Để tự cung tự cấp khoáng sản, Đức sắp mở lại hầm mỏ sau 27 năm không khai thác

Berlin muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách khai thác các nguyên liệu thô quan trọng ngay trong nước.

Mỏ Käfersteige ở rìa Rừng Đen đã không hoạt động trong 27 năm, khoáng sản phong phú bị bỏ hoang, cửa bị khóa và các đường hầm thì ngập trong nước lũ. Giờ đây, những cánh cổng đó sắp mở cửa trở lại, khi Đức tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu bằng cách tự khai thác các loại khoáng quan trọng.

Ông Simon Bodensteiner, Giám đốc điều hành của Deutsche Flussspat, công ty khởi nghiệp của Đức đang lên kế hoạch kích hoạt lại mỏ, cho biết: “Nếu chúng ta thực sự muốn có một cuộc cách mạng trong vận tải và các nguồn lực cần thiết cho điều đó, thì không có cách nào khác ngoài dự án này. Và chúng tôi đã sẵn sàng.”

Käfersteige nằm trên mỏ florit lớn nhất châu Âu, một thành phần quan trọng trong việc sản xuất ô tô điện. Mỗi cục pin trong chiếc Volkswagen ID.4, chiếc SUV điện đầu tiên của công ty, cần khoảng 10kg khoáng chất này.

Phụ thuộc nặng vào nhập khẩu

Đức hiện đang nhập khẩu số lượng lớn florit từ Mexico. Và nước này đang ôm giấc mơ tự cung tự cấp, không chỉ florit mà còn các mặt hàng khác cần cho quá trình chuyển đổi xanh.

Bà Franziska Brantner, Thư ký của bộ kinh tế nhà nước, người đang dẫn đầu các nỗ lực của Berlin để làm cho chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt hơn, cho biết: “Chúng ta nên sử dụng tiềm năng mà chúng ta có và chứng minh rằng khai thác xanh và bền vững là có thể. Về mặt lịch sử, Đức luôn là quốc gia sản xuất nguyên liệu thô.”

Kể từ đại dịch Covid-19, các chính phủ phương Tây đã gấp rút bảo vệ nền kinh tế của họ khỏi sự gián đoạn thương mại, thông qua mọi thứ, từ “kết bạn” – chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia đáng tin cậy – đến việc tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Những lo ngại về một cuộc xung đột đông-tây đối với Đài Loan chỉ làm tăng thêm mong muốn của Mỹ và châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với một loạt nguyên liệu quan trọng. Chẳng hạn như hiện tại, EU phụ thuộc vào 72% kim loại đất hiếm của Trung Quốc, những thành phần quan trọng trong sản xuất máy tính, điện thoại di động và ô tô điện, theo cơ quan nguyên liệu thô Dera của Đức.

Sợ hãi trước tình trạng hỗn loạn do Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sau cuộc tấn công vào Ukraine, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Đức phải hành động nhanh chóng để tránh rơi vào viễn cảnh tương tự với Trung Quốc.

Dữ liệu do Dera tổng hợp cho thấy Đức và châu Âu đã trở nên phụ thuộc nặng vào một nhóm nhỏ các nhà cung cấp. Vào năm 2021, EU đã nhận được 96% lượng fenspat từ Thổ Nhĩ Kỳ, 98% lượng niken oxit từ Nga và 83% lượng gali và germanium từ Trung Quốc.

Theo ông Bodensteiner, thị trường florit cũng rất cô lập: chỉ một số ít quốc gia xuất khẩu florit và sản xuất nội địa của châu Âu chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu về khoáng sản này. Ông nói: “Giá đã tăng đều đặn trong 20 năm qua khi Trung Quốc giảm xuất khẩu, các mỏ hiện có trở nên cạn kiệt và rất ít mỏ mới được mở ra.”

Giải pháp cho tương lai

Phản ứng của Đức là xem xét lại chiến lược nguyên liệu thô của mình, nhằm tăng cường vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo nguồn cung quan trọng.

Theo chiến lược của bà Brantner, việc cung cấp không đủ các vật liệu quan trọng như lithium, đồng và đất hiếm cũng gây ra “rủi ro đáng kể” đối với việc đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Bà cho biết thành lập một “quỹ nguyên liệu thô” công tư để hỗ trợ các dự án khai thác, chế biến và tái chế ở Đức và EU với các khoản tài trợ, khoản vay và bảo lãnh đầu tư, là một trong những giải pháp khả thi.

Đồng thời bà cũng đưa ra những ý tưởng như tăng cường đầu tư vào tái chế, tạo kho dự trữ nguyên liệu thô chiến lược của nhà nước và thiết lập “quan hệ đối tác an ninh khoáng sản” với các nhà xuất khẩu như Canada và Úc, cũng như mở rộng sản xuất trong nước.

EU cũng đang đánh giá lại cách tiếp cận của mình. Khối đã ban hành Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng, đặt ra hạn ngạch cho sản xuất khoáng sản trong nước và hạ thấp các rào cản pháp lý đối với các công ty khai thác.

Sự hồi sinh của mỏ Käfersteige, nằm trong khu vực nhiều cây cối rậm rạp gần thị trấn Pforzheim, một trung tâm chế tác đồng hồ và trang sức ở tây nam nước Đức, là hình ảnh thu nhỏ về mối quan tâm mới trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Mỏ này đi vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 1935, vào thời điểm mà mục đích sử dụng chính của florit là trong ngành công nghiệp kim loại: nó làm giảm nhiệt độ nóng chảy trong sản xuất thép và nhôm, do đó cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Nhưng vào những năm 1990, ngành này rơi vào khủng hoảng. Thị trường tràn ngập một làn sóng florit do Trung Quốc sản xuất đã đẩy giá xuống dưới mức tương đương 100 USD/ tấn. Chủ sở hữu sau đó của Käfersteige, Bayer, đã đóng cửa mỏ vào năm 1996.

Kể từ đó, giá đã tăng mạnh, lên mức cao nhất mọi thời đại là 700 euro/tấn vào mùa hè năm 2022 do nhu cầu đối với loại khoáng sản này, được sử dụng trong các mô-đun năng lượng mặt trời và pin lithium-ion, tăng vọt. (Kể từ đó, nó đã giảm xuống còn khoảng 560 euro/tấn).

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang