Giá vé bay 30/4 tăng nóng; Chôn lấp 600 tấn chất thải; Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn; 'Cò đất' công khai bán dự án NƠXH

Giá vé bay dịp lễ 30/4 tăng nóng, có chặng vọt lên hơn 13 triệu đồng

Nhu cầu đi chơi dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới tăng cao khiến giá vé máy bay cũng tăng nóng từng ngày. Có chặng giá cao chót vót lên tới hơn 13,2 triệu đồng/vé.

Theo khảo sát trên trang bán vé của các hãng bay trong nước ngày 24/3, giá vé máy bay một số chặng từ Hà Nội và TP.HCM đến các điểm du lịch nổi tiếng trong nước đang tăng từng ngày, trở nên đắt đỏ. Chưa kể, một số chặng bay đã hết sạch chỗ giờ đẹp.

Cụ thể, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, theo quy định, kéo dài 5 ngày từ 29/4 đến hết 3/5. Do đó, giá vé máy bay bắt đầu tăng mạnh từ ngày 28/4.

Điển hình như từ Hà Nội/TP.HCM đi Đà Nẵng tại Vietjet Air ngày 28/4 chưa căng thẳng, nhưng sang ngày 29/4, các chuyến bay từ sáng đến 18h cùng ngày đã hết sạch chỗ. Vietnam Airlines cũng hết chỗ trên một số chuyến bay buổi sáng.

Bamboo Airways còn chuyến sớm bay 5h sáng là giá mềm, còn chiều về 3/5 cũng hết nhẵn chỗ trên các chuyến giờ đẹp.

Giá vé máy bay chặng này dao động trong khoảng 4,8-5,2 triệu đồng/vé khứ hồi/người (đã bao gồm thuế, phí), không chênh nhau nhiều giữa các hãng. Mức giá trên đắt ngang ngửa giá vé dịp Tết.

So với cách đây khoảng chục ngày, giá đã tăng 600.000-800.000 đồng/vé.

Một trong những điểm đến khác được nhiều du khách lựa chọn là Nha Trang (Khánh Hòa), song giá vé bay trung bình từ Hà Nội đi Nha Trang khoảng trên dưới 6 triệu đồng/vé. Đặc biệt, giá vé chiều về ngày 3/5 một số chuyến của Bamboo Airways đã hết nhẵn.

Giá vé đắt nhất vẫn là các chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc, khi trung bình lên tới 7,5-8 triệu đồng/vé khứ hồi. Thậm chí, chiều đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines đang hiển thị giá vé hạng thương gia lên tới 13,2 triệu đồng, đắt hơn cả đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2023 khi vé từ TP.HCM ra Hà Nội trên 10 triệu đồng/chặng.

Như vậy, giá vé máy bay đang cao chót vót, tăng tới vài triệu đồng so với ngày thường.

Chính vì giá vé quá đắt, cộng với tâm lý ngại đi du lịch đông đúc nên tuy 30/4-1/5 là kỳ nghỉ khá dài, nhiều du khách lại có sự lựa chọn khác. Thay vì đi chơi đúng dịp lễ, nhiều người lại chọn đi trước, hoặc sau dịp này. Hoặc khách chọn đi du lịch nước ngoài, khi giá tour hợp lý và đang là xu hướng ‘hot’ bởi sau Covid-19, mọi người muốn khám phá các quốc gia khác sau thời gian dài chỉ loanh quanh đi chơi trong nước.

Là người quyết định những chuyến đi du lịch hàng năm, chị Nguyễn Đức Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội), vừa đặt mua vé đi Phú Quốc cho cả nhà vào thứ Hai, tuần trước dịp lễ 30/4-1/5. Chị cho hay, giá vé máy bay khứ hồi chỉ khoảng 3 triệu đồng/người, chỉ bằng một nửa so với đi vào chính lễ. Phòng khách sạn cũng rẻ và dễ đặt. Tính ra, tổng chi phí vé máy bay và phòng khách sạn, chị tiết kiệm được một khoản đáng kể.

“Tôi xin nghỉ học cho con vì chưa đến kỳ thi học kỳ II, còn mình thì cắt phép nghỉ 3 ngày làm việc. Riêng chồng tôi làm ngoài nên cũng dễ thu xếp, có thể làm online”, chị nói.

Còn gia đình chị Thu ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) lại chọn đi Thái Lan, tour 5 ngày 4 đêm, mùng 3/5 mới xuất phát đến Chủ nhật về tới Hà Nội. Nhờ đó, giá tour cũng khá hợp lý, lại tránh được đông đúc và cậu con trai lớp 5 nhà chị cũng chỉ mất 3 buổi học.

Ông Phạm Vũ Bảo, Giám đốc ViBooking.vn, công ty chuyên đặt vé máy bay, nhận xét, về mặt bằng chung, giá vé máy bay năm nay cao hơn cùng thời điểm năm 2022 khoảng 10-20%, tùy chặng. Chênh lệch giá vé giữa dịp lễ 30/4-1/5 và những ngày thấp điểm vì thể cũng rộng hơn.

Theo ông Bảo, lý do là bởi năm nay, đường bay quốc tế mở lại nhiều nên các hàng không trong nước phân bổ nguồn lực bay quốc tế và còn nghe ngóng lượng khách nội địa nên chưa tăng chuyến dịp lễ 30/4-1/5. Chưa kể, sau sự bùng nổ của du lịch nội địa năm ngoái, năm nay kinh tế khó khăn, khách thắt chặt chi tiêu nên số lượng khó có thể đông đúc như kỳ nghỉ lễ này năm 2019.

Hơn nữa, các hãng bay cũng không có nhu cầu giảm giá vì trong giai đoạn khó khăn về tài chính, giá xăng tăng, họ phải giữ giá để duy trì hoạt động, nếu có giảm giá thì kể cả khi nhu cầu tăng nhưng tổng doanh thu cũng không tăng.

(Nguồn: Báo Mới)

Chôn lấp 600 tấn chất thải, chủ cơ sở thủy sản bị bắt giam

Sau khi đào khai thác đất sét, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Bình Dương đã cho đổ 600 tấn chất thải trái phép rồi san lấp để che giấu.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương chiều nay (24/3) cho biết, đơn vị này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Tô Văn Hải (SN 1970, ngụ Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản Thăng Tiến ở huyện Phú Giáo) để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Theo cơ quan công an, trước đó ông Hải mua lại hai khu đất có diện tích khoảng 25.000m2 ở huyện Phú Giáo rồi xin giấy phép khai thác đất san lấp, đất sét gạch đứng tên Cơ sở nuôi trồng thủy sản Thăng Tiến.

Khi khai thác đến độ sâu khoảng 7m, ông Hải gia cố và san lấp để làm ao nuôi cá. Tuy nhiên, do lượng đất để san lấp nhiều nên từ tháng 2-3/2022, ông Hải cho một số người đổ chất thải rắn để tiết kiệm chi phí mua vật liệu san lấp.

Để che giấu hành vi này, ông Hải lấy đất còn dư khi khai thác và mua thêm đất đổ lên. Cơ quan điều tra xác định tổng khối lượng chất thải ông Hải đã đổ xuống là khoảng 600 tấn.

Ngày 7/12/2022, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án. Đến ngày 21/3, tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hải.

(Nguồn: Vietnamnet)

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Làn sóng doanh nghiệp xuất khẩu quay về "sân nhà" ngày càng mạnh, trong khi doanh nghiệp nước ngoài cũng tìm cách đẩy mạnh, đưa hàng vào Việt Nam

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (thương hiệu VIETCOCO) mới đây đã mời các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Big C, MM Mega Market, sàn thương mại điện tử Tiki khảo sát nhà máy tại Bến Tre để trực tiếp giới thiệu sản phẩm, quy mô sản xuất. Ông Cù Văn Thành, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty, cho biết buổi làm việc và khảo sát tại nhà máy là cơ hội để VIETCOCO kết nối chặt hơn với các hệ thống phân phối cũng như tìm cơ hội thêm hàng vào siêu thị.

Cấp tập chào hàng

Lương Quới là một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn nhất Việt Nam, đã bán hàng trên 50 thị trường, giá trị xuất khẩu trung bình 60 triệu USD/năm. "Sau dịch COVID-19, công ty bắt đầu chinh phục thị trường "sân nhà" 100 triệu dân. Mấy năm qua, chúng tôi chi vài chục tỉ đồng mỗi năm để đầu tư xây dựng mạng lưới nhà phân phối, đội ngũ nhân viên bán hàng từ Bắc đến Nam, đầu tư mảng thương mại điện tử…" - ông Thành thông tin. Tín hiệu vui là đến nay, mảng kinh doanh nội địa của công ty đã có tiến triển khả quan. Trong 2 tháng đầu năm 2023, doanh số bán hàng trong nước đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng tại Bến Tre, Green Powers - thương hiệu xuất khẩu các loại trái cây chủ lực của xứ dừa - đang phát triển thêm thị trường trong nước. Bà Lý Thị Ngọc Minh, Giám đốc công ty, cho biết đang xúc tiến hợp đồng cung cấp hàng cho hệ thống MM Mega Market. Trước đó, Green Powers cung cấp bưởi cho hệ thống Winmart, Winmart+ và bán hàng qua sàn thương mại điện tử. "Lâu nay, công ty tập trung xuất khẩu, giờ mong muốn bán trái cây ngon, chuẩn xuất khẩu cho thị trường nội địa" - bà Ngọc Minh bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), làn sóng DN xuất khẩu quay về "sân nhà" ngày càng mạnh mẽ, nhất là sau dịch COVID-19. Thời gian qua, Saigon Co.op nhận được rất nhiều đơn chào hàng của các DN dạng này. Nhiều mặt hàng trước đây chỉ dành cho xuất khẩu đang được các DN chào bán nội địa với giá rất cạnh tranh.

Không những vậy, các DN nước ngoài cũng dành sự quan tâm lớn đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2023, Saigon Co.op đã tiếp 14 đơn vị là đại diện hiệp hội, DN Nga và các nước Đông Âu đến tìm hiểu thủ tục hợp tác, phân phối hàng của nước họ.

Tương tự, MM Mega Market Việt Nam đang phối hợp với ít nhất 10 thương vụ nước ngoài để giới thiệu sản phẩm trong chương trình Taste of Country. Theo đó, đều đặn mỗi tháng, hệ thống siêu thị này cùng với lãnh sự và tham tán thương mại một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tổ chức sự kiện giới thiệu hàng hóa, kèm theo đó là trình diễn cách chế biến các món ngon từ nguyên liệu, gia vị nhập khẩu của thị trường đó.

Thông qua sự kiện, doanh thu bán hàng của nhóm sản phẩm được giới thiệu thường tăng trưởng 2 con số. Mới đây nhất, Taste of Korea (Mỹ vị Hàn Quốc) đã mở đầu cho chương trình Taste of Country năm 2023. "Sự kiện Taste of Country năm qua đã rất thành công cả về khách hàng hộ gia đình và khách hàng DN. Năm nay sẽ có ít nhất 10 chương trình Taste of Country được tổ chức" - ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, thông tin.

Phải hành động ngay

Theo các DN bán lẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế khó khăn, giá cả một số mặt hàng tiếp tục tăng khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Trong khi đầu ra bị bó hẹp, lãi suất ngân hàng, chi phí chưa thể cắt giảm, DN còn chịu thêm sức ép cạnh tranh từ những đối thủ mới.

"Thị trường Trung Quốc mở cửa lại, các DN phân phối hàng Trung Quốc chào bán sản phẩm gấp đôi, gấp ba lần trước đây cho các hệ thống bán lẻ. Trong nước, xu hướng tiêu dùng chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu, giảm tiêu thụ hàng xa xỉ cùng sự dịch chuyển giảm thị phần bán lẻ hiện đại từ năm 2022 đến nay, xu hướng các DN lớn khởi động lại sản xuất "xanh" cũng là những vấn đề DN sản xuất trong nước cần lưu tâm" - ông Nguyễn Anh Đức nói.

Lãnh đạo Saigon Co.op khuyến nghị các DN sản xuất trong nước cần chuẩn bị cho làn sóng cạnh tranh mới, đặc biệt trong bối cảnh DN Trung Quốc có chi phí cơ hội thấp hơn các DN Việt. "DN cần cân nhắc chọn phân khúc, kênh phân phối để có sự ủng hộ toàn diện hơn trong thời gian tới" - Tổng Giám đốc Saigon Co.op gợi ý.

Đại diện hệ thống bán lẻ Nhật Bản - ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc Công ty Aeon Việt Nam cho rằng các nhà cung cấp và sản xuất Việt Nam phải thay đổi cách làm, học hỏi thêm để tăng năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Ví dụ, những DN may mặc, thời trang nhanh đang gặp vấn đề ở thị trường xuất khẩu, thay vì bỏ chi phí lớn đầu tư phát triển kinh doanh trong nước thì có thể hợp tác với Aeon để trở thành nhà gia công.

"Chúng tôi muốn đẩy mạnh hàng nhãn riêng sản xuất tại Việt Nam. Hiện hàng nhãn riêng còn chiếm tỉ trọng khiêm tốn, khoảng 1%-2% doanh thu của Aeon Việt Nam. Mục tiêu trong tương lai gần là 10% trong tổng doanh thu" - ông Furusawa Yasuyuki thông tin.

Tiêu thụ hàng ở trong nước khó hơn xuất khẩu!

Theo các DN, làm ăn ở thị trường trong nước khó hơn xuất khẩu. "Làm ra sản phẩm đã khó, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa càng khó hơn do phải đầu tư lớn cho mạng lưới, con người... để tiếp thị, bán sản phẩm đến người tiêu dùng. Cũng vì chi phí cao nên nhiều DN ngán ngại. Tuy nhiên, DN phải xác định quay về nội địa là chuyện cần làm, những khoản lỗ ban đầu là khoản đầu tư để thu lợi về sau" - ông Cù Văn Thành chia sẻ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng DN quay về nội địa, dù sản phẩm chất lượng tốt nhưng chưa được người tiêu dùng biết đến nên bắt buộc thời gian đầu phải khuyến mãi, giảm giá, thậm chí chấp nhận giá bán thấp hơn hàng hóa cùng chủng loại nhập khẩu. "DN muốn chiếm lĩnh thị trường phải có chiến lược bài bản, phải dành kinh phí để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và đồng hành với nhà phân phối nhằm hỗ trợ nhau phát triển" - một chuyên gia kinh tế nói.

(Nguồn: Người Lao Động)

'Cò đất' công khai chào bán dự án nhà ở xã hội ở Hạ Long

Dự án nhà ở xã hội tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư 1.300 tỉ đồng dù chưa đủ điều kiện mở bán nhưng đang được "cò đất" chào hàng kèm hứa hẹn ai cũng dễ dàng mua được căn hộ.

Đặt cọc lấy chỗ với giá 20 triệu đồng

Theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian gần đây, dự án nhà ở xã hội tại khu vực Đồi ngân hàng thuộc địa bàn các phường Hồng Hải, Cao Thắng (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) đang được giới "cò đất" tạo sóng, với mức giá chào mua 16 - 17 triệu đồng/m2.

Điều đáng nói, dự án mới đang trong quá trình thi công phần móng, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép mở bán, cũng như tiếp nhận hồ sơ.

Với vị trí đắc địa, giá rao phải chăng, dự án này đang trở thành miếng mồi béo bở cho giới "cò đất" tạo cơn sốt ảo và quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Để xác minh sự viện, một ngày cuối tháng 3, chúng tôi gọi điện vào số điện thoại 0971.323.xxx thì gặp người phụ nữ xưng tên Nguyễn Thu T. có sàn giao dịch tại Hà Nội.

Theo chị T., hiện nay, đơn vị này bắt đầu tiếp nhận tư vấn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại TP.Hạ Long nói trên. Sau khi hỏi về nhân thân của khách hàng, chị T. cho biết với việc chứng minh thu nhập 15 triệu đồng hàng tháng, khách chỉ cần đặt cọc thiện chí 20 triệu đồng là chị có thể lo thủ tục để mua được một căn.

"Trước mắt, khách hàng đặt cọc 20 triệu đồng, còn trúng căn nào thì phải đợi đến ngày bốc thăm. Việc thu tiền có phiếu thu nếu khách hàng không mua được, sàn giao dịch sẽ hoàn trả lại tiền", nhân viên Nguyễn Thu T. nói.

Tương tự như vậy, khi PV liên hệ với một cò đất khác người này còn ra giá ban đầu cho một căn hộ 65 m2 với giá khởi điểm hơn 300 triệu đồng. Khi nộp đủ số tiền nói trên khách hàng chắc chắn sẽ sở hữu 1 căn hộ đẹp, 2 phòng ngủ.

Một nhân viên môi giới xưng tên Đ.H cho biết: "Khách hàng có thiện chí chỉ đặt cọc 100 triệu đồng là sẽ được hỗ trợ làm thủ tục tách khẩu, năng lực thu nhập cũng như khả năng duyệt hồ sơ ở mức 90%".

Dự án chưa đủ điều kiện bán

Trước thông tin về việc "cò đất" tạo sóng làm nhiễu loạn thị trường, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh và đơn vị này khẳng định, đến thời điểm này dự án nhà ở xã hội khu dân cư Đồi ngân hàng chưa đủ điều kiện để mở bán.

"Những thông tin chào bán hiện nay trên các phương tiện thông tin là không chuẩn xác. Người dân phải cảnh giác để tránh tiền mất tật mang. Việc mua nhà ở xã hội phải do hội đồng phê duyệt với nhiều điều kiện, tiêu chí chính xác, minh bạch", vị này khẳng định

Đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được triển khai tại tỉnh Quảng Ninh được xây dựng trên diện tích 25.900m2, trong đó diện tích xây dựng trên 7.400m2, đất cây xanh trên 5.000m2, đất hạ tầng kỹ thuật trên 13.300m2; quy mô dân số dự kiến khoảng 3.880 người.

Theo quy hoạch dự án sẽ có 3 tòa nhà chung cư, với tổng số 986 căn hộ, trong đó có 2 tòa nhà 19 tầng nổi, 1 tầng lửng, 1 tầng kỹ thuật; 1 tòa nhà 17 tầng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng bán hầm.

Đại diện TP.Hạ Long cho biết, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất. Thời gian thi công dự án dự kiến từ quý 1/2023 đến quý 4/2025, hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng ở quý 1/2026.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang