Đau đầu chờ xác minh hóa đơn, đối tác; Chung cư cho thuê được giá; Đất nền HN hạ giá; Loạt dự án nghỉ dưỡng sai phạm

Đau đầu chờ xác minh hóa đơn, đối tác

Cơ quan thuế không chỉ xác minh hóa đơn của người bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp làm hồ sơ hoàn thuế mà còn xác minh cả hóa đơn của các doanh nghiệp F2, F3 đến Fn. Thời gian xác minh kéo dài khiến doanh nghiệp bị găm vốn vào tiền thuế.

Hóa đơn bị loại khi đối tác dừng kinh doanh

Chị Thanh Nhàn (kế toán một công ty cung cấp linh kiện điện tử tại TP.HCM) lo lắng không biết số tiền xin hoàn thuế của công ty lên cơ quan thuế có giải quyết nhanh không bởi doanh nghiệp (DN) đã quá đuối vốn hoạt động. Số vốn của công ty hiện nay chỉ 2 tỉ đồng mà tiền hoàn thuế chưa được giải quyết lên hơn 1 tỉ đồng. Dù có muốn vay tiền ngân hàng làm ăn thời điểm này thì tình hình tài chính của công ty cũng không cho phép.

Chị Thanh Nhàn kể công ty bán linh kiện điện tử cho các DN trong khu chế xuất thuế suất 0%, theo quy định thì công ty được hoàn lại tiền thuế GTGT 10%. Trước đây, mỗi năm, công ty thực hiện hoàn thuế 2 lần theo phương thức hoàn trước kiểm sau nên việc hoàn thuế rất nhanh. Thế nhưng mấy năm nay, cơ quan thuế thực hiện kiểm trước hoàn sau nên phần xác minh hóa đơn không những đối với DN bán hàng trực tiếp cho DN mà cả những hóa đơn của các DN F2, F3…

Việc xác minh hóa đơn này không thể nhanh, có cơ quan thuế phản hồi, có đơn vị không. Có nhiều hóa đơn thuộc DN đã tạm ngừng hoạt động khi tình hình kinh doanh khó khăn hồi tháng 3.2023 (sau thời điểm xuất hóa đơn cho công ty chị Thanh Nhàn) cũng bị cơ quan thuế loại ra, không công nhận.

"Số tiền thuế của mấy hóa đơn này vài chục triệu đồng nên công ty cũng đành phải chịu. Thế nhưng vì mấy hóa đơn của các DN tạm ngưng hoạt động mà toàn bộ số thuế xin hoàn của công ty lên tới 1 tỉ đồng không được giải quyết mới là điều quan trọng", chị Nhàn bức xúc.

Ðại diện một DN xuất khẩu nhựa tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho hay câu chuyện không được hoàn thuế GTGT tại TP.HCM hiện khá nhiều. Bản thân công ty ông khi mua bán có giao dịch với nhiều DN, đối tác ở các tỉnh thành khác nhau. Ðây là chuyện rất bình thường thế nhưng cũng vì thế, hồ sơ xin hoàn thuế trong năm 2022 của đơn vị ông bị "ách" lại do cơ quan thuế yêu cầu phải chờ xác minh giao dịch kê khai với một đơn vị ở vùng ÐBSCL từ quý 3/2019. Ðến năm 2022, khi cơ quan thuế xác minh thì đơn vị này tạm ngừng kinh doanh.

Ðồng thời cơ quan thuế địa phương nơi bán hàng khi được nhờ xác minh mới phát hiện DN tại địa phương kê khai thiếu hóa đơn bán hàng và chưa đóng thuế. Vị này bức xúc rằng DN khi giao dịch đều có hợp đồng với bên bán theo giấy phép kinh doanh, thanh toán qua ngân hàng và có hóa đơn tài chính kê khai thuế GTGT đầy đủ. Vì vậy vi phạm của đối tác tại địa phương hay bị tạm ngừng hoạt động là ngoài tầm kiểm soát của DN.

Nhất là giao dịch 3 năm trước so với thời điểm cơ quan thuế kiểm tra thì sẽ không công bằng khi cơ quan thuế bắt những DN như công ty ông phải chịu trách nhiệm về rủi ro này. Ðó là chưa kể tình trạng sau đại dịch Covid-19, nhiều DN rơi vào cảnh khó khăn và xin tạm ngừng kinh doanh cũng khá nhiều. Không lẽ cứ DN có hợp đồng mua bán, hóa đơn với đối tác ở tình trạng này là phải bị liên đới chịu trách nhiệm? Trong khi ngành thuế có đầy đủ hồ sơ có thể kiểm tra được vào thời điểm công ty phát sinh giao dịch vài năm trước đó thì đối tác vẫn hoạt động bình thường.

Khốn khổ chờ kiểm tra người mua hàng nước ngoài

Trong năm 2022, Hiệp hội Sắn VN và các DN đã liên tục kiến nghị và gửi công văn đến Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh vấn đề không được hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn. Theo thông tin từ hiệp hội, đến nay vẫn còn nhiều DN chưa được hoàn thuế vì cơ quan thuế mỗi nơi hiểu mỗi khác. Vướng mắc của DN ngành sắn là từ khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 632 ngày 7.3.2022 về việc hoàn thuế GTGT với mặt hàng tinh bột sắn. Theo đó Tổng cục Thuế chỉ đạo nội bộ các cơ quan thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế. Trong đó yêu cầu các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các DN trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các DN, tổ chức từ Trung Quốc, dẫn đến dừng hoàn tiền thuế GTGT của DN xuất khẩu sắn.

Theo Hiệp hội Sắn VN, hồ sơ được hoàn thuế GTGT xuất khẩu nông sản chỉ gồm giấy đề nghị hoàn thuế; hợp đồng mua bán, gia công; tờ khai hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn. Ðồng thời, DN xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng. Việc xác minh tư cách pháp lý người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của DN. Vì thế, DN không thể xác minh đối tác đó còn tồn tại hay không. Trong khi Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu sắn lớn của VN, chiếm tới 93%. Nghĩa là hầu hết các DN ngành này đều đã đang và đứng trước nguy cơ bị "treo" tiền thuế.

Trong thời gian qua, nhiều vụ việc gian lận tiền hoàn thuế GTGT bị phát hiện. Những vụ gian lận thuộc nhóm ngành nào thì y như rằng DN trong lĩnh vực ngành đó sẽ bị "siết". Chẳng hạn, trong năm 2021, một số DN có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau khi nhập khẩu các DN khai báo giá trị rất thấp nhưng khi xuất khẩu thì một số DN khác lại khai báo giá trị rất cao. Hay mỗi lô hàng xuất khẩu có trọng lượng chỉ vài kilogram đến vài chục kilogram nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỉ đồng hoặc vài chục tỉ đồng. Việc này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn, kê khống GTGT trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Chính vì vậy, Tổng cục Thuế có công văn yêu cầu các cơ quan thuế địa phương rà soát các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản... để thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn. Khi thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế GTGT cần thực hiện đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất các giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật về thuế...

Tình trạng con sâu làm rầu nồi canh đang khiến cho nhiều DN "vạ lây", bị giam hàng ngàn tỉ tiền thuế GTGT chưa biết đến khi nào mới được hoàn lại.

(Nguồn: Thanh Niên)

Chung cư cho thuê được giá

Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, 49% các nhà môi giới đánh giá chung cư bán/cho thuê là loại hình bất động sản tiềm năng nhất năm 2023.

Mới đây, ghi nhận tại một số dự án căn hộ trên địa bàn Tp.HCM như Akari City (đường Võ Văn Kiệt, Q.Bình Tân, Tp.HCM); cụm Flora Mizuki (Bình Chánh, Tp.HCM) của Nam Long Group tình hình cho thuê căn hộ khá tốt. Với mức giá thuê từ 8 - 14 triệu đồng/tháng đối với các căn diện tích từ 56- 80m2 đang có nhiều người hỏi thuê. Đặc biệt, khu căn hộ mới bàn giao nhận được sự quan tâm thuê đáng kể.

Tương tự, khu căn hộ Phú Đông Premier (Dĩ An, Bình Dương) bàn giao năm 2020, hiện có giá cho thuê 11 triệu đồng/căn/ tháng (đầy đủ nội thất) và gần như không còn nhiều sản phẩm để thuê. Theo phòng kinh doanh đơn vị này, thời gian gần đây nhu cầu hỏi thuê căn hộ tăng lên rõ nét. Giá thuê hiện tại cao hơn khoảng 10% so với năm trước. Khách ở thực ưu tiên tìm kiếm các căn hộ gần trung tâm, dễ di chuyển đi lại.

Tại dự án căn hộ Fiato City (Nhơn Trạch, Đồng Nai) của Thang Long Real Group đang giới thiệu ra thị trường, hiện tiếp nhận lượng khách hàng hỏi mua để đầu tư cho thuê hoặc tích sản khá lớn. Trong khi, giai đoạn trước những dự án trong khu vực chủ yếu là đầu tư mua đi bán lại hoặc lướt sóng.

Ghi nhận cho thấy, nhiều dự án căn hộ cao cấp cho thuê tại quận 1, Bình Thạnh, quận 4 và quận 2 (cũ) đều điều chỉnh giá thuê từ cuối năm 2022. Cụ thể, các căn hộ cho thuê tại quận Bình Thạnh như Vinhome Central Park, Sunwah Pearl, City Garden, Saigon Pearl… có giá thuê khoảng 17-30 triệu đồng/m2/ căn 1-3 phòng ngủ.

Với các chung cư cao cấp cho thuê tại quận 4 như The Tresor, Riva Park, The Gold View… có giá thuê từ 16-40 triệu đồng/tháng.

Cùng với đó, một số dự án trung cấp cũng tăng giá thuê. Các căn hộ chào thuê tại Tp.Thủ Đức như D’Russo, Precia, Centana, Sun Avenua… thời điểm tháng 3/2022 có giá thuê từ 7-15 triệu đồng/tháng thì hiện nay đã điều chỉnh lên mức thấp nhất từ 8,5-18 triệu đồng/tháng. Một số dự án bình dân giá thuê từ 5-8 triệu đồng/tháng cũng đã điều chỉnh tăng lên mức giá 6,5-10 triệu đồng/tháng cho các căn hộ diện tích 48-60m2.

Thanh khoản thị trường bất động sản đang yếu, giá nhà cao và lãi suất cho vay mua nhà tăng, khiến không ít người dân phải chuyển hướng sang thuê nhà. Nhiều nhà đầu tư cũng chuyển sang đầu tư căn hộ cho thuê. Nhu cầu cao kéo theo giá cho thuê căn hộ chung cư có xu hướng tăng lên.

Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, 49% các nhà môi giới đánh giá chung cư bán/cho thuê là loại hình bất động sản tiềm năng nhất năm 2023. Trong tháng đầu năm 2023, giá thuê trung bình của căn hộ chung cư ở Tp.HCM tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện mức giá cho thuê trung bình khoảng 13 triệu đồng/tháng. Trong đó, căn hộ 2 phòng ngủ được chú ý nhờ đáp ứng tệp khách hàng đa dạng từ hộ gia đình tới người độc thân có thu nhập tốt, chuyên gia nước ngoài, quản lý doanh nghiệp...

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn Khu vực miền Nam, nguyên nhân khiến giá thuê chung cư tăng là do nhiều khách hàng chưa đủ tiền mua nhà nên sẽ đi thuê hoặc một số nhóm đi thuê rồi cho thuê lại để phục vụ du lịch trong nước. Ngoài ra, một số đơn vị thu gọn mô hình làm việc trong năm 2022, đến năm 2023 thì quay lại thị trường, thuê những mặt bằng diện tích nhỏ 50-70 m2 ở các khu trung tâm để làm việc. Mặt khác, xu hướng đô thị hóa ngày càng cao dẫn đến nhu cầu thuê căn hộ chung cư cũng gia tăng, thị trường cho thuê sôi động hơn thời điểm trước.

Đà tăng giá thuê bất động sản tại TP.HCM có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Trong 2 năm qua, Tp.HCM có rất ít dự án mới triển khai khiến áp lực nguồn cung giảm đi. Việc nhóm khách thuê quốc tế quay trở lại sẽ làm gia tăng nhu cầu thuê cho dòng sản phẩm căn hộ cao cấp, dịch vụ.

Với dòng sản phẩm căn hộ giá thuê vừa tầm từ 7-14 triệu đồng/tháng chủ yếu đáp ứng nhu cầu của dân văn phòng, gia đình trẻ. Họ là những người có tích luỹ ban đầu khiêm tốn, tìm kiếm căn hộ thuê chờ thời gian để có thể mua được chốn an cư. Nhu cầu ở thực này đã kích thích các dự án căn hộ mới bàn giao ở khu ven Tp.HCM, dễ kết nối vào trung tâm… tăng nhiệt ở giai đoạn này.

Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, lợi suất cho thuê chung cư ở Hà Nội và Tp.HCM trong quý 1/2023 lần lượt là 4,9% và 4,4%/năm, chưa tính đến lợi nhuận nếu giá nhà tăng. Mức lợi suất này tuy đã cao hơn năm 2021 và 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch Covid. Cụ thể, năm 2019, lợi suất cho thuê chung cư ở Hà Nội và Tp.HCM là khoảng 6%/năm.

(Nguồn: CafeF)

Cơn sốt đi qua, đất nền Hà Nội đồng loạt hạ giá

Nhiều quận, huyện tại Hà Nội đang ghi nhận giá đất hạ, có nơi giảm tới 13%. Theo chuyên gia, các cơn sốt đất sẽ không xảy ra trong năm nay.

Cách đây 7 năm, khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chỉ là một dự án dang dở, chị Thu Hà (50 tuổi, nhân viên văn phòng) đã dành toàn bộ vốn liếng để mua một mảnh đất thổ cư tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) với giá 13 triệu đồng/m2.

“Lúc ấy, dân cư chưa đông như bây giờ. Nhà cửa thưa thớt, hàng quán vắng vẻ, muốn tìm rạp chiếu phim hay siêu thị cũng khó”, chị Hà cho biết.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã kéo theo đà tăng giá bất động sản tại địa phương. Giờ đây, tất cả những mảnh đất xung quanh khu vực chị mua đều đã tăng giá ít nhất là gấp 3.

Đỉnh điểm, vào đầu năm 2022, có người hỏi mua lại mảnh đất của chị với giá 45 triệu đồng/m2. Dẫu vậy, qua nhiều lần rao bán, hiện mảnh đất vẫn chưa thể trao tay chủ mới.

Ngừng rao bán vì sợ mất giá

Mảnh đất của chị Hà nằm trong mặt ngõ rộng, ôtô đỗ cửa, cách một đoạn ngắn là nhà văn hóa phường và trường học. Nhờ những lợi thế kể trên, mức giá bán kỳ vọng mà chị đặt ra là 48 triệu đồng/m2. Ban đầu, chị cảm thấy đây là số tiền mà thị trường dễ dàng chấp nhận nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

“Bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, lượng người hỏi mua ít hẳn đi. Thậm chí, có tháng không có ai gọi xem đất. Mức giá họ trả cũng thấp hơn, chỉ khoảng 40-42 triệu đồng/m2”, chị Hà chia sẻ.

Trước tình hình đó, chị Hà đã quyết định dừng rao bán. Người này tin rằng giá đất chắc chắn sẽ tăng trở lại trong tương lai, nếu không bị áp lực từ đòn bẩy tài chính, không có lý do gì để bán bất động sản ở thời điểm hiện tại.

Thực tế, theo báo cáo của Batdongsan, trong tháng 4, mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội đã giảm 5% so với tháng trước. Đồng thời, lượng tin đăng liên quan đến phân khúc này cũng giảm tới 13% so với tháng 3.

Nếu tính cả 4 tháng đầu năm, mức độ quan tâm và lượng tin đăng về đất nền tại Thủ đô đã lần lượt giảm 52% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý I, các khu vực như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm đều có giá rao bán giảm 1-13% so với quý IV/2022, mức độ quan tâm cũng giảm 4-24% tùy từng khu vực. Trong đó, giá đất nền giảm nhiều nhất ở huyện Thanh Trì (giảm 13%) và mức độ quan tâm giảm nhiều nhất ở huyện Gia Lâm (giảm 24%).

Báo cáo cũng cho biết việc giao dịch đất nền trầm lắng từ năm 2022 đến nay do nhiều nguyên nhân, bao gồm vấn đề nguồn vốn, lãi suất và nguồn cung.

Hết thời “lướt sóng” đầu cơ

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan, các cơn sốt đất sẽ không xảy ra trong năm nay và thị trường đang có một vài tín hiệu tích cực hơn so với quý I/2023.

“Xét về dài hạn, đất nền là loại hình đầu tư tiềm năng nếu nhà đầu tư biết lựa chọn những sản phẩm có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền ổn định", ông Quốc Anh nhìn nhận.

Theo ông, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa nhanh và có tiềm năng phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, trung tâm hành chính hay đô thị mới.

Bên cạnh đó, đất nền ở các thành phố lớn, những khu vực có tiện ích và kết nối hạ tầng đầy đủ, gần kề các khu công nghiệp, sở hữu mặt bằng giá ổn định và có dư địa tăng trong trung hạn. Những địa phương có đầu tư FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ít khi sụt giảm sâu.

“Chỉ có những loại đất đầu cơ không có giá trị sử dụng cao, ở các khu vực chưa có hạ tầng và kết nối tốt hoặc những nơi mà cả ngày mới thấy một chiếc ôtô đi qua và mua xong để đó thì mới bị giảm giá, thậm chí giảm cực sâu mà không có thanh khoản”, ông Quốc Anh bình luận.

Trong giai đoạn hiện tại, vị chuyên gia này cho rằng người mua đất nền đang có nhiều sự lựa chọn. Do đó, nhà đầu tư cần tính toán hướng đi dài hạn thay vì lướt sóng đầu cơ.

Gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho phép chia tách thửa đất trở lại. Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan, đánh giá đây là một “tia sáng nhỏ” cho thị trường đất nền Hà Nội.

“Tuy nhiên, để thị trường đất nền phát triển bền vững thì cần trợ lực lớn hơn, bao gồm việc đẩy mạnh dịch chuyển các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, dự án, trường đại học ra ngoại thành Hà Nội”, ông Hảo khẳng định.

Theo ông, cơ quan chức năng cần đầu tư quyết liệt hơn cho các khu đô thị vệ tinh phía tây Hà Nội như Hòa Lạc, Xuân Mai và phía bắc Sông Hồng như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh.

Đồng thời, thị trường cũng cần các gói cho vay, mua bất động sản với lãi suất phù hợp hơn, dưới 10% thay vì trung bình 11-13% như hiện tại. Các cơ quan cũng nên ưu tiên cho vay với những bất động sản được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra dòng tiền ổn định, hơn là các bất động sản đầu cơ.

(Nguồn: Zing News)

Loạt dự án nghỉ dưỡng siêu ‘hot’ ở Mai Châu vướng sai phạm

Chủ đầu tư một số dự án nghỉ dưỡng có tiếng ở Hoà Bình như Mai Châu Ecologdge, Avana Mai Châu… đã không cung cấp được văn bản quy hoạch, giấy phép xây dựng; thi công chưa đúng giấy phép.

Thanh tra tỉnh Hòa Bình vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, tài chính, xây dựng để thực hiện các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mai Châu, giai đoạn 2011 - 2021.

Thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2021.

Theo đó, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra 22/24 dự án. Không thanh tra 2 dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.

Nhiều khu du lịch sinh thái vi phạm về xây dựng, đất đai

Quá trình thanh tra, đơn vị này đã chỉ rõ nhiều tồn tại, thiếu sót trong thực hiện trình tự thủ tục về đất đai; thực hiện nghĩa vụ tài chính; đầu tư xây dựng và tiến độ thực hiện dự án.

Vi phạm này xảy ra tại nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Mai Châu.

Cụ thể, dự án Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mai Châu Ecologdge do Công ty TNHH Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mai Châu thực hiện.

Nhà đầu tư được UBND tỉnh Hòa Bình cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 17.395,5m2 đất rừng sản xuất sang mục đích đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xác định diện tích rừng trên đất rừng sản xuất và hồ sơ trồng rừng thay thế.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thủ tục xây dựng, Công ty TNHH Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Mai Châu đã không cung cấp được văn bản quy hoạch, giấy phép xây dựng, gồm: Xây dựng 19 căn nhà nghỉ, tổng diện tích xây dựng 2.940m2; nhà lễ tân, nhà hàng, diện tích xây dựng 225m2; nhà hội thảo, nhà ở nhân viên, diện tích xây dựng 93,1m2; nhà ở của hướng dẫn viên, diện tích xây dựng 100m2; bể bơi diện tích 249,9m2; sân, vườn nội bộ.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Avana Mai Châu tại xã Piềng Vế do Công ty TNHH Avana Mai Châu là chủ đầu tư thực tế thi công chưa đúng với giấy phép xây dựng.

Cụ thể là công trình nhà hành chính 2 tầng; quán bar, hồ bơi; nhà hàng 1 tầng; biệt thự hồ bơi 1 tầng; nhà nghỉ cao cấp 1 tầng; nhà nghỉ 1 tầng; nhà sân trong khu spa; chòi spa số 1, 2; phòng tư vấn sức khỏe, nhà 1 tầng; xây dựng thiếu 1 trạm xử lý nước thải; hệ thống giao thông; đang xây dựng chòi diện tích 36m2 không kể mái.

Tiếp đến, dự án Tổ hợp Thương mại dịch vụ Hợp Thủy do Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hợp Thủy đầu tư xây dựng.

Dự án đã đi vào hoạt động, nhưng nhà đầu tư xây dựng không đúng theo giấy phép xây dựng và quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng.

Vi phạm trên đã được thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là 40 triệu đồng, đã nộp tiền nhưng chưa thực hiện xong biện pháp khắc phục.

Hay Công ty TNHH MTV Thương mại Mai Châu đang thực hiện dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ Mai Châu tại tiểu khu 2, thị trấn Mai Châu, đang thực hiện san lấp mặt bằng trên diện tích đất dự án, đã đổ sàn bê tông trên mặt suối Văn khi chưa được cấp phép xây dựng.

Ngày 15/3/2022, Cục Quản lý đường bộ 1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đơn vị đã nộp tiền nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Đề xuất thu hồi dự án chậm tiến độ

Kết quả thanh tra cũng nêu có 2 dự án đang thực hiện nhưng chậm các giai đoạn thực hiện tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Có 9 dự án thực hiện chậm tiến độ từ 5 - 20 tháng theo quyết định chủ trương đầu tư do vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cụ thể là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng văn hoá Mai Châu của Công ty CP Phát triển địa ốc An Lạc; Trung tâm hội nghị Ngọc Bách, Tiểu khu 2, thị trấn Mai Châu của Công ty TNHH MTV Ngọc Bách; dự án khu du lịch sinh thái Ba Khan tại xóm Khan Hạ, xã Ba Khan nay là xã Sơn Thuỷ, huyện Mai Châu của Công ty TNHH du lịch sinh thái Ba Khan; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mỏ Ấm, xóm Nám, xã Xăm Khoè của Công ty CP Diệp Trân II…

Thanh tra tỉnh Hoà Bình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát, đôn đốc 9 dự án chậm tiến độ.

Nếu nhà đầu tư các dự án không thực hiện, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất thu hồi dự án theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Du lịch Hải Đăng thực hiện dự án trạm dừng nghỉ Mai Châu Home trên diện tích đất nuôi trồng thủy sản.

UBND huyện Mai Châu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc cấp phép sai thẩm quyền đối với dự án Trung tâm Hội nghị Ngọc Bách; để Công ty TNHH MTV Thương mại Mai Châu xây dựng trái phép, vi phạm công trình đường bộ nhưng chưa khắp phục.

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã Nà Phòn, Piềng Vế, Chiềng Châu, thị trấn Mai Châu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để các nhà đầu tư xây dựng chưa đúng phép xây dựng.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang