Đức: Thủ tướng hối thúc QH thông qua các dự luật; Kinh tế đối mặt nhiều khó khăn; Yêu cầu cảng từ chối nhập LNG Nga

THỦ TƯỚNG THÚC GIỤC QUỐC HỘI THÔNG QUA CÁC ĐẠO LUẬT QUAN TRỌNG

Thủ tướng kêu gọi

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang ngày 13/11 tại Berlin, Thủ tướng Olaf Scholz đã kêu gọi các chính đảng trong cơ quan lập pháp Đức tiếp tục hợp tác thông qua các dự luật quan trọng trước cuộc bầu cử mới.

Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong ngày 16/12 và sau đó, cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức vào ngày 23/2/2025.

Trong khoảng thời gian đó, ông yêu cầu các đảng trong Quốc hội Đức nỗ lực “thông qua những đạo luật rất quan trọng và không thể trì hoãn,” vì có những vấn đề không thể để đến sau cuộc bầu cử mới.

Những đạo luật cần thông qua

Theo người đứng đầu Chính phủ Đức, một số dự luật có thể đạt được sự thống nhất đa số trong Quốc hội Liên bang, chẳng hạn như dự luật liên quan đến thuế thu nhập, trợ cấp trẻ em, thay đổi trong Luật Cơ bản (Hiến pháp của Đức) hay kế hoạch của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Scholz cam kết chính phủ đương nhiệm của Đức sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các công việc của mình cho đến cuộc bầu cử mới.

Đoàn kết với Ukraine

Thủ tướng Scholz cho rằng quốc gia Đông Âu cần tiếp tục được hỗ trợ và tuyên bố Kiev có thể dựa vào sự đoàn kết của Berlin.

Tuy nhiên, ông nhắc lại quan điểm khẳng định Đức có nghĩa vụ phải ngăn chặn cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang hơn nữa. Do đó, người đứng đầu Chính phủ Đức tiếp tục loại trừ khả năng chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.

Hợp tác tích cực với Mỹ

Về hợp tác xuyên Đại Tây Dương, Thủ tướng Scholz thông báo ông đã thảo luận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm hôm 11/11.

Ông cho rằng cần hợp tác tích cực với Mỹ và đánh giá mối quan hệ tốt đẹp xuyên Đại Tây Dương là “nền tảng thành công” của nước Đức suốt nhiều thập kỷ. Vì vậy, Berlin nên làm mọi thứ có thể trong những thập kỷ tới để đảm bảo những mối quan hệ này tiếp tục phát triển tốt đẹp.

 

 

KINH TẾ ĐỨC TIẾP TỤC ĐỐI MẶT VỚI TÌNH TRẠNG KHÓ KHĂN

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức công bố báo cáo dự báo thường niên

Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay sẽ giảm 0,1% theo giá trị thực và phục hồi nhẹ ở mức 0,4% trong năm tới. Tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ ở mức 2,2% trong năm nay và 2,1% trong năm tới.

Báo cáo cho thấy trong năm nay, cả sản lượng và giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất đều sẽ giảm. Khối lượng đầu tư cũng giảm. Đồng thời, nền kinh tế toàn cầu phục hồi không dẫn đến xuất khẩu tăng lên mức thông thường. Mặc dù tiền lương thực tế tăng đáng kể trong năm 2023 và 2024 nhưng cho đến nay, mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình tại Đức chỉ tăng nhẹ.

Kinh tế phát triển yếu hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác

Chuyên gia Martin Werding, thành viên Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, nhận định sự phát triển kinh tế ở Đức yếu hơn đáng kể so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Ở Mỹ, GDP đã cao hơn 12% so với mức ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19; ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), con số này là 4%. Trong khi đó, GDP của Đức trong năm tới được dự báo sẽ chỉ tương đương với thời điểm ngay trước đại dịch.

Vấn đề đầu tư công

Theo các chuyên gia kinh tế Đức, trong nhiều năm qua, lĩnh vực đầu tư công tại nước này không được ưu tiên đầy đủ và luôn ở mức thấp. Điều này đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, quốc phòng và giáo dục phổ thông. Để nền kinh tế tăng trưởng trở lại, Hội đồng cho rằng cần ưu tiên đầu tư công theo định hướng tương lai. Do đó, Hội đồng chuyên gia kinh tế đã đề xuất thành lập một quỹ cơ sở hạ tầng giao thông và quy định hạn ngạch tối thiểu chi tiêu cho giáo dục và quốc phòng.

 

 

BỘ KINH TẾ YÊU CẦU CÁC CẢNG TỪ CHỐI NHẬP KHẨU LNG NGA

Đoạn tuyệt khí đốt từ Nga

Bộ Kinh tế Đức chỉ thị Deutsche Energy Terminal (DET) “không tiếp nhận bất kỳ chuyến hàng LNG nào của Nga” sau khi công ty thông báo với Berlin rằng ga nhập khẩu tại Brunsbüttel sẽ tiếp nhận một chuyến hàng LNG của Nga vào Chủ Nhật tuần này. DET là tập đoàn Đức do nhà nước sở hữu, hiện vận hành 4 nhà ga LNG nổi, chứa khí đốt.

Bộ Kinh tế Đức cho biết chỉ thị này nhằm bảo vệ “lợi ích công quan trọng nhất” của đất nước và yêu cầu DET “từ chối các chuyến hàng LNG từ Nga cho đến khi có thông báo mới”.

Sự việc diễn ra vào thời điểm LNG sẽ trở thành một con bài mặc cả cho EU và chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất thay thế LNG của Nga bằng việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ.

Đức là nước nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất ở châu Âu trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Khi Nga giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống đến Đức và các nước châu Âu khác, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã chạy đua tìm giải pháp thay thế và xây dựng một loạt nhà ga LNG để tiếp nhận các lô hàng khí đốt bằng đường biển.

Trong chỉ thị trên, Bộ Kinh tế Đức cho biết việc tiếp nhận lô hàng LNG trên sẽ đi ngược lại quyết tâm của Đức và EU trong việc “đoạn tuyệt” khí đốt Nga.

Thực tế khí đốt Nga nhập khẩu vào EU

Nhưng trái với Mỹ và Anh đã cấm LNG của Nga, EU vẫn tiếp tục nhập mua hàng từ Nga, với 20% lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Nga, công ty dữ liệu hàng hóa Kpler cho biết.

Phần lớn LNG của Nga được chuyển đến Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ theo các hợp đồng dài hạn mà các công ty liên quan cho biết họ không thể cắt đứt với khí đốt Nga trừ khi lệnh cấm toàn diện được áp dụng. Đức không nhập khẩu trực tiếp LNG từ Nga kể từ cuộc xung đột.

Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng nhà nước Sefe (Đức) có hợp đồng dài hạn đưa LNG từ cơ sở xuất khẩu Yamal (Nga). Sefe đã chuyển gần như toàn bộ nguồn cung này đến một cơ sở nhập khẩu ở Pháp, Kpler cho biết. LNG được tái khí hóa tại đó và đưa vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt châu Âu. Đức bắt đầu nhận khí đốt từ Pháp vào tháng 10/2022.

Bộ kinh tế Đức từ chối bình luận trực tiếp về chỉ thị trên, đồng thời nói thêm rằng “về nguyên tắc, đúng là Đức không nhập khẩu khí đốt của Nga và bộ cũng thấy rõ rằng các nhà ga LNG của Đức không được làm việc này”.

Dữ liệu theo dõi tàu vẫn chưa xác định được bất kỳ tàu nào phát tín hiệu đến cơ sở nhập khẩu Brunsbüttel, mặc dù 3 tàu đã rời Yamal trong những ngày gần đây đang hướng đến châu Âu.

 

Nguồn: VietnamPlus; Báo Tin Tức; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang