Đức: Hoàn tất quá trình rút quân khỏi Niger; BYD thực hiện bước đi lịch sử khiến Volkswagen rắc rối

ĐỨC HOÀN TẤT QUÁ TRÌNH RÚT QUÂN KHỎI NIGER

60 binh sỹ Đức và 146 tấn thiết bị đã được đưa khỏi căn cứ không quân tại Niger do chính quyền quân sự nước này điều hành trên 5 máy bay vận tải.

Ngày 30/8 (giờ địa phương), quân đội Đức đã rời khỏi căn cứ không quân tại Niger do chính quyền quân sự nước này điều hành, qua đó hoàn thành việc rút binh sỹ Đức khỏi quốc gia vùng Sahel bất ổn này.

Các quan chức quân sự cấp cao của Đức và Niger đã đưa ra một tuyên bố chung thông báo về việc hoàn thành rút quân. Theo đó, 60 binh sỹ Đức và 146 tấn thiết bị đã được đưa về quốc gia châu Âu này trên 5 máy bay vận tải.

Thông cáo từ phía quân đội Đức nhấn mạnh: "Việc rút quân này không đánh dấu sự kết thúc của hợp tác quân sự giữa Niger và Đức, trên thực tế, hai bên cam kết duy trì quan hệ quân sự."

Cuối tháng 5 vừa qua, Đức và Niger đã đạt được một thỏa thuận tạm thời cho phép quân đội Đức tiếp tục vận hành căn cứ không quân tại thủ đô Niamey của Niger cho đến cuối tháng 8.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán gia hạn thỏa thuận này sau đó đã thất bại.

 

BYD THỰC HIỆN BƯỚC ĐI LỊCH SỬ KHIẾN VOLKSWAGEN GẶP RẮC RỐI

Nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD đang có những động thái mạnh mẽ nhằm giành chỗ đứng tại châu Âu. Theo các chuyên gia, thỏa thuận mới nhất của BYD có thể gây ra rắc rối lớn cho hãng xe Volkswagen tại Đức.

Giành chỗ đứng tại thị trường châu Âu

BYD đang tiếp quản nhà phân phối của mình tại Đức, cho phép công ty này bán xe trực tiếp tại thị trường ô tô lớn nhất châu Âu. “Gã khổng lồ” ô tô Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận với Hedin Mobility Group để mua lại công ty con Heden Electric Mobility.

Trong 2 năm qua, Heden Electric đã nhập khẩu xe và phụ tùng của BYD để bán tại Đức. Việc mua lại công ty này sẽ giúp BYD kiểm soát nhiều hơn về giá cả và các hạng mục quan trọng khác của quá trình phân phối. BYD hiện có thể bán xe trực tiếp cho người mua tại Đức và tự định giá theo các điều khoản của mình.

Phó chủ tịch điều hành của BYD, bà Stella Li, cho biết: "Cùng với các đối tác bán lẻ, BYD sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ chăm sóc khách hàng và hỗ trợ bảo hành vượt trội tại Đức".

Ngoài việc giành quyền kiểm soát phân phối, BYD cũng sẽ tiếp quản hai cửa hàng lớn tại Stuttgart và Frankfurt.

Ông Anders Hedin, Tổng giám đốc điều hành của Hedin Mobility Group, cho hay: “Nền tảng hiện đã sẵn sàng để mở rộng quy mô sản lượng và chúng tôi mong muốn tiếp tục hành trình này tại Đức cùng với BYD với tư cách là đại lý”.

Thỏa thuận này dự kiến  sẽ hoàn tất vào quý IV/2024. Là một phần trong quan hệ đối tác dài hạn, Hedin vẫn sẽ đóng vai trò là đại lý và nhà bán lẻ của BYD tại thị trường Thụy Điển.

Động thái lớn của BYD là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của hãng này nhằm mở rộng thị trường tại châu Âu. BYD đặt mục tiêu kiểm soát 5% thị trường ô tô châu Âu vào năm 2026.

Đức sẽ là một phần quan trọng để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7, chỉ có 1.432 xe BYD đăng ký tại Đức, chiếm khoảng 0.1% doanh số của nước này.

Con số này còn rất xa so với mục tiêu bán 120.000 xe BYD tại nước này vào năm 2026. Có lẽ, như CEO của Hedin tuyên bố, việc kiểm soát chặt chẽ hơn về giá cả và phân phối sẽ giúp tăng sản lượng.

BYD là một trong số nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bao gồm XPeng và MG của SAIC, có kế hoạch mở rộng ở châu Âu. Trong khi đó, xe điện từ Trung Quốc chỉ chiếm 9,9% doanh số bán xe điện tại châu Âu vào tháng trước.

Động thái này diễn ra sau khi EU công bố kế hoạch vào tuần trước nhằm cắt giảm tỷ lệ nhập khẩu xe điện của BYD từ Trung Quốc từ 17,4% xuống 17%.

Mặc dù BYD đang phải vật lộn để giành được sự chú ý ở châu Âu, doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng khi các mẫu xe mới được tung ra.

Tác động lớn đến Volkswagen

Một số chuyên gia cho rằng việc nắm quyền kiểm soát phân phối tại Đức là một chiến thắng lớn cho công ty. BYD hiện có thể đặt giá linh hoạt hơn về tính khả dụng.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), lượng đăng ký xe điện tại Đức đã giảm 36,8% vào tháng trước. Sự sụt giảm này đã kéo thị phần xe điện của châu Âu xuống còn 12,1% từ mức 13,5% của năm trước.

Volkswagen nằm trong số những hãng có doanh số thấp hơn vào tháng 7 (-2,2%). Thương hiệu Volkswagen có lượng đăng ký xe ít hơn 6,1% với thị phần giảm xuống còn 10,8% vào tháng 7 từ mức 11,1% của năm ngoái.

Doanh số bán hàng thấp hơn diễn ra khi Volkswagen tích cực tìm cách cắt giảm chi phí. Thậm chí, hãng này còn cân nhắc đóng cửa nhà máy lắp ráp của Audi tại Brussels, đây sẽ là lần đóng cửa nhà máy đầu tiên sau 26 năm.

Trong khi đó, Volvo dẫn đầu về tăng trưởng đăng ký xe mới tại châu Âu với hơn 22.000 xe được bán ra vào tháng 7, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. EX30, chiếc EV có giá thấp nhất của Volvo, là động lực tăng trưởng chính, với hơn 47.100 chiếc được đăng ký tính đến tháng 7.

Với khả năng tự định giá, BYD có thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Volvo. Theo nghiên cứu từ Rhodium Group, BYD kiếm được 14.300 euro (15.400 USD) cho mỗi mẫu Seal U được bán tại châu Âu. Con số này thậm chí còn cao hơn ở Trung Quốc với mức lợi nhuận 1.300 euro (1.400 USD) cho mỗi chiếc xe được bán ra.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả với mức thuế cao hơn, BYD vẫn có thể linh hoạt đưa ra mức giá thấp hơn và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Volkswagen.

"Sẽ rất thú vị khi xem thỏa thuận này tác động như thế nào đến doanh số bán hàng của BYD tại Đức vào năm tới. Sau khi vượt qua Honda và Nissan để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ bảy trên toàn cầu trong quý II, BYD hướng đến thị trường nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng", một chuyên gia của Electrek nhận định.

 

Nguồn: VietnamFinance; VietnamPlus

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang