Đức: Giữa mùa giải bóng đá Liên bang, phát hiện 2 quả bom gần sân bóng đá Mewa Arena; Dấu hiệu bước ngoặt phục hồi nền kinh tế Đức

(Bundesliga 2024).

Giữa mùa giải bóng đá Liên bang, phát hiện 2 quả bom gần sân bóng đá Mewa Arena

Trong quá trình xây dựng để mở rộng một trường đại học nằm cạnh sân vận động Mewa Arena, cách hai hôm trước 24.04.2024, các thợ xây đã phát hiện một quả bom nặng 500 kg. Theo các chuyên gia, đây là quả bom tồn tại từ thế chiến thứ hai.

Diễn tiến

Trước đó vào ngày 15.04, một quả bom khác cũng được tìm thấy ở khu vực này nhưng có kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều và đã được phá hủy.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, khoảng 4.500 cư dân được tổ chức sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Sau khi đảm bảo tất cả người dân lân cận đã rời khỏi nhà, lực lượng xử lý bom mìn mới tiến hành tháo kíp nổ.

Việc tháo gỡ bom mìn được tiến hành vào ngày hôm qua 26.04, trùng với ngày diễn ra cuộc họp báo trước trận Mainz – Köln thuộc vòng 31 giải bóng đá Liên bang năm nay Bundesliga. Do đó cuộc họp báo này đã bị hủy bỏ vì mọi con đường gần sân Mewa Arena đều đã bị phong tỏa.

Rất may, trận đấu theo kế hoạch vào ngày mai Chủ nhật 28/4 giữa Mainz và Köln vẫn diễn ra bình thường, sau khi quả bom đã bị vô hiệu hóa.

Cuộc chạm trán Mainz và Cologne được xem là “trận chung kết ngược” giữa hai đối thủ đang chiến đấu trụ hạng. Sau 30 vòng đấu, Mainz hiện đứng thứ 15 với 27 điểm trong khi Köln xếp thứ 17 với 22 điểm.

Di chứng thế chiến hai vẫn không hết

Đây không phải lần đầu tiên các sân vận động tại Đức phát hiện có bom. Vào tháng 2/2015, một quả bom từ thế chiến II đã được tìm thấy ở bãi đậu xe gần khán đài phía Tây của sân Signal Iduna Park của Dortmund.

Quả bom được phát hiện chỉ vài giờ trước cuộc họp báo của HLV Jurgen Klopp trước thềm trận derby vùng Ruhr với Schalke. Cuộc họp báo đã bị hủy bỏ và quả bom cũng được vô hiệu hóa an toàn.

Dấu hiệu bước ngoặt phục hồi nền kinh tế Đức

Bộ Kinh tế Đức cho biết, sản lượng dự kiến của nước này sẽ tăng 0,3% trong năm nay, tăng so với dự đoán 0,2% vào hồi tháng Hai. Bức tranh tươi sáng hơn một chút xuất hiện sau khi các chỉ số chính được cải thiện - từ sản lượng của các nhà máy đến hoạt động kinh doanh - làm tăng hy vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế Đức vốn đứng đầu tầu Châu Âu.

Cơn bão tổng lực

Xuất khẩu yếu, năng lượng đắt đỏ và quá trình chuyển đổi xanh chậm chạp đã kết hợp lại để tạo thành một "cơn bão tổng lực" tác động lên kinh tế Đức, khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz mâu thuẫn về cách thay đổi hướng đi.

Ngành công nghiệp hùng mạnh một thời của Đức đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi nhiều cơn gió ngược. Trước đây vốn phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu giá rẻ của Nga, lĩnh vực này vẫn đang quay cuồng vì giá năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết. Chuỗi tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng thêm “nỗi đau” giảm nhu cầu và đầu tư.

Nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong năm ngoái do lạm phát tăng cao, sản xuất chậm lại và sự yếu kém của các đối tác thương mại, đồng thời trở thành lực cản lớn đối với 20 quốc gia thuộc khu vực đồng Euro.

Theo đó, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu đã kết thúc năm 2023 trong tình trạng suy thoái, giảm 0,3%. Truyền thông Đức cho biết, nước này cũng phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng yếu kém đến năm 2028, nếu không có cú huých nào được thực hiện.

Tuần này, các tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF và Bayer nằm trong số khoảng 60 công ty đưa ra lời kêu gọi chung tới các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) thúc giục thông qua một "thỏa thuận công nghiệp Châu Âu" để giúp kéo lĩnh vực này ra khỏi tình trạng ảm đạm.

Lời kêu gọi nêu rõ: “Nếu không có chính sách công nghiệp có mục tiêu, Châu Âu nguy cơ trở nên phụ thuộc ngay cả vào hàng hóa và hóa chất cơ bản. Châu Âu không thể để điều này xảy ra!”...

Hồi đầu tháng 2/2024, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhận định, nền kinh tế Đức vốn là động lực tăng trưởng của khu vực đồng Euro, đang bị ảnh hưởng bởi "một cơn bão tổng lực". Ông còn nói thêm rằng, tình hình “rất tồi tệ”.

Dấu hiệu bước ngoặt, tuyên bố của Chính phủ

Tuy nhiên, khi đưa ra những dự báo mới nhất, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố “ngày càng có nhiều dấu hiệu về một bước ngoặt". Bộ trưởng Habeck cho biết trong một cuộc họp báo: Dấu hiệu phục hồi kinh tế đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong những tuần gần đây. Theo đó, Bộ này cũng cắt giảm dự báo lạm phát trong năm nay xuống còn 2,4%, từ mức dự đoán trước đó là 2,8% và dự báo con số này sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm tới. Lạm phát giảm sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu dùng gia tăng - mọi người lại có nhiều tiền hơn trong ví và sẽ tiêu số tiền này. Từ đó, sức mua đang tăng lên, tiền lương thực tế đang tăng lên và điều này sẽ góp phần phục hồi kinh tế trong nước. Giá năng lượng - vốn đã tăng vọt sau cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine từ tháng 2/2022 - cũng đã giảm và những khó khăn trong chuỗi cung ứng đã giảm bớt.

Kết quả khảo sát kinh tế

Một cuộc khảo sát được theo dõi bởi Viện Ifo cho thấy, tâm lý kinh doanh đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Tư và mạnh mẽ hơn dự kiến.

Kết quả một nghiên cứu khác về chỉ số của các nhà quản lý mua hàng cho thấy hoạt động kinh doanh ở Đức đã khởi sắc. Và tuần trước, Ngân hàng trung ương Bundesbank đưa ra dự báo, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên, tránh được một cuộc suy thoái như dự báo trước đó.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang