Hướng dẫn thủ tục: Đón sinh viên trong nước sang Đức lao động hè

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Lao động hè do Trung tâm môi giới lao động nước ngoài (ZAV), trực thuộc Cơ quan quản lý lao động Liên bang (Bundesagentur für Arbeit) tổ chức. Chỉ khi nhận được giấy phép lao động có kí tên đóng dấu của ZAV, sinh viên nước ngoài mới được phép sang Đức lao động hè, ngoại trừ công dân các nước EU và các nước có hiệp định riêng với Đức.

Điều kiện

Có kinh nghiệm làm việc, trình độ tiếng Đức khá, giỏi, thời gian làm việc tối thiểu 2 tháng, tại bất cứ đâu trên nước Đức. Không được đòi hỏi nơi làm việc, hay cho một chủ thuê việc nhất định. Hiện nay, ZAV có nhiều cơ quan đối tác trên khắp thế giới. Có thể đến cơ quan này tại đất nước sở tại để lấy hồ sơ xin việc. Tại Việt Nam chưa có đối tác của ZAV, nên sinh viên phải trực tiêp liên hệ với ZAV tại Đức hay tải hồ sơ từ trên mạng xuống.

Hồ sơ xin việc:

- 2 mẫu đơn đăng kí;

- Giấy chứng nhận ngoại ngữ Đức;

- 2 ảnh chụp mới nhất;

- Giấy phô tô bằng lái xe (nếu có);

- Giấy nhập học (Immatrikulationsbescheinigung) bản gốc, được trường đại học cấp, có đóng dấu, kí tên kèm theo ngày cấp. Hồ sơ phải dùng kí tự la tinh, bao gồm các thông tin sau: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, ngành học, thời gian bắt đầu nhập học và thời gian kết thúc dự kiến. Ngoài ra, trên giấy nhập học bản gốc do nhà trường cấp phải ghi rõ thời gian nghỉ học kì, từ ngày/ tháng/ năm nào đến ngày/ tháng/ năm nào. Trong giấy cũng phải ghi rõ, liệu sinh viên có tiếp tục học tiếp sau thời gian nghỉ học kì chính thức hay không.

Lưu ý

ZAV chỉ chấp nhận tài liệu gốc viết bằng tiếng Đức hay tiếng Anh. Đối với giấy viết bằng các ngôn ngữ khác, cần nộp bản gốc kèm theo bản dịch. Tốt nhất, nên in mẫu Immatrikulationsbescheinigung có sẵn của ZAV, và mang đến trường Đại học điền, kí tên, đóng dấu. Có thể yêu cầu ZAV gửi mẫu Immatrikulationsbescheinigung song ngữ các thứ tiếng sau: Đức/ Bosnia, Đức/ Kroatia, Đức/ Rumany, Đức/ Nga, Đức/ Phần Lan, Đức/ Slovakai, Đức/ Tiệp, Đức/ Hungary. Cũng có thể lấy các mẫu in sẵn trên trang web www.zav.de > Arbeitsmarktzulassung > Informationen für Arbeitnehmer > Studierende/ Ferienbeschäftigung. ZAV không chấp nhận bản phô tô (đen trắng hay màu), tài liệu scan, giấy không có chữ kí lẫn con dấu của trường Đại học, giấy có con dấu scan hay phô tô của trường, giấy có sự thay đổi ngày cấp mà không có chữ kí xác minh của trường hay giấy có dấu vết bị tẩy xóa. Nên xin cấp 2 giấy Immatrikulationsbescheinigung vì một giấy phải nộp cho cơ quan môi giới, một giấy nộp cho chủ lao động. Chỉ những hồ sơ đầy đủ giấy tờ mới được chấp nhận. Hồ sơ không đầy đủ, không có bản gốc hay nộp không đúng kì hạn sẽ không được xét duyệt. Kì hạn nộp hồ sơ dành cho sinh viên đến từ các quốc gia không có trụ sở của ZAV là 15.2 hàng năm (ngày hồ sơ đến ZAV, không phải ngày gửi hồ sơ). Tại các quốc gia khác, kì hạn nộp hồ sơ sẽ được các trụ sở của ZAV tại nước đó quy định. ZAV không đảm bảo mọi sinh viên nộp hồ sơ đều nhận được việc. Sớm nhất là cuối tháng 4 hàng năm có thể biết được kết quả. Nên cung cấp địa chỉ Email thường sử dụng để tiện việc thông báo. Vì lý do bảo vệ dữ liệu nên mọi thông tin về hồ sơ, kết quả xin việc sẽ không được cung cấp cho người thứ 3. Sinh viên chỉ được nhận việc làm hè khi thông qua môi giới của ZAV và không được tự tìm chủ lao động cũng như nơi làm việc.

Chủ lao động muốn tuyển người phải đăng kí thông qua ZAV. ZAV sẽ thông báo cho sinh viên, khi ZAV tìm được nơi làm việc thích hợp. Không cần nộp hồ sơ đăng kí tại ZAV hay một tổ chức đối tác, nếu sinh viên hội tụ đủ điều kiện đi làm và được một nơi làm việc tại Đức tuyển dụng. Khi đó, chủ lao động tại Đức phải trực tiếp đến ZAV và yêu cầu cụ thể tên người họ muốn nhận. Có nghĩa, chủ lao động đến ZAV đăng kí xin tuyển sinh viên làm việc trong kì nghỉ học kì và thông báo tên sinh viên mà họ đã biết và muốn tuyển dụng. ZAV sẽ làm việc với chủ lao động và cung cấp mọi đơn từ cần thiết. Nếu sinh viên đã nộp hồ sơ đăng kí xin việc thông qua ZAV, chủ lao động không được phép yêu cầu tuyển dụng cụ thể sinh viên đó. Nếu nhận được một công việc trong kì nghỉ, sinh viên cần sớm quyết định có nhận công việc đó hay không. Nếu từ chối công việc đó, chỉ nhận được công việc khác, khi những sinh viên đệ đơn còn lại đều đã nhận được việc làm. Khi không nhận được liên lạc từ chủ lao động, hãy chủ động liên lạc với họ để hỏi rõ thông tin về công việc, tiền lương, chỗ ở, ăn uống, đi lại.

Những công việc trong kì nghỉ

Chủ yếu tại những nơi nghỉ mát nổi tiếng, như bờ duyên hải Đức, ở bang Bayern hay Baden-Württemberg (Schwarzwald, Bodensee). Đa số các công việc hè Ferienbeschäftigung đều thuộc lĩnh vực khách sạn, ăn uống, nông nghiệp hay vệ sinh các toà nhà. Các công việc trên đền đòi hỏi trình độ tiếng Đức khá, và sẽ có lợi thế hơn nếu có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Điều kiện làm việc

Mục đích chủ yếu của Ferienbeschäftigung là giúp sinh viên kiếm tiền. Do đó, sinh viên cần dốc sức giúp chủ lao động làm những công việc phụ, đôi khi có phần nặng nhọc trong mùa nghỉ mát. Cần thông báo cho ZAV biết, nếu có vấn đề về sức khoẻ để được lưu tâm hơn. Làm thêm giờ và làm việc vào cuối tuần hay ngày lễ (tất cả đều được trả lương) là điều khó tránh khỏi. Thông thường, ngày nghỉ sẽ không rơi vào cuối tuần và thời gian làm việc là 6 ngày một tuần. Trong trường hợp thời tiết xấu hay doanh nghiệp khó khăn, có thể được làm ít hơn số giờ mong muốn. Vì vậy, cần hết sức linh hoạt trong vấn đề thời gian. Nên hỏi chủ lao động xem có cần thiết mang theo quần áo lao động không. Nên kí kết với chủ lao động một hợp đồng lao động bằng văn bản, chậm nhất trước khi bắt tay vào công việc. Trong hợp đồng cần ghi rõ những điểm mấu chốt như số giờ làm bình quân, tiền lương, thời hạn làm việc.

Tiền lương

Lương và điều kiện làm việc đều phải đáp ứng quy định chung về mức lương tại nơi đó. Sinh viên nước ngoài phải được trả mức lương ngang bằng với người Đức cho cùng một công việc. Thông thường, tiền lương được thanh toán vào cuối tháng. Vì vậy, cần mang theo đủ tiền để chi trả việc ăn, ở cho mấy tuần đầu tiên.

Thủ tục trước và sau khi sang Đức

Trước khi sang Đức, cần kí kết bảo hiểm sức khoẻ tại Đức. Nộp hồ sơ xin thị thực tại cơ quan đại điện Đức. Ngoài hộ chiếu có hiệu lực và giấy giới thiệu việc làm của ZAV, cần nộp thêm một số giấy tờ khác. Liên hệ với cơ quan lãnh sự Đức để biết thêm chi tiết. Trong vòng 8 ngày kể từ khi đặt chân tới Đức, cần đến ủy ban điạ phương đăng ký hộ khẩu. Trong nhiều trường hợp, thủ tục trên được chủ lao động giải quyết giùm.

Các khoản chi phí:

Học sinh phải tự chịu chi phí đi lại. Tiền nhà tháng đầu tiên phải được trả ngay khi nhận nhà. Trong nhiều trường hợp (chẳng hạn như trong lĩnh vực nông nghiệp, ăn uống), chủ lao động cho thuê nơi ở, hay có thể giúp tìm nơi ở. Đối với một số lĩnh vực lao động cần chứng chỉ y tế, phải đến cơ quan kiểm tra y tế xin chứng chỉ trước khi nhận việc, và phải tự chịu chi phí.

Bảo hiểm

Khi tới Đức cần đặt vấn đề với chủ lao động về bảo hiểm y tế. Ngoài ra, phải kí bảo hiểm hưu trí, nếu thời gian làm việc tại Đức qúa 2 tháng. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể liên hệ với chủ lao động hay các quỹ bảo hiểm hưu trí để biết thêm thông tin chi tiết. Nhiều chủ lao động chỉ tuyển dụng khi có bảo hiểm tai nạn. Do đó, khi nhận được giấy giới thiệu việc làm, cần hỏi thêm chủ lao động về bảo hiểm tai nạn cộng bảo hiểm sức khoẻ.

Thuế

Cần liên lạc với chủ lao động cũng như Sở tài chính để biết rõ, liệu công việc của mình có phải đóng thuế hay không.

Địa chỉ liên hệ tại Đức

Bundesagentur für Arbeit (BA), Zentrale Auslands- und Fachvermittlung (ZAV), Team 321 - Ferienbeschảftigung, 53107 Bonn, điện thoại: +49 (0)228/ 713 1330, Fax: +49 (0)228/ 7132701525, Email: zav-bonn.ferienbeschaeftigung@arbeitsagentur.de, Web: www.zav.de.

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang