Đức: Bốn ứng viên Thủ tướng đối đầu trực tiếp; AfD làm dậy sóng chính trường; Trả giá đắt vì trừng phạt Nga

BỐN ỨNG VIÊN THỦ TƯỚNG ĐỐI ĐẦU TRỰC TIẾP

Sự kiện diễn ra một tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội ngày 23/02 sắp tới

Bốn ứng cử viên Thủ tướng hàng đầu của Đức hôm kia đã tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên cử tri Đức được chứng kiến sự xuất hiện của cả 4 ứng cử viên trên sân khấu tranh luận.

Quan hệ với Mỹ

Các ứng cử viên Đức đã đưa ra những tầm nhìn khác nhau về cuộc xung đột tại Ukraine, nền kinh tế, di cư và mối quan hệ với chính quyền mới tại Mỹ. Cả Lãnh đạo Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)  Friedrich Merz đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận và Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đều mạnh mẽ chỉ trích bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh München cuối tuần trước, cho rằng đây là sự can thiệp rõ ràng vào chính trường Đức. Trong khi đó, lãnh đạo đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) Alice Weidel, người từng có có cuộc gặp với phó Tổng thống Mỹ bên lề Hội nghị an ninh München, kêu gọi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Nhập cư bất hợp pháp và nền  kinh tế đang suy yếu

Là chủ đề “chiếm sóng” cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình của 4 ứng cử viên Thủ tướng hàng đầu. Theo lãnh đạo CDU Friedrich Merz, chìa khóa để giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước là "kiểm soát bộ máy quan liêu". Ông cũng cho rằng quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng của chính phủ trước đây là một sai lầm góp phần làm tăng chi phí năng lượng. Chia sẻ quan điểm này, lãnh đạo đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) Alice Weidel cam kết ủng hộ "năng lượng hạt nhân, than và khí đốt an toàn và đáng tin cậy".

Bà đồng thời đổ lỗi cho "quá trình chuyển đổi năng lượng xanh" đã đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, lãnh đạo CDU gần như ngay lập tức bác bỏ khả năng làm việc với AfD: "Chúng tôi có một kế hoạch cho nước Đức. Chúng ta phải nhả phanh, phải mở cửa và cần thấy nền kinh tế tiếp tục tiến lên. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng kế hoạch này sẽ mang lại hiệu quả.  Và thưa bà Weidel, ở đây bà không cần nói với tôi về chính sách kinh tế, về chính sách thuế, chính sách xã hội. Bởi đó không phải là chương trình của chúng tôi. Chúng tôi không muốn điều đó và cũng sẽ không làm điều đó với AfD'.

Nguyên nhân từ Nga

Về phần mình, Bộ trưởng kinh tế Robert Haberck đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về những rắc rối của đất nước, nói rằng sự phụ thuộc trước đây của Đức vào khí đốt của Nga là nguyên nhân chính khiến nước này phải vật lộn với giá năng lượng cao hiện nay. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Xã hội, Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz đồng tình với quan điểm khi cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, ông cũng bảo vệ phản ứng của chính phủ và khẳng định thời kỳ giá cao nhất đã qua.

Kết quả thăm dò nhanh sau tranh luận của Forsa

 Lãnh đạo CDU Friedrich Merz nổi lên là người chiến thắng trong cuộc đối đầu trực tiếp này, với 32% ý kiến ủng hộ. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck lại là ứng cử viên được yêu thích nhất, với 34% số người được hỏi ủng hộ ông. Mặc dù vậy, chỉ có 13% tin tưởng vào khả năng lãnh đạo đất nước của ông Robert Habeck, so với 42% của đối thủ Friedrich Merz. Kết quả thăm dò mới nhất của YouGov cũng cho thấy, lãnh đạo CDU đang trên đường trở thành nhà lãnh đạo tiềm năng tiếp theo của đất nước khi tỷ lệ ủng hộ đối với đảng này là 29%. AfD đứng thứ hai với 21%, tuy nhiên tất cả các đảng khác đã loại trừ khả năng tham gia liên minh với AfD.

 

 

CHÍNH TRƯỜNG DẬY SÓNG VÌ AfD

Gần đến ngày bầu cử Hạ viện Đức, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã đạt mức cao mới. Tại đại hội của đảng này giữa tháng 1/2025, bà Alice Weidel được đề cử làm ứng viên tranh cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ tới. Với tư cách là nhà lãnh đạo và trụ cột cốt lõi của EU, triển vọng chính trường Đức đã trở thành mối quan tâm của toàn châu Âu.

Cương lĩnh tranh cử của AfD

Sau khi công bố, cương lĩnh được cho là mang đậm màu sắc cực hữu, bao gồm trục xuất số lượng lớn người nhập cư, rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Thỏa thuận Paris, “tái cơ cấu” Liên minh châu Âu (EU), khởi động lại dự án đường ống “Dòng chảy phương Bắc” và từ chối lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Không giống như 2 đảng lớn truyền thống là SPD và Liên minh CDU/CSU lần lượt tổ chức đại hội tại các thành phố lớn Berlin và Hamburg, đại hội của AfD được tổ chức tại Riesa, một thành phố nhỏ với dân số chưa đến 30.000 người. Sự lựa chọn này không quá khó hiểu: Cơ sở quyền lực và cử tri của AfD nằm ở khu vực phía Đông nước Đức. Tiểu bang Sachsen nơi thành phố Riesa tọa lạc, đã chứng kiến thành công lịch sử của AfD trong cuộc bầu cử nghị viện bang tháng 9/2024.

Thực ra, trước đó, AfD đã tổ chức đại hội nội bộ ở Berlin để đề cử bà Weidel làm ứng cử viên thủ tướng cho cuộc bầu cử Nghị viện liên bang vào ngày 23/2 tới. AfD là đảng dân túy cực hữu có nguồn gốc từ Đông Đức cũ, có những đặc trưng riêng là phản đối nhập cư, theo chủ nghĩa dân tộc Đức và chủ nghĩa bảo thủ Thiên chúa giáo, nghi ngờ về vấn đề biến đổi khí hậu và kinh tế xanh, phản đối giới tinh hoa thân chính quyền. Tuy nhiên, bản thân bà Weidel lại sinh ra ở vùng Tây Đức cũ và là người đồng tính nữ sinh sống ở Thụy Sĩ (bạn gái đồng giới của bà là người gốc Sri Lanka), bà có nền tảng tinh hoa trong giới tài chính và quốc tế, là nhà nữ lãnh đạo thuộc phe ôn hòa trong đảng, có thể được coi là “đối lập trong phe đối lập”.

Chủ tịch AfD

Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông trước đây, bà Weidel luôn nhấn mạnh rằng bà và AfD đi theo “chủ nghĩa tự do cá nhân” và chủ nghĩa bảo thủ của phe bảo thủ cánh hữu chính thống, không chấp nhận cái mác cực hữu do bên ngoài gán cho. Cộng với độ tuổi phù hợp (sinh 1979), bà nhanh chóng trở thành ứng cử viên sáng giá để lãnh đạo đảng này và tranh cử chức Thủ tướng Đức. Uy tín của AfD được cho là đang lên cao, tên tuổi của bà Weidel cũng đang nổi lên, thậm chí bà còn nhận được sự ủng hộ của Elon Musk trong cuộc điện thoại video gần đây. Đây chính là lý do tại sao sự quan tâm đối với AfD tại đại hội của đảng lần này đã vượt qua SPD (đảng Dân chủ xã hội Đức - đảng của Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz) và thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu.

Cử tri ủng hộ

Dữ liệu thăm dò mới nhất từ cơ quan truyền thông tin tức chính trị Mỹ Politico cho thấy xu hướng “thay nhau tăng giảm” trong tỷ lệ ủng hộ giữa AfD và các đảng lớn truyền thống từ đầu năm 2025 tới nay đã rõ hơn: Tỷ lệ ủng hộ AfD đã tăng lên 21%, trụ vững ở vị trí thứ 2, đạt mức cao nhất trong một năm trở lại đây. Tỷ lệ ủng hộ SPD giảm xuống 15%, vẫn đứng thư 3 và khoảng cách này với AfD ngày càng trượt xa, thậm chí tiệm cận với đảng Xanh, mặc dù tỷ lệ ủng hộ của Liên minh CDU/CSU vẫn giữ vững vị trí số 1, nhưng đã giảm 1%, chưa kể bà Weidel và AfD đang cố gắng thu phục các cử tri cánh hữu chính thống, đe dọa trực tiếp đến số phiếu của Liên minh CDU/CSU.

Theo phân tích của Politico, dự đoán rằng nếu tỷ lệ ủng hộ hiện tại được chuyển thành tỷ lệ phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử tới, trong số 630 ghế ở nghị viện liên bang, các đảng Liên minh CDU/CSU, AfD, SPD, đảng Xanh và Liên minh Wagenknecht sẽ vào nghị viện với số ghế giành được lần lượt là 226, 149, 116, 100 và 39, còn đảng Dân chủ tự do trung hữu (FDP) truyền thống và đảng Cánh tả không thể chen chân vào cánh cửa nghị viện.

Điều này có nghĩa là cục diện đảng phái chính trị ở Đức do Liên minh CDU/CSU và SPD đóng vai trò chủ đạo từ Thế chiến 2 lần đầu tiên đã bị phá vỡ về cơ bản, và các đảng dân túy ở cả cánh hữu, cánh tả trong “phổ chính trị” (hệ thống các lập trường chính trị khác nhau và độc lập với nhau) sẽ chiếm gần 30% số ghế nghị viện.

Xu hướng bất định và phân cực  chính trường Đức

Người dân Đức đang gặp khó khăn trước những biến động của chuỗi cung ứng, rủi ro năng lượng, lạm phát và chi phí sinh hoạt cao. Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu lâu dài và tranh cãi về vấn đề nhập cư đôi khi đã kích thích phản ứng nhạy cảm của một số nhóm cử tri, vốn kỳ vọng vào sự thay đổi thực chất, nhưng “chính phủ liên minh lớn” khả năng cũng sẽ chỉ làm giảm sự kiên nhẫn và lòng tin ở họ.

Vấn đề sâu xa hơn nằm ở ảnh hưởng sâu rộng của nước Đức, nước đầu tàu EU này đối với nền chính trị châu Âu. Nếu AfD giành được tiếng nói quan trọng trong việc ra quyết định của Chính phủ Đức và thông qua các dự luật quan trọng, chắc chắn sẽ làm thay đổi các chính sách đối ngoại, an ninh, thương mại và môi trường hiện tại của Đức ở các mức độ khác nhau.

Ví dụ: Liệu viện trợ cho Ukraine sẽ giảm đi nhiều hay thậm chí chấm dứt hẳn? Nước Đức có thể đảm nhận trách nhiệm bảo vệ môi trường và nền kinh tế xanh hiện tại hay không? Thái độ đối với Eurozone, thị trường chung châu Âu và khu vực thuế quan thống nhất thế nào? Chính sách phòng thủ tập thể châu Âu có bị suy yếu đi hay không? Sự thành công của AfD liệu có thể khích lệ các lực lượng cực hữu ở các nước lớn châu Âu trong đó có Pháp tiến vào trung tâm chính trường hay không? Xu hướng bất định và phân cực trên chính trường Đức đã trở nên hiển hiện, với sự hỗ trợ của các gã khổng lồ về công nghệ và sự tái cơ cấu của chính các chủ thể. AfD sẽ thay đổi hệ sinh thái chính trị Đức và châu Âu như thế nào đang trở thành vấn đề được quan tâm thực sự trong tương lai.

 

 

TRẢ GIÁ ĐẮT VÌ TRỪNG PHẠT NGA

Ứng viên Thủ tướng Đức Alice Weidel kêu gọi chấm dứt trừng phạt Nga

Trong một động thái gây chấn động chính trường châu Âu, bà Alice Weidel, ứng cử viên Thủ tướng Đức của Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), đã kêu gọi chấm dứt chính sách trừng phạt Nga và khởi động ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột Ukraina.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn báo chí, bà Alice Weidel chỉ trích chính phủ Berlin đã "đổ thêm dầu vào lửa" trong ba năm qua bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraina, đẩy quan hệ với Nga vào vòng xoáy đối đầu nguy hiểm.

“Chúng ta đã và đang làm gì với Nga trong ba năm qua? Chỉ là leo thang căng thẳng mà thôi. Chúng ta đối đầu với Nga không chỉ bằng lời nói, mà còn về tài chính và cả việc cung cấp vũ khí cho Ukraina” - bà Weidel nhấn mạnh.

Đáng chú ý, bà lên án việc các xe tăng Đức được sử dụng trên chiến trường Ukraina chống lại Nga, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, và cho rằng điều này thể hiện sự lãng quên lịch sử một cách đáng báo động của chính phủ Đức.

Theo bà Weidel, nền kinh tế Đức đang “trả giá đắt” vì trừng phạt Nga. Các biện pháp trừng phạt Nga không những không làm suy yếu Mátxcơva mà còn đang “bóp nghẹt” nền kinh tế Đức. Bà kêu gọi Berlin cần khẩn trương rời khỏi vòng xoáy trừng phạt này và tập trung vào các giải pháp ngoại giao.

“Đức không thể tiếp tục chịu đựng sự suy thoái kinh tế chỉ vì một cuộc chiến không có lối thoát rõ ràng. Đã đến lúc ngồi vào bàn đàm phán và tìm giải pháp hòa bình bền vững” - bà tuyên bố.

Viện trợ cho Ukraine

Theo số liệu từ phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Hebestreit, kể từ khi xung đột Ukraina nổ ra, Berlin đã cung cấp 44 tỉ euro viện trợ cho Kiev, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai sau Mỹ. Tuy nhiên, trong đề xuất ngân sách năm 2025, Đức đã phân bổ 4 tỉ euro để hỗ trợ, bằng một nửa số tiền mà nước này đã chi trong năm nay.

Đề xuất nói trên hiện vẫn đang chờ sự phê chuẩn của Quốc hội Đức (Bundestag), giữa lúc dư luận Đức ngày càng chia rẽ về việc tiếp tục đổ tiền của vào cuộc xung đột kéo dài.

Phát biểu của bà Alice Weidel được cho là sẽ làm dấy lên làn sóng tranh cãi tại Đức và cả Liên minh châu Âu (EU). Đảng AfD, vốn có lập trường hoài nghi EU và thân thiện hơn với Nga, đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh cử tri Đức mệt mỏi với lạm phát, khủng hoảng năng lượng kéo dài.

Liệu lập trường “chấm dứt trừng phạt, ưu tiên hòa bình” của bà Weidel có thể thay đổi cục diện chính trị Đức và thậm chí định hình lại chính sách đối ngoại của châu Âu? Câu trả lời sẽ chỉ rõ nét hơn khi cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng Đức bước vào giai đoạn căng thẳng nhất.

Một điều chắc chắn là làn sóng kêu gọi đối thoại với Nga đã không còn là chuyện “ngoại vi”, mà đang dần trở thành một lựa chọn chính trị thực tế trong lòng châu Âu.

 

Nguồn: Soha; CAND; Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang