
ĐỨC THU GIỮ LƯỢNG COCAINE TRỊ GIÁ HÀNG TỶ EURO
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser ngày 14/6 thông báo lực lượng chức năng nước này đã thu giữ lượng cocaine lớn kỷ lục, có trị giá hàng tỷ euro trong chiến dịch truy quét được thực hiện trên toàn nước Đức trong tuần này.
Bộ trưởng Nancy Faeser nêu rõ: "Cơn lũ cocaine tràn vào châu Âu đang hủy hoại người dân, trong khi tạo ra lợi nhuận hàng tỷ euro cho các băng nhóm tội phạm".
Giới chức hải quan và công tố viên ở thành phố Dusseldorf cho biết lực lượng chức năng đã đột kích tại 7 bang của Đức, đồng thời thực hiện 7 vụ bắt giữ. Đây là một phần trong cuộc điều tra liên quan hàng chục tấn cocaine bị thu giữ tại các cảng biển của nước này trong năm 2023.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương, 35 tấn cocaine đã bị thu giữ trong cuộc điều tra mang tên "OP Plexus".
NGƯỜI DÂN ĐỨC NGÀY CÀNG KHÔNG TIN TƯỞNG VÀO LIÊN MINH CẦM QUYỀN
Một cuộc thăm dò do Đài Truyền hình công cộng Đức (ZDF) công bố hôm 13/6 cho thấy tỷ lệ người Đức không hài lòng với liên minh cầm quyền đã lên tới mức cao kỷ lục.
Kết quả của cuộc thăm dò được đưa ra sau khi tất cả các đảng liên minh đều cho thấy kết quả yếu kém trong cuộc bầu cử châu Âu vào tuần trước.
Trong số 1.334 người tham gia cuộc khảo sát được tổ chức từ ngày 10/6 đến ngày 12/6, 71% cho biết họ không hài lòng với cách làm việc của Chính phủ Đức - tăng từ mức 66% vào tháng 5. Khoảng 51% số người được hỏi lên tiếng ủng hộ bầu cử sớm, trong khi 66% vẫn tin rằng liên minh sẽ tồn tại cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2025.
Cả ba đảng trong liên minh cầm quyền của Đức đều chịu tổn thất trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu - một dấu hiệu sớm cho thấy cuộc bỏ phiếu toàn quốc sẽ diễn ra, trong khi đảng Giải pháp thay thế cho nước Đức cực hữu đã đạt được những thắng lợi vững chắc.
Kết quả của các đảng truyền thống như đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz đã cho thấy sự bất bình của người dân nước này trước mức sống giảm sút ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khi Chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine gây ra và hậu quả của đại dịch COVID-19.
Một kết quả thậm chí còn yếu hơn trong cuộc bỏ phiếu ở EU đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải kêu gọi một cuộc bầu cử sớm nhanh chóng sau khi bị phe cực hữu "vượt mặt".
ĐỨC CẢN TRỞ GÓI TRỪNG PHẠT THỨ 14 VỚI NGA, CHÍNH TRƯỜNG EU CHIA RẼ

Các nhà ngoại giao của Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết hôm thứ Sáu 14/6 rằng khối này chưa thể thông qua gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga vì Đức không đồng ý về mức độ mà các công ty EU sẽ phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm các lệnh trừng phạt.
Các quan chức từ 27 quốc gia EU đã tranh luận trong hơn một tháng về một gói các biện pháp bao gồm lệnh cấm vận chuyển khí LNG của Nga và kế hoạch buộc các hãng vận hành ở EU phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của các công ty con và đối tác ở các nước thứ ba.
Kế hoạch ban đầu là các đại sứ sẽ thảo luận và quyết định về vấn đề này vào tối 14/6, nhưng chủ đề trừng phạt đã bị rút khỏi chương trình nghị sự vào phút chót. Các đại sứ sẽ họp lần tiếp theo vào thứ Tư 19/6.
Dự định trước đây là cuộc họp vào tối 14/6 sẽ đạt được thỏa thuận trước hội nghị về hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sĩ vào cuối tuần này.
Hungary, đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU, trước đây từng tỏ ra cản trở nhưng dường như đã sẵn sàng chấp nhận gói trừng phạt đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ EU.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU nói rằng Đức bày tỏ sự thận trọng về khả năng các ngành nghề của Đức bị tác động bởi điều khoản về các công ty con và đối tác ở các nước thứ ba.
Theo gói trừng phạt, EU cũng sẽ cấm tàu bè đã đóng góp cho nỗ lực chiến tranh của Nga cập cảng của EU.
Điều này có thể bao gồm việc vận chuyển hàng hóa tạo ra doanh thu đáng kể cho Nga, hàng hóa hoặc công nghệ được sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh hoặc vận chuyển nhiên liệu ngoài hệ thống giới hạn giá của G7.
Nguồn: Báo Tin Tức; CafeF; VOA
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá