Đức: Berlin cho phụ nữ để ngực trần; Tăng bất đồng với Pháp; Đổi mới nguồn cung năng lượng

Berlin cho phép phụ nữ để 'ngực trần' ở bể bơi công cộng

Giới chức thủ đô Berlin của Đức vừa đưa ra quy tắc mới cho phép phụ nữ tới các bể bơi và cơ sở tắm công cộng được để ngực trần như nam giới.

Theo hãng tin RT và AP, các quy tắc mới cho phép mọi người đi bơi mà không cần che phần thân trên được đưa ra sau khi một phụ nữ 33 tuổi khiếu nại thành công về việc bị phân biệt đối xử. Cô bị nhân viên giám sát ở một trong các bể bơi của Berlin yêu cầu che ngực khi đi bơi hồi tháng 12/2022. Sau khi từ chối tuân thủ, nhân viên trên đã yêu cầu cô rời khỏi bể bơi.

Người phụ nữ trên sau đó đã tới văn phòng thanh tra của cơ quan lập pháp Berlin để đòi được đối xử bình đẳng, được phép để ngực trần khi bơi giống như nam giới.

Với sự can thiệp của nữ thanh tra chống phân biệt đối xử của Berlin là Doris Liebscher, Berliner Baederbetriebe - nhà điều hành các bể bơi công cộng của thành phố, đã quyết định thay đổi các quy tắc về trang phục.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 9/3, chính quyền thành phố Berlin cho biết: "Các cơ sở tắm, bơi lội ở Berlin sẽ áp dụng các quy tắc tắm theo cách trung lập về giới tính". Văn bản này cho biết thêm, giờ đây "tất cả phụ nữ hoặc những người có bộ ngực được coi là nữ tính sẽ có thể bơi ngực trần" ở các bể bơi công cộng trong nhà và ngoài trời của thành phố.

Các quy tắc mới này không có nghĩa là mọi phụ nữ ở Berlin bắt buộc phải để ngực trần khi bơi và họ vẫn có thể che ngực nếu muốn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ chính xác khi nào quy tắc mới sẽ được áp dụng.

Berlin không phải là thành phố đầu tiên của Đức đưa ra những quy định như vậy. Thành phố Siegen ở bang North Rhine Westphalia, phía tây bắc của Đức và Goettingen ở vùng Hạ Saxony cũng ra quyết định tương tự vào năm 2022.

(Nguồn: Vietnamnet)

Pháp - Đức gia tăng bất đồng

(Ảnh minh họa).

Bất hòa xuất hiện giữa Đức và Pháp - hai quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) xung quanh những vấn đề nóng đang gây lo ngại về công cuộc xây dựng và phát triển châu Âu trong tương lai.

Từ năng lượng hạt nhân

Sau thảm họa Fukushima vào năm 2011, Đức ngày càng tỏ rõ đối lập với Pháp về vấn đề năng lượng hạt nhân. Những tháng gần đây, sự đối đầu đã chuyển biến theo hướng trực diện hơn. Berlin đã chặn nhiều dự luật lớn về vấn đề năng lượng hạt nhân ở Brussels (Bỉ). Khi EU chủ trương đoạn tuyệt với nhiên liệu hóa thạch, Paris nhắm tới phát triển trở lại hạt nhân, Berlin phản đối, cho rằng chủ trương đó sẽ cản trở phát triển năng lượng tái tạo.

Đã có 11 quốc gia trong EU do Pháp đứng đầu đã tuyên bố tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự để phát triển các dự án mới, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Đức, Áo, Luxembourg và Tây Ban Nha. Theo tạp chí La Tribune, để thành lập liên minh trên, trong những tháng gần đây, Pháp đã vận động hành lang và có các thỏa thuận đặc biệt. Chính phủ Pháp cho rằng năng lượng hạt nhân có thể giúp Pháp và châu Âu đạt được những mục tiêu khí hậu, đặc biệt là sản xuất hydro “xanh” cho lĩnh vực vận tải, công nghiệp. Nước này luôn tích cực tìm kiếm đồng minh trong 27 quốc gia EU để tạo đối trọng trong những cuộc đàm phán với các nước láng giềng không ủng hộ cho nguồn điện carbon thấp này, trong đó đứng đầu là Đức và Tây Ban Nha.

Về phía Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt hoạt động của các nhà máy năng lượng hạt nhân. Ông Olaf Scholz cho rằng, việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân sẽ tốn kém, thậm chí còn khó thực hiện hơn tiến trình phát triển năng lượng tái tạo.

Liên quan đến lĩnh vực khí đốt, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cuối cùng đã đồng ý mua khí đốt ở cấp độ châu Âu theo giá trần. Pháp và Đức thống nhất cung cấp khí đốt và điện cho nhau để tránh các vấn đề trong mùa đông. Nhưng Thủ tướng Scholz vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Pháp về việc cải cách thị trường điện, đặc biệt là khi giá năng lượng lại đang có xu hướng giảm. Diễn biến này dẫn đến lo ngại rằng EU có nguy cơ bị chia thành hai khối đối lập nhau về vấn đề chuyển đổi năng lượng trong khu vực.

Đến chính sách quân sự

Một bất đồng khác giữa hai nước liên quan đến quốc phòng của châu Âu. Đây là một trong những chủ đề bất đồng lớn giữa Paris và Berlin kể từ đầu cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Pháp Macron từ lâu đã hy vọng củng cố quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, hướng đến sự độc lập khỏi Mỹ và NATO để đảm bảo an ninh cho châu lục thì cuộc chiến ở Ukraine lại khiến kế hoạch này bị ảnh hưởng.

4 tháng sau khi Đức thông báo phát động dự án lá chắn chống tên lửa chung cho châu Âu có tên gọi European Sky Shield (ESSI) từ tháng 10-2022, đến giờ đã có 17 quốc gia, trong đó 15 thành viên NATO tham gia sáng kiến của Berlin. Sáng kiến này không cùng kế hoạch độc lập chiến lược của châu Âu do Pháp phát động, vốn có chủ trương tự chủ xây dựng hệ thống phòng thủ bằng tiềm lực của châu Âu. Pháp cho rằng dự án của Berlin, chủ yếu mua trang bị hệ thống của Mỹ và bên ngoài, sẽ gây bất lợi cho một số hãng công nghiệp quân sự của châu Âu. Đức cũng khiến Pháp “khó chịu” khi mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ thay vì máy bay của châu Âu và cũng không chờ đợi Hệ thống Không quân chiến đấu tương lai (FCAS) - một dự án máy bay chung của Pháp - Đức - Tây Ban Nha đi vào hoạt động.

Ngoài ra, việc Đức tiến hành tái vũ trang với khoản ngân sách đặc biệt 100 tỷ EUR (105 tỷ USD) sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra cũng khiến cán cân quan hệ Pháp - Đức bị tác động mạnh khi tương lai của các dự án quốc phòng chung của hai nước bị đặt dấu hỏi.

(Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng)

Đức đạt tiến triển trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng

Song song với việc đối phó với các cuộc khủng hoảng, từ năm 2022, Chính phủ Đức đã đặt nền móng cơ bản cho việc đổi mới và hướng tới sự thịnh vượng theo hướng trung hòa khí thải.

Trong một báo cáo công bố ngày 9/3, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức khẳng định, nước này đang đạt tiến triển tốt trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng và nền công nghiệp, dù có những thách thức lớn.

Báo cáo do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck trình bày cho biết, song song với việc đối phó với các cuộc khủng hoảng, từ năm 2022, Chính phủ Đức đã đặt nền móng cơ bản cho việc đổi mới và hướng tới sự thịnh vượng theo hướng trung hòa khí thải.

Hiện nước Đức đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất trong việc phát triển năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời, đã có nhiều bước tiến trong việc đẩy nhanh thủ tục, cải thiện các điều kiện về đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào các công nghệ trung hòa khí thải. Báo cáo khẳng định năng lượng tái tạo được đẩy mạnh, hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, một ngành công nghiệp thân thiện với khí hậu là những gì nước Đức đang hướng tới để đảm bảo khả năng cạnh tranh và việc làm trong tương lai.

Theo báo cáo, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều thách thức như xung đột quay trở lại ở châu Âu, tình hình toàn cầu có nhiều thay đổi, cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn đang tiếp diễn, nhiệm vụ của Đức là phải loại bỏ các rào cản đối với việc tạo ra giá trị bền vững và cung cấp năng lượng, đồng thời tăng cường thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo và đầu tư.

Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045 và sự thịnh vượng bền vững, báo cáo vạch ra các nhiệm vụ cụ thể như tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, tăng năng lực truyền tải và đảm bảo sự ổn định của hệ thống lưới điện, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng hydro, thúc đẩy nền công nghiệp không khí thải carbon, tăng hiệu quả sử dụng và tăng cường tiết kiệm năng lượng, đổi mới việc tạo ra giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp...

Báo cáo cũng cho biết Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức đang xây dựng một chiến lược nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, đổi mới sự thịnh vượng trên cơ sở trung hòa khí thải.

Yếu tố trung tâm cho quá trình khử carbon của ngành công nghiệp là các cam kết và thỏa thuận về bảo vệ khí hậu, để các quy trình sản xuất được chuyển đổi sang sản xuất xanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi với sự hỗ trợ của chính phủ.

(Nguồn: VietnamPlus)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang