Dành cho nhà hàng Việt ở Đức: Khủng hoảng nhà hàng khách sạn; Quyền thực khách ở Đức cần biết

Thủ tướng Merkel thăm nhà hàng Soup & Nem của người Việt, Nikolaistraße 31 – 04109 Leipzig, ngày 18.08.2014.

Khủng hoảng ngành nhà hàng khách sạn vẫn tiếp tục

Theo Hiệp hội khách sạn và nhà hàng Đức Dehoga công bố trên cơ sở khảo sát kinh doanh của các hội viên, trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng đã trở nên tiết kiệm hơn, đặc biệt trong lĩnh vực, ăn nghỉ, vui chơi. Doanh số bán hàng giảm tới 11% trong 6 tháng đầu năm nay, chưa tính tới trượt giá. Lợi nhuận thậm chí còn giảm mạnh hơn. Điểm mấu chốt là lợi nhuận thấp hơn 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng khó biết

Nhiều công ty được khảo sát cho biết rất bi quan trong những tháng tới. Theo Dehoga, gần một 1/3 thành viên hiệp hội đánh giá triển vọng trong quý thứ ba là "xấu", và 9% khác thậm chí là "rất xấu". Tuy nhiên hơn một nửa số công ty tự tin hơn. Theo đó, gần 37% đánh giá triển vọng kinh tế của họ là "thỏa đáng", và hơn 1/5 công ty thậm chí đánh giá là "tốt" hoặc "rất tốt".

Nguyên nhân

Đúng như cảnh báo của Dehoga, việc hết hạn giảm thuế doanh thu VAT đối với thực phẩm nhà hàng vào đầu năm đã làm trầm trọng thêm tình hình. Theo khảo sát, gần 90% các công ty buộc phải tăng giá. Số liệu trên do Hiệp hội đã tiến hành khảo sát các thành viên từ ngày 02-10.07. Hơn 2.700 công ty đã tham gia trên toàn quốc.

Quyền thực khách ở Đức, nhà hàng cần biết

Một tiệc ăn hoan hỉ và được phục vụ tận tình trong một nhà hàng sang trọng, một quán rượu hả hê hoặc một quán cà phê ấm cúng, thật sự là một sự sung sướng, hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày! Nhưng không phải lúc nào và tất cả đều luôn diễn ra như mong đợi, nhất là khi thức ăn và phục vụ không đáp ứng được nhu cầu mong đợi của thực khách vốn là thượng đế.

Khi bữa ăn thực khách không hài lòng

Việc thực khách có phải trả tiền cho món ăn mà họ không hài lòng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Nếu thực khách chỉ đơn giản không thích món ăn mà họ đã đặt, thì về mặt pháp lí nhà hàng không vi phạm gì cả với tư cách là người bán, cung cấp dịch vụ. Nếu món ăn đưa cho thực khách có khiếm khuyết, chẳng hạn khách đặt món ăn Việt Nam một đĩa nem cuốn, nhưng nhà hàng lại mang tới một điã nem rán Việt Nam, thì đây là một lỗi thiếu sót sản phẩm rõ ràng. Khách có quyền trả lại cho nhà hàng kịp thời, nếu họ không nhận. Tuy nhiên, nếu thực khách cứ ăn khoảng một nửa số đó và sau đó phàn nàn, đòi trả lại thì nhà hàng có quyền từ chối bồi thường, không hoàn tiền hay phục vụ món mới.

Được coi là lỗi thiếu sót sản phẩm, khi chất lượng cảm quan của món ăn mang ra phục vụ khách trái với những gì được ghi trong thực đơn, chẳng hạn cá chiên còn sống thay vì nó phải chín hoàn toàn, hoặc món ăn được ghi là nóng nhưng đưa ra mời khách thì đã lạnh. Hoặc quá nhạt hay quá mặn.

Nói chung, thực khách có quyền trả lại món ăn trong trường hợp có khiếm khuyết chất lượng món ăn. Tuy nhiên thực khách cũng phải cho nhà hàng cơ hội thay thế món ăn bị khiếm khuyết bằng món đó chế biến bảo đảm. Nếu món ăn vẫn bị khiếm khuyết, khách không có trách nhiệm phải trả tiền cho món ăn đó nữa. Nếu thực khách chỉ phàn nàn về thức ăn sau khi đã ăn xong thì vẫn phải thanh toán đầy đủ, bởi nhà hàng không còn cơ hội sửa chữa. Tuy nhiên họ có quyền tuyên truyền bình luận, chỉ trích ảnh hưởng tới uy tín nhà hàng.

Khi thực khách ăn bị dị ứng

Thực tế cực kỳ khó khăn để xác định mối quan hệ nhân quả giữa các khiếm khuyết chất lượng món ăn với tình trạng bất ổn của thực khách sau khi ăn. Bởi có thể thực khách chỉ đơn giản là dị ứng với món ăn đó, mà không phải vì nó bị nhiễm vi trùng, thiu thối. Nhà hàng không thể chịu trách nhiệm về điều đó.

Trong trường hợp nếu phản ứng xảy ra tại bàn ăn, và nếu khách cho rằng đó là do thức ăn có mùi vị lạ, họ phải khiếu nại trực tiếp với nhân viên phục vụ. Nếu cần thiết, thực khách cũng có quyền báo cáo cho Sở trật tự công cộng địa phương Ordnungsamt xử lí, nếu hai bên không thể tự thỏa thuận.

Khi khách muốn giảm giá

Trong phần lớn các trường hợp, không có cơ sở nào cho việc thực khách đòi giảm giá. Trên nguyên tắc kinh doanh, chủ nhà thường rất quan tâm đến việc làm hài lòng khách và thường sẵn sàng tuân thủ các đòi hỏi sửa chữa của họ trong trường hợp có khiếm khuyết khách quan.

Tuy nhiên, việc giảm giá lên tới 20% sẽ có thể hình dung được nếu thực khách đã đặt món ăn tới một tiếng đồng hồ mà vẫn chưa có. Cũng thường xảy ra trường hợp các chủ nhà hàng tự mình tiếp cận khách xin thông cảm với gợi ý: Hôm nay sẽ mất nhiều thời gian hơn một chút, xin hãy thông cảm. Thời gian chờ đợi sau đó thường được bù đắp bằng đồ uống miễn phí hoặc bổ sung thêm món ăn phụ hoặc giảm giá để hài lòng khách hàng.

Nếu nhà hàng bảo đảm khung thời gian phục vụ chính xác

Đặc biệt trong các nhà hàng bình dân, thông thường chủ nhà hàng chỉ giữ chỗ trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường, thực khách sau đó phải rời khỏi chỗ ngồi của họ sau một tiếng rưỡi đến hai tiếng. Những giới hạn như vậy thường được cho phép với điều kiện phải thông báo trước cho thực khách.

Nếu sau đó thực khách muốn đặt thêm món ăn thức uống ngay trước khi hết thời hạn, họ phảihỏi nhân viên phục vụ có đồng ý không. Có thể sẽ không có khách đặt chỗ tiếp đó, thì nhà hàng sẵn sàng. Nhưng ngay cả khi đã hết thời hạn đặt chỗ ăn, liệu thực khách có bị cưỡng chế ra khỏi nhà hàng hay không, tới nay vẫn chưa có án quyết nào làm căn cứ đúng hay sai.

Nếu nhân viên phục vụ làm bẩn quần áo

Giả sử nhân viên phục vụ vô tình làm đổ một ly rượu vang đỏ trong khi phục vụ và làm bẩn quần áo của thựckhách. Trong những trường hợp như vậy, chủ nhà hàng, chứ không phải nhân viên dịch vụ, có trách nhiệm phải trả chi phí dọn dẹp. Nếu quần áo thậm chí bị hư hỏng và tình trạng ban đầu không thể khôi phục được, chủ nhà hàng phải bồi thường.

Khi khách bị mất quần áo treo trong tủ dành cho thực khách

Về mặt pháp lý, trong hầu hết các trường hợp, khách không thể yêu cầu bồi thường từ các nhà hàng nếu áo khoác bị mất tủ treo quần áo. Thực khách phải để mắt đến quần cáo cất giữ ở tủ mình treo. Điều này đặc biệt đúng nếu nhà hàng có ghi chú trên tủ treo quần áo: Nhà hàng không chịu trách nhiệm pháp lý đối với quần áo treo ở đây. Nhưng ngay cả khi không có thông báo này, khách cũng phải tự chú ý đến tủ quần áo của mình.

Tình hình sẽ khác, nếu nhân viên phục vụ lấy áo khoác từ khách và gửi nó ở một nơi mà khách không nhìn thấy được. Nếu tủ quần áo sau đó bị mất, chủ nhà hàng phải chịu trách nhiệm.

Nếu thanh toán hóa đơn còn sót món ăn chưa trả

Đặc biệt thường xảy ra trong các nhóm ăn uống cùng nhau, nhưng sau đó thanh toán riêng. Điều thường xảy ra là người trả tiền cuối cùng có thứ gì đó còn sót lại trên hóa đơn mà người này không hề ăn. Nhưng ngay cả khi những người khác đã ra đi, điều này không có nghĩa là người này phải trả tiền món ăn mà người khác trong nhóm chưa trả.

Trên nguyên tắc, mỗi thực khách ký kết hợp đồng riêng của mình với nhà hàng về đặt món ăn. Điều này có nghĩa là mọi người chỉ phải trả tiền cho những gì họ đã tự đặt. Tuy nhiên, trong thực tế, để giảm bớt căng thẳng khi giải quyết các món ăn đã tiêu thụ nhưng chưa thanh toán, thì thực khách nên thanh toán hộ và sau đó lấy từ bạn trong nhóm đã ăn món ăn đó.

Nếu nhà hàng muốn từ chối khách

Về nguyên tắc, các nhà hàng có quyền từ chối khách, theo nguyên tắc hợp đồng mua bán hoàn toàn tự do. Chủ nhà nhàng cũng được phép yêu cầu những vị khách có hành vi sai trái rời đi. Tuy nhiên, không ai có thể bị phân biệt đối xử từ chối khách, như dựa trên tuổi tác, giới tính, hoặc tôn giáo... Nếu phân biệt đối xử xảy ra trong việc từ chối khách hàng, những người bị ảnh hưởng có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại, mà họ có thể ủy quyền cho luật sư thực hiện.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang