
- Để thực tập sau đại học ở EU (§ 16 e).
- Học tiếng Đức hoặc học phổ thông (§ 16 f).
- Để tìm nơi học nghề hoặc đại học (§ 17).
- Để nghiên cứu ngắn hạn (§ 18 e).
- Để phục vụ cho quá trình nghiên cứu (§ 18 f).
- Thẻ cư trú dành cho nhân viên trong công ty ở các nước có nhiệm vụ sang Đức làm việc (§ 19).
- Thẻ cư trú làm việc di động không cố định ở Đức (§ 19 b).
- Để tham gia các công việc tình nguyện ở châu Âu (§ 19 e).
- Để tìm chỗ làm việc cho công nhân lành nghề (§ 20).
- Được tiếp nhận từ nước ngoài vì luật pháp quốc tế hoặc lý do nhân đạo khẩn cấp (§ 22).
- Được tiếp nhận vì lợi ích chính trị đặc biệt (§ 23 mục (1)).
- Được cư trú vì lí do khó khăn không thể vượt qua nếu không được cư trú (§ 23 a), nghĩa là thuộc diện cứu xét.
- Cho phép cư trú để bảo vệ tạm thời (§ 24).
- Cư trú vì lý do nhân đạo (§ 25 đoạn 3 đến 5).
Danh sách này chưa phải đã đầy đủ. Vì vậy để biết giấp phép cư trú của mình có thỏa mãn điều kiện để nhập quốc tịch hay không, nên trực tiếp hỏi cơ quan nhập quốc tịch Einbürgerungsbehörde hoặc cơ quan tư vấn nhập cư Migrationsberatung.
Nói một cách đơn giản, người đệ đơn có thể sử dụng thu nhập của mình đủ để chi tiền cho cuộc sống hàng ngày của chính mình cùng gia đình, như mua thức ăn, quần áo và chỗ ở… cho bản thân và gia đình.
Về thu nhập bao gồm, như tiền lương từ việc làm, thu nhập với tư cách là một doanh nhân hoặc tiền cấp dưỡng mà người bạn đời đã ly hôn phải chu cấp.
Không được nhận bất kỳ trợ cấp nào từ trung tâm việc làm hoặc văn phòng phúc lợi xã hội (như trợ cấp xã hội Sozialhilfe, trợ cấp thất nghiệp II (Hartz IV) hoặc các khoản tiền xã hội khác Sozialgeld). Được ngoại trừ, khi nhận các trợ cấp trên mà không do lỗi người nhận gây ra, như khi bị thất nghiệp, dù đã cố gắng tìm việc mới nhưng vẫn chưa có nơi nhận, đành phải xin cấp Hartz IV. Hoặc đang phải trông con nhỏ ở nhà và do đó chưa thể đi làm trở lại. Trong trường hợp đó vẫn có thể được quyền nhập quốc tịch.
Các phúc lợi xã hội chung, như tiền con, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp I, BAföG… không ảnh hưởng đến quyền nhập quốc tịch.
Nếu người đệ đơn xin nhập quốc tịch, không chắc mình có đáp ứng được các điều kiện bảo đảm sinh kế nói trên, nên sớm đến cơ quan nhập quốc tịch Einbürgerungsbehörde hoặc cơ quan tư vấn về nhập cư Migrationsberatung xin tư vấn.
Kiểm tra tiếng Đức phải đạt trình độ B1 dành cho người nhập cư. B1 có nghĩa, có thể sử dụng tiếng Đức một cách độc lập, nhưng không cần tới mức nói và viết tiếng Đức một cách hoàn hảo. Để kiểm tra tiếng Đức có thể đăng kí tại Học viện Göthe-Institut, thông tin có thể tìm theo đường Link => Göthe-Institut .
Với những chứng chỉ dưới đây, có thể chứng minh đạt kiến thức tiếng Đức, nghe hiểu và đọc hiểu ở trình độ B1:
- Giấy chứng nhận trình độ tiếng Đức từ Cơ quan Liên bang về Nhập cư và Người tị nạn BAMF.
- Chứng chỉ kiểm tra tiếng Đức dành cho người nhập cư hoặc bằng tốt nghiệp ngôn ngữ tương đương hoặc cao hơn.
- Giấy chứng nhận đã theo học thành công một trường học tiếng Đức trong ít nhất bốn năm.
- Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học của Đức hoặc tương đương.
- Giấy chứng nhận đã được học tới lớp mười của một trường trung học dùng tiếng Đức.
- Bằng tốt nghiệp một trường đại học dùng tiếng Đức, nghĩa là bất kể trường đó ở nước nào, miễn là sử dụng tiếng Đức, như ở Áo chẳng hạn.
Trường hợp không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về kiến thức tiếng Đức
Nếu cơ quan nhập quốc tịch nhận thấy người đệ đơn xin nhập quốc tịch có kiến thức tiếng Đức đủ diều kiện nhập quốc tịch khi giao dịch với họ, họ có thể không cần chứng chỉ tiếng Đức. Nếu họ thấy vẫn chưa chắc chắn, họ có thể yêu cầu thi chứng chỉ ngôn ngữ, chẳng hạn tại trường bổ túc dành cho người lớn Volkshochschule.
Ngoại lệ cho người khuyết tật, ốm đau kinh niên, hoặc tuổi già
Những người bị ốm đau kinh niên, khuyết tật, không thể đạt được trình độ B1, chỉ cần xin giấy chứng nhận y tế xác nhận sẽ được miễn trừ.
Người từ 65 tuổi trở lên, và người trên 60 tuổi nhưng sống ở Đức ít nhất 12 năm đều được miễn trừ.
Yêu cầu nhập quốc tịch phải có khả năng trả lời các câu hỏi đơn giản về hệ thống luật pháp, văn hóa và lịch sử của Đức. Điều này bao gồm các vấn đề về các giá trị dân chủ ở Đức, các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, bình đẳng, khoan dung và tự do tôn giáo. Những câu hỏi này đã có sẵn trong bài kiểm tra nhập quốc tịch.
Hình thức thi chứng chỉ nhập quốc tịch Einbürgerungstest
Theo hình thức thi trắc nghiệm. Bài kiểm tra nhập quốc tịch bao gồm 33 câu hỏi. Ba trong số đó liên quan đến tiểu bang mà người đệ đơn đang cư trú. Đối với mỗi câu hỏi, người thi phải chọn câu trả lời đúng từ bốn câu trả lời có thể có. Nếu trả lời đúng ít nhất 17 câu hỏi, sẽ đỗ và được cấp chứng chỉ. Trong những năm gần đây, hơn 90% người kiểm tra, đạt kết quả.
Các khóa học nhập quốc tịch tự nguyện
Các khóa này sẽ giúp học kiến thức phục vụ thi lấy chứng chỉ. Ngoài ra còn có các tài liệu tự học có thể sử dụng để chuẩn bị cho mình. Người học cũng có thể ôn thi tại trung tâm kiểm tra trực tuyến của Văn phòng Liên bang về Di cư và Tị nạn. Thông tin có thể tìm thấy tại đường Link (bằng tiếng Đức) => Modellfragebogen (mẫu câu hỏi).
- Chú ý: Ai có giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông ở Đức Hauptschulabschluss (hoặc tương đương), cơ quan nhập quốc tịch có thể miễn kiểm tra nhập quốc tịch.
Nếu du học tốt nghiệp đại học ở Đức, cũng có thể đề nghị cơ quan nhập quốc tịch xét miễn kiểm tra nhập quốc tịch. Đối với phần lớn các ngành nghề du học đại học ở Đức đều được miễn trừ.
Ngoại lệ cho người khuyết tật, bệnh tật hoặc tuổi già
Một số người không thể học thi kiểm tra nhập quốc tịch vì bệnh tật, khuyết tật hoặc tuổi già. Nhưng điều đó không cản trở quá trình nhập quốc tịch của họ, chỉ cần trình giấy xác nhận y tế sẽ được miễn trừ.
Các quyền cơ bản và các nguyên tắc dân chủ tạo thành cốt lõi của Hiến pháp Đức Grundgesetz. Hiến pháp này bảo vệ một số nguyên tắc đặc biệt, như quyền cơ bản của con người (quyền tự do nêu quan điểm, và tự do báo chí, tự do tôn giáo, quyền bình đẳng nam, nữ), quyền tự quyết của người dân, phân chia quyền lực nhà nước, nhà nước pháp quyền và quyền đối lập trong nghị viện. Những nguyên tắc này được thiết kế để ngăn chặn sự chuyên chế.
Những nguyên tắc trên có nghĩa là các đại diện được bầu cử tự do của người dân là đại diện cho lợi ích của người dân trong quốc hội, đưa ra các quyết định chính trị và kiểm soát chính phủ.
Khi nhập quốc tịch, người đệ đơn phải cam kết thừa nhận hệ thống nhà nước tự do và dân chủ của Cộng hòa Liên bang Đức. Để chứng minh điều có, người được nhập quốc tịch phải tuyên bố tại lễ nhập quốc tịch: Thượng tôn Hiến pháp và luật pháp của Cộng hòa Liên bang Đức. Không làm tổn hại Cộng hòa Liên bang Đức.
Tại lễ trao giấy chứng nhận nhập quốc tịch, cũng phải tuyên thệ đồng ý bằng văn bản cũng như bằng lời nói.
Nếu từng có các hoạt động chống lại hiến pháp verfassungsfeindliche Tätigkeiten
Trong trường hợp đó, có thể không được nhập quốc tịch Đức. Cơ quan nhập quốc tịch sẽ trao đổi với Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Verfassungsschutz và kiểm tra, xác minh. Vì vậy, người đệ đơn nhập quốc tịch cần trao đổi trước với cơ quan nhập quốc tịch nếu thấy mình có ít nhiều liên quan, để giải trình kịp thời.
Việc nhập quốc tịch đối với người trước đây có biểu hiện chống lại hiến pháp chỉ có thể thực hiện được, nếu họ có thể chứng minh một cách đáng tin cậy với Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp và các cơ quan có thẩm quyền nhập quốc tịch rằng họ đã từ bỏ những hoạt động đó. Nếu các nhà chức trách thấy không đủ căn cứ thuyết phục, việc nhập quốc tịch sẽ bị từ chối.
Có khả năng thích nghi với đời sống xã hội Đức.
Điều đó có nghĩa là người đệ đơn sống tuân thủ luật pháp Đức, không chỉ biết các quy tắc của hệ thống luật pháp và xã hội ở Đức mà còn chấp nhận chúng. Ví dụ, nếu một người kết hôn với nhiều người cùng một lúc theo luật đạo Hồi (tức chế độ đa thê), sẽ không phù hợp với đời sống xã hội Đức.
Người đệ đơn không bị kết án về tội hình sự
Không thể nhập quốc tịch nếu đã bị kết án phạm tội hình sự ở Đức hoặc ở nước ngoài. Nếu có tiền sự hoặc đang bị điều tra hay truy tố tội hình sự thì phải báo cho cơ quan nhập quốc tịch biết. Cơ quan nhập quốc tịch sẽ đợi cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất hoặc cho đến khi tòa án ra phán quyết. Các trường hợp ngoại lệ duy nhất là chỉ bị kết án về các tội phạm nhỏ, chẳng hạn như bị áp dụng các hình phạt theo Đạo luật Xét xử Thanh niên, hay phạt tiền tối đa đến 90 ngày lao động, hoặc phạt tù đến ba tháng quản chế, được trả tự do sau khi hết thời gian thụ án. Quy định trên không áp dụng nếu hành vi phạm tội bởi các động cơ phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bài Do Thái hoặc vô nhân đạo được xác định là một phần của bản án về tội hình sự. Trong trường hợp này, việc nhập quốc tịch là không thể.
Theo quy định, trên nguyên tắc người đệ đơn phải từ bỏ quốc tịch
Khi nhập quốc tịch, người đệ đơn thường không được phép giữ quốc tịch trước đây của mình. Hoặc có thể tự động mất quốc tịch nước mình, hoặc phải từ bỏ nó một cách tự nguyện (thôi quốc tịch). Điều đó nhằm tránh người có nhiều quốc tịch.
Đôi khi việc từ bỏ quốc tịch gốc, là không thể hoặc khó khăn quá lớn, sẽ được áp dụng trường hợp ngoại lệ, tức được phép giữ quốc tịch trước đây cùng với quốc tịch Đức của mình.
Từ bỏ quốc tịch trước đây
Để từ bỏ quốc tịch trước đây của mình, cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia gốc của mình. Nhiều trường hợp, thủ tục khá phức tạp. Nhiều nước yêu cầu đệ đơn theo mẫu do luật pháp quốc gia gốc quy định. Người xin nhập quốc tịch phải gửi đơn, hồ sơ cho cơ quan chức năng nước họ, thông thường là cơ quan ngoại giao. Hãy tìm hiểu những thủ tục gì cần thiết phải làm tại cơ quan này. Cơ quan nhập quốc tịch Đức nơi nhận đơn cũng có thể cung cấp các thông tin về thủ tục từ bỏ quốc tịch. Ngoài ra các chuyên gia tư vấn và công ty luật cũng có thể hỗ trợ.
Nguyên tắc quan trọng là: Chừng nào quốc gia gốc chưa đưa ra quyết định đối với đơn xin thôi quốc tịch (đồng ý hoặc không), thì chừng đó, Đức không thể xét nhập quốc tịch.
Mất quốc tịch quốc gia gốc
Một số nước coi những công dân của họ nhập quốc tịch ở một quốc gia khác tự động mất quốc tịch gốc. Ai thuộc công dân những nước này không phải làm thủ tục thôi quốc tịch. Cũng có thể xảy ra trường hợp, cơ quan nhập quốc tịch có thể yêu cầu cung cấp giấy xác nhận đã mất quốc tịch gốc.
Sau đây là những hướng dẫn cần thiết:
- Trình bày với cơ quan nhập quốc tịch Đức, nếu thấy rằng xin thôi quốc tịch là không thể.
- Phải thực hiện đầy đủ các các bước xin thôi quốc tịch theo quy định của quốc gia gốc, để chứng minh rằng xin thôi quốc tịch là không thể do từ phía quốc gia gốc.
- Nếu có lịch hẹn tại cơ quan đại diện của quốc gia gốc ở Đức để xin thôi quốc tịch, nên đi cùng với một người để làm nhân chứng khi bị từ chối không có văn bản.
- Đơn từ gửi qua bưu điện đến cơ quan đại diện quốc gia mình ở nước ngoài tại Đức, hoặc trong nước phải được gửi dưới dạng bảo đảm có biên nhận.
- Bằng các cách trên có thể chứng minh rằng đã làm mọi cách có thể để thôi quốc tịch Đức nhưng thất bại.
- Hãy chú ý làm theo các hướng dẫn từ cơ quan nhập quốc tịch về thủ tục thôi quốc tịch gốc.
Hãy kịp thời tới cơ quan nhập quốc tịch hoặ cơ quan tư vấn nhập cư để được tư vấn, cần phải làm gì tiếp.
Đức Việt Online
Đức: Kế hoạch chuẩn bị xung đột với Nga; Olaf Scholz tiếp tục được đảng SPD đề cử ứng viên Thủ tướng
Đức: Trận cuồng phong với ngành ô tô; Lo sợ khủng bố ở chợ Giáng sinh; Đề xuất đưa Patriot tới Ba Lan
Đức: Hồi ký Merkel gây sốt; Buộc tội 4 nghi phạm thiết lập các kho vũ khí cho Hamas; Biến ga tàu điện ngầm thành hầm trú bom
Đức: 200.000 người nguy cơ mất việc vì điện khí hóa; Tăng viện trợ UAV cho Kiev; Bất ngờ đe dọa Trung Quốc
Đức: Bà Merkel & kinh nghiệm làm việc với Trump; Sức tàn phá của phong trào Trump
Đức: Kinh tế tăng trưởng thấp; Xem xét thi hành lệnh bắt Thủ tướng Israel; Vì sao bà Merkel lo ngại bộ đôi Trump-Musk
Đức: Thủ tướng tái khởi động chiến dịch tranh cử; Rót 2 tỷ Euro cho ngành bán dẫn; Hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm
Đức: Nóng ThyssenKrupp cắt giảm trên chục ngàn lao động; Merkel bình luận về Putin, Trump & Ukraine; Bài toán khó cho Chính phủ tiếp theo
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá