Đức: Thủ tướng bất ngờ thăm Kiev; Ủng hộ cấm trẻ em dùng MXH

THỦ TƯỚNG BẤT NGỜ CÔNG DU KIEV, BÁO TIN VUI CHO ÔNG ZELENSKY

Tái khẳng định cam kết

Thủ tướng Olaf Scholz đã đến Kiev vào hôm qua 02.12 để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky, và tái khẳng định sự ủng hộ của Đức cho Ukraine trong xung đột với Nga.

"Tôi muốn nói rõ rằng, Đức sẽ vẫn là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine tại châu Âu", Thủ tướng Scholz đồng thời hứa sẽ cung cấp thêm số vũ khí trị giá 650 triệu euro (680 triệu USD) cho Ukraine trong tháng 12.

Ông Scholz từng đến Kiev vào tháng 6/2022 cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italia lúc bấy giờ là ông Mario Draghi. Chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên 3 nhà lãnh đạo châu Âu cùng đến Kiev, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Scholz, Đức trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ 2 của Ukraine sau Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức tỏ ra thận trọng đối với một số vấn đề như từ chối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.

Quan điểm của đảng đối lập

Mới đây, ông Scholz cũng đã chỉ trích ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng CDU/CSU và là ứng cử viên tiềm năng cho chức thủ tướng trong cuộc bầu cử vào năm 2025. Theo đó, ông Merz đã đề xuất đưa ra tối hậu thư cho Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông Merz cho rằng nếu Nga từ chối dừng tấn công, các đối tác của Ukraine sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế đối với những vũ khí đã viện trợ, và Đức sẽ chấp thuận việc chuyển giao tên lửa Taurus.

"Tất cả những gì tôi có thể nói là: Hãy cẩn trọng! Bạn không thể chơi canh bạc Nga với an ninh của Đức", ông Scholz nói hôm 30/11.

 

 

ĐA PHẦN NGƯỜI ĐỨC ỦNG HỘ CẤM TRẺ EM DƯỚI 16 TUỔI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI

Kết quả khảo sát

Một khảo sát mới đây cho thấy, phần lớn người dân Đức ủng hộ việc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.

Kết quả này được đưa ra sau khi Australia thông qua luật tương tự, dự kiến có hiệu lực từ cuối năm 2025.

Theo kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu YouGov, khoảng 82% trong số 2.000 người được hỏi tại Đức tin rằng mạng xã hội có thể gây hại cho trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, phần lớn người tham gia khảo sát cho rằng các nền tảng như TikTok, Instagram, Snapchat hay Facebook là nguyên nhân gây ra những vấn đề như nội dung không phù hợp, tác động tiêu cực tới tâm lý và nguy cơ nghiện.

Có đến 77% số người được hỏi hoàn toàn ủng hộ hoặc phần nào ủng hộ áp dụng lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, tương tự luật mới của Australia. Chỉ 13% phản đối lệnh cấm này, trong khi phần còn lại chưa đưa ra ý kiến.

Một nửa số người tham gia khảo sát (52%) tin rằng cả nội dung độc hại và tính chất gây nghiện của mạng xã hội đều là mối đe dọa ngang nhau đối với giới trẻ. Tuy nhiên, khoảng 9% cho rằng mạng xã hội không gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Các chuyên gia cho rằng, trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương trước các nội dung độc hại, bao gồm bạo lực, xâm phạm quyền riêng tư, và những tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế thường xuất hiện trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc dành quá nhiều thời gian trên các nền tảng này cũng có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến kết quả học tập, giấc ngủ và các mối quan hệ xã hội của trẻ.

Thực tế ở Úc

Ngày 29/11, Quốc hội Australia đã thông qua luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện quy định này. Luật dự kiến có hiệu lực từ cuối năm 2025, nhận được sự đồng thuận cao từ cả hai đảng lớn của nước này.

Theo quy định, các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải áp dụng các biện pháp chặt chẽ để đảm bảo trẻ em dưới 16 tuổi không thể truy cập vào nền tảng của họ. Những công ty vi phạm có thể đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu AUD (tương đương 33 triệu USD).

Chính phủ Australia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anthony Albanese, cho rằng luật này là bước đi cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần và sự phát triển lành mạnh của trẻ em. "Chúng ta cần đặt ưu tiên cho an toàn và hạnh phúc của thế hệ trẻ," ông Albanese nhấn mạnh.

Đức

Hiện chưa có luật cụ thể nhằm hạn chế trẻ em sử dụng mạng xã hội, nhưng khảo sát cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng đối với các biện pháp bảo vệ trẻ em tương tự Australia. Đây có thể là động lực thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Đức cân nhắc các quy định chặt chẽ hơn trong tương lai.

Kết quả khảo sát tại Đức phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của phụ huynh và cộng đồng trước những rủi ro mà mạng xã hội mang lại cho trẻ em. Dù luật mới tại Australia còn gây tranh cãi, nhiều người cho rằng đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ thế hệ trẻ khỏi các tác động tiêu cực từ công nghệ.

 

Nguồn: Vietnamnet; VOH

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang