Đức: Trung tâm thương mại lớn nhất phá sản; Nền kinh tế một lần nữa lại bị xem là “kẻ ốm yếu của châu Âu”; Ngọn núi muối kỳ lạ thu hút du khách

Trung tâm thương mại lớn nhất Liên bang phá sản

Theo truyền thông, tập đoàn siêu thị KaDeWe Group ở Berlin và hai trung tâm mua sắm cao cấp khác ở Hamburg và München đã nộp đơn xin phá sản.

Lịch sử KaDeWe Berlin

Có tuổi đời 116 năm, là một trung tâm mua sắm mang tính biểu tượng của cảnh quan kiến trúc và thương mại ở thủ đô Berlin. Trung tâm mua sắm này có diện tích bán lẻ hơn 66.000 mét vuông và bán các thương hiệu bao gồm Yves Saint Laurent, Prada, Boss, Lacoste, Chloé và Ralph Lauren. KaDeWe Berlin từng được coi là lớn nhất ở châu Âu và là một trong năm trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới.

Giá thuê quá cao

KaDeWe Group cho biết, mặc dù các trung tâm mua sắm vẫn hoạt động ổn định, song họ buộc phải tái cơ cấu do chi phí thuê quá cao, khiến không thể hoạt động có lãi.

Doanh thu của tập đoàn trong năm tài chính 2022-2023 đạt 728 triệu euro, cao nhất trong lịch sử và tăng hơn 25% so với trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá thuê trong cùng thời gian đã tăng vọt gần 37%. Giám đốc điều hành Michael Peterseim cho biết: Điều này có nghĩa tập đoàn rõ ràng có lợi nhuận “khi chưa tính chi phí thuê nhà”, nhưng chắc chắn không có lãi “sau khi thanh toán tiền thuê nhà. Doanh nghiệp sẽ có tương lai vững chắc với giá thuê bình thường.

Tập đoàn KaDeWe thuộc 50,1% sở hữu của tập đoàn Central Thái Lan và 49,9% thuộc sở hữu của Signa Retail - một đế chế bất động sản có trụ sở tại Áo, vốn đã tuyên bố vỡ nợ vào năm ngoái, với lý do “áp lực kinh tế nghiêm trọng” từ việc tăng lãi suất ở châu Âu.

Signa cũng sở hữu các tòa nhà của tập đoàn KaDeWe và được các trung tâm mua sắm thuê lại. Bloomberg đưa tin, tập đoàn Central không thể đạt được thỏa thuận về tiền thuê cửa hàng với Signa. Tuy nhiên, Central cho biết “vẫn cam kết cung cấp hỗ trợ đầy đủ cho KaDeWe và các cửa hàng sang trọng khác ở châu Âu”.

Theo thông báo của ban quản lý KaDeWe, mặc dù doanh nghiệp sẽ tiến hành tái cơ cấu nhưng các trung tâm mua sắm vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, toàn bộ KaDeWe Berlin đã ngừng bán và đóng cửa, kèm theo các biển thông báo “tạm thời” đóng cửa vì lý do kỹ thuật.

Nền kinh tế một lần nữa lại bị xem là “kẻ ốm yếu của châu Âu”

Đây là lần thứ hai trong 1/4 thế kỷ trở lại đây, nền kinh tế Đức bị gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu”...

Hai năm 2022-2023 đầy khó khăn

Và được dự báo tiếp tục đối mặt thử thách trong năm 2024. Số liệu thống kê công bố vào tuần trước cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Đức giảm 0,3% trong quý 4/2023 so với quý trước đó. Cả năm, nền kinh tế lớn nhất châu Âu giảm 0,3%, đánh dấu năm suy thoái thứ hai liên tiếp đầu tiên kể từ đầu thập niên 2000. Lãi suất cao, lạm phát cao, và xuất khẩu suy yếu được xem là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức tụt dốc.

Nhiều yếu tố khác cũng đặt kinh tế Đức vào thế bất lợi trong năm qua, bao gồm các cuộc đình công của công nhân ngành đường sắt và biểu tình của nông dân; ngân hàng lớn nhất Đức Deutsche Bank sa thải hàng nghìn nhân viên… Nhìn trong dài hạn hơn, cơ sở hạ tầng của Đức cần nâng cấp, trong khi các chính đảng thuộc phái cực hữu hoặc cực tả của nước này đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn của cử tri.

Đây là lần thứ hai trong 1/4 thế kỷ trở lại đây, Đức bị gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu” - theo Guardian. Tuy nhiên, nền kinh tế Đức về cơ bản gần như đi ngang chứ không tới mức suy sụp, và cũng không xảy ra tình trạng siêu lạm phát như hồi năm 1923 hay thất nghiệp hàng loạt như đầu thập niên 1930.

Dù vậy, liên minh cầm quyền do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu vẫn đang phải trải qua các thử thách nối tiếp nhau. Cuối năm ngoái, toà án hiến pháp của Đức bác bỏ một kế hoạch dùng tiền quỹ khẩn cấp còn lại từ thời đại dịch Covid-19 để tiêu vào chương trình dịch chuyển năng lượng nhằm đạt tới phát thải carbon ròng bằng 0. Phán quyết này của toà dẫn tới một lỗ hổng ngân sách 60 tỷ euro mà Chính phủ Đức phải lấp đầy bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được lòng cử tri. Và cũng giống như ở nhiều quốc gia châu Âu khác, người nhập cư là một chủ đề chính trị gây nhiều tranh cãi ở Đức.

Điểm mạnh

Lần gần đây nhất Đức bị gọi là “kẻ ốm yếu của châu Âu”, nhưng không bị kéo dài. Nước này đã nhanh chóng giải quyết được các vấn đề và khẳng định lại vị trí cường quốc kinh tế châu Âu. Nền sản xuất hùng mạnh của Đức giúp nước này hưởng lợi từ vai trò nhà cung cấp cho Trung Quốc trong thời kỳ phát triển bùng nổ của thị trường tỷ dân. Việc Đức gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu ở mức tỷ giá hối đoái cạnh tranh và việc nước này có được nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga đã thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp Đức và mang tới cho nước này thặng dư thương mại khổng lồ.

Khi chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ, các nước Nam Âu đã nhận được những “bài giảng” về tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ nền tài chính công từ các chính trị gia ở Berlin. Thông điệp rõ ràng của Đức gửi tới Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha và Hy Lạp là họ nên học theo Đức, chi tiêu có kỷ luật và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, Đức vẫn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhưng lại là một trong những nền kinh tế đuối sức nhất khu vực. Với kết quả tăng trưởng âm của Đức trong quý 4/2023, kinh tế eurozone lẽ ra đã rơi vào một cuộc suy thoái nếu không có kết quả tăng trưởng tốt hơn dự báo của Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha.

Giờ đây trở thành điểm yếu

Giáo sư kinh tế Peter Bofinger của Đại học Wurzburg cho rằng nền kinh tế Đức có những vấn đề cơ cấu, và những gì từng được coi là sức mạnh của mô hình kinh doanh Đức giờ đây đã trở thành những điểm yếu của nước này. Đức có mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu lớn hơn so với các quốc gia phát triển khác, hoạt động sản xuất công nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế Đức, và ngành sản xuất ô tô của nước này đã trở nên phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và chậm thích nghi với sự gia tăng của nhu cầu ô tô điện. Theo ông Bofinger, nền kinh tế Đức đang đối mặt với một thách thức mang tính căn bản đối với mô hình kinh doanh, mà thách thức này không thể được xử lý bằng cách giảm bớt các quy chế giám sát hay giảm thuế.

Ngọn núi muối kỳ lạ thu hút du khách

Ngọn núi "lớn lên" mỗi ngày - Monte Kali

Monte Kali, một ngọn núi muối nhân tạo nằm ở thị trấn Herringen thuộc bang Hessen của Đức, đã trở thành một biểu tượng độc đáo của nơi này. Theo số liệu tính đến năm 2017, Monte Kali có độ cao 530 mét so với mực nước biển và có diện tích hơn 100 ha, vì vậy nó được coi là núi nhân tạo lớn nhất thế giới. Dù có đứng ở đâu tại Herringen, người ta cũng có thể nhìn thấy núi muối khổng lồ này.

Ngọn núi này hình thành từ năm 1976, khi Tập đoàn Kali Đức (K+S) bắt đầu khai thác muối kali từ các mỏ gần đó. Quá trình tinh chế muối kali tạo ra một lượng lớn natri clorua, thành phần chính của muối ăn, và để xử lý muối này, công ty này đã đổ chúng xuống Herringen, tạo thành ngọn núi muối khổng lồ này.

Sức hút của Monte Kali đối với du khách

Theo Amusing Planet, Monte Kali có diện tích bằng 114 sân bóng đá và nặng bằng 23.600 tháp Eiffel cộng lại. Và với hơn 1.000 tấn muối ăn được thêm vào mỗi giờ trong ngày - khoảng 7,2 triệu tấn một năm - núi muối khổng lồ này sẽ có thể tiếp tục lớn hơn. Mặc dù rất khó để ước tính Monte Kali có bao nhiêu muối, nhưng hầu hết các nguồn thông tin đều cho biết khối lượng hiện tại rơi vào khoảng 300 triệu tấn.

Monte Kali không chỉ nổi tiếng với độ cao và quy mô ấn tượng, mà còn thu hút du khách bởi những trải nghiệm độc đáo mà nó mang lại. Đứng trên đỉnh núi, du khách có thể thưởng ngoạn quang cảnh thung lũng sông Werra và Rừng Thuringian ở phía xa. Nhiều người sẵn sàng trả tiền để tham quan 15 phút trên ngọn núi này và sau khi hoàn thành chuyến leo núi, họ sẽ được tặng muối mang về.

Ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người

Tuy Monte Kali có thể mang lại nguồn kinh tế cho địa phương nhưng nó đã gây ra một số vấn đề môi trường nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo Explanders, Monte Kalo khiến cho lượng muối trong nguồn nước ngầm và sông Werra gia tăng nhanh chóng, đồng thời nó cũng làm giảm đáng kể số lượng các loài động vật không xương sống sống xung quanh ngọn núi. Đất đai xung quanh đã trở nên gần như cằn cỗi và chỉ có một số ít loài thực vật chịu mặn mới có thể sống sót.

Ngoài ra, việc chọn lựa cách khai thác muối an toàn hơn không hề đơn giản. K+S có thể có những phương pháp khai thác muối an toàn hơn, nhưng chúng đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn hơn hoặc chi phí vận hành cao hơn. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm muối kali của K+S so với các nhà sản xuất khác.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang