Chắt chiu từng ngụm nước ngọt trong hạn mặn; 7 người tử vong tại nhà máy; Mai Thu Huyền & 'dớp' làm phim nào cũng lỗ

NGƯỜI MIỀN TÂY CHẮT CHIU TỪNG NGỤM NƯỚC NGỌT TRONG HẠN MẶN

Dòng kênh trơ đáy, đất nứt nẻ, ngọn rau, cọng cỏ đã bắt đầu úa màu… Người miền Tây chật vật trong mùa hạn mặn chắt chiu từng ngụm nước ngọt. Giữa đỉnh điểm của hạn mặn phải chắt chiu từng giọt nước, tình người vẫn đong đầy trong lòng người miền Tây.

Nhắc đến miền Tây lúc này, tự nhiên ai cũng thấy… thương. Vùng đất nổi tiếng trù phú phù sa, có văn hóa miền sông nước, những ruộng lúa chín vàng và con người chân chất, thật thà đang phải gánh chịu hạn mặn.

Suốt tháng qua, bà con ở các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau… đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu nước ngọt sinh hoạt. Cuộc sống đảo lộn, một số hộ gia đình phải chờ những đoàn xe chở nước thiện nguyện từ khắp cả nước đổ về. Trong nhà người miền Tây bây giờ luôn lỉnh kỉnh can, xô, chậu để hứng nước sạch.

Khi đến huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), chúng tôi chạy trên con đường làng rẽ đôi, một bên là thửa đất nứt nẻ, một bên là dòng kênh hụt nước, trơ đáy.

Ghé nhà chú Một (ấp Kinh Dưới), người đàn ông chỉ vào chậu nước nhựa đặt giữa sân nói: “Mở vòi ba ngày rồi nhưng chưa được giọt nước nào, chỉ tội luống rau sau nhà”.

Các con đều đi làm ở TP.HCM, vợ chồng ông Một ở nhà tự xoay xở với hạn mặn. Mỗi buổi sáng, bà xã ông dậy sớm chở ba can nước từ vòi công cộng về nhà. Họ chắt chiu từng thau nước, mỗi lần tắm cũng chỉ dám dùng nửa can.

“Bốn năm nay mới thấy hạn mặn nặng vậy chứ hồi trước đâu đến nỗi”, ông ngậm ngùi. Vợ ông bán tạp hóa, nước tinh khiết lấy để nấu ăn, còn lại nước chén để lại dội nhà vệ sinh, không dám bỏ phung phí.

Ông Một là trưởng ấp Kinh Dưới, mấy ngày nay liên tục đổ chuông, mấy người lạ tự nhiên ở đâu gọi về cho nước. Họ xem hình ảnh, video về người miền Tây chật vật thiếu nước nên tình nguyện giúp đỡ.

Giữa cao điểm mùa hạn, anh Thanh Tuấn (48 tuổi) đội nón ra đồng nhưng lòng như lửa đốt bởi luống 3 công hành đang úa màu do thiếu nước. Anh Tuấn chia sẻ: “Giờ chỉ biết trông vào ông trời còn cả tháng nữa mới thu hoạch mà nước nôi như vầy chắc kể bỏ, bỏ công lẫn bỏ tiền”.

Anh Tuấn đã bỏ khoảng 20 triệu để trồng hành, nói thì đơn giản nhưng đó là vốn liếng gom góp của cả gia đình. Anh Tuấn có hai con còn đang độ tuổi đi học. Mùa hạn này tụi nhỏ tắm rửa, ăn uống đỡ cực hơn nhờ hai lu nước mưa tích sau nhà mấy tháng trước. Việc tưới tiêu chỉ là tạm thời không thể ổn định nên hành không thể tốt tươi, đem ra hàng sẽ bị chê.

Không chỉ anh Tuấn, nhiều hộ dân trồng sầu riêng, sơ ri ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cũng thấp thỏm vì phải ngưng hoàn toàn. Mùa vụ này coi như bỏ, hàng chục triệu đồng dành dụm cũng không còn. “Không thể cứu một vụ mùa thua lỗ”, anh Tuấn ngậm ngùi.

Cách đó 300 m, chú Năm ngồi bên mé kênh nói: “Nước con người còn không có xài đâu ra cho cây cỏ”. Miền Tây đang “khát nước” và bằng chứng là mỗi buổi sáng, chú chạy xe đạp ra ấp đều thấy hàng dài người dân lỉnh kỉnh can nhựa đứng hứng nước ở trạm công cộng.

Vòi nước được cấp miễn phí nhưng cũng không tài nào đủ cho hàng trăm hộ dân. Theo chú Năm, thương nhất là những gia đình có người già mất khả năng vận động, không thể di chuyển nên hoàn toàn nhờ vào hàng xóm. Đồng thời, những gia đình nhiều người, có trẻ nhỏ được xem là cực nhất. Họ phải gánh hai bận sáng và chiều, mỗi lần 5,6 can, người nhà chia nhau lấy.

Riêng hộ chú Năm mọi thứ vẫn tạm ổn, bởi gia đình đều đã đi Sài Gòn nên chỉ còn ba người, họ vẫn còn nước mưa tích trữ. Tuy nhiên, người đàn ông miền Tây này vẫn cười xuề xòa. Mỗi ngày, chú chỉ mặc chiếc quần cộc, không mặc áo để “cho mát”, không phải tốn đồ giặt và “tụi nhỏ” có nước xài.

Cạnh nhà chú Năm, chú Hai nói người miền Tây thương nhau. Chiều hôm qua, chú đạp xe lên huyện mua vài gói “rửa mặn” cho nhà mình, sẵn chia cho hàng xóm. Họ sẽ đổ vào nước mặn để lọc, sau đó đem dùng sinh hoạt, giá khoảng 2.000 đồng/gói.

“Nước sạch hiếm nên chắt chiu xài dữ lắm”, chú nói.

Người đàn ông nói trong mùa hạn mặn, tự nhiên thấy chòm xóm mình thương nhau quá chừng. Nhà nào nhiều nước, chia bớt cho nhà ít nước. Ai biết chỗ lấy nước từ thiện thì “ới” cả xóm. Mấy cậu thanh niên trong vùng cũng đi chở nước giùm các cụ già. Những chàng trai mang vác nước giùm thai phụ.

Người miền Tây thương nhau “cỡ đó”. Chú Năm cho biết mùa hạn mạn năm nay đặc biệt nghiêm trọng, cuộc sống của họ bị đảo lộn. Có nhà phải thức khuya đi lấy nước bởi thời gian đó vòi chảy mạnh hơn ban ngày.

“Tui mong mưa từng ngày, từng giờ”, người đàn ông có gương mặt khắc khổ nói.

Trong mùa hạn mặn, có những nỗi khổ cũng không thể tả thành lời. Khổ trên cánh đồng, khổ trong đời sống, sinh hoạt, khổ bởi những sự thay đổi. Nhưng đâu đó, họ vẫn lạc quan và tương trợ nhau. Rồi những ngày này cũng chóng qua.

TAI NẠN KINH HOÀNG, 7 NGƯỜI TỬ VONG TẠI NHÀ MÁY XI MĂNG

Một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm 7 người tử vong.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online lúc 15h05 chiều 22-4, ông Trần Huy Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, xác nhận tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (huyện Yên Bình) vừa xảy ra một vụ tai nạn lao động làm 7 người tử vong.

"Tỉnh Yên Bái sẽ có thông tin cụ thể tới báo chí" - ông Tuấn nói thêm.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 13h chiều nay, tại dây chuyền nghiền đá ở nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Cụ thể, theo thông cáo báo chí của UBND tỉnh Yên Bái, vào khoảng 13h30 chiều 22-4, tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3 của Nhà máy xi măng Yên Bái, đơn vị thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, đã xảy ra sự cố tai nạn lao động làm 7 công nhân chết, 3 người bị thương.

Hiện 3 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, sức khỏe đã ổn định.

Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn và các lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, họp bàn và chỉ đạo các biện pháp để xử lý giải quyết sự cố vụ tai nạn.

Theo UBND tỉnh Yên Bái, hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái và Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Đồng thời, khẩn trương điều tra nguyên nhân sự cố để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

MAI THU HUYỀN & 'DỚP' LÀM PHIM NÀO CŨNG LỖ

Những bộ phim của Mai Thu Huyền nhận nhiều lời chê từ phía khán giả vì kịch bản nhiều lỗi, cách làm phim còn hạn chế. Do đó, các dự án đều ế ẩm khi ra rạp vì không hút khách.

Ở Việt Nam, Mai Thu Huyền là một trong số ít nữ diễn viên mạnh dạn chuyển hướng làm đạo diễn. Từ một gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ, cô lấn sân sản xuất, cầm trịch nhiều dự án điện ảnh.

Đáng tiếc, những tác phẩm gắn mác Mai Thu Huyền lại không được khán giả đón nhận nồng nhiệt, thậm chí bị đánh giá là “thảm họa”. Gần nhất, bộ phim Đóa hoa mong manh do cô đạo diễn cũng chịu cảnh ế ẩm tại phòng vé, nhiều khả năng lỗ nặng và phải rút rạp sớm.

Tư duy làm phim còn hạn chế

Năm 2021, Mai Thu Huyền gây chú ý khi ra mắt bộ phim đầu tay Kiều - chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Tác phẩm được đầu tư mạnh về phục trang, bối cảnh, lại quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Cao Thái Hà , Lê Khanh , Phương Thanh , Hiếu Hiền… hứa hẹn mang đến góc nhìn hoàn toàn mới về câu chuyện kinh điển của văn học Việt Nam.

Đáng tiếc khi ra mắt, Kiều lại có doanh thu ế ẩm, không được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Theo ê-kíp chia sẻ, phim cần đạt 100 tỷ đồng để hòa vốn nhưng thực tế lại lỗ nặng, chỉ thu hơn 2,6 tỷ đồng theo số liệu của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập).

Tác phẩm cũng nhận nhiều lời chê từ phía khán giả lẫn giới chuyên môn. Phần lớn đánh giá nội dung phim chưa hấp dẫn, nhiều chi tiết bị biến tấu quá đà, làm mất đi tinh thần và giá trị cốt lõi của nguyên tác.

Trong lần đầu ngồi ghế đạo diễn, Mai Thu Huyền tập trung khai thác mối quan hệ tay ba giữa các nhân vật Kiều, Thúc Sinh và Hoạn Thư. Từ đó, bi kịch nàng Kiều trở thành câu chuyện ghen tuông, thù hận với thông điệp nữ quyền được lồng ghép còn khiên cưỡng.

Nội dung phim lan man, thiếu điểm nhấn khiến người xem chán nản. Không những thế, diễn xuất của dàn diễn viên cũng chưa tốt, biểu cảm còn đơ cứng, nhạt nhòa và thiếu cảm xúc.

Vì chưa có nhiều kinh nghiệm, Mai Thu Huyền để lộ nhiều hạn chế trong lần đầu chạm ngõ đạo diễn. Cách xử lý câu chuyện của cô còn non nớt khiến bộ phim càng trở nên lê thê dù thời lượng chỉ 90 phút.

Đạo diễn mạnh dạn đưa vào phim nhiều cảnh nóng táo bạo nhưng không đóng vai trò quan trọng. Trái lại, các phân đoạn được thực hiện hời hợt, tạo cảm giác phản cảm.

Thậm chí, Mai Thu Huyền còn tự đảm nhận nhân vật Đạm Tiên nhưng chỉ càng khiến bộ phim mất điểm vì tạo hình trông quá đáng sợ.

Chưa nắm bắt được thị hiếu khán giả

Sau Kiều , Mai Thu Huyền không mất quá lâu để chuẩn bị cho dự án thứ hai Đóa hoa mong manh . Song, cô gần như không rút được nhiều kinh nghiệm từ thất bại của tác phẩm tiền nhiệm.

Bộ phim mới nhất, nữ đạo diễn mạnh dạn thử sức với thể loại phim ca nhạc. Trong thời lượng 95 phút, tác phẩm có khoảng 15 ca khúc được sử dụng để dẫn dắt câu chuyện.

Nội dung phim đặt bối cảnh ở Mỹ, kể về Thạch Thảo (Maya) là một cô gái có giọng hát hay, giàu cảm xúc. Một lần, cô tình cờ lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất âm nhạc Sơn (Quốc Cường) và nhận được lời mời thu âm. Dưới sự nâng đỡ từ vợ chồng Sơn, Thạch Thảo dần trở nên nổi tiếng.

Theo thời gian, Sơn bắt đầu nảy sinh tình cảm với Thạch Thảo khiến vợ anh Yvonne (Mai Thu Huyền) không ngừng ghen tuông. Từ đó, bộ phim tiếp tục đi vào vết xe đổ của Kiều khi khai thác chuyện tình tay ba nhiều ngang trái.

So với lần trước, Mai Thu Huyền tham vọng hơn với tác phẩm điện ảnh thứ hai. Cô tuyên bố phát hành phim tại thị trường Mỹ, Ấn Độ với mong muốn đưa điện ảnh Việt ra thế giới.

Đáng tiếc, Đóa hoa mong manh cũng có số phận giống Kiều . Tác phẩm không được đón nhận nồng nhiệt khi ra mắt, chỉ thu hơn 200 triệu đồng trong tuần đầu phát hành.

Khán giả sau khi xem phim cũng đánh giá không tốt. Phần lớn nhận xét nội dung phim thiếu sự mới mẻ. Cách dẫn dắt câu chuyện của Mai Thu Huyền cũng chưa đủ hấp dẫn, gợi nhớ phim truyền hình thập niên 2000.

Bỏ qua những hạn chế, cả hai bộ phim của Mai Thu Huyền vẫn có một số điểm sáng như bối cảnh đẹp, dàn diễn viên giàu kinh nghiệm và trang phục được đầu tư. Song, những nguyên liệu tốt không thể làm nên một món ăn ngon nếu thiếu người đầu bếp giỏi.

Từ Kiều đến Đóa hoa mong manh , Mai Thu Huyền chưa thành công trong việc chinh phục điện ảnh. Dù là diễn viên có nhiều kinh nghiệm, cô vẫn còn rất non tay trong vai trò đạo diễn.

Qua hai lần làm phim, cô đều để lại ấn tượng không tốt với khán giả. Thậm chí có khán giả cho rằng Mai Thu Huyền đang quá cố chấp với điện ảnh khi liên tục ra phim dù thua lỗ.

Một số ý kiến ví việc Mai Thu Huyền kiên quyết làm phim giống như thí sinh tham gia các cuộc thi âm nhạc. Họ rất thích hát nhưng không thể nào hát hay, cho dù khoác lên mình những bộ cánh sặc sỡ.

Nguồn: Kenh14; Tuổi Trẻ; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang