.jpg)
DỰ ÁN MỸ KHỞI ĐỘNG LẠI ĐIỆN HẠT NHÂN ĐỨC ĐÃ ĐÓNG CỬA
Đức đã đóng cửa 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng
Thực hiện vào tháng 4.2023, sau khi quốc hội nước này ra quyết định loại bỏ năng lượng nguyên tử thời kỳ hậu thảm họa Fukushima. Tuy nhiên, trong bối cảnh sản lượng công nghiệp sụt giảm, những lời kêu gọi đảo ngược chính sách này ngày càng tăng.
Một nhóm nhà đầu tư Mỹ đang theo đuổi kế hoạch khởi động lại
Tuần này, nhiều chính trị gia và chuyên gia ủng hộ điện hạt nhân đã nhóm họp tại Berlin, Đức để bàn về khả năng tái kích hoạt các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động.
Một trong những người tham dự sự kiện là kỹ sư hạt nhân người Mỹ Mark Nelson, người sáng lập nhóm Radiant Energy Group, đang nghiên cứu tính khả thi và tốc độ triển khai việc tái khởi động.
“Không nơi nào trên thế giới có cách sản xuất điện rẻ hơn so với việc vận hành lại các nhà máy hạt nhân đã trả xong toàn bộ chi phí đầu tư" - Mark Nelson cho biết.
Ông cho rằng, nếu có một liên danh các nhà đầu tư hỗ trợ, Đức có thể đưa cả 9 lò phản ứng hạt nhân quay trở lại hoạt động. Những lập luận cho rằng điện hạt nhân quá đắt đỏ, theo ông, phần lớn dựa trên giả định sai lệch hoặc bị chi phối bởi động cơ chính trị.
Ông cũng nhấn mạnh, chỉ năng lượng tái tạo là chưa đủ cho nhu cầu tiêu thụ. Trong quý I/2025, năng lượng tái tạo chỉ đáp ứng 47% nhu cầu điện của Đức.
Khủng hoảng năng lượng giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế Đức
Trước khi xung đột ở Ukraina nổ ra, các ngành công nghiệp Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga. Sau khi đóng cửa các nhà máy hạt nhân cuối cùng năm 2023, Berlin đã phải tăng cường nhập khẩu điện. Trong bối cảnh EU quyết tâm chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga, Đức đang lên kế hoạch chi 20 tỉ Euro (tương đương 23 tỉ USD) để xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới, nhằm thay thế than đá và đảm bảo ổn định nguồn cung.
Khủng hoảng năng lượng đã giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế Đức. Nền kinh tế Đức đang trong năm thứ 3 liên tiếp suy thoái. Gần 200.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong năm 2024, con số cao nhất kể từ năm 2011, theo thống kê của Creditreform. Riêng trong tháng 4.2025, số vụ phá sản doanh nghiệp ở Đức đã vượt mức ghi nhận trong khủng hoảng tài chính năm 2008.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, ông kỳ vọng vào sự trở lại lớn của điện hạt nhân. Theo ông, từ góc độ kinh tế, Đức sẽ cần “cả năng lượng tái tạo có thể lưu trữ và năng lượng hạt nhân”.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz từ lâu chỉ trích chính sách loại bỏ điện hạt nhân. Có thông tin ông đang ủng hộ các khoản đầu tư vào lò phản ứng module nhỏ (SMR) và công nghệ nhiệt hạch.
BÀ MERKEL CẢNH BÁO HÀNH ĐỘNG KHIẾN EU SỤP ĐỔ
Lời cảnh báo được cựu Thủ tướng Đức đưa ra tại sự kiện "Diễn đàn báo chí Tây Nam" vào cuối tuần qua.
Chính sách nhập cư mới được Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt công bố
Theo đó, mọi đơn xin tị nạn tại các cửa khẩu đường bộ của Đức sẽ bị từ chối – một bước ngoặt hoàn toàn so với chính sách "mở cửa" của bà Merkel trong cuộc khủng hoảng tị nạn 2015–2016. Với chính sách mới, chỉ một số trường hợp ngoại lệ như trẻ em, phụ nữ mang thai và những người dễ tổn thương vẫn được xem xét đặc cách.
Liên minh châu Âu sẽ không tồn tại
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể tồn tại nếu các quốc gia thành viên siết chặt kiểm soát biên giới và chính sách di cư.
Phát biểu tại "Diễn đàn Báo chí Tây Nam" ở thành phố Neu-Ulm (Đức) cuối tuần qua, bà Merkel tỏ ra không hài lòng với việc chính phủ Đức quay lưng với quan điểm "biên giới mở" từng được bà theo đuổi năm 2015.
“Tôi không tin rằng chúng ta có thể giải quyết dứt điểm vấn đề nhập cư trái phép chỉ bằng cách siết chặt biên giới giữa Đức với Áo hay Đức với Ba Lan. Tôi luôn ủng hộ các giải pháp mang tầm khu vực", bà Merkel nói, phản bác chính sách mới của nội các do Thủ tướng Đức Friedrich Merz đứng đầu.
Cựu Thủ tướng Đức cảnh báo chính sách này có thể làm suy yếu quyền tự do đi lại trong EU và đe dọa đến tính toàn vẹn của khu vực Schengen – nơi công dân các nước thành viên được di chuyển mà không cần thị thực.
“Nếu không có những giải pháp thống nhất ở cấp độ EU, châu Âu có thể sẽ sụp đổ", bà Merkel nhấn mạnh. Dù không giải thích cụ thể, cảnh báo của bà Merkel dường như là cách nói mang tính biểu tượng, ngụ ý nguy cơ EU rạn nứt nếu mỗi nước đơn phương siết biên giới. Việc từ bỏ tự do đi lại được cho là có thể làm suy yếu tính thống nhất trong khối, đẩy châu Âu vào thế chia rẽ và mất dần khả năng điều phối chính sách chung.
Chính sách mở cửa của bà Merkel năm 2015
Từng vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt, khi hơn một triệu người tị nạn được phép nhập cảnh vào Đức, làm dấy lên tranh cãi chính trị sâu rộng và kéo dài nhiều năm.
Đức hiện vẫn là điểm đến hàng đầu của người xin tị nạn tại EU. Riêng trong năm 2023, nước này nhận hơn 237.000 hồ sơ – chiếm khoảng 1/4 tổng số đơn xin tị nạn toàn khối, theo thống kê của EU.
Động thái siết chặt biên giới là một phần trong cam kết tranh cử của Thủ tướng Friedrich Merz trước cuộc bầu cử sớm hồi tháng 2, trong bối cảnh đảng Cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng nhờ các quan điểm chống nhập cư cứng rắn.
Trong khi đó, cảnh sát Đức cảnh báo rằng lực lượng biên phòng phải mất "nhiều tuần" mới có thể duy trì thực thi chính sách mới một cách ổn định, do áp lực nhân sự ngày càng tăng – bất chấp việc chính phủ đã bổ sung 3.000 sĩ quan vào lực lượng 11.000 người đang túc trực tại các cửa khẩu chủ chốt của Đức.
CHỈ THỊ THỜI HẠN HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI
.jpg)
Chỉ thị về lộ trình
Ngày 26-5, theo Kyiv Independent, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Carsten Breuer đã ban hành chỉ thị yêu cầu quân đội Đức phải hoàn tất quá trình hiện đại hóa vào năm 2029, viện dẫn lo ngại kịch bản xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chỉ thị kể trên phác thảo lộ trình chi tiết quá trình hiện đại hóa quân đội Đức trong 5 năm tới, đồng thời phản ánh những đánh giá chung của NATO cho rằng Nga có thể đã xây dựng quân đội đủ mạnh để trở thành mối đe dọa trực tiếp. Ngân sách dành cho kế hoạch sẽ đến từ việc nới lỏng phanh nợ của Đức hồi tháng 3, qua đó cho phép tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
Tài liệu này đặt ra những ưu tiên mua sắm phù hợp với các khuyến nghị của NATO. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường hệ thống phòng không của Đức, đặc biệt chú trọng vào năng lực chống máy bay không người lái (UAV). Dự kiến, NATO sẽ yêu cầu Berlin tăng ít nhất gấp 4 lần hệ thống phòng không, từ những khí tài tầm xa như hệ thống tên lửa phòng không Patriot đến máy bay đánh chặn tầm ngắn.
Ngoài việc đẩy mạnh năng lực phòng thủ trên không, chỉ thị này còn kêu gọi tăng cường khả năng thực hiện những cuộc tấn công chính xác nhằm các mục tiêu cách xa hơn 500km và tăng dự trữ mọi loại đạn dược. Các lĩnh vực phát triển quan trọng khác bao gồm hệ thống tác chiến điện tử, xây dựng khả năng tấn công và phòng thủ mạnh mẽ trong không gian.
EU nhất trí về các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhất trí về các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga, sau khi Ukraine tiếp tục hứng chịu cuộc tấn công quy mô lớn với 69 tên lửa và 298 UAV chỉ trong đêm 25-5.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng từng khẳng định, lệnh trừng phạt Nga tiếp theo đã được chuẩn bị sau khi EU phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào đội tàu chở dầu của Mátxcơva.
Nhìn chung, các quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine đang tiếp tục tăng cường trừng phạt Nga trong bối cảnh một thỏa thuận ngừng bắn vẫn bế tắc. Trong khi đó, Mỹ chưa áp dụng thêm lệnh trừng phạt mới với nhận định biện pháp này “có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.
Nguồn: Lao Động; Người Đưa Tin; Hà Nội Mới
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá