Cấp CCCD cho trẻ dưới 6 tuổi; Bộ GTVT chạy đua giải ngân; Vì sao HN tắc triền miên; 71.000 tỷ vốn công TP.HCM

ĐỀ XUẤT CẤP CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP CHO TRẺ DƯỚI 6 TUỔI

(Ảnh minh hoạ).

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, Bộ đề xuất cấp căn cước công dân gắn chíp cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Dự thảo luật căn cước công dân (sửa đổi) gồm 7 chương 45 điều, quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định.

Dự thảo luật đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật.

Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi. Đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.

Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định. Trường hợp công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Ngoài ra, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên.

(Nguồn: Vietnamnet)

ĐƯỢC GIAO VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CAO KỶ LỤC: BỘ GTVT CHẠY ĐUA GIẢI NGÂN

Năm 2023, Thủ tướng giao Bộ GTVT kế hoạch vốn đầu tư công hơn 94,1 nghìn tỷ đồng (tương đương tốc độ giải ngân bình quân đạt hơn 257 tỷ đồng/ngày), đây là số vốn đầu tư công lớn nhất lịch sử ngành giao thông được giao. Để “tiêu” hết số tiền này, cùng phần vốn còn lại của năm 2022 chuyển sang, ngành giao thông xác định sẽ phải làm cật lực không có ngày nghỉ trong năm mới này.

Không nghỉ Tết, giải ngân bình quân 257 tỷ đồng/ngày

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, ban đầu, bộ chỉ đăng ký vốn kế hoạch đầu tư công của năm 2023 hơn 71 nghìn tỷ đồng. Sau đó Thủ tướng tin tưởng và giao bộ tổng số vốn kế hoạch hơn 94,1 nghìn tỷ đồng, đây là số vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay mà bộ được giao. Bộ GTVT đặt mục tiêu tới hết năm nay sẽ giải ngân tối thiểu 90% số vốn kế hoạch trên, điều này được xác định là nhiệm vụ và thách thức vô cùng lớn.

Đặc biệt, ngoài số vốn kế hoạch trên, Bộ GTVT còn số vốn chưa giải ngân hết của năm 2022 chuyển sang, như vậy tổng số vốn bộ này thực hiện trong năm 2023 lên tới khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Để giải ngân được số vốn lớn như vậy, trong năm mới, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục để khởi công 23 dự án giao thông lớn, hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án khác đang thi công. Và như vậy, tính riêng vốn giao mới, bình quân mỗi ngày tốc độ giải ngân phải đạt tương đương hơn 257 tỷ đồng/ngày.

Cụ thể, theo kế hoạch Bộ GTVT dự kiến trong năm nay sẽ khởi công cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cầu Đại Ngãi… Đẩy nhanh tiến độ thi công 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vừa khởi công (ngoài 12 gói thầu đã triển khai, phấn đấu 13 gói thầu còn lại sẽ chọn xong nhà thầu thi công trong tháng 1 này); thúc tiến độ Dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, kênh Chợ Gạo, luồng sông Hậu…

Cũng trong năm nay, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 7 đoạn cao tốc, gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Năm 2024, sẽ tiếp tục hoàn thành cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, ngoài sự chủ động của bộ, chỉ đạo của Chính phủ, còn cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương. Ngay những ngày đầu năm 2023, Bộ GTVT đã họp quán triệt tới tất cả các đơn vị liên quan để: ở công trình trọng điểm lực lượng thi công sẽ không nghỉ Tết; Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý; Phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án; Thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ từng dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án khác làm tốt hơn…

“Bộ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thanh kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, cản trở tiến độ giải ngân, song song với khen thưởng cho cá nhân, tổ chức làm tốt”, ông Huy nói.

Xong cao tốc, quay sang đường sắt tốc độ cao

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GTVT vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, giao thông sẽ là lĩnh vực được kỳ vọng và ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Cả giai đoạn 2021-2025, ngân sách huy động các nguồn khác nhau được gần 500 nghìn tỷ đồng ưu tiên cho đầu tư hạ tầng giao thông (cả nhiệm kỳ trước giao thông chỉ được 136 nghìn tỷ đồng đầu tư công).

Trong đó, ngân sách ưu tiên đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, định hướng tất cả các tỉnh thành đều có cao tốc đi qua, kết nối liên vùng, để từ nhiệm kỳ sau sẽ tập trung cho đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, dù được giao số vốn lớn (hơn 50 nghìn tỷ đồng), nhưng cơ bản giải ngân hết.

Để giải ngân hết số vốn đầu tư công rất lớn này trong năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cụ thể như giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, với giải pháp phân cấp cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng trước, nên trong 1 năm đã xong 70% mặt bằng, công việc mà trước đây phải mất 3-4 năm.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT trong việc chia gói thầu, đấu thầu chọn nhà thầu phải minh bạch, trong sáng, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Việc chia gói thầu không thể quá nhỏ, dàn trải, rồi mua - bán thầu, để tránh tiêu cực, tham nhũng. Bộ GTVT cũng cần làm tốt việc kiểm soát chất lượng, tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra đội vốn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ dự án giao thông…

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cũng cho hay, trong năm 2022, lãnh đạo bộ đã chủ trì trên 600 cuộc họp và rất nhiều đợt kiểm tra hiện trường, làm việc bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, thúc giải ngân vốn. Nhờ đó, tới hết năm vừa qua, Bộ GTVT giải ngân được hơn 47,9 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 50 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giao (đạt 87% tổng vốn kế hoạch); dự kiến tới hết tháng 1/2023 sẽ giải ngân đạt hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư công của năm. Trong năm vừa qua, Bộ GTVT đã khởi công 18 dự án giao thông, hoàn thành đưa vào khai thác 22 dự án khác.

Các dự án giao thông lớn đã khởi công năm vừa qua như 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, cầu Rạch Miễu 2, dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch… Những dự án đã đưa vào khai thác như đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật 3 đoạn cao tốc khác (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây); hoàn thành dự án nâng cấp sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM); xong dự án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam…

Chia sẻ về việc triển khai các dự án giao thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã thẳng thắn nhìn nhận, tiến độ một số dự án giao thông năm vừa qua còn chậm. Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời tiết mưa nhiều, khan hiếm vật liệu xây dựng, vướng mặt bằng; một số ban quản lý dự án (chủ đầu tư), nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa sâu sát quá trình thực hiện dự án. Năm vừa qua, Bộ GTVT cũng đã chấn chỉnh, phê bình 50 đơn vị chưa thực hiện tốt tiến độ, chất lượng công trình, trong đó có 7 chủ đầu tư, 12 nhà thầu tư vấn, 31 nhà thầu thi công; cắt chuyển khối lượng với nhà thầu thi công chậm, xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng.

(Nguồn: CafeF)

VÌ SAO HÀ NỘI ÙN TẮC TRIỀN MIÊN?

(Ảnh minh hoạ).

Càng gần những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, giao thông Hà Nội càng thêm phức tạp. Ùn tắc xảy ra trên nhiều tuyến đường, ở nhiều khung giờ khác nhau. Thẳng thắn chia sẻ vấn đề này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, trong năm 2022 đã xử lý được 8 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng lại dự báo có thêm 10 điểm ùn tắc mới phát sinh. Hiện Hà Nội có tới 35 điểm thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.

Ùn tắc ngày càng phức tạp

Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Hà Nội có khoảng 8,3 triệu người, với 7,7 triệu phương tiện. Trong đó có hơn 1 triệu xe ôtô, 6,65 triệu xe máy.

Theo quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2030, đảm bảo giao thông Thủ đô đáp ứng được các nhu cầu, đất dành cho giao thông đạt 26%. Nhưng hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích xây dựng đô thị mới đạt khoảng hơn 10%. Trong khi đó hàng năm phương tiện giao thông gia tăng 4-5%. Năm 2022, trên địa bàn Hà Nội tăng 340.000 phương tiện. “Điều này dẫn tới ùn tắc ngày càng phức tạp”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lý giải và cho biết, thành phố hiện có 35 điểm thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

Vị này cũng chỉ rõ, nguyên nhân ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội do quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khi số lượng phương tiện giao thông đều tăng hằng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín như vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 3,5, quốc lộ 6, quốc lộ 3 cũ, quốc lộ 1 cũ, quốc lộ 21B; thiếu các cầu qua sông Hồng (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên,...) để tăng tính kết nối Bắc – Nam.

Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, tai nạn giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông; Quá trình tổ chức thi công các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, chưa có thói quen tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

6 nhóm giải pháp giảm ùn tắc

Theo ông Dương Đức Tuấn, để giải quyết ùn tắc giao thông, TP Hà Nội đang tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm.

Giải pháp quan trọng đầu tiên là việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 6; các tuyến đường có tính kết nối như Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.

Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có. Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, trong đó tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị khách theo quy hoạch; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông và xử lý vi phạm TTATGT.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, chú trọng đưa chương trình giáo dục về ATGT vào trong hệ thống giáo dục ngay từ các cấp học đầu tiên; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Đối với các điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, TP Hà Nội đã tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông; Thường xuyên rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý hạn chế xung đột (bao gồm: điều chỉnh chu kỳ đèn, điều chỉnh hạ tầng nút giao, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút, xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành cho các phương tiện lưu thông; Xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút).

Thành phố cũng chỉ đạo Sở GTVT thường xuyên phối hợp với CATP, các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện thực hiện tổ chức phân luồng giao thông hợp lý nhất để phục vụ thi công các dự án; trong quá trình thi công thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư theo dõi, rà soát và điều chỉnh tổ chức giao thông theo tiến độ của dự án phù hợp với tình hình giao thông thực tế để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông,…

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa cơ bản lâu dài, vừa chủ động linh hoạt và tương đối phù hợp với điều kiện tình hình giao thông hiện nay, năm 2022 đã xử lý được 8/35 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, đã xử lý được 20/26 điểm đen về tai nạn giao thông đảm bảo việc đi lại của nhân dân trong và ngoài thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh gần đây đã có công văn về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia – không lái xe” của nhân dân Thủ đô. Đồng thời, nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ; Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.

Đối với các địa bàn có tình hình tai nạn giao thông nguyên nhân liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban ATGT địa phương, lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông Vận tải, các đơn vị liên quan tổ chức phân tích, đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan, tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn.

Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết. Ưu tiên huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo nghiêm minh, quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
(Nguồn: CAND)

TP.HCM ĐỐC THÚC GIẢI NGÂN GẦN 71.000 TỶ ĐỒNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Năm 2023, TP.HCM được giao vốn đầu tư công lên đến gần 71.000 tỷ đồng. Làm sao để “tiêu” được số tiền này nhằm khơi thông nguồn lực dẫn dắt tăng trưởng đang là bài toán nan giải cho đầu tàu kinh tế của cả nước.

Số vốn tăng gần gấp đôi so với năm trước

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, chính quyền TP.HCM đã đốc thúc các sở, ngành cùng các chủ đầu tư tăng tốc để hoàn thiện hồ sơ các dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2023. Sở dĩ TP.HCM phải tăng tốc hoàn thiện hồ sơ các dự án vì số vốn đầu tư công của Thành phố được giao năm nay rất lớn. Theo Nghị quyết đã được HĐND TP.HCM thông qua, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của TP.HCM là gần 71.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 15.293 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng.

Số vốn đầu tư công mà TP.HCM được giao năm nay tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Đây là áp lực rất lớn cho đầu tàu kinh tế của cả nước, vì năm 2022, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Thành phố ở mức thấp. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, dự kiến đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 (tính đến ngày 31/1/2023), TP.HCM giải ngân vốn đầu tư công được 32.222 tỷ đồng trong tổng số 37.463 tỷ đồng vốn được giao, đạt tỷ lệ 86%.

Nhìn vào số vốn đầu tư công năm 2023 của TP.HCM, không khó để nhận ra, phần lớn vốn được “rót” cho các dự án hạ tầng giao thông như Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú (giao 600 tỷ đồng); Dự án mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh (giao 184 tỷ đồng); Dự án thành phần 1 (phần xây lắp) đường Vành đai 3 (giao vốn 1.000 tỷ đồng); Dự án thành phần 2 (bồi thường, tái định cư) đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (giao vốn 11.500 tỷ đồng); Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (779,6 tỷ đồng)…

Dù được giao số vốn lớn, nhưng năm 2023, một loạt dự án như Quốc lộ 50, đường Vành đai 3, một số tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bắt đầu thi công đồng loạt khi đã có mặt bằng. Do vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của TP.HCM được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn.

Loại dự án không có khả năng hoàn thành ngay từ đầu năm

Vấn đề chậm giải ngân đầu tư công tại TP.HCM hầu như năm nào cũng được nhắc đến như một “căn bệnh” mãn tính chưa tìm ra thuốc đặc trị. Dù đã chỉ ra được các nguyên nhân, nhưng đến nay, các giải pháp mà Thành phố thực hiện dường như chưa mang lại kết quả. Chính quyền TP.HCM đang quyết tâm thay đổi cách làm để tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% như Nghị quyết đã được HĐND Thành phố thông qua.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, ngay từ tháng 9/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND Thành phố xây dựng và dự kiến kế hoạch đầu công năm 2023 để chủ động rà soát, xác định nhu cầu vốn của các dự án. Năm 2023, Sở đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn các dự án không có nhu cầu cấp bách, không có khả năng triển khai, hoặc bố trí nhiều hơn nhu cầu vốn thực tế. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo sẵn sàng đủ điều kiện để được xem xét bố trí trong kế hoạch đầu tư công năm 2023, tránh tình trạng vốn chờ thủ tục.

Cùng với các giải pháp đã thực hiện năm 2022 như quy trách nhiệm cho người đứng đầu từng sở, ngành; xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư, nhà thầu, ban quản lý dự án…, năm 2023, TP.HCM đề ra các giải pháp mới để quyết tâm cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công.

Tại cuộc họp HĐND Thành phố diễn ra cuối năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nêu một loạt giải pháp mới để khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, năm 2023, những dự án khi trình hồ sơ lên lãnh đạo Thành phố ký duyệt thì phải đầy đủ. Từ nay đến hết quý I/2023, Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ, những dự án nào khó hoàn thành thì điều chỉnh ngay từ đầu.

Đối với chủ đầu tư, yêu cầu phải lên kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng dự án. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quyết định những dự án nào sẽ tiếp tục và dự án nào cần điều chuyển.

“Từ những vướng mắc của năm 2022, ngay từ đầu năm 2023, phải xác định tiến độ các dự án, nếu thấy khả năng không hoàn thành, hồ sơ phải điều chỉnh ngay. Tinh thần là rà soát ngay từ đầu để thực hiện. Năm 2023, Thành phố sẽ khắc phục những hạn chế của năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

(Nguồn: Tin Nhanh Chứng Khoán)

(Xem thêm:

=> 2026 sửa Luật thuế thu nhập cá nhân; Vụ dừng thu phí QL51; Quy hoạch tuần qua; Thổi giá đất theo cao tốc Bến Lức-Long Thành ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang