Đức: Bắt giữ con tin; Nóng vấn đề sở hữu súng; Không hấp dẫn LĐ nước ngoài; Làn sóng sa thải; Giai đoạn tăng trưởng kinh tế

Cảnh sát Đức ập vào hiệu thuốc ở Karlsruhe, tóm gọn nghi can bắt giữ con tin

Cảnh sát Đức đã xông vào hiệu thuốc nơi một số người đang bị giam giữ trong một vụ bắt cóc con tin diễn ra ở thành phố Karlsruhe, vùng Tây Nam nước này.

Trong một tuyên bố chung với các công tố viên, cảnh sát Đức cho biết, các con tin không bị thương và nghi phạm đã bị bắt giữ, không còn mối nguy hiểm nào đối với người dân.

Vụ việc hôm 10/3 diễn ra sau vụ tấn công chết người cùng ngày tại một khu vực sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng tôn giáo Jehovah's Witnesses (Nhân chứng Jehovah) ở thành phố Hamburg, miền Bắc nước Đức, khiến nước này rơi vào tình trạng báo động. Bạo lực súng đạn hiếm khi xảy ra ở Đức.

Một số lượng lớn các sĩ quan cảnh sát đã được triển khai đến địa điểm trên bắt đầu từ khoảng 16h30 ngày 10/3 (theo giờ địa phương), một phát ngôn viên của cảnh sát Đức cho biết, nhưng ông từ chối tiết lộ vì lý do chiến thuật có bao nhiêu con tin đã bị bắt hoặc có bao nhiêu cảnh sát tham gia chiến dịch giải cứu.

Cảnh sát đã phong tỏa trung tâm thành phố Karlsruhe, nhiều xe cảnh sát màu xanh và xám với đèn nhấp nháy chạy dọc các con phố. Trước đó, cảnh sát đã kêu gọi người dân tránh khu vực xung quanh.

Tờ Stuttgarter Zeitung đưa tin rằng hai người đã bị bắt làm con tin và yêu cầu một khoản tiền chuộc trị giá 1 triệu Euro.

Người phát ngôn của cảnh sát từ chối bình luận về thông tin này.

Trước đó, tờ Bild của Đức đưa tin, cảnh sát đã liên lạc với nghi phạm bắt giữ con tin.

Karlsruhe, không xa biên giới Pháp, là thành phố có khoảng 300.000 dân và là nơi đặt Tòa án Công lý Liên bang, tòa án cao nhất của Đức.

(Nguồn: VTV)

Đức: Nóng vấn đề sở hữu súng đạn sau vụ xả súng ở Hamburg

Một ngày sau vụ hung thủ xả súng kinh hoàng ở thành phố Hamburg tối 9/3 khiến 7 người thiệt mạng, đã có nhiều tiếng nói ở Đức kêu gọi cần phải siết chặt hơn nữa quy định sở hữu súng đạn ở nước này nhằm ngăn chặn các vụ việc thương tâm tái diễn.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Nancy Faeser kêu gọi một lần nữa xem xét lại dự thảo sửa đổi luật súng đạn ở Đức xem có các lỗ hổng hay không. Ngoài ra, luật về súng đạn tương lai cũng cần quy định rõ về việc giám định sức khỏe tâm thần đối với những người xin cấp thẻ sở hữu súng đạn. Điều này sẽ đòi hỏi sự vào cuộc của ngành y tế, nhất là với những trường hợp xin cấp lần đầu. Bên cạnh đó, cũng cần có sự kết nối tốt hơn giữa các cơ quan liên quan trong việc xét duyệt hồ sơ và quản lý giấy phép sở hữu súng đạn sau khi cấp, chẳng hạn như khi đương sự chuyển nơi ở. Bà Faeser nhấn mạnh vụ xả súng đẫm máu ở Hamburg cho thấy rõ sự cấp thiết phải sửa đổi luật sở hữu súng đạn ở Đức.

Cho tới nay, kế hoạch cải cách luật sở hữu súng đạn ở Đức vẫn chưa được thực hiện, một phần do sự phản đối của đảng Dân chủ Tự do (FDP). Sau vụ xả súng cách đây 2 ngày ở Hamburg, đảng Xanh - đối tác lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền ở Đức - đã gây sức ép để đẩy nhanh việc sửa đổi luật này. Chính trị gia nội vụ của đảng Xanh, ông Marcel Emmerich, nhấn mạnh vụ việc ở Hamburg cho thấy rõ những rủi ro lớn đối với vấn đề an ninh và an toàn từ súng đạn. Theo ông, càng ít súng cá nhân sẽ càng tốt hơn cho an toàn chung của công cộng và cần có đánh giá chuyên môn về tâm lý đối với tất cả những người xin giấy phép sở hữu súng, thay vì chỉ áp dụng với những người dưới 25 tuổi như hiện nay.

Tranh luận nổ ra sau khi Philipp F. (một công dân Đức, 35 tuổi) dùng súng lục bán tự động Heckler & Koch P30 thuộc quyền sở hữu hợp pháp bắn loạn xạ vào một nhóm người thuộc cộng đồng giáo phái Nhân chứng Jehovas (Jehovah’s Witnesses) khi những người này vừa kết thúc buổi hành lễ. Sau khi bắn các nạn nhân, hung thủ đã dùng súng tự sát. Ngoài 7 người thiệt mạng còn có 8 người bị thương, trong đó có 4 người trong tình trạng nguy kịch. Được biết, có 2 người nước ngoài mang quốc tịch Uganda và Ukraine nằm trong số 4 người nguy kịch này.

Tại hiện trường, cảnh sát đã tìm được một khẩu súng ngắn, 9 băng đạn rỗng (tổng số 135 viên đạn) và 2 băng đã nạp đạn. Trong balô, hung thủ còn mang theo 20 băng đạn đầy. Khi khám xét nhà đối tượng ở quận Altona ngay sau đó, cảnh sát cũng thu giữ 15 băng đạn còn nguyên (mỗi băng 15 viên) cùng với 4 hộp đạn có tổng cộng 200 viên.

Theo thông tin ban đầu, Philipp F. có giấy phép sở hữu khẩu súng từ tháng 12/2022. Trước khi vụ việc xảy ra khoảng 2 tháng, cảnh sát đã nhận được một thư nặc danh tố cáo Philipp F. Bức thư viết: "Philipp F. là người đàn ông rất nguy hiểm, mới có súng và nhiều khả năng bị bệnh. Người này hay giận dữ, nhất là với các Nhân chứng Jehovas". Người gửi thư phải giấu tên do lo sợ Philipp F., một cựu thành viên của giáo phái Nhân chứng Jehovas, và đã đề nghị cơ quan quản lý vũ khí kiểm tra hành vi của đối tượng.

Cảnh sát trưởng Hamburg - ông Ralf Meyer - cho biết nhà chức trách đã tới khám xét bất chợt nhà riêng của Philipp F. nhưng không phát hiện dấu hiệu khả nghi. Những thông tin gần đây cho thấy Philipp F. có nhiều dấu hiệu của người mắc bệnh hoang tưởng và sống khép kín. Hiện chưa biết đối tượng này tự xin rút khỏi giáo hội Nhân chứng Jehovas hay bị khai trừ. Philipp F. cũng từng kinh qua nhiều ngành nghề và tự quảng cáo trên mạng Internet rằng mình là một doanh nhân nghiêm túc, thành đạt.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Vì sao Đức không hấp dẫn lao động nước ngoài?

Nhằm lấp đầy khoảng trống của thị trường việc làm trong nước, Ðức đang cố gắng thuyết phục nhiều lao động nước ngoài có tay nghề cao ở lại làm việc. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy “xứ sở bia” đang trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhân công nước ngoài.

Thiếu lao động trầm trọng

Nghiên cứu “Các chỉ số thu hút nhân tài” công bố hôm 9-3 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Ðức đã trượt từ vị trí thứ 12 năm 2019 xuống thứ 15 trong năm nay trong số 38 quốc gia OECD được đánh giá. Kết quả này dựa trên 7 tiêu chí mà lao động tài năng nước ngoài đánh giá cao, gồm: chất lượng cơ hội việc làm, mức thu nhập và thuế, triển vọng tương lai, môi trường gia đình, môi trường kỹ năng, tính toàn diện và chất lượng cuộc sống. Trong 4 nhóm lao động mà các chính phủ mong muốn thu hút (gồm chuyên gia có trình độ cao, doanh nhân, nhà sáng lập công ty mới khởi nghiệp và sinh viên quốc tế), nghiên cứu phát hiện chỉ ở nhóm sinh viên quốc tế, Ðức mới lọt vào tốp 10 quốc gia thu hút nhất. 4 quốc gia đứng đầu là New Zealand, Thụy Ðiển, Thụy Sĩ và Úc.

Theo DW, Ðức đang ngày càng tuyệt vọng trong việc giữ chân nhiều công nhân nước ngoài có tay nghề cao, giữa lúc những thay đổi nhân khẩu học sắp xảy ra tại nước này sẽ khiến hàng triệu vị trí việc làm không được lấp đầy trong thập kỷ tới. Dự kiến, thế hệ “baby boomer” (thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh giai đoạn 1946-1964) cuối cùng - vốn chiếm phần lớn trong lực lượng lao động hiện tại - sẽ nghỉ hưu vào năm 2035. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Việc làm - bộ phận trực thuộc Cơ quan Việc làm Liên bang Ðức, nước này cần 400.000 người nhập cư mỗi năm để lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động. Trong khi đó, dự báo mới nhất từ văn phòng thống kê chính thức của Ðức cho thấy ước lượng nhập cư ròng hàng năm sẽ là 290.000 người.

Chuyên gia khoa học xã hội Paul Becker tại Viện nghiên cứu Minor thì cho rằng nỗ lực thuyết phục thêm người lao động đến Ðức chỉ là một phần trong giải pháp xử trí thực trạng thiếu nhân lực. Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 2, chuyên gia này nhận định điều quan trọng là phải đảm bảo không chỉ có nhiều người nhập cư hơn mà còn đảm bảo ít công nhân lành nghề rời đi lần nữa, thay vào đó họ sẽ ở lại Ðức với gia đình. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hầu hết người lao động đến Ðức làm việc đều bỏ đi chỉ sau 3-4 năm sống ở đây.

Nguyên nhân lao động nước ngoài rời đi

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 12-2022 từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng (IAW, Ðức), những nguyên nhân khiến lao động nước ngoài rời khỏi Ðức thường là các vấn đề về hội nhập, đối đãi từ chính quyền, chính sách thuế và bảo hiểm xã hội. Dựa trên cuộc khảo sát với 1.885 người đã rời khỏi Ðức và 38 cuộc phỏng vấn, nghiên cứu của IAW chỉ ra một loạt yếu tố phức tạp liên quan đến lý do rời đi - từ giấy phép cư trú, không tìm được công việc phù hợp, không thể đưa gia đình đến Ðức, chi phí sinh hoạt cao cho đến các vấn đề cá nhân. Song, lý do phổ biến nhất lại khá đơn giản - đó là các vấn đề pháp lý liên quan đến nơi cư trú. “Tôi cho rằng trong hầu hết các trường hợp, đó là giấy phép cư trú để đào tạo hoặc làm việc và những giấy phép này chỉ đơn giản là hết hạn và không được gia hạn” - Bernhard Boockmann, tác giả nghiên cứu của IAW, nhận xét.

Ngoài ra, vấn đề phân biệt đối xử cũng là một yếu tố khiến lao động nước ngoài rời Ðức, dù chỉ tương đối nhỏ. Tuy chỉ hơn 5% số người được IAW phỏng vấn cho rằng phân biệt đối xử là một yếu tố khiến họ rời đi, nhưng 2/3 những người có trình độ cao từ các quốc gia ngoài châu Âu cho biết từng bị phân biệt đối xử từ chính quyền hoặc tại nơi làm việc.

Tuy rõ ràng là Chính phủ Ðức chỉ có thể tác động đến một số vấn đề và không có luật hay biện pháp mới nào có khả năng thuyết phục hàng ngàn lao động nước ngoài ở lại, nhưng cả hai chuyên gia Becker và Boockmann đều nghĩ rằng có thể áp dụng một biện pháp nào đó. Boockmann đề xuất Cơ quan Việc làm Liên bang Ðức nên tư vấn cho những lao động nhập cư đang tính đến việc rời đi. Tương tự, chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để thu hút trở lại những lao động đã rời Ðức mà vẫn giữ thiện cảm với nước này. Còn Becker cho rằng tạo môi trường sống tốt cho gia đình là yếu tố then chốt để giữ chân lao động nước ngoài.

(Nguồn: Báo Cần Thơ)

Các công ty Đức trước làn sóng cắt giảm nhân sự của Big Tech: 'Họ sa thải, chúng tôi thuê'

Có thể Thung lũng Silicon đang chao đảo với làn sóng sa thải nhân sự từ các công ty công nghệ tên tuổi, nhưng ở nước Đức, một số công ty lại nhìn thấy cơ hội tuyển dụng nhân tài từ những đợt cắt giảm này.

Từ lâu, Thung lũng Silicon luôn được xem là điểm đến mơ ước cho các kỹ sư phần mềm - nơi họ được trả lương cao ngất ngưởng cùng cơ hội làm việc với những cá nhân xuất sắc nhất.

Tuy nhiên, trước làn sóng sa thải nhân sự ồ ạt gần đây của nhiều ông lớn công nghệ tại bờ tây nước Mỹ, nhóm nhân sự "dư thừa" này có thể nghĩ đến nước Đức - nơi rất khao khát nguồn nhân lực chất lượng của Thung lũng Silicon, theo Reuters.

Mới đây, giới công nghệ chứng kiến đợt cắt giảm lên tới 40.000 nhân sự từ các ông lớn côn nghệ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và Meta.

Rainer Zugehoer, Giám đốc nhân sự tại Cariad, công ty con phần mềm của nhà sản xuất ô tô Volkswagen, cho biết: “Họ sa thải, chúng tôi tuyển dụng. Chúng tôi có nhu cầu cho hàng trăm vị trí ở Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc."

Theo Reuters, dù nền kinh tế Đức cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng các công ty Đức vẫn đang tỏ ra chậm chạp với các thành tựu công nghệ. Quốc gia này nổi tiếng với việc xử lý giấy tờ thông qua máy fax và Đức đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động trong ngành công nghệ thông tin (CNTT).

Theo tập đoàn CNTT Bitkom, 137.000 việc làm CNTT đang không tìm được nhân sự và Chính phủ Đức đang đơn giản hóa các thủ tục nhập cư, đưa ra những quyền công dân dễ dàng hơn để hấp dẫn nhóm lao động nhập cư có tay nghề cao.

Bà Judith Gerlach, người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề kỹ thuật số của bang Bavaria (Đức) đã viết trên LinkedIn: “Tôi muốn thân ái mời bạn chuyển đến sống ở Bavaria". Dù mức thu nhập ở châu Âu khó có thể cạnh tranh với nước Mỹ nhưng dịch vụ chăm sóc sức khỏe rẻ hơn và chi phí sinh họa thấp hơn được cho là một lợi thế của thị trường này.

Tuy vậy, theo Reuters, xu hướng quan liêu của Đức có thể là một thách thức. “Chế độ quan liêu ở Đức hoàn toàn làm tê liệt hầu hết những người lao động có trình độ cao khi họ lần đầu tiên tiếp xúc, đặc biệt nếu họ không nói được tiếng Đức”, một nhân sự thuộc công ty khởi nghiệp Lendis ở Berlin cho biết, ám chỉ tình trạng trì hoãn kéo dài trong việc xin giấy phép làm việc.

(Nguồn: VietnamBiz)

Thủ tướng Scholz: Đức sắp vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế vượt bậc

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tự tin khẳng nước này sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong khi nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Đức vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn lớn.

Bất chấp những khó khăn mà nền kinh tế Đức đang phải đối mặt, Thủ tướng nước này Olaf Scholz vẫn tự tin khẳng nước Đức sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Phát biểu trong chuyến thăm Trung tâm triển lãm München ngày 10/3, Thủ tướng Scholz bày tỏ "có mọi lý do để lạc quan hơn về tương lai so với một năm trước đây."

Đức đã có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong một thời gian ngắn và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng. Nước này cũng đang chuẩn bị tốt cho mùa Đông sắp tới.

Ông Scholz tự tin khẳng định "nước Đức sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc."

Theo nhà lãnh đạo Đức, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, một trong những vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách là đảm bảo đủ đội ngũ lao động lành nghề, cả thông qua đào tạo tại các trường đại học và trường nghề lẫn đào tạo trực tiếp trong các ngành sản xuất.

Ngoài ra, cần cải thiện cơ hội việc làm cho phụ nữ và tăng tốc nhập cư lao động từ nước ngoài. Thủ tướng Scholz khẳng định trong năm nay sẽ có thêm nhiều lao động nhập cư mới đến Đức.

Tuy nhiên, đại diện các ngành kinh tế Đức cho rằng nền kinh tế nước này vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn lớn. Để có thể đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, Đức còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm, nước này cần một chiến lược dài hạn để tiếp tục thành công trên thế giới, trong đó cần phải giải quyết hàng loạt rào cản, như chi phí năng lượng và tỷ lệ lạm phát còn ở mức cao, các thủ tục và quy định còn rườm rà, mức thuế doanh nghiệp thuộc loại cao hàng đầu thế giới làm suy giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của kinh tế Đức...

Đồng quan điểm với lãnh đạo BDI, Chủ tịch Hiệp hội các phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK) Peter Adrian cho rằng nước Đức đã có thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng mà không bị thiếu khí đốt, điều này là hết sức tích cực.

Chính sách đối phó với khủng hoảng của chính phủ liên bang đã phát huy tác dụng tốt, nhưng cần phải tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nữa để đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Đức.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường phát triển nền kinh tế xanh không phát thải khí cacbon và khắc phục tình trạng thiếu lao động tay nghề cao.

(Nguồn: VietnamPlus)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang