.jpg)
Cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô Berlin của Đức ngày 3/10
Theo lời kêu gọi của một nhóm cực tả, hàng nghìn người tham gia sự kiện đã giơ cao những biểu ngữ như "Đàm phán! Không vũ khí", "Nói không với chiến tranh", "Chủ nghĩa hòa bình không ngây thơ". Một số người còn cầm những tấm bảng với các dòng khẩu hiệu phản đối Mỹ.
Một trong những yêu cầu chính của người biểu tình là chính phủ Đức ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, điều mà Kiev vốn rất cần trong cuộc chiến với Moskva.
Sự kiện diễn ra một tuần trước chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Đức kể từ thời cựu tổng thống Ronald Reagan năm 1985. Tổng thống Joe Biden dự kiến gặp các đồng minh của Ukraine tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Ramstein, phía tây Đức, để thảo luận về viện trợ vũ khí cho quốc gia Đông Âu.
Lập trường ủng hộ Nga phản đối Nato
Lãnh đạo cực tả theo chủ nghĩa dân túy Sahra Wagenknecht, người tham gia biểu tình ở Berlin, từ lâu kêu gọi chấm dứt cung cấp vũ khí cho Ukraine và phản đối kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở Đức.
Đức là quốc gia viện trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ hai sau Mỹ, nhưng có kế hoạch cắt giảm một nửa ngân sách cho lĩnh vực này trong năm tới.
Lập trường ủng hộ Nga, phản đối NATO của Wagenknecht đã góp phần giúp đảng của bà đạt được kết quả tích cực trong ba cuộc bầu cử ở bang miền đông, giành được 12% số phiếu bầu ở Brandenburg.
Đảng cựu hữu AfD của Đức cũng chỉ trích chính sách ủng hộ Ukraine mà chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz đang áp dụng. AfD hồi tháng 9 gây chấn động khi giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc biểu phiếu quốc hội ở bang Thuringia và về thứ hai ở bang lân cận Saxony.
Các lãnh đạo bang Saxony và Brandenburg, cũng như lãnh đạo phe bảo thủ ở bang Thuringia, đều kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine. Họ nhận xét các nỗ lực ngoại giao của Đức và Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay là "quá thiếu quyết đoán", thúc giục Berlin đưa Moskva vào bàn đàm phán.
THỦ TƯỚNG KÊU GỌI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ CHUNG CÓ CẢ NGA VÀ UKRAINE
.jpg)
Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và ủng hộ đồng minh dành cho Kiev
Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa một lần nữa kêu gọi tạo điều kiện cho một hội nghị giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là phải có sự tham dự của cả Ukraine và Nga.
"Giờ chúng ta cần một hội nghị mà cả Ukraine và Nga đều tham gia. Và chúng ta cần tạo điều kiện cho điều đó", ông Scholz cho biết hôm 2/10, trong một sự kiện đối thoại với công dân tại thành phố Schwerin, thủ phủ tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern, Đông Bắc nước Đức.
Người đứng đầu chính phủ liên bang Đức cũng đề cập đến một hội nghị về Ukraine đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock của Thụy Sĩ hồi tháng 6. Sự kiện không có sự tham dự của phía Nga.
Thủ tướng Đức cho biết, việc thảo luận về các cơ hội hiện có là rất quan trọng. "Tôi đã làm điều này rất tích cực trong vài tuần và vài tháng qua, và sẽ tiếp tục làm như vậy khi tôi hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Đức trong tháng 10 này", ông Scholz đề cập đến chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới quốc gia Tây Âu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Scholz sẽ cùng ông Biden chủ trì một cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) tại Căn cứ Không quân Ramstein.
"Câu hỏi về cách thức đạt được điều này cũng nên đóng một vai trò", ông Scholz cho biết trong sự kiện được phát sóng trên trang web của chính phủ Đức.
Ông cũng nhắc lại rằng, Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, đảm bảo rằng Ukraine sẽ nhận được khoản vay 50 tỷ USD dựa trên khối tài sản bị đóng băng của Nga, đồng thời nói thêm rằng sự ủng hộ của các đồng minh dành cho Kiev sẽ không suy yếu.
"Điều này cũng gửi một thông điệp tới Tổng thống Nga rằng ông ấy không nên mong đợi rằng tại một thời điểm nào đó, sự ủng hộ dành cho Ukraine sẽ biến mất", ông Scholz nói.
Kêu gọi Hội nghị giải quyết xung đột Ukraina phải có Nga
Thủ tướng Đức Scholz từng kêu gọi một hội nghị về giải quyết xung đột Ukraine, trong đó Nga sẽ tham gia, khi ông phát biểu tại Bundestag vào ngày 11/9.
Vào ngày 8/9, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình công cộng ZDF của Đức, ông lưu ý rằng đối với cuộc xung đột ở Ukraine, đã đến lúc để thảo luận về cách đạt được hòa bình và kêu gọi Nga tham gia vào một hội nghị thượng đỉnh mới để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Bình luận về thông tin ông Scholz được cho là sẵn sàng gọi điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, người đứng đầu chính phủ liên bang sẽ làm điều đó khi thích hợp.
"Thủ tướng đã nhiều lần ám chỉ rằng ông sẽ làm điều đó một lần nữa nếu điều đó có ý nghĩa", vị phát ngôn viên cho biết, đồng thời lưu ý rằng "tình hình có thể thay đổi rất nhanh chóng". Ông Hebestreit cũng nhắc lại rằng cuộc điện đàm gần nhất của ông Scholz với ông Putin diễn ra vào tháng 12/2022.
Trước đó, ông Scholz có thể đang xem xét khả năng nói chuyện với ông Putin qua điện thoại trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
ĐẠI SỨ ĐỨC TẠI HUNGARY BỊ TRIỆU TẬP VÌ CHỈ TRÍCH HUNGARY ‘XA LÁNH ĐỒNG MINH’
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã triệu tập đại sứ Đức hôm 3/10
Mục đích, để phàn nàn về một bài phát biểu trong đó bà đại sứ đã kêu gọi các nhân vật tên tuổi của Hungary lên tiếng phản đối những hành động mà bà cho là đang làm xói mòn lòng tin vào các đồng minh của Budapest trong NATO và EU.
Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Viktor Orban từ lâu đã hục hặc với các đồng minh phương Tây về một loạt vấn đề, trong đó có sự tệ hại về nhân quyền và tự do báo chí của Hungary và mối quan hệ kinh tế tương đối tốt của họ với Nga.
Số liệu từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức-Hungary cho thấy Đức chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hungary và 22,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hungary vào năm 2023.
Phát biểu của Đại sứ Đức Julia Gross
“Hungary đang đi trên con đường ngày càng xa lánh bạn bè,” Đại sứ Đức Julia Gross nói trước cử tọa là các nhà ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ và các quan chức Hungary, trong một bài diễn văn có tính chỉ trích bất thường để kỷ niệm Ngày Thống nhất nước Đức hôm 2/10.
Ông Szijjarto nói những phát ngôn này là ‘không thể chấp nhận được’.
“Đại sứ Đức tại Budapest đã can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Hungary với bài diễn văn ngày hôm qua mang tính cách xâm phạm chủ quyền của Hungary”, Ngoại trưởng Szijjarto viết trên trang Facebook của mình.
Đại sứ Gross cho biết một loạt các hành động đã làm tổn thương uy tín của Hungary, bao gồm điều mà ông Orban cho là sứ mệnh mang lại hòa bình cho Ukraine, bao gồm các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 7 mà không có sự ủng hộ của nước thành viên EU khác.
Bà cũng chỉ trích ‘những chiêu trò của chính phủ Hungary trong việc chấp thuận cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO’. Budapest cuối cùng đã phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO hồi tháng Hai sau khi trì hoãn một thời gian dài.
Bà Gross cũng đề cập đến ‘những tuyên bố của từng chính trị gia trong tuần trước’.
Bà không nói rõ chi tiết, nhưng tuần trước đã viết trên X rằng Đức và Pháp đã phản đối Hungary về ‘những tuyên bố bất ngờ gần đây vốn làm suy yếu nguyên tắc đoàn kết giữa các đồng minh’. Bà dường như nhắc đến phát biểu của một trợ lý hàng đầu của Thủ tướng Orban cho rằng Ukraine không nên kháng cự cuộc xâm lược của quân Nga.
“Tôi thấy nhiều người trong quý vị có mặt ở đây tối nay luôn là người bắc những nhịp cầu”, bà Gross nói “Chúng ta nên cùng nhau đòi hỏi cho những gì quý vị đã tạo dựng sẽ không bị phá bỏ”
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Hungary và đã đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế nước này kể từ giữa những năm 1990, với các hãng ô tô Audi, Daimler, Opel và BMW đầu tư hàng tỷ euro vào quốc gia Trung Âu này.
Nguồn: Vnexpress; Người Đưa Tin; VOA
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá